Công nhân nhà máy sản xuất
ô-tô OPEL (Đức) biểu tình chống sa thải thợ.
Ðầu tháng 4 tới, đại diện lãnh đạo cấp cao của 20 nước phát triển và đang phát triển chủ chốt trên thế giới (G20) họp tại Luân Ðôn tìm cách đối phó cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Dư luận thế giới hiện nay có những đánh giá khác nhau về diễn biến, mức độ của cuộc khủng hoảng và những ảnh hưởng đối với các lĩnh vực khác.

Ngày 8-3, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra báo cáo nhận định về cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay, khẳng định "GDP toàn cầu trong năm 2009 sẽ giảm mạnh nhất trong vòng 60 năm qua". Theo WB, sản lượng công nghiệp toàn cầu 6 tháng đầu năm 2009 sẽ ít hơn 15% so với cùng kỳ năm 2008. Giá trị trao đổi thương mại toàn cầu ở mức thấp nhất trong 80 năm qua. Cuộc khủng hoảng lần này gây thiệt hại cho cả các nước phát triển và đang phát triển. Giá trị thương mại của khu vực Ðông Á, nơi có nhiều nền kinh tế có xuất khẩu lớn, bị suy giảm mạnh nhất. Chính phủ Nhật Bản thông báo, kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 1 năm 2009 giảm 46,3% so với cùng kỳ năm 2008 và là mức thâm hụt thương mại đầu tiên trong 13 năm qua. Nền kinh tế Nhật Bản đang ở trong một chu kỳ suy thoái kéo dài nhất kể từ cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới đầu những năm 30 của thế kỷ 20.

Tại Mỹ, chính quyền Đảng Dân chủ của Tổng thống B.Ô-ba-ma đã triển khai gói kích cầu kinh tế thứ hai trị giá 787 tỉ USD, song dường như cuộc suy thoái kinh tế vẫn diễn ra nghiêm trọng hơn. Hàng loạt các đại gia tài chính, công nghiệp chưa có cách thoát ra khỏi cơn lốc. Sản xuất phải thu hẹp. Công nhân bị sa thải. Tỷ lệ thất nghiệp đến tháng 2-2009 đã chiếm 8,1% lực lượng lao động.

Theo báo Diễn đàn thông tin quốc tế, nền kinh tế Ðức, nhà xuất khẩu đứng đầu thế giới và là đầu tàu kinh tế của EU, đang nghiêng ngả trong cơn suy thoái tồi tệ nhất từ năm 1990. Chủ tịch Hội đồng Mỹ và Ðức Uy-liêm Ðrô-dơ-đi-ắc cho rằng, trong 3 hoặc 6 tháng nữa, ảnh hưởng của "cơn bão" tài chính sẽ nặng nề hơn. Sự sa sút của nền kinh tế Ðức có thể làm cho EU gồm 27 nước thành viên bị "tan rã thành từng mảng". Theo ông, những khó khăn từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế có thể làm cho Ðức và các nước EU khác khó có thể cộng tác chặt chẽ với Mỹ trong việc triển khai chiến lược mới của NATO ở Áp-ga-ni-xtan và Trung Ðông.

Trang tin điện tử của Tạp chí TIME (Mỹ) số ra mới đây có bài phân tích về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đối với vấn đề an ninh toàn cầu. Bài báo đặt câu hỏi: Liệu cuộc suy thoái toàn cầu ngày càng trở nên sâu sắc có thúc đẩy những nỗ lực của Bin La-đen nhằm thách thức thiết lập trật tự toàn cầu? Cục trưởng Cục Tình báo của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma, ông Ðen-nít Ble, cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế có thể là nguồn gốc đe dọa hàng đầu đối với an ninh toàn cầu vào lúc này. Các chuyên gia an ninh khác ghi nhận rằng, kinh tế đi xuống đã gây ra sự bất ổn xã hội và mất ổn định chính trị tại một số điểm nóng chiến lược ở khắp thế giới. Họ cảnh báo rằng, một sự trì trệ kéo dài có thể làm phương hại đến những lợi ích an ninh của Mỹ và phương Tây.

Phát biểu ý kiến tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ ngày 12-2, ông Ð.Ble coi cuộc suy thoái toàn cầu là "mối lo ngại an ninh gần hạn" hàng đầu của Mỹ và cảnh báo rằng, mức độ đe dọa sẽ tăng lên khi sự trì trệ kéo dài. Nhấn mạnh nguy cơ bất ổn định chính trị ở những nước đồng minh với Mỹ, ông Ble cảnh báo: "Sự bắt đầu phục hồi kéo dài càng chậm bao lâu, thiệt hại nghiêm trọng đối với các lợi ích chiến lược của Mỹ càng lớn bấy nhiêu. Các cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm tăng nguy cơ bất ổn định, đe dọa chế độ nếu chúng kéo dài trong thời gian một, hai năm".

Ông nêu ra các mối đe dọa sự phát triển của Mỹ. Thứ nhất, các cường quốc đang nổi lên, như Trung Quốc và Ấn Ðộ, có thể giành cơ hội do sự yếu kém kinh tế Mỹ tạo ra để mở rộng ảnh hưởng của họ trong các khu vực vốn chịu ảnh hưởng của Mỹ từ lâu nay. Thứ hai, do kinh tế gây ra nằm ở chủ nghĩa dân tộc đang tăng lên, có thể biến thành những tác động, từ bạo lực chống những người nhập cư ở một số nước công nghiệp hóa cho đến chủ nghĩa bảo hộ đang tăng lên, dẫn đến hạn chế hơn nữa buôn bán quốc tế, gây nguy hại cho những triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Thứ ba, sự tích tụ các hoạt động và sức mạnh của các nhóm tội phạm có tổ chức.

Nhưng, mối đe dọa lớn nhất do suy thoái kéo dài gây ra là sự sụp đổ của các chế độ cần cho việc duy trì trật tự quốc tế. Thí dụ, sự sụp đổ của chế độ Xô-ma-li đã sản sinh hiểm họa cướp biển trên các tuyến đường biển quốc tế chủ chốt ở ngoài khơi vùng Sừng châu Phi. Các cuộc bạo động nổ ra ở Ai Cập năm ngoái do giá lúa mỳ tăng vọt. Pa-ki- xtan đã bị rung chuyển bởi các cuộc bạo động lương thực năm ngoái, giữa lúc sự thách thức của Ta-li-ban ở trong nước đang tăng lên tại các khu vực nghèo đói, lạc hậu giáp Áp-ga-ni-xtan. Nền kinh tế Pa-ki-xtan hoạt động yếu kém, đang được coi như một "điện kế" quan trọng đối với sự bất ổn định đã gây nguy hại cho đất nước được trang bị vũ khí hạt nhân này./.