Cần giải pháp thống nhất cho nền kinh tế

Trần Quang Vũ
10:08, ngày 21-03-2008

Cuối tháng 2, đầu tháng 3-2008, nền kinh tế Việt Nam có những diễn biến phức tạp. Thị trường tài chính - thị trường nhạy cảm nhất, đã xuất hiện các dấu hiệu bất bình thường. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng hơn 6%, tức là nền kinh tế lạm phát hơn 6% chỉ trong vòng hai tháng. Đây là mức lạm phát rất cao kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay. Giá vàng tăng lên từng ngày, chỉ trong hai tháng, giá vàng tăng hơn 10%. Hệ thống các tổ chức tín dụng thiếu trầm trọng tiền VND, dẫn đến các tổ chức này cho vay nhỏ giọt và có nơi ngừng cho vay. Hệ thống các tổ chức tín dụng đua nhau tăng lãi suất tiền gửi. Ngày 3-3-2008, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tăng lãi suất huy động vốn lên kịch trần (được phép) là 12%. Thị trường chứng khoán biến động mạnh…

Trước tình hình đó, các cơ quan quản lý kinh tế đã có nhiều giải pháp điều hành tài chính tiền tệ như: tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng; yêu cầu các tổ chức tín dụng mua trái phiếu chính phủ để trung hòa VND; khống chế mức lãi suất huy động vốn VND là 12%; hạn chế và sau đó lại mở nguồn tài chính cho thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán…Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, những chỉ số bất lợi đối với sự phát triển của nền kinh tế vẫn chưa có đấu hiệu dừng lại. Hình như bàn tay bật công tắc điều chỉnh nền kinh tế chưa tìm ra được động tác dứt khoát.

Cùng với thị trường tài chính, một số dấu hiệu bất thường của các thị trường khác cũng xuất hiện: Một là, thị trường xuất nhập khẩu phát triển theo hướng “chảy máu ngoại tệ”, mức nhập siêu tăng đột biến không ngừng. Mức tăng nhập siêu trong 2 tháng bằng gần 50% tổng mức xuất khẩu. Ngoài phần nhập siêu do nhập công nghệ, công cụ, nguyên liệu sản xuất thì nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng cần phải báo động. Chỉ trong hai tháng, đã chảy ra nước ngoài 400 triệu USD cho nhập khẩu ô tô, trong khi 14 liên doanh ô tô trong nước chưa sử dụng hết công suất thiết kế! Hai là, một số nhà đầu tư đang xem xét lại hành vi đầu tư của mình trong việc đầu tư cho sản xuất kinh doanh; một số thương nhân bị ách tắc, tuy một số thương vụ do không vay được vốn để thực hiện các hợp đồng đã ký… Ba là, lạm phát tạo ra sự tăng giá thứ cấp và đến lượt nó lại tác động trở lại nền kinh tế.

Nền kinh tế quốc dân đang đối mặt với những thách thức, khó khăn rất cần có lời giải chính xác, kịp thời. Các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý thống nhất nhận định là cần thiết tập trung cao nhất cho việc kiềm chế lạm phát. Một loạt các giải pháp “trung hòa” tiền tệ và thị trường đã được áp dụng. Trong đó, tập trung vào hai loại giải pháp chính là tăng cường sản xuất hàng hóa để cung ra thị trường và áp dụng các giải pháp tài chính: phát hành trái phiếu chính phủ, tăng dự trữ bắt buộc của các tổ chức tính dụng. Trong bối cảnh hiện nay, mọi động thái quản lý, chỉ huy của nhà quản lý đều phải nhìn toàn diện và phân tích sự tác động vào tất cả các thị trường.

Để khắc phục tình trạng này, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ cuối tháng 2 vừa qua, đã đưa ra các giải pháp. Về nhiệm vụ trong tháng 3-2008, Thủ tướng đề nghị các thành viên chính phủ tăng cường công tác dự báo sát với tình hình thực tiễn, nhất là tình hình kinh tế thế giới năm nay khó khăn sẽ tác động nền kinh tế nước ta như: giá cả tăng, lạm phát, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài chậm lại... Chính phủ cùng với các bộ ngành kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế vĩ mô để có chính sách điều hành khoa học, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng nhanh tỷ trọng xuất khẩu và giảm nhập khẩu; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt nhằm đảm bảo diện tích lúa và khôi phục đàn gia súc do rét đậm rét hại vừa qua gây ra. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gỡ giải ngân về vốn ngân sách, trái phiều, vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ đồng bào khó khăn và quan tâm tới công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng...

Để giảm nhập siêu, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế đối với một số mặt hàng và dựng hàng rào kỹ thuật nhằm dùng hàng trong nước, đồng thời đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các dự án phôi thép, phân đạm...Liên quan đến chính sách tiền tệ, các thành viên chính phủ kiến nghị cần phải linh hoạt hơn trong công tác điều hành, đồng thời khấu trừ đầu vào đối với các doanh nghiệp nhà nước đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, thị trường bảo hiểm…

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ cho người dân trong đợt rét đã được công bố như: hỗ trợ 50% giá giống cho các địa phương bị thiệt hại, 50 lít dầu tính bằng tiền cho những người dân quá nghèo… sắp tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ 30% lãi suất thương mại cho ngư dân đóng tàu mới công suất lớn, 1/3 bảo hiểm thân tàu… Để giúp thị trường chứng khoán và bất động sản phát triển, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục cho vay đầu tư chứng khoán và bất động sản trong phạm vi cho phép là 9.000 tỉ đồng.

Kiểm soát lạm phát, song không làm giảm sút tăng trưởng kinh tế - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy trong buổi làm làm việc với lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam; Hiệp hội Xuất khẩu Lương thực, Chế biến xuất khẩu Thủy sản, sáng 20-3 vừa qua. Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp và Hiệp hội Xuất khẩu lương thực, hai Tổng công ty Lương thực miền Bắc, miền Nam… phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định giá xuất khẩu lương thực, không để xảy ra tình trạng tăng giá lúa, gạo cục bộ ở một số địa phương, cân đối lượng lương thực xuất khẩu ở mức thích hợp.

Sản xuất và xuất khẩu thủy sản là lợi thế lớn, là một trong những ngành hàng chủ lực của nông nghiệp Việt Nam, góp phần không nhỏ trong hạn chế nhập siêu, do vậy năm 2008, toàn ngành cần phấn đấu xuất khẩu đạt giá trị hơn 4 tỉ USD. Các ngành có liên quan, nhất là Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại, Hải quan cần nhanh chóng giải quyết một số vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính – tiền tệ, thủ tục hành chính để đẩy mạnh nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy sản...