TCCSĐT - Sau hai ngày thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Ê-ca-tê-rin-bua (Nga), hôm qua (16-6), lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã ký Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh “mở rộng cửa cho cuộc đối thọai nhằm xây dựng trật tự thế giới công bằng hơn, củng cố sự ổn định phạm vi toàn cầu, phát triển kinh tế”.

SCO là cơ chế được thành lập để duy trì an ninh trong khu vực trách nhiệm của mình. Tham gia SCO có Nga, Trung Quốc, Ca-dắc-xtan, Ki-rơ-gi-di-a, Ta-gi-kit-xtan và U-dơ-bê-kit-xtan.

Hội nghị thượng đỉnh SCO được tổ chức ở Ê-ca-tê-rin-bua lần này là cuộc gặp gỡ thường niên lần thứ 9 của SCO. Các nước với quy chế “quan sát viên” cũng thể hiện sự quan tâm lớn đến Tổ chức này, trong số đó có Áp-ga-nit-xtan và I-ran. Lãnh đạo của hai quốc gia này đã đến Ê-ca-tê-rin-bua.

Ngày 16-6, các nhà lãnh đạo SCO đã ký Tuyên bố Ê-ca-tê-rin-bua - văn kiện chính trị cơ bản, trong đó đưa ra những đánh giá về tình hình quốc tế hiện nay. Trong Tuyên bố nhấn mạnh xu thế hình thành thế giới đa cực là không thể đảo ngược, cần phải nâng cao vai trò của các khu vực trong qúa trình giải quyết các vấn đề toàn cầu; mở rộng sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát và quản lý hệ thống tài chính thế giới...
 
Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép khẳng định rằng, uy tín và phạm vi ảnh hưởng của SCO trên thế giới ngày càng tăng, SCO đang trở thành một diễn đàn không chỉ để thảo luận về những vấn đề khác nhau, mà còn đưa ra các phương pháp giải quyết các vấn đề đó.

Trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh ở Ê-ca-tê-rin-bua đã diễn ra cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Đ.Mét-vê-đép và Tổng thống I-ran Mác-mut A-mat-đi-nê-dát. Ông A-ma-đi-nê-dát đã đến dự Diễn đàn với tư cách khách mời.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây Ri-a-cốp cho biết, chuyến thăm này của Tổng thống I-ran phản ánh mối quan hệ đối tác, láng giềng thân thiện và hữu nghị truyền thống lâu dài giữa Mát-xcơ-va và Tê-hê-ran”. Không phải ngẫu nhiên mà ông A-ma-đi-nê-dát lại chọn LB Nga làm điểm đến đầu tiên của mình trong chuyến công du nước ngoài ngay sau khi tái đắc cử. Nói theo cách của các chính trị gia thì “điều đó có ý nghĩa tượng trưng và bảo đảm cho quan hệ Nga - I-ran tiếp tục phát triển”. Còn dư luận thì tiếp tục cho rằng, Nga - với tư cách là thành viên tích cực của SCO - sẽ là yếu tố không thể thay thế trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran. Điều đó lại một lần nữa khẳng định tầm ảnh hưởng ngày càng lan toả của SCO trong giải quyết hàng loạt vấn đề quốc tế./.