Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị cho phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
TCCS - Ngày 11-8-2023, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với các cơ quan hữu quan nhằm rà soát công tác chuẩn bị tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trì cuộc họp giữa lãnh đạo Quốc hội với đoàn giám sát của Quốc hội trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về ba chương trình mục tiêu quốc gia.
Tham dự có đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải; Thượng tướng Trần Quang Phương...
Tại cuộc họp về công tác chuẩn bị cho Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo chương trình, Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 14-8-2023, dự kiến diễn ra trong 7,5 ngày với nhiều nội dung quan trọng và được tổ chức thành hai đợt: Đợt 1 từ ngày 14 đến ngày 18-8-2023; đợt 2 từ ngày 24 đến ngày 26-8-2023. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày làm việc để tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Để chuẩn bị tốt nhất cho phiên chất vấn, trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm các phiên chất vấn trước đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan báo cáo thêm về công tác chuẩn bị, nhất là vấn đề tài liệu, dự thảo Nghị quyết về chất vấn; đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất những vấn đề cần quan tâm để phiên chất vấn diễn ra thành công, sôi nổi với tinh thần xây dựng, mang lại hiệu quả thiết thực. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, công tác chuẩn bị cần kỹ lưỡng, chu đáo. Nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò quan trọng của người trả lời và người đặt câu hỏi, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, muốn có câu trả lời hay, trước hết phải hỏi đúng, hỏi trúng với tinh thần xây dựng.
Trước đó, báo cáo về công tác chuẩn bị phục vụ phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 25, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua rà soát, kiểm tra về nội dung và các điều kiện bảo đảm, đến nay, công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn đã cơ bản được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch. Về nội dung chất vấn, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn hai nhóm vấn đề.
Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn về việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung chất vấn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...). Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Là hoạt động chất vấn tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng “sức nóng” của các nhóm vấn đề được lựa chọn đưa ra chất vấn lần này đều là những nội dung nổi cộm, được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Do đó, công tác chuẩn bị cần bảo đảm khoa học, kỹ lưỡng, chu đáo, nhất là công tác chuẩn bị nội dung, góp phần vào thành công của phiên chất vấn.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chất vấn không phải là đợt “sát hạch” đối với các bộ trưởng mà để cùng nhau làm rõ, thông suốt về nhận thức, cộng đồng trách nhiệm, giải trình trước nhân dân và cử tri vì công việc chung. Với tinh thần đó, các phiên chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay đều đạt chất lượng tốt, hiệu quả thiết thực, với tinh thần xây dựng cao. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 25 tới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục kế thừa tinh thần đó, phát huy được các kết quả đã đạt được.
Tại cuộc họp với đoàn giám sát về ba Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã nghe đại diện đoàn giám sát báo cáo tóm tắt kết quả giám sát; thảo luận và cho ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát ba chương trình mục tiêu quốc gia.
Từ kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, dự thảo báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ rõ những địa phương thực hiện tốt, hiệu quả; địa phương thực hiện chưa tốt; phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm và hướng xử lý; từ đó kiến nghị các giải pháp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu dự thảo báo cáo phải phân tích rõ các kết quả về giải quyết sinh kế, bảo đảm cuộc sống của người dân khi triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; có hay không việc trục lợi chính sách, phân tích kỹ về việc liệu còn tồn tại tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hay không...
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải đề nghị đoàn giám sát tiếp tục bổ sung một số nội dung cụ thể để hoàn thiện dự thảo báo cáo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu tại phiên họp tháng 8-2023.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, đoàn giám sát và tổ giúp việc sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các ý kiến đóng góp của các Phó Chủ tịch Quốc hội nhằm hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 8-2023./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Đại hội đồng AIPA-44 và thăm chính thức Iran  (11/08/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Indonesia  (04/08/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)  (03/08/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Indonesia và Đại sứ Iran  (26/07/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên