Giao ban báo chí nhân kỷ niệm 84 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6)
14:14, ngày 17-06-2009
Sáng 16-6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức giao ban báo chí hằng tuần. Ðồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đã đến dự và phát biểu ý kiến nhân kỷ niệm 84 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2009).
Cùng dự buổi giao ban báo chí, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Ðinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Nguyễn Văn Son, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư.Thay mặt lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí và truyền thông, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Ðỗ Quý Doãn bày tỏ cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và các ngành, các cấp đối với đội ngũ báo chí cả nước.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Ðinh Thế Huynh phát biểu ý kiến, nêu bật truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc. Những người làm báo nguyện phấn đấu rèn luyện nâng cao bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng làm báo để xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Ðồng chí chúc mừng các nhà báo cả nước nhân Ngày truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà.
Phát biểu ý kiến tại cuộc giao ban, đồng chí Tô Huy Rứa, thay mặt lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, gửi lời chúc mừng giới báo chí cả nước nhân kỷ niệm 84 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ðồng chí biểu dương, đánh giá cao những thành tựu của đội ngũ báo chí nước nhà, các thế hệ những người làm báo trong hơn 80 năm qua đã tô thắm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức và rèn luyện. Ðồng chí nói: Cách đây 84 năm, báo Thanh niên, tờ báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam gắn liền với tên tuổi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra mắt bạn đọc. Từ tờ báo đầu tiên đó, cùng với quá trình đi lên của cách mạng, báo chí cách mạng Việt Nam, được Ðảng và Bác Hồ dìu dắt, đã không ngừng phát triển, góp phần hết sức quan trọng vào việc tuyên truyền đưa Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam; chuẩn bị về mặt tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3 tháng 2 năm 1930. Tiếp sau đó, với vai trò là một binh chủng của công tác tư tưởng - văn hóa do Ðảng lãnh đạo, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục đi đầu trong công tác tuyên truyền, góp phần làm nên những chiến công chói lọi và những sự kiện mang tính trọng đại: Cách mạng Tháng Tám 1945, Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, Ðại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, và công cuộc đổi mới đất nước thắng lợi.
Những đóng góp to lớn, quan trọng nêu trên của báo chí và các thế hệ làm báo cách mạng Việt Nam đã được Bác Hồ, Ðảng, Nhà nước khẳng định, biểu dương; nhân dân và xã hội ghi nhận.
Hiện nay, phát huy truyền thống vẻ vang của mình, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, phấn đấu cho mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" mà Ðảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn.
... Chặng đường vẻ vang 84 năm qua thể hiện và chứng minh đặc điểm mang tính bản chất của báo chí cách mạng Việt Nam: Báo chí cách mạng ra đời xuất phát từ yêu cầu của cách mạng, do Ðảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lãnh đạo; luôn gắn bó máu thịt và phấn đấu hết mình cho lợi ích của nhân dân và Tổ quốc.
... Như chúng ta đã biết, sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế liên tục, ở mức cao, từ những tháng cuối năm 2007, năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 là khoảng thời gian Việt Nam đang trong chặng đường đầu của quá trình hội nhập quốc tế, phải gồng sức gánh chịu và đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu. Ðó là chưa kể nhiều khó khăn, thử thách khác do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; dịch bệnh; thiên tai... Trong bối cảnh đó, bằng trí tuệ và bản lĩnh của một dân tộc, một đảng, một nhà nước có truyền thống vẻ vang, được thử thách, tôi luyện qua những thời khắc, tình huống khốc liệt, cam go, nghiệt ngã trong lịch sử, chúng ta đã bình tĩnh, sáng suốt, bám sát thực tiễn; phân tích, đánh giá sâu sắc, toàn diện tình hình, dự báo các khả năng, tình huống có thể xảy ra, trên cơ sở đó, ban hành những chủ trương, chính sách, giải pháp quan trọng, phù hợp nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ lao động mất việc làm...
... Trong kết quả chung đó, công lao của báo chí là hết sức quan trọng. Các cơ quan báo chí vừa chủ động, nỗ lực giải quyết những khó khăn của chính mình do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế (giá giấy, công in tăng; lượng phát hành và doanh số quảng cáo giảm, ảnh hưởng tới thu nhập của cán bộ, phóng viên...), vừa nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác tuyên truyền trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế đất nước. Hầu hết, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tuyên truyền của cơ quan lãnh đạo, quản lý, triển khai tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Ðảng; các nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm đối phó với tác động của suy thoái kinh tế thế giới gắn với giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội trong nước thành chủ đề xuyên suốt, nổi bật nhất trên mặt báo và trên sóng phát thanh, truyền hình. Nhờ cách làm đúng đắn và sáng tạo đó, không chỉ các chủ trương, giải pháp của Ðảng, Chính phủ đi vào cuộc sống một cách kịp thời mà còn giúp cho nhân dân hiểu rõ tình hình; tin tưởng, đồng thuận với sự lãnh đạo của Ðảng và sự điều hành của Chính phủ. Nói một cách khác, trong công việc này, báo chí đã thật sự thể hiện vai trò và ưu thế của một binh chủng tiên phong trong công tác tư tưởng, thật sự làm cho công tác tư tưởng đi trước một bước trong quá trình triển khai một nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Cũng nhờ bám sát và nhạy cảm trước thực tiễn, cùng với việc phát hiện, biểu dương các điển hình tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động trong điều kiện khó khăn, báo chí cũng đã đề cập, phân tích, phản ánh tới Ðảng, Chính phủ những vấn đề cần quan tâm, nhất là những bất cập liên quan quá trình thực hiện các nhóm giải pháp do Chính phủ chỉ đạo, điều hành, như: giải ngân nguồn vốn kích cầu đầu tư và tiêu dùng; khai thác tiềm năng thị trường trong nước, điều hành tỷ giá, chương trình nhà ở xã hội, nguy cơ lạm phát tái diễn...; đồng thời, kiến nghị những giải pháp thiết thực, có tính khả thi nhằm tháo gỡ, khắc phục. Những phản ánh, đề xuất, kiến nghị nêu trên đã được Ðảng, Chính phủ, các ngành, các cấp quan tâm.
Ðồng chí Tô Huy Rứa chỉ rõ: Trong năm 2008 và thời gian vừa qua, báo chí cũng tiếp tục triển khai một cách kiên trì một số công việc nằm trong chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng: đi tiên phong trong tuyên truyền đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội; đấu tranh chống các thế lực thù địch trong và ngoài nước xuyên tạc thực tế tình hình dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn luận ở Việt Nam; khẳng định một cách thuyết phục chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam đối với những vấn đề trên. Nhiều cơ quan báo chí tham gia tích cực và hiệu quả vào công việc từ thiện, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng khó khăn của đất nước.
Ðồng chí Tô Huy Rứa cũng đã chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót ở một số cơ quan báo chí, khuynh hướng "thương mại hóa" vẫn chưa được khắc phục rõ nét; còn nhiều tin, bài thông tin thiếu chuẩn xác; một số trường hợp đấu tranh chống tiêu cực chưa đạt hiệu quả do thông tin không chuẩn xác, động cơ không trong sáng, thái độ thiếu tinh thần xây dựng, ngôn từ không bảo đảm tính văn hóa; số cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm kỷ luật, sai sót trong tác nghiệp còn nhiều; chưa quan tâm đúng mức đến cơ cấu nội dung, đưa quá liều lượng các thông tin liên quan mặt trái khiến các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo chế độ ta.
Ðồng chí Tô Huy Rứa cho rằng: Những thiếu sót, khuyết điểm trên đây có phần trách nhiệm thuộc về các cơ quan báo chí và nhà báo, cũng có phần trách nhiệm của các cơ quan lãnh đạo, quản lý còn bị động, lúng túng, tiến độ xây dựng ban hành văn bản pháp lý liên quan báo chí còn chậm, thiếu tính đồng bộ; chậm trễ trong việc tổng kết thực tiễn, nhất là những vấn đề liên quan mô hình tổ chức cơ quan báo chí, phương thức hoạt động, cơ chế tài chính đối với báo chí trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Ðồng chí Tô Huy Rứa nêu rõ: Chặng đường tiếp theo của công cuộc đổi mới đất nước đang đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam những nhiệm vụ vẻ vang, nhưng cũng rất nặng nề. Ðể hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang đó, mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí cần nhận rõ ưu điểm, thành tích; hạn chế, thiếu sót; phát huy cao hơn nữa trí tuệ, tài năng, tâm huyết, sức sáng tạo và lòng trung thành với Ðảng, với dân tộc và Tổ quốc./.
Ngăn chặn suy giảm kinh tế, sớm cấu trúc lại nền kinh tế  (16/06/2009)
Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 15  (16/06/2009)
Bắt giữ Lê Công Định-một hành động đúng đắn vì lợi ích đất nước  (16/06/2009)
Thông cáo số 21 kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII  (15/06/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay