Nước Nga “hậu Xô viết”: Phân tích và dự báo
TCCS - Gần hai mươi năm đã qua kể từ ngày Liên bang Nga - "nước Nga mới", nước Nga “hậu Xô viết” - bước lên vũ đài quốc tế không chỉ với tư cách một quốc gia độc lập, có chủ quyền, được cộng đồng thế giới thừa nhận, mà còn với tư cách "quốc gia kế tục Liên Xô". Qua bao thăng trầm, Liên bang Nga giờ đây dường như đã hội tụ đầy đủ các yếu tố làm nên sức mạnh của một cường quốc thời kỳ "hậu Xô Viết". Vậy vị thế nào cho quốc gia này trên trường quốc tế trong những thập niên đầu thế kỷ XXI?
Tương lai khó đoán định
Kế thừa tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học, kỹ thuật - “sức mạnh cứng” - cùng nguồn nhân lực trình độ cao, ảnh hưởng chính trị quốc tế - “sức mạnh mềm” - của Liên Xô, trong những năm đầu, các nhà lãnh đạo chính trị của "nước Nga mới" đã tin tưởng về một viễn cảnh tươi sáng cho nước Nga khi đoạn tuyệt "chế độ cực quyền" để xây dựng nền "dân chủ hiện đại", chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ sang cơ chế thị trường bằng "liệu pháp sốc" và tư nhân hóa. Các chính phủ và phương tiện thông tin đại chúng phương Tây cũng ra sức cổ xúy cho "niềm lạc quan" đó bằng rất nhiều những ngôn từ "có cánh".
Song, thực tiễn 10 năm đầu sau khi Liên Xô tan rã, bức tranh toàn cảnh “nước Nga mới” lại ảm đạm hơn nhiều. Con đường “chuyển đổi” của nước Nga trên thực tế vô cùng khó khăn, kết quả đạt được rất hạn chế. Theo đánh giá của một học giả phương Tây năm 1998 về hiện trạng nước Nga "hậu Xô viết", "Nga có xu hướng tồn tại như một chính thể đa nguyên với nền dân chủ và luật pháp yếu kém, một xã hội dân sự mới phôi thai, một nền kinh tế dựa trên khai thác nguyên liệu thô và một dân số bần cùng hóa"(1). Dường như trong 10 năm đó, nước Nga vẫn "quẩn quanh trong ngõ cụt", không tìm thấy lối ra.
Vấn đề tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi, hòa bình, ổn định và an ninh, tập trung các ưu tiên cho phát triển kinh tế, chấn hưng nước Nga, đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc thế giới hùng mạnh, có vai trò, vị thế quốc tế xứng đáng với tiềm năng, tiềm lực và truyền thống của nước Nga trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành vẫn là những mục tiêu xuyên suốt của nước Nga hiện nay.
Và rồi, tình hình nước Nga đã trở nên sáng sủa hơn kể từ khi V. Pu-tin lên cầm quyền từ năm 2000. Tám năm cầm quyền của Tổng thống V. Pu-tin đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của nước Nga, đưa nước Nga hồi sinh mạnh mẽ, từng bước tái khẳng định vị thế, vai trò của một cường quốc.
Vậy tương lai của nước Nga như thế nào? Để dự báo điều này, trước hết phải căn cứ vào thực lực hiện tại của nước Nga. Tuy nhiên, với tất cả những lợi thế vốn có cũng như những điểm yếu và khó khăn hiện thời cho thấy nước Nga đang ẩn chứa rất nhiều biến số khó đoán định.
Chẳng hạn, nếu như hiện trạng kinh tế nước Nga trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống V. Pu-tin nhìn chung là sáng sủa, thì nền kinh tế này lại đang bị tác động rất mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu hiện nay. Đó là việc nhiều ngân hàng lâm vào nguy cơ phá sản; đồng rúp tụt giá; dự trữ ngoại tệ của Nga bị đe dọa cạn kiệt do giá dầu giảm mạnh, chính phủ buộc phải sử dụng dự trữ tiền tệ quốc gia để cứu trợ nền kinh tế; số người thất nghiệp tăng nhanh... Ngoài ra, việc nước Nga sẽ chiếm vị trí nào trên trường quốc tế không chỉ phụ thuộc vào thực lực nước Nga mà còn phụ thuộc rất lớn vào các nhân tố bên ngoài, nhân tố quốc tế.
Nhưng bất luận thế nào, dù sự vận động trong tương lai của nước Nga tác động tích cực hay tiêu cực đối với tình hình kinh tế - chính trị thế giới, thì bản thân nước Nga cũng đã trở thành mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ - một trung tâm nghiên cứu chính sách lớn của Mỹ, ông Ri-sác N. Ha-át quả quyết rằng: đường hướng phát triển của nước Nga sẽ là nhân tố chủ chốt quyết định tính chất của thế kỷ XXI cũng như nó đã từng như vậy trong thế kỷ XX(2). Ông R.N. Ha-át đưa ra nhận định này dựa trên những thế mạnh của Nga, đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế kỷ lục trong những năm gần đây; vị thế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân lớn; diện tích lãnh thổ rất lớn; sở hữu trữ lượng dầu mỏ khổng lồ và các khoáng sản quý... Ông R.N. Ha-át cho rằng: chỉ riêng trong lĩnh vực dầu mỏ, mọi động thái của Nga trong chính sách năng lượng cũng có thể tác động khiến cho giá dầu thế giới tăng lên hay giảm xuống.
Tuy nhiên, Nga cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, như: tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, do vậy, không ổn định và không bền vững; dân số giảm quá nhanh, ảnh hưởng tới lực lượng lao động; chủ nghĩa dân tộc Nga... Chính vì vậy, theo R.N. Ha-át, nước Nga có thể, trong kịch bản tốt nhất, sẽ trở thành đối tác tiềm tàng trong nỗ lực giải quyết các thách thức của toàn cầu hóa. Và trong kịch bản xấu nhất, sẽ là một thách thức đối với trật tự thế giới; có khả năng gây khó dễ trong các vấn đề quốc tế (2).
Nói đến việc nước Nga “hậu Xô viết” sẽ đi tới đâu, người ta không thể không nói đến một nhân tố đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiều hướng phát triển tương lai của quốc gia này, đó là vai trò của cá nhân lãnh tụ. Gần như đã trở thành truyền thống ở nước Nga từ thời Sa hoàng đến thời Liên Xô, cá nhân lãnh tụ thường là người đưa ra những quyết sách cuối cùng về mọi vấn đề sống còn của đất nước. Bàn về vai trò của lãnh tụ nước Nga “hậu Xô viết”, chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa B. En-xin và V. Pu-tin. Quả vậy, Tổng thống V. Pu-tin đã để lại dấu ấn khá rõ nét trong cả hai nhiệm kỳ liên tiếp. Báo chí quốc tế nhắc đến Tổng thống V. Pu-tin với các điểm mạnh như: biết tiếp cận phương Tây thích đáng; dễ làm cho người khác có cảm tình; rất tỉnh táo khi đánh giá vai trò nước Nga trong thế giới hiện đại; biết cách lắng nghe và tôn trọng cả đối thủ lẫn người đối thoại; có năng lực làm việc với cường độ cao mà hiệu quả; không dễ phản bội bạn bè cũ; xác định rõ ràng và đúng đắn mục tiêu hàng đầu là cải thiện nền kinh tế Nga; tính kỷ luật cao vì từng là nhân viên tình báo KGB; biết cách thỏa hiệp; rất thực tế, có lúc thực dụng, khác với nhiều người tiền nhiệm(3).
Về phần mình, trong Thông điệp Liên bang đọc trước Đu-ma Quốc gia khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống V. Pu-tin nói: "Tôi đã làm việc hết lòng trong 4 năm qua, rất trung thực... Tôi hứa là sẽ tiếp tục làm việc theo nhịp độ như thế trong 4 năm tiếp theo". Tổng thống Nga lúc đó cũng xác định rất rõ ràng những mục tiêu cho chặng đường sắp tới của nước Nga là phải tạo dựng cho người dân mức sống cao, cuộc sống an toàn, tự do và đầy đủ tiện nghi; nền dân chủ chín muồi và một xã hội công dân phát triển; củng cố vị thế của nước Nga trên thế giới(4). Đồng thời, ông đã chỉ ra rằng: "Quy mô những nhiệm vụ đặt ra đối với đất nước đã thay đổi cơ bản. Chúng ta cần phải làm cho chính sách đối ngoại phù hợp với những mục tiêu và khả năng của giai đoạn phát triển mới". Còn tổng thống đời thứ ba của nước Nga “hậu Xôviết” - Đ. Mét-vê-đép, dù hãy còn rất trẻ và mới lên cầm quyền (từ ngày 7-5-2008), nhưng cũng đã được dư luận Nga đánh giá là bắt đầu chứng tỏ được những tố chất cần thiết của một vị lãnh tụ, đầu tiên là trong cuộc chiến 5 ngày (tháng 8-2008) với Gru-di-a, sau đó là trong quan hệ với các nước phương Tây cũng như trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Nga...
Nhưng cũng vô cùng rõ ràng và hiển nhiên rằng, dù cá nhân tổng thống Nga có tài giỏi đến đâu thì việc chèo lái nước Nga và trong bối cảnh quốc tế hiện nay là rất khó khăn. Cộng đồng quốc tế đã từng chứng kiến không ít lần cựu Tổng thống Nga V. Pu-tin "lực bất tòng tâm" trong xử lý các vấn đề đối ngoại và đối nội của quốc gia này những năm gần đây. Điều rất đáng nói nữa là cho đến nay, hệ thống chính trị của nước Nga “hậu Xô viết” vẫn chưa tạo dựng được sự ổn định, tính vững chắc để trở thành điểm tựa tin cậy cho các quyết sách của tổng thống. Do vậy, để phát triển và thành công, nước Nga vẫn rất cần xây dựng được một hệ thống chính trị ổn định và được dân chúng tín nhiệm.
Tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại
Cùng với sự vận động của các nhân tố chủ quan và khách quan như kể trên, có thể tóm lược đường hướng vận động của nước Nga trên trường quốc tế trong ít nhất hai thập niên đầu thế kỷ XXI như sau:
Chiến lược đối ngoại của Nga trong những năm sắp tới, sẽ không có sự thay đổi về cơ bản. Được bầu với số phiếu ủng hộ rất cao (70,28%), là đồng minh thân cận của cựu Tổng thống V. Pu-tin, do vậy, đường hướng đối ngoại của Nga do Tổng thống Đ. Mét-vê-đép đưa ra ít có sự thay đổi so với đường lối đối ngoại của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, điều có thể thấy trước là Đ. Mét-vê-đép là một tổng thống rất trẻ, không xuất thân từ KGB, và tất nhiên, bất luận thế nào cũng không muốn là “bản sao” của V. Pu-tin. Vì vậy, rất có thể tổng thống thứ ba của nước Nga “hậu Xô viết” sẽ có những ưu tiên, những trọng tâm, quyết sách đối ngoại không hoàn toàn giống với cựu tổng thống, nhất là trong các phương sách, biện pháp thực hiện. Ngoài ra, chính sách của Nga với các đối tác, khu vực cụ thể trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể cũng sẽ được điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với những biến đổi của tình hình thế giới.
Trước hết, về mục tiêu đối ngoại, vấn đề tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi, hòa bình, ổn định và an ninh, tập trung các ưu tiên cho phát triển kinh tế, chấn hưng nước Nga, đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc thế giới hùng mạnh, có vai trò, vị thế quốc tế xứng đáng với tiềm năng, tiềm lực và truyền thống của nước Nga trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành vẫn là những mục tiêu xuyên suốt của Tổng thống Đ. Mét-vê-đép. Nga vẫn sẽ đề cao vai trò của các tổ chức, các diễn đàn đa phương, đặc biệt là vai trò hàng đầu của Liên hợp quốc, mà cơ chế quan trọng nhất, theo quan điểm của Nga là Hội đồng Bảo an trong bảo đảm an ninh quốc tế và thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế. Tổng thống Đ. Mét-vê-đép đã nêu ra 6 ưu tiên của Nga trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu, đó là:
- Hình thành trật tự thế giới mới với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc;
Nền kinh tế Nga đang bị tác động rất mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu hiện nay. Đó là việc nhiều ngân hàng lâm vào nguy cơ phá sản; đồng rúp tụt giá; dự trữ ngoại tệ của Nga bị đe dọa cạn kiệt do giá dầu giảm mạnh, chính phủ buộc phải sử dụng dự trữ tiền tệ quốc gia để cứu trợ nền kinh tế; số người thất nghiệp tăng nhanh...
- Đề cao vai trò tối thượng của luật pháp trong quan hệ quốc tế với vai trò quan trọng của Hội đồng Bảo an, của Hiến chương Liên hợp quốc;
- Củng cố an ninh toàn cầu với vai trò của các hiệp ước quốc tế, tổ chức quốc tế và khu vực, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân;
- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế và môi trường (mục tiêu của Nga là gia nhập WTO và OECD cũng như bảo đảm phát triển bền vững cho các thế hệ hiện tại và tương lai);
- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo và quyền con người (trong đó tôn trọng những đặc thù về dân tộc và lịch sử của mỗi quốc gia trong quá trình cải cách dân chủ, chống lại việc áp đặt hệ thống những giá trị vay mượn);
- Kết hợp thông tin với hoạt động đối ngoại (có những thông tin chính xác và đầy đủ về quan điểm của Nga, những hành động và sáng kiến đối ngoại, các quá trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, những thành tựu khoa học và văn hóa của Nga).
Về các hướng ưu tiên, Nga sẽ vẫn coi việc tăng cường hợp tác toàn diện với các nước SNG là ưu tiên chiến lược đối ngoại hàng đầu. Nếu cựu Tổng thống V. Pu-tin khẳng định trong Thông điệp Liên bang ngày 31-5-2004 rằng: "Ưu tiên của chúng ta vẫn là củng cố liên kết trong không gian Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), kể cả trong khuôn khổ Không gian kinh tế thống nhất, Cộng đồng kinh tế Á - Âu. Đó là một trong những điều kiện ổn định khu vực và quốc tế", thì Tổng thống Đ. Mét-vê-đép đã dùng tới gần 2 trang trong “Những định hướng cơ bản chính sách đối ngoại của Liên bang Nga” (ngày 12-7-2008), để trình bày về những chính sách cụ thể, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia SNG trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng và chú trọng đến lợi ích của nhau. Với các quốc gia sẵn sàng thực hiện điều đó thì quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược sẽ được phát triển.
Hướng ưu tiên thứ hai của Nga vẫn là châu Âu - Đại Tây Dương. Quan hệ với các nước lớn châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục là một trọng điểm chiến lược đối ngoại của Nga trong những năm sắp tới. Bất luận hiện thời giữa Nga với Mỹ và EU đang có những bất đồng, mâu thuẫn lớn nhỏ, hai bên vẫn luôn cần đến nhau trên nhiều phương diện quan hệ song phương, đa phương và trên trường quốc tế. R.N. Ha-át cho rằng, cách tốt nhất để tạo ra một nước Nga tự do hơn, hứa hẹn ổn định hơn ở trong nước và có trách nhiệm hơn ở nước ngoài là phải cùng hành động với nước Nga; cô lập Nga sẽ không mang lại kết quả, vì vậy cần đối xử với nước Nga hiện đại như với một cường quốc quan trọng. Điều đó đồng nghĩa với việc nước Nga phải được tham gia các tổ chức như WTO, cũng như tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng; tiếng nói của Nga trong các vấn đề như cuộc chiến chống khủng bố, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và sự biến đổi khí hậu toàn cầu, hay chính sách sử dụng năng lượng... cần được coi trọng hơn. Về phần mình, nước Nga hiện nay và trong tương lai chắc chắn vẫn coi châu Âu - Đại Tây Dương đóng vai trò quan trọng trong việc phục hưng nước Nga, đưa nước Nga lên hàng các cường quốc thế giới. Những động thái gần đây của Nga như: đề xuất hệ thống an ninh chung của châu Âu; quan hệ đối tác chiến lược với EU; vấn đề hạt nhân với Mỹ; quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước Mỹ La-tinh... cho thấy nỗ lực của Nga tại khu vực này.
Châu Á - Thái Bình Dương, trước hết là các nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, sau đó là I-ran, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, các nước ASEAN... cũng sẽ trở thành trọng điểm chiến lược của Nga, trong đó phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và ấn Độ là hướng quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Nga tại châu Á. Quan hệ với các nước trong APEC, các nước ASEAN sẽ được đẩy mạnh theo hướng thực chất hơn, tích cực, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, thậm chí trên cả lĩnh vực quân sự - quốc phòng. Thúc đẩy hợp tác toàn diện trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng sẽ là một ưu tiên chiến lược của Nga.
(1) Thông tấn xã Việt Nam: Tin tham khảo chủ nhật, ngày 15-11-1998
(2) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 1-11-2005
(3) Xem: Ngôn Phương: Một nước Nga đã khác, Báo Quốc tế số 10-2004
(4) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu đd, ngày 31-5-2004
Tương lai nào cho START-1?  (17/06/2009)
Ngăn chặn suy giảm kinh tế, sớm cấu trúc lại nền kinh tế  (16/06/2009)
Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 15  (16/06/2009)
Bắt giữ Lê Công Định-một hành động đúng đắn vì lợi ích đất nước  (16/06/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay