Ưu đãi người có công với cách mạng một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm qua công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng trên cả 3 lĩnh vực: Chính sách, phong trào chăm sóc của cộng đồng và sự tự vươn lên của đối tượng đã không ngừng được đổi mới, phát triển ngày càng hiệu quả và thiết thực. Đặc biệt là trong những năm đổi mới và hội nhập quốc tế, chính sách ưu đãi người có công đã từng bước được luật hóa, cải cách toàn diện, trở thành một chính sách lớn, chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Cách đây 60 năm, ngày 27-7-1947 tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, trước 300 cán bộ, chiến sĩ, bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ đã được công bố. Cũng trong năm này, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh về chế độ lương hưu thương tật đối với thương binh và chế độ tuất đối với liệt sĩ. Kể từ đó, ngày 27 tháng 7 hằng năm được ghi nhận là ngày kỷ niệm tri ân, ghi nhớ công lao của thương binh, liệt sĩ, những người có công với đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây vừa là truyền thống đạo lý nhân văn của dân tộc, vừa thể hiện trách nhiệm của Nhà nước, nhân dân đối với người có công với nước.
Bao phủ hầu hết diện đối tượng, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản trong chế độ ưu đãi
Nếu tính mốc từ năm 1947, năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh lương hưu thương tật đối với thương binh và chế độ tuất đối với liệt sĩ, là năm khởi điểm của chính sách ưu đãi người có công bắt đầu với 2 chính sách cho thương binh và liệt sĩ với 3 đối tượng được thụ hưởng thì đến nay chính sách ưu đãi người có công đã mở rộng tới 10 nhóm chính sách ưu đãi với 13 diện đối tượng được hưởng. Tính chất ưu đãi cũng thay đổi theo điều kiện kinh tế của đất nước, từ định tính sang định lượng, từ những phong trào mang tính vận động sang thể chế hóa một cách cụ thể.
Nếu ở thời kỳ chống Pháp, chế độ đối với thương binh và gia đình tử sĩ chỉ mang tính trợ cấp khó khăn, đến giai đoạn 1954 - 1964, chế độ đối với thuơng binh được bổ sung thêm, ngoài chế độ trợ cấp, tùy theo điều kiện thương binh về gia đình hay ở trại nuôi dưỡng còn được bổ sung thêm chế độ phụ cấp sản xuất, miễn giảm thuế nhà nước, được hưởng chế độ tuyển dụng, ưu tiên đi học.
Năm 1964, Chính phủ ban hành Điều lệ ưu đãi đối với quân nhân khi bị ốm đau, bị thương, bị mất sức lao động, về hưu hoặc chết. Quân nhân dự bị, dân quân tự vệ ốm đau, bị thương hoặc bị chết khi làm nhiện vụ quân sự đều được hưởng chế độ. Từ năm 1966, chế độ ưu đãi đã mở rộng đối với lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước và dân công hỏa tuyến phục vụ các chiến trường, lực lượng vận tải bốc xếp, sơ tán hàng hóa, cán bộ chủ chốt xã, cán bộ y tế cấp cứu hàng không.... Những đối tượng trên khi làm nhiệm vụ bị thương hoặc hy sinh được xác nhận là người được hưởng chính sách như thương binh và liệt sĩ.
Giai đoạn từ 1975 - 1985, đất nước thống nhất, chính sách đối với người có công tập trung vào việc giải quyết tồn đọng và bổ sung thêm nhiều quy định về tiêu chuẩn đối với thương binh, liệt sĩ, bổ sung thêm đối tượng người có công giúp đỡ cách mạng vào đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước; thống nhất 2 chế độ thương binh, 6 hạng của thời kỳ chống Pháp và 8 hạng của thời kỳ chống Mỹ thành một chế độ thương binh 4 hạng. Giai đoạn này do điều kiện kinh tế đất nước khó khăn nên chính sách ưu đãi cũng mới chỉ giải quyết một phần khó khăn trước mắt trong đời sống người có công.
Từ năm 1995, công cuộc đổi mới của đất nước bước vào giai đoạn phát triển, công tác "Đền ơn, đáp nghĩa" được Đảng, Nhà nước ta chăm lo một cách toàn diện hơn, mở đầu là việc ban hành Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng và Pháp lệnh phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Với 2 Pháp lệnh trên, đối tượng được mở rộng đến người hoạt động cách mạng trước và từ 1-1-1945 đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 (cán bộ tiền khởi nghĩa), người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến, giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc được thưởng huân, huy chương. Trong giai đoạn này cùng với sự chú trọng, đề cao, tôn vinh sự hy sinh to lớn, những cống hiến lớn lao của người có công đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, chính sách ưu đãi đã bắt đầu tính đến đáp ứng bước đầu những nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của người có công. Đặc biệt, bên cạnh hệ thống chính sách cơ bản của Nhà nước, các phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", "Uống nước, nhớ nguồn", chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng của các tổ chức xã hội và cá nhân đã được khơi dậy mạnh mẽ, sôi nổi và đi vào chiều sâu trong toàn quốc, tạo thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta trong tri ân những người có công với nước. Qua các phong trào đó đã huy động được một nguồn lực xã hội to lớn vào công tác chăm sóc thương binh liệt sĩ và người có công.
Hằng năm bên cạnh hàng nghìn tỉ đồng từ ngân sách nhà nước chăm lo cho đối tượng người có công, thông qua 5 chương trình tình nghĩa, bằng nguồn vốn vận động từ cộng đồng, cả nước đã xây mới được 245.412 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 104.125 nhà với tổng số tiền trên 2.389 tỉ đồng; tiếp nhận sự ủng hộ đóng góp của toàn xã hội lên tới 3.950 tỉ đồng; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận phụng dưỡng đến cuối đời; trên 32.000 bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn được các đoàn thể, cá nhân nhận giúp đỡ, chăm sóc chu đáo; hơn 20.000 thương binh, bệnh binh nặng được giúp đỡ ổn định sức khỏe và đời sống, trên 604.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa được trao tặng cho gia đình chính sách khó khăn. Hằng năm Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" trung ương huy động được trên 1.584 tỉ đồng, trên 12.000 vườn cây tình nghĩa được trao tặng và tạo lập, 9.636 xã, phường được ủy ban nhân dân các tỉnh công nhận hoàn thành 6 chỉ tiêu về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.
Đầu năm 2005, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu trình Chính phủ, ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi), trong đó quy định lại một cách hệ thống về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn và chế độ ưu đãi phù hợp thời kỳ mới. Cụ thể, đối tượng ưu đãi đã được mở rộng từ 7 đối tượng ở Pháp lệnh trước đây lên 13 đối tượng bao gồm không chỉ người có công với cách mạng mà cả thân nhân của họ; thương binh loại B xác định trước ngày 31-12-1993 (quân nhân bị tai nạn lao động); bệnh binh mất sức lao động từ 41% - 60% được công nhận trước ngày 31-12-1994 (quân nhân bị bệnh nghề nghiệp); người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người có công giúp đỡ cách mạng trong gia đình được tặng Huân huy chương kháng chiến; bổ sung chế độ mai táng phí đối với một số đối tượng người có công hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, bổ sung chế độ người có công sau khi chết, thân nhân của họ tiếp tục được hưởng một khoản trợ cấp quy định bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp trước khi chết; bổ sung chế độ đối với bố mẹ, vợ hoặc chồng, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không phụ thuộc tuổi đời, thân nhân 2 liệt sĩ được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng...
Gần đây, ngày 18-6-2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi bổ sung ưu đãi người có công với cách mạng lần thứ 3. Theo đó, người có công với cách mạng đã chết mà chưa được hưởng chế độ lần nào sẽ được hưởng ưu đãi một lần. Với các chính sách trên, đến nay cả nước có khoảng 8,1 triệu người với 13 diện đối tượng hưởng chế độ ưu đãi và chăm sóc, cơ bản "phủ sóng" chính sách đến hầu hết các đối tượng có công với cách mạng. Trong đó khoảng 1,5 triệu người hưởng trợ cấp hằng tháng, gần 4,2 triệu người hưởng trợ cấp một lần. Ngoài chế độ trợ cấp, người có công với cách mạng còn được hưởng các chính sách ưu đãi tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản khác như chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ cải thiện nhà ở, ưu đãi giáo dục và đào tạo, ưu đãi trong sản xuất và kinh doanh. Trong đó hơn 1 triệu người có công được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, 40.000 con em gia đình chính sách được hưởng ưu đãi trong giáo dục và đào tạo, hơn 14.000 cán bộ tiền khởi nghĩa được hỗ trợ về nhà ở; hàng vạn gia đình, thương binh, liệt sĩ, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng được hỗ trợ cải thiện nhà ở hoặc được ưu đãi khi mua nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Tổng hợp nguồn lực từ chính sách và chăm sóc từ cộng đồng, đến nay cả nước chỉ còn dưới 5% hộ chính sách thuộc diện nghèo, hơn 85% gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình khu dân cư, nhiều hộ gia đình chính sách có mức sống khá và giàu nhờ được vay vốn và biết cách làm ăn. Hàng chục vạn người có công và con em của họ đã trở thành "người công dân kiểu mẫu", "gia đình cách mạng gương mẫu".
Cải cách trong thủ tục, đổi mới trong tiếp cận chuẩn điều chỉnh mức trợ cấp
Ý thức ưu đãi người có công là một hệ thống chính sách quan trọng, có ý nghĩa chính trị to lớn, những năm qua Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan được Đảng, Nhà nước giao trọng trách nghiên cứu chính sách và quản lý đã bám sát thực tiễn, đổi mới tư duy trong tổng kết và nghiên cứu khoa học, tham mưu giúp Chính phủ cải cách sửa đổi chính sách trong lĩnh vực người có công theo hướng tiếp cận với những tiêu chí mới về nội dung, cải cách triệt để những thủ tục gây phiền hà cho đối tượng, gây tiêu cực trong quản lý. Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phân cấp triệt để đến địa phương công tác xác nhận người có công, công tác giới thiệu giám định bổ sung thương tật; công tác cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công... Quy định rõ mức trợ cấp ứng với từng đối tượng trong các văn bản hướng dẫn nhằm tránh nhầm lẫn và tiêu cực trong việc chi trả chế độ cho đối tượng.
Bộ cũng tiến hành cải cách thủ tục hành chính trong quá trình xem xét, xác nhận người có công theo hướng phân cấp, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm trong từng khâu, nhằm bảo đảm việc thực hiện chính xác chế độ ưu đãi, xử lý nghiêm những vi phạm và khắc phục những sai xót tồn tại. Đồng thời nghiên cứu tiến tới cấp giấy chứng nhận hưởng chính sách ưu đãi cho người có công và thân nhân của họ được thuận tiện, đơn giản. Từng bước tiền tệ hóa trong việc cung cấp trang thiết bị trợ giúp, chỉnh hình, phục hồi chức năng đối với người có công để người có công được tự lựa chọn các dịch vụ phù hợp với điều kiện và khả năng của bản thân.
Tiếp cận những tiêu chí mới trong xây dựng chính sách, mức trợ cấp hằng tháng đối với người có công được đổi mới, tính toán trên cơ sở tương ứng với mức tiêu dùng trung bình xã hội. Chế độ ưu đãi đối với người có công sẽ được cải thiện tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tiếp tục cuộc vận động toàn dân chăm sóc người có công, hoàn thiện Dự án Luật Ưu đãi người có công
Tiến tới Kỷ niệm 60 năm Ngày thương binh, liệt sĩ, cả nước tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với người có công với cách mạng, phát huy truyền thống yêu nước trong các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể - xã hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cuộc vận động "Đền ơn, đáp nghĩa", tập trung vào các gia đình chính sách còn nhiều khó khăn, người có công với cách mạng đang sống cô đơn không nơi nương tựa, các gia đình chính sách đang sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng. Kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm minh các tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm, quan liêu, tham nhũng, cố ý làm trái trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.
Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân tham gia xây dựng "Đền ơn, đáp nghĩa" và các phong trào tình nghĩa để có thêm nguồn lực chăm sóc tốt hơn đời sống các gia đình chính sách. Đồng thời, qua đó tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Tập trung nguồn lực giúp đỡ các gia đình chính sách còn nhiều khó khăn, cải thiện cuộc sống một cách thiết thực, bền vững như quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ phát triển sản xuất kinh doanh. Chăm lo giáo dục, đào tạo cho con em thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công để tiếp nối truyền thống cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Tập trung tuyên truyền cổ vũ những tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu trong lao động, học tập, làm kinh tế và hoạt động văn hóa, xã hội.
Gắn phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công, trên cơ sở đó từng cấp, từng đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thiết thực.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công, tiến tới nghiên cứu xây dựng dự án Luật Ưu đãi người có công.
Tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với người có công, đặc biệt là thực hiện chính sách với đối tượng hưởng chế độ bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh.
Đoàn đại biểu Tạp chí Cộng sản thăm và làm việc tại Liên bang Nga  (18/07/2007)
Việt Nam - Ấn Độ: đối tác chiến lược  (17/07/2007)
"Cổ" và "phần" của ai?  (17/07/2007)
Lối thoát nào cho Đô-ha?  (17/07/2007)
Sợi dây chuyền vàng" của tình hữu nghị Việt - Ấn  (17/07/2007)
Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa VN và Ấn Độ  (17/07/2007)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên