Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Năm mươi năm về trước (ngày 02-9-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi, để lại nỗi tiếc thương vô hạn đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Trước lúc ra đi, Người để lại Di chúc thiêng liêng, kết tinh trong đó những điều cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Di chúc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm thiêng liêng, sự trân trọng của mỗi đảng viên, cán bộ và nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.
Lời Người dặn trước lúc đi xa
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân và dân tộc ta hệ thống di sản vô cùng phong phú và quý báu. Hệ thống di sản đó không chỉ được phản ánh trong các tác phẩm, văn phẩm, bài nói và viết, mà còn được thể hiện trong hoạt động thực tiễn sôi nổi và hết sức phong phú của Người. Đặc biệt, trước lúc đi xa, Người đã để lại bản Di chúc lịch sử thấm đượm và kết tinh trong đó tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Nghiền ngẫm trong suốt bốn năm (1965 - 1969), chắt lọc tình cảm và suy nghĩ của cả cuộc đời, Di chúc để lại những điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền và sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; về chăm lo đối với con người và thế hệ trẻ; về quản lý xã hội, chính sách xã hội, an sinh xã hội sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi. Di chúc là sự tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc Việt Nam, là lý luận về đổi mới và tương lai phát triển của đất nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh được phản ánh trong Di chúc, trước hết thể hiện rõ quyết tâm chiến lược của Đảng, nhân dân và các lực lượng vũ trang ta trong việc đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Khẳng định niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nam - Bắc sum họp một nhà. Người đặt niềm tin vào sự tất thắng đó: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”(1).
Điều đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, đó là căn dặn Đảng ta phải chăm lo củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn Đảng để có đủ sức mạnh và uy tín của người cầm lái, dẫn đường cho quần chúng hướng theo. Người khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”(2). Người nêu rõ: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(3). Nhắc nhở trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc bảo vệ và củng cố, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, Người nêu rõ: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(4). Theo Người, muốn có được sự đoàn kết chân thành và thực sự lâu dài thì phải “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(5).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò cầm quyền và trọng trách lịch sử của Đảng, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trước Đảng và trước nhân dân. Nổi bật là “Trước hết nói về Đảng”, Người căn dặn: “…việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(6). Đồng thời, Người yêu cầu phải chăm lo chu đáo tới đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân, nhất là thực hiện chính sách “đền ơn, đáp nghĩa” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành được thắng lợi. Người nêu lên những vấn đề hết sức cụ thể: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”(7).
Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thế hệ trẻ của đất nước tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc. Người căn dặn Đảng ta phải quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng cho đời sau. Người nêu rõ: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(8). Căn dặn Đảng và Chính phủ phải quan tâm tạo mọi điều kiện giúp đỡ chị em phụ nữ để họ tiến bộ và trưởng thành, đồng thời bản thân chị em phụ nữ cũng phải tích cực phấn đấu vươn lên đáp ứng với trách nhiệm của mình. Người viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”(9).
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất trăn trở, lo nghĩ nhiều về đoàn kết quốc tế, nhất là trước sự bất đồng giữa các đảng cộng sản anh em. Người coi đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa và các đảng anh em, nhất là Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc là điều kiện quan trọng bảo đảm cho phong trào cộng sản và công nhân đến toàn thắng. Người viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em! Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đại đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Tôi tin rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”(10).
Tư tưởng Hồ Chí Minh phản ánh trong Di chúc có tầm chiến lược, là những chỉ dẫn quan trọng của Đảng trong hoạch định đường lối, phương hướng, xác định nhiệm vụ, kế hoạch, chính sách, chương trình hành động cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm đưa đất nước phát triển bền vững, nhất là trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Đạo đức Hồ Chí Minh là điểm nổi bật cả trong tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh. Những tư tưởng đạo đức của Người được chứa đựng trong nhiều bài nói, bài viết hết sức cô đọng và hàm súc, theo lối nói của người phương Đông, rất gần gũi với con người Việt Nam.
Đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong Di chúc là đạo đức cách mạng với hệ chuẩn mực giá trị cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đó cũng là đạo đức hành động, mà điểm đặc biệt nhấn mạnh là đạo đức và sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền. Đó là đạo đức trong quan hệ giữa Đảng với nhân dân, giữa Nhà nước với nhân dân, sự quan tâm chăm lo của Đảng đối với giáo dục, rèn luyện đạo đức trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Như Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(11). Người cũng nhắc nhở trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Trong Đảng, cán bộ, đảng viên phải sống với nhau có tình, có nghĩa, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, ra sức thực hành dân chủ và cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, để luôn xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như Người mong muốn. Người viết: “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(12).
Sự kết đọng trong trái tim của vị lãnh tụ cách mạng thiên tài
Cuối bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành những dòng tâm sự đề cập về “việc riêng” một cách hết sức khiêm tốn, giản dị. Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(13). Những dòng chữ này càng phản ánh sâu sắc phẩm chất đạo đức cao quý của một con người, một lãnh tụ cách mạng suốt đời chỉ biết phấn đấu hy sinh vì dân, vì nước.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - tư tưởng luôn gắn liền với đạo đức, tư tưởng đạo đức trở thành hành động đạo đức, thể hiện một cách cảm động qua hành vi, lối sống và trở thành phong cách nổi bật của Người. Phong cách Hồ Chí Minh bao gồm một chỉnh thể thống nhất, từ phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt. Những đặc trưng phong cách đó, được phản ánh cô đọng, sâu sắc trong Di chúc của Người. Trước hết, phong cách tư duy của Người có tầm nhìn xa, trông rộng về mục tiêu, phương hướng của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Di chúc còn hàm chứa tư tưởng đổi mới và hội nhập, phải làm những việc cấp bách, trước mắt mà cũng lo toan những trù tính chiến lược trong tương lai, kế hoạch xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Đó chính là mục tiêu sâu xa và động lực căn bản của chủ nghĩa xã hội, là sự chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, lấy con người làm mục tiêu và động lực, mà quan trọng và trực tiếp nhất là phải bảo đảm lợi ích và dân chủ, là thực hành dân chủ, nhất là thực hành dân chủ trong Đảng. Như Người đã viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh,…”(14).
Phong cách làm việc khoa học, hết sức công phu, tỉ mỉ và kỹ lưỡng của Người về những điều hệ trọng liên quan đến vận mệnh của dân tộc, nhiệm vụ của Đảng và tương lai của đất nước; trước những vấn đề thực tiễn cách mạng hết sức khó khăn, phức tạp, cách mạng Việt Nam đòi hỏi ở lãnh tụ tối cao của dân tộc những định hướng quan trọng, bản lĩnh và sáng suốt để trên cơ sở đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân có phương hướng hành động đúng đắn. Những điều này đã được Người chỉ dẫn trong Di chúc hết sức sâu sắc, đầy đủ.
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về với cõi vĩnh hằng hết sức thanh thản, nhẹ nhàng, nhưng Người cũng luôn nghĩ về những người ở lại. Người viết: “… tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi khỏi cảm thấy đột ngột”(15). Người đã ung dung khởi thảo bản Di chúc lịch sử trong tiếng bom đạn của kẻ thù.
Di chúc phản ánh sự cẩn trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong diễn đạt từng câu, từng chữ. Với tất cả sự khiêm nhường cao quý, Người chỉ gọi đây là bức thư, mấy lời để lại. Người đã dồn tâm, dồn trí để viết, nghiền ngẫm, chỉnh sửa, bổ sung trong suốt 4 năm. Năm 1969, 4 tháng trước khi trút hơi thở cuối cùng, Người đã dành 10 ngày đọc lại, sửa lại lần cuối bản Di chúc như đã hoàn thành một công việc hệ trọng đối với Đảng ta, nhân dân và đất nước ta trước khi ra đi.
Di chúc thực sự còn là một mẫu mực tuyệt vời về sự ứng xử tinh tế và cao thượng của một vị lãnh tụ cách mạng thiên tài, người con ưu tú của dân tộc, sự khoáng đạt, cởi mở, hài hòa, nhân ái, vị tha, khoan dung, độ lượng và tình nghĩa thủy chung, sâu sắc. Đó là sự hoàn chỉnh Chân - Thiện - Mỹ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động và cảm động, có sức cảm hóa lay động muôn triệu trái tim con người Việt Nam và nhân loại trên thế giới. Đó thực sự là phong cách ứng xử tinh tế của con người Hồ Chí Minh. Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”(16).
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh sâu sắc phong cách sống, sinh hoạt hết sức bình dị nhưng vô cùng cao quý, trọn đời vì nước, vì dân, không màng danh lợi, ngay cả phút lâm trung từ giã cõi đời này, Người cũng không làm phiền đến dân, đến nước. Người đã ra đi rất nhẹ nhàng và thanh thản, không có điều gì ân hận. Người chỉ tiếc là tiếc rằng “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Đây là sự kết đọng sâu sắc cả về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một con người suốt đời chỉ biết hy sinh và dâng hiến cho dân tộc, cho nhân dân “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”(17). Ngay cả đến giây phút cuối cùng, Người vẫn còn lo cho nhân dân, không để làm phiền đến dân: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”(18).
Ngót nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết những dòng cuối cùng trong bản Di chúc, thời gian không ngừng trôi với biết bao sự biến đổi và phát triển của đất nước, dân tộc và quốc tế, song những chỉ dẫn của Người trong Di chúc vẫn mãi còn in đậm trong trái tim, khối óc của mọi người dân Việt Nam, nhất là cán bộ, đảng viên trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay./.
----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 15, tr.621
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 622
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 621 - 622
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 622
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 622
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 616
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 616
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 622
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 617
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 623
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 622
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 622
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 623
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 624
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 621
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 624
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 674
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 618
Người dân dựng lều đếm xe: Chủ đầu tư BOT Ninh Lộc lên tiếng, cần câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương  (08/03/2019)
Để thị trường chứng khoán tiếp tục là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế  (08/03/2019)
Khẳng định bản lĩnh tiên phong của báo chí trong chống tham nhũng  (07/03/2019)
Hội Báo toàn quốc năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17-3  (07/03/2019)
Thúc đẩy hợp tác Nhật - Việt trong phát triển hạ tầng, năng lượng  (07/03/2019)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay