Tai nạn lao động: thiệt hại lớn nhất thuộc về người lao động
Năm 2007, cả nước xảy ra 5.951 vụ tai nạn lao động, trong đó có 505 vụ tai nạn lao động chết người, 78 vụ có từ 2 người bị nạn trở lên, đặc biệt là vụ sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày 26-9-2007 làm chết 53 người, bị thương 80 người và vụ sạt lở núi đá tại mỏ đá D3 công trình Thuỷ điện Bản Vẽ (Nghệ An) ngày 15-12-2007 làm chết 18 người; Tổng số người bị nạn: 6.337 người, trong đó có 621 người chết và 2.553 người bị thương nặng. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì số liệu trên cũng chưa phản ánh đúng thực chất tình hình tai nạn lao động hiện nay.
Tính đến hết năm 2007, cả nước cũng để xảy ra 2.628 vụ cháy (trong đó 749 vụ cháy rừng) làm chết 43 người, bị thương 171 người, gây thiệt hại nhiều về tài sản. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, trong số 5.207 trường hợp nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật có 813 ca do lao động và ăn uống nhầm.
Dự báo đến năm 2010, hàng năm trong khu vực công nghiệp ở nước ta có khoảng 120 - 130 nghìn người bị tai nạn lao động, hơn 1.200 người chết, làm thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng.
Tình trạng tai nạn lao động liên tiếp xảy ra không chỉ gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp, mà thiệt hại lớn nhất vẫn là người lao động. Bởi vì gia đình họ bị mất người thân, mất nguồn sinh nhai, nếu bị thương, người lao động trở thành người tàn tật suốt đời.
Theo bà Đoàn Minh Hòa, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng trên.
Thứ nhất, do nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động với an toàn lao động còn hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà ít quan tâm tới lao động. Nhiều doanh nghiệp huy động công nhân làm thêm, tăng ca, nhưng chưa quan tâm cải thiện điều kiện làm việc. Việc huấn luyện an toàn cho lao động đôi khi chỉ làm hình thức. Về phía người lao động, do thiếu hiểu biết, ý thức kỷ luật kém, mải chạy theo tiến độ nên đã dẫn đến tai nạn. Trong báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã nêu rõ nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 35,53%, do người lao động chiếm 30%, còn lại do các nguyên nhân khác chiếm 34,47% tổng số vụ tai nạn lao động. Số liệu phân tích cụ thể là: Người sử dụng lao động vi phạm Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, Quy phạm an toàn chiếm 17,62% tổng số vụ; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 11,89% tổng số vụ; chưa huấn luyện an toàn lao động, không có phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 4,72% tổng số vụ; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 1,7% tổng số vụ; không có thiết bị an toàn chiếm 2,2% tổng số vụ; người bị nạn vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động chiếm 25,3% tổng số vụ; người bị nạn vi phạm không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 4,7% tổng số vụ.
Thứ hai, còn nhiều địa phương chưa thấy hết vai trò của mình và ý nghĩa của công tác an toàn lao động trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Vì lẽ đó, họ rất ít quan tâm và đầu tư cho công tác này. Mặc dù tại Quyết định số 233 ban hành ngày 18-10-2006 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình an toàn quốc gia về vệ sinh an toàn lao động nêu rõ trách nhiệm của các địa phương, các địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Thế nhưng rất tiếc, Quyết định của Thủ tướng ban hành từ năm 2006 nhưng đến nay mới có 53 địa phương thực hiện, còn lại 11 tỉnh, thành phố vẫn chưa triển khai.
Thứ ba, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh lao động là thanh tra lao động lại quá mỏng để có thể đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp. Ngành lao động, thương binh và xã hội có 350 thanh tra (trừ số lượng thanh tra Bộ, mỗi tỉnh chỉ có 4 thanh tra), công tác an toàn vệ sinh lao động ở hơn 250 ngàn doanh nghiệp chỉ là một trong số nhiều lĩnh vực của thanh tra, như: Pháp luật lao động, lĩnh vực người có công với cách mạng, chống tệ nạn xã hội...
Để khắc phục tình trạng tai nạn lao động hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Bảo hộ lao động thì: ngành nào, địa phương nào cũng phải có trách nhiệm trong việc quản lí an toàn lao động thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực theo quy định của Chính phủ. Tai nạn lao động xảy ra ở đâu thì nơi đó phải chịu trách nhiệm. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động còn là vấn đề của lương tâm và đạo đức. Bên cạnh đó, cũng cần phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật về lao động cho chủ sử dụng lao động và người lao động; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp; làm tốt công tác tập huấn, huấn luyện và đào tạo cho người lao động về tuân thủ kỉ luật lao động, thực hiện đúng qui trình, qui phạm kĩ thuật an toàn trong công việc. Khuyến khích các doanh nghiệp từng bước đổi mới công nghệ, thiết bị, dây truyền sản xuất mới có độ an toàn cao, thay thế máy móc cũ, lạc hậu, dễ xảy ra tai nạn lao động. Thanh tra lao động cần tăng cường công tác thanh tra để chỉ rõ các cơ sở sản xuất có nguy cơ cao về mất an toàn lao động nếu nguy hiểm phải dừng sản xuất để đảm bảo tính mạng của người lao động, bảo vệ tài sản của nhà nước và doanh nghiệp.
Ngày 18-10-2006, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 233/2006/QĐ- TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010. Hàng năm, chúng ta đều tổ chức Tuần lễ quốc gia về an toàn – vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ. Đây là một hoạt động cần thiết, là cơ hội để cảnh tỉnh và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động tuân thủ các nguyên tắc, quy trình, quy phạm kĩ thuật, hướng đến một môi trường lao động được cải thiện và an toàn.
Tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần thứ 10 (từ ngày 16-22-3-2008) năm nay được phát động tại Phú Thọ và thực hiện trong cả nước với chủ đề: “Cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ”. Các hoạt động sẽ được triển khai theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và hướng về cơ sở.
Khủng hoảng lòng tin - mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ  (21/03/2008)
Khủng hoảng lòng tin - mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ  (21/03/2008)
Một số định hướng và giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp  (21/03/2008)
Lạm phát và phòng, chống lạm phát ở Trung Quốc  (21/03/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên