Họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp
Chiều 08-3, chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc gì địa phương làm tốt hơn, cấp dưới làm nhanh hơn mà vẫn bảo đảm kiểm soát tốt quyền lực thì phân cấp, không ôm đồm lên Trung ương, lên cấp trên.
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, việc thực hiện Nghị quyết triển khai thi hành Luật Quy hoạch.
Về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các thành viên Chính phủ thảo luận về 9 nội dung như tiêu chí phân loại dự án; làm rõ tiêu chí đối với dự án khẩn cấp, dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư; thẩm quyền xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn; phân cấp quản lý vốn đầu tư công…
Đối với dự án Luật này, Thủ tướng nêu rõ tinh thần: Tăng cường trách nhiệm của cơ quan điều hành, cơ quan hành pháp. Chính phủ có trách nhiệm chi tiêu đúng quy định, xử lý đúng quy trình pháp luật. Công tác chuẩn bị đầu tư vô cùng quan trọng, phải xác định được nguồn vốn và tập trung được khâu này.
Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C theo tiêu chí giá trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện quy định, đồng bộ về tiêu chí mức vốn, tiêu chí ngành, lĩnh vực, giải trình thuyết phục căn cứ điều chỉnh tiêu chí, quy mô dự án, bảo đảm đồng bộ tiêu chí phân loại dự án gắn với thẩm quyền của mỗi cấp quyết định dự án. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp mạnh mẽ cho các cấp, các ngành về vấn đề này.
Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trình, đề xuất dự án đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, một vấn đề liên quan đến nợ công, Thủ tướng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cần có sự phối hợp chặt chẽ, phân rõtrách nhiệm, phù hợp với Luật Quản lý nợ công, bảo đảm thông suốt ngay từ đầu.
Về thẩm quyền xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thủ tướng nhấn mạnh, cần bám sát, theo đúng tinh thần Hiến pháp, vấn đề không phải là “quyền anh, quyền tôi, quyền của ai” mà là nguyên lý phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan của bộ máy Nhà nước.
Về một số vấn đề tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra để thảo luận một số tiêu chí, một số việc liên quan còn có ý kiến khác nhau.
Về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Chính phủ thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau gồm thời hạn của hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và có gắn chip; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân…
Thủ tướng cho rằng, việc gắn chip hộ chiếu chỉ là giải pháp công nghệ để quản lý, không ảnh hưởng đến giá trị hộ chiếu, do đó, hộ chiếu có gắn chip hay không đều có thời hạn như nhau, không quá 10 năm. Đây cũng là kinh nghiệm chung của các nước. Thủ tướng nhất trí phương án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chung về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân. Bộ Công an cần thống nhất với Bộ Ngoại giao về cơ chế phối hợp quản lý, chia sẻ, khai thác dữ liệu, bảo đảm hiệu quả, thông suốt.
Kết luận phần thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề phân cấp, phân quyền, yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm, với tinh thần là triệt để cải cách hành chính, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm, tăng cường hậu kiểm, việc gì địa phương làm tốt hơn, cấp dưới làm nhanh hơn, mà vẫn bảo đảm kiểm soát tốt quyền lực thì phân cấp, không ôm đồm lên Trung ương, lên cấp trên. Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự án luật, báo cáo Thủ tướng trước khi trình Quốc hội.
Chính phủ cũng thảo luận về thực hiện Nghị quyết triển khai thi hành Luật Quy hoạch. Thủ tướng nhấn mạnh, phải tích hợp quy hoạch, bỏ bớt quy hoạch không cần thiết. Cần làm đúng thẩm quyền, công khai, minh bạch rõ hơn, để không xảy ra tiêu cực, lách quy hoạch, chạy quy hoạch. Quy hoạch phải tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân. Cần phối hợp tốt trong lập quy hoạch.
Tại phiên họp, Thủ tướng đã cho ý kiến về một số nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức./.
Kỳ họp 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với nguyên lãnh đạo, chỉ huy Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng  (08/03/2019)
Phiên họp thứ 32 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 11-3  (08/03/2019)
Sự suy thoái tư tưởng chính trị - Nhìn từ vấn đề cán bộ, đảng viên nghỉ hưu xin nghỉ sinh hoạt Đảng vì lý do sức khỏe  (08/03/2019)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay