TCCS - Ngày 1-4-2021, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội, thảo luận về Báo cáo Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2020. Trong phiên họp buổi chiều, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.

Đầu phiên họp sáng, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết về việc bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội và bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Tại phiên họp, sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội đối với ông Trần Thanh Mẫn, ông Nguyễn Đức Hải, ông Nguyễn Khắc Định.

Kết quả biểu quyết có: 455/456 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, bằng 94,79% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa làm Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng các Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định và Nguyễn Đức Hải_Ảnh: TTXVN

Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021. Các đại biểu đánh giá, báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021) trình Quốc hội cho thấy, trong nhiệm kỳ qua, việc thực hiện kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia. Giải trình về một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Kiểm toán Nhà nước xử lý tài chính được 353.000 tỷ, gấp 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tích cực kiểm tra, đôn đốc các đơn vị được kiểm toán thực hiện kết quả kiểm toán. 

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc_Ảnh: TTXVN

Trong phiên họp buổi chiều, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Sau đó, đại biểu Quốc hội thảo luận ở đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả thảo luận sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội tại phiên làm việc sáng mai ngày 2-4-2021./.

Nguyễn Thùy (tổng hợp)