Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Quốc vương và Chủ tịch Quốc hội Cô-oét
Theo đặc phái viên Thông tấn xã Việt Nam, tiếp tục chương trình thăm chính thức Nhà nước Cô-oét, chiều 11-3, tại Cung điện Bay-an, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Quốc vương Cô-oét, An A-mát An Gia-bơ An Xa-ba (Al-Ahmad Al-jaber Al-sabah).
Tại buổi tiếp kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng nhận thấy dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Quốc vương An Xa-ba, đất nước Cô-oét đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, xã hội, tạo cho Cô-oét một vị thế và vai trò ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam và Cô-oét có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hai nước có nhiều điểm tương đồng để thúc đẩy hợp tác. Trong chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước vùng Vịnh, trong đó Cô-oét đang trở thành một đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Ðông.
Thông báo tới Quốc vương về kết quả cuộc hội đàm với Thủ tướng Nát-xe An Mô-ha-mét An Xa-ba (Nasser al Mohammed al Ahmed al Jaber al Sabah), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hai bên đã trao đổi các nội dung về tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, tài chính, năng lượng, thương mại, nông nghiệp và lao động. Nhân chuyến thăm, hai bên ký một số văn kiện hợp tác quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, trong đó có Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Bản ghi nhớ giữa Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước Việt Nam với Tổng cục Ðầu tư Cô-oét. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc vương tiếp tục ủng hộ triển khai các nội dung hợp tác, như khuyến khích Cô-oét tham gia các dự án lọc hóa dầu tại Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty của Việt Nam tham gia đầu tư vào các dự án thăm dò, khai thác, phát triển dầu khí tại Cô-oét và vùng Vịnh, để hàng hóa và lao động Việt Nam tiếp cận và đứng vững trên thị trường Cô-oét và vùng Vịnh... Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hoàng gia, Chính phủ và doanh nghiệp Cô-oét đầu tư vào các dự án lớn tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trân trọng chuyển lời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mời Quốc vương thăm chính thức Việt Nam.
Quốc vương Cô-oét An A-mát An Gia-bơ An Xa-ba bày tỏ khâm phục cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam và những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới. Quốc vương khẳng định hoàn toàn ủng hộ các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, nhất là những lĩnh vực Cô-oét có thế mạnh, như dầu khí, bất động sản, đầu tư, tài chính... Quốc vương tin tưởng chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Nhà nước Cô-oét là mốc mới trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời cho biết sẽ thu xếp thăm Việt Nam vào thời gian gần nhất.
* Cùng ngày, tại cuộc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Cô-oét Gia-sim An Kha-ra-phi (Jassem Al Kharafi), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với Cô-oét với tư cách là một đối tác quan trọng của Việt Nam tại vùng Vịnh. Thủ tướng đánh giá cao những kết quả hợp tác giữa Quốc hội hai nước trong thời gian qua, cho rằng sự hợp tác đó đã góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ tích cực cho quan hệ kinh tế - thương mại song phương. Trong thời gian qua, hợp tác kinh tế giữa hai nước đã đạt được những thành quả khá tích cực: kim ngạch thương mại năm 2008 đạt 120 triệu USD, tăng hơn ba lần năm 2007. Hiện Tổng công ty Dầu khí quốc tế Cô-oét (KPI) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cùng đối tác Nhật Bản triển khai dự án lọc dầu Nghi Sơn ở Việt Nam trị giá gần sáu tỉ USD. Thủ tướng mong muốn Quốc hội Cô-oét và Chủ tịch Gia-sim An Kha-ra-phi tiếp tục quan tâm và thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương tương xứng tiềm năng của mỗi bên.
Chủ tịch Quốc hội Cô-oét Gia-sim An Kha-ra-phi khẳng định quyết tâm của Cô-oét trong phát triển quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của Cô-oét trong chính sách hướng Ðông. Chủ tịch Quốc hội Cô-oét cho rằng, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn nhằm triển khai các thỏa thuận đã ký, đẩy mạnh hợp tác về đầu tư, tài chính, năng lượng, nông nghiệp, thương mại và lao động. Chủ tịch cho biết, Tập đoàn Kharafi Group có kế hoạch đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trên các lĩnh vực khách sạn, khu du lịch cao cấp và bất động sản. Chủ tịch mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn tham gia tích cực vào thị trường Việt Nam.
* Cùng ngày, phát biểu ý kiến trước 200 doanh nghiệp tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Cô-oét, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cô-oét phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, dầu khí, lao động, nông nghiệp, hàng không. Hai nước đã ký văn kiện hợp tác quan trọng như Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật; Hiệp định Thương mại; Hiệp định vận chuyển hàng không; Nghị định thư về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định về hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp... Kim ngạch thương mại giữa hai nước phục hồi và tăng nhanh, năm 2008 đạt 120 triệu USD, tăng gấp ba lần năm 2007. Một số công ty, tập đoàn lớn của Cô-oét đã và đang nghiên cứu triển khai một số dự án đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam, trong đó có Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án xây dựng khu liên hợp tài chính-hội nghị-triển lãm tại Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh)... Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Cô-oét tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng tại Việt Nam, như bất động sản, xây dựng hạ tầng, khu đô thị, đường cao tốc, sân bay, cảng biển, công nghiệp dầu khí, phân bón, hóa chất, phát triển du lịch, nông nghiệp, dịch vụ tài chính, ngân hàng, lao động... Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư Cô-oét làm ăn lâu dài và thành công tại Việt Nam./.
* Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng giám đốc Quỹ Cô-oét phát triển kinh tế A-rập và Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Cô-oét.
* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Ðại sứ quán nước ta tại Cô-oét. Thủ tướng đề nghị cán bộ, nhân viên, nhất là cán bộ thương vụ nắm chắc thị trường để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Cô-oét, đồng thời giới thiệu những dự án để thu hút đầu tư vào Việt Nam./.
Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Ma-lai-xi-a  (12/03/2009)
Hoạt động và đóng góp của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (12/03/2009)
Một ngày lịch sử không thể nào quên  (11/03/2009)
Quốc hội Việt Nam với việc bảo đảm và thực hiện quyền con người  (11/03/2009)
Nhiều chính sách ưu đãi với doanh nghiệp EU và Việt Nam  (11/03/2009)
Thời báo New York phải bán trụ sở  (11/03/2009)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên