Thời gian qua, bằng một loạt biện pháp liên tiếp và quyết liệt nhằm giảm thiểu tình trạng bất ổn và nguy cơ tái phát khủng hoảng tài chính, Oa-sinh-tơn đang tập trung mọi nỗ lực để trấn an mối lo ngại về tình hình kinh tế Mỹ trong năm bầu cử. Tuy nhiên, những “liệu pháp” này dường như chưa đủ để xoa dịu sự lo lắng về “sức khỏe của nền kinh tế số một thế giới”.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Mỹ dẫn kết quả thăm dò do báo “Nước Mỹ ngày nay” (USA Today) và viện Ga-lớp (Gallup) phối hợp tiến hành ngày cuối tuần qua (ngày 16-3, ngày mà FED nhất trí hậu thuẫn cho ngân hàng JP Morgan mua lại ngân hàng đầu tư Bear Stearns) cho biết, có tới 75% số người được hỏi nói rằng, kinh tế Mỹ đang trong tình trạng suy thoái, thậm chí có tới 79% lo ngại nước Mỹ có thể rơi vào cuộc đại suy thoái kinh tế. Kết quả này phản ánh sự khủng hoảng lòng tin của người dân Mỹ và nó có thể làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn nữa. Chỉ có chưa đầy 22% số người tham gia cuộc thăm dò cho rằng kinh tế Mỹ chưa rơi vào khủng hoảng, con số này thấp chưa từng có kể từ tháng 9-1992, hai tháng trước khi cựu Tổng thống Bu-sơ cha thất bại trong cuộc đua ở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ 2.

Ngay cả các quan chức trong chính quyền cũng có những phát biểu bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nền kinh tế. Tổng thống Bu-sơ đã mời các nhà báo vào phòng họp thường được sử dụng để gặp các cố vấn kinh tế của ông ở Nhà Trắng, và thừa nhận nước Mỹ đang ở trong thời điểm thách thức, đồng thời khẳng định chính phủ Mỹ sẽ đặt ưu tiên hàng đầu cho vấn đề này. Bộ trưởng Tài chính Hen-ri Pôn-xơn (henry Paulson) hôm 18-3 thừa nhận, kinh tế Mỹ đang đi xuống. Cựu thống đốc FED, A-lan Grin-xpan (Alan Greenspan), trong bài viết trên tờ “Thời báo Tài chính” (Finacial Times), đánh giá nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với tình trạng xấu nhất kể từ Đại chiến thế giới thứ II. Các ứng cử viên tổng thống của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng không đứng ngoài cuộc trong vấn đề kinh tế nóng bỏng hiện nay. Ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) của Đảng Dân chủ công nhận kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái. Cựu Đệ nhất phu nhân Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary Clinton) tỏ ra thận trọng hơn nhưng cũng không thể không công nhận kinh tế Mỹ cần những biện pháp tài chính khẩn cấp.

Ngày 18-3, FED đã tiếp tục nỗ lực cứu vãn nền kinh tế đang bên bờ vực suy thoái bằng việc cắt giảm mức lãi suất cho vay “nóng” giữa các ngân hàng thương mại, từ 3% xuống còn 2,25%. Tuy nhiên, nếu lạm phát trở thành vấn đề nghiêm trọng thì FED có thể sẽ mắc phải tình trạng lạm phát đình đốn (nghĩa là lạm phát tiền tệ mà không có tăng nhu cầu và công ăn việc làm một cách tương ứng trong kinh doanh)- “căn bệnh” tăng trưởng trì trệ xảy ra cùng với đà lạm phát gia tăng.

Một khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải mở rộng chương trình cứu trợ khẩn cấp cho thị trường tài chính và Tổng thống Gióoc-giơ Bu-sơ (George W.Bush) phải tuyên bố chính phủ sẵn sàng hành động mạnh mẽ và quyết liệt, thì suy nghĩ bi quan của người dân Mỹ hẳn không phải là vô căn cứ.

Nhiều nhà phân tích nhận định suy thoái luôn đồng hành với khủng hoảng lòng tin và hiện nay, điều đó đang xảy ra với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, giá cả hàng hóa bán sỉ, không kể giá xăng dầu và thực phẩm, trong tháng 2-2008, lại gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 15 tháng qua với 0,3%. Tính chung trong 12 tháng qua, giá hàng hóa bán sỉ (không kể xăng dầu và thực phẩm) tăng 6,4%, tỷ lệ lạm phát tăng 2,6%. Đây là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao không kiểm soát nổi trong 2 năm qua đã bắt đầu lan rông sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế Mỹ.

Theo các chuyên gia kinh tế Mỹ, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn vào tháng tới khi giá xăng dầu vẫn trên đà leo thang. Giám đốc Vụ Tây Bán cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) An-núp Xinh (Anoop Singh) dự báo cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ có thể khiến cho hệ thống tài chính toàn cầu thiệt hại tới 800 tỉ USD mà nạn nhân là các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và hưu trí.

Phát biểu tại thành phố Xao Pao-lô (Sao Paulo) của Bra-xin ngày 17-3, ông An-núp Xinh nhấn mạnh, những tính toán mới nhất cho thấy tình hình hiện nay dường như xấu hơn nhiều so với dự kiến trước đây. Tháng 9-2007, IMF dự đoán những tổn thất trên toàn cầu liên quan tới cuộc khủng hoảng này chỉ vào khoảng 200 tỉ USD. Nhưng, theo ông Xinh, vào thời điểm hiện tại, chỉ riêng khối ngân hàng trên toàn cầu ước tính đang thiệt hại khoảng 230 tỉ USD, một nửa trong số này là thiệt hại của các ngân hàng Mỹ và phần còn lại chủ yếu của các ngân hàng châu Âu.