Theo tin nước ngoài, những người đứng đầu hai thiết chế tài chính lớn nhất thế giới là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), ngày 12-3, đều nhận định rằng, cải tổ hệ thống ngân hàng là biện pháp hữu hiệu và cấp thiết giúp phục hồi kinh tế toàn cầu.

Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn cảnh báo, kinh tế thế giới khó phục hồi trong năm 2010 (như tổ chức này dự báo) nếu các nước giàu không kịp thời thanh lọc các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Chủ tịch WB Robert Zoellick nhấn mạnh, để thoát khỏi khủng hoảng, ngoài các kế hoạch bơm tiền vào thị trường tài chính, các nước cần cải tổ hệ thống ngân hàng.

Trước đó, ngày 11-3, Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling đề xuất ba hướng ưu tiên chính trong việc phục hồi kinh tế thế giới, gồm: bằng mọi nguồn lực hiện có kích cầu tiêu dùng; giám sát trên quy mô lớn hoạt động của các thị trường tài chính; cải cách IMF và WB, cùng với việc cấp cho các định chế tài chính quốc tế nguồn lực và công cụ mới để hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma kêu gọi các chính phủ sử dụng giải pháp kích thích để khôi phục nền kinh tế đang suy yếu, phối hợp thực hiện các biện pháp điều chỉnh tài chính để ngăn chặn suy giảm kinh tế toàn cầu.

Những nhận định trên đưa ra trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước phát triển và nền kinh tế mới nổi (G20), diễn ra ngày 14-3 tới, nhằm chuẩn bị các nội dung thảo luận tại Hội nghị cấp cao nhóm này tổ chức vào ngày 2-4 tại Luân Ðôn (Anh). Các hội nghị của G20 thảo luận các giải pháp đối phó thách thức chung của thế giới từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; và mục tiêu là thống nhất các biện pháp chung đưa thế giới thoát khỏi khủng hoảng kinh tế./.