TCCSĐT - Đàm phán Brexit (về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) kéo dài thời gian qua với bao khó khăn, cản trở, có lúc dường như đi vào bế tắc. Đến nay, khi thời hạn chót đặt ra đã cận kề, với việc hai bên đều đã thể hiện thiện chí, những bước đi cuối cùng để hai bên có thể chia tay “êm đẹp” đã mở ra. Tuy nhiên, những bước cuối cùng đó cũng còn không ít khó khăn, đòi hỏi tiếp tục nỗ lực của hai phía để vượt qua.

Thủ tướng Theresa May tham dự hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước EU khác trong ngày 25-11 ở thủ đô Brussels (Bỉ) để ký kết thỏa thuận này. Tuy vậy, kể cả khi thỏa thuận được phê chuẩn, Thủ tướng May vẫn phải đối mặt với cuộc chiến cam go khi phải thuyết phục Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận.

Đạt được thỏa thuận Brexit sau nhiều đàm phán chông gai

Cuối cùng, Anh và Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc Anh rời EU. Thủ tướng Theresa May hôm 13-11 tuyên bố Anh đã thống nhất với Liên minh Châu Âu về dự thảo cho thỏa thuận Brexit. Để đạt được thỏa thuận sơ bộ trên, Anh đã mất tới 872 ngày kể từ khi đa số người Anh bỏ phiếu lựa chọn rời EU. Sau khi các nhà đàm phán Anh và EU đạt thỏa thuận sơ bộ ngày 13-11, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ phải thuyết phục nội các ủng hộ thỏa thuận. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa xong, thậm chí mới chỉ là bước đầu trong tiến trình phức tạp.

Vấn đề lớn nhất của Thủ tướng May chính là thực tế chính trị ở London. Không có nhiều người, dù bên ủng hộ hay phản đối Brexit, tỏ ra yêu thích kế hoạch Brexit của bà May. Sự thờ ơ đó bắt đầu ngay từ trong nội các. Bà May sẽ phải thuyết phục những người ủng hộ Brexit rằng văn bản thỏa thuận sơ bộ sẽ hoàn thành kết quả của cuộc trưng cầu ý dân năm 2016. Nếu bà không thể thuyết phục thành công, bà có thể phải trở lại đàm phán với EU.

Quá trình khó khăn nhất sẽ là tại Hạ viện Anh. Sau khi bỏ nhiều tháng đàm phán với EU và chứng kiến một loạt bộ trưởng từ chức trong quá trình đàm phán Brexit, Thủ tướng Anh phải đối mặt với “cửa” Quốc hội. Tại cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội, các nghị sĩ có cơ hội đưa ra phán quyết về nội dung thỏa thuận rút khỏi EU và thỏa thuận chính trị về mối quan hệ tương lại giữa Anh và EU.

Vì bà May đã mất thế đa số tại Quốc hội sau cuộc bầu cử sớm năm 2017 nên bà sẽ gặp nhiều thách thức tại đây. Ưu tiên của Công đảng đối lập là “hạ gục” chính phủ của bà Mỹ để dẫn tới một cuộc bầu cử. Vì thế, gần như chắc chắn Công đảng sẽ bỏ phiếu phản đối thỏa thuận. Bà May cũng biết rằng phần lớn nghị sĩ trong đảng Bảo thủ của bà phản đối thỏa thuận mà bà đạt được với EU và sẵn sàng bỏ phiếu chống. Tiếp đó, còn có đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland (DUP). Đảng này đã làm rõ ngay từ đầu rằng bất kỳ thỏa thuận nào làm ảnh hưởng tới vị trí của Bắc Ireland trong Vương quốc Anh sẽ bị họ phản đối.

Những nỗ lực thuyết phục Quốc hội của Thủ tướng Anh Theresa May

Hướng đến các nghị sĩ, ngày 23-11, Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo Liên minh châu Âu sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit, nếu Quốc hội nước này bác dự thảo hiện nay.

Trả lời phỏng vấn dài BBC, bà May tin rằng EU sẽ không chấp nhận đàm phán lại để trao cho Anh một thỏa thuận tốt hơn, nếu dự thảo không được thông qua. Khi được hỏi về việc liệu bà có từ chức nếu không được Quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit, nữ Thủ tướng Anh cho biết mối quan tâm lớn nhất của bà hiện giờ là thúc đẩy việc phê chuẩn thỏa thuận tại Quốc hội, chứ không phải tương lai của bản thân.

Ngày 24-11, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cũng cho rằng dự thảo thỏa thuận về Brexit, là phương án khả thi tốt nhất nhằm bảo vệ nền kinh tế, cũng như bắt đầu đoàn kết một đất nước chia rẽ. Trả lời phỏng vấn đài BBC, Bộ trưởng Hammond cho biết thỏa thuận này là cách Anh rời khỏi EU với ảnh hưởng tiêu cực tối thiểu cho nền kinh tế của "xứ sương mù". Theo ông, điều duy nhất cản trở nền kinh tế Anh vào thời điểm này là sự bấp bênh trong mối quan hệ giữa London và EU. Nếu Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận nào, chắc chắn hậu quả cho nền kinh tế sẽ rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường việc làm và sự thịnh vượng trong tương lai.

Ông Hammond cũng cho rằng Anh cần xem xét tiến trình hàn gắn chính trị, đưa đất nước đoàn kết trở lại, bởi theo ông, các quốc gia mất đoàn kết và chia rẽ không phải những quốc gia thành công.

Gỡ nút thắt Gibraltar

Cận kề Hội nghị thượng đỉnh EU với Thủ tướng May để ký kết thỏa thuận, vấn đề Gibraltar trở thành nút thắt đe dọa kết quả Hội nghị.

 Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nằm gần cực Nam Bán đảo Iberia, bên trên eo biển Gibraltar, giáp Tây Ban Nha ở phía Bắc. Tây Ban Nha nhiều lần yêu cầu Anh trả lại vùng đất mà nước này đã từ bỏ vào năm 1713 theo Hiệp ước Utrecht. Vùng đất này rộng khoảng 6,8 km2 và có khoảng 30.000 dân sinh sống.
Tây Ban Nha đe dọa bác bỏ thỏa thuận Brexit - nếu văn kiện này không đảm bảo quyền phủ quyết của Madrid đối với vùng lãnh thổ này.
Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo ngày 22-11 tuyên bố chính quyền vùng này sẵn sàng tổ chức đàm phán trực tiếp về tất cả các vấn đề liên quan với Tây Ban Nha, trong và sau Brexit, đồng thời nhấn mạnh sẽ không bàn về vấn đề chủ quyền đối với khu vực này. Ngay sau khi dự thảo về tương lai quan hệ Anh-EU được công bố, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã cảnh báo sẽ phản đối trừ khi thỏa thuận này được sửa đổi theo hướng bổ sung các điều khoản đảm bảo các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Madrid và London về vấn đề Gibraltar.

Ngày 23-11, giới chức Tây Ban Nha tại Brussels cho biết Thủ tướng Sanchez có thể sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh nếu London không có cam kết bằng văn bản rằng sẽ không có bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai giữa Anh và EU áp dụng cho Gibraltar được ký nếu chưa được thương lượng trước với Tây Ban Nha trên cơ sở song phương. Tuy không xác nhận lời đe dọa không tham dự hội nghị, song nhà lãnh đạo Madrid cho biết "các đảm bảo hiện nay là chưa đủ và Tây Ban Nha vẫn có quyền phủ quyết đối với thỏa thuận Brexit". Phát biểu với báo giới tại Cuba, Thủ tướng Sanchez tuyên bố: "Nếu không có thỏa thuận, nhiều khả năng sẽ không có hội nghị thượng đỉnh nào cả."

Liên quan vấn đề Gibraltar, người phát ngôn của Thủ tướng May cho biết nhà lãnh đạo Anh sẽ làm việc với Tây Ban Nha về vấn đề Brexit, song nhấn mạnh rằng Anh đã thảo luận cởi mở với EU về Gibraltar, và mong muốn một thỏa thuận tốt cho "đại gia đình nước Anh".

Sự phản đối của Tây Ban Nha đã khiến 27 thành viên của EU không gỡ bỏ được rào cản cuối cùng về thỏa thuận Brexit liên quan đến khu vực Gibraltar trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 25-11.

Sau 3 giờ đàm phán, các bên đã thất bại trong việc đạt được nhất trí về vấn đề Gibraltar. Người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha nhấn mạnh bất kỳ quyết định nào về quy chế tương lai của Gibraltar trong thỏa thuận Brexit cũng cần phải có sự thông qua của Tây Ban Nha. Phía Tây Ban Nha cho rằng đây là vấn đề cần được thảo luận song phương.

Một điều khoản ban đầu của thỏa thuận mà Anh và EU soạn thảo đã trao cho Tây Ban Nha một số đảm bảo, song các đảm bảo này đã không có trong dự thảo cuối cùng. Nếu Anh cam kết bằng văn bản như Tây Ban Nha mong muốn, đồng nghĩa với việc trao cho Madrid quyền phủ quyết mọi quan hệ tương lai giữa EU với vùng lãnh thổ Anh ở cực Nam Bán đảo Iberia này.

Một người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết: "Anh sẽ phối hợp với các chính phủ châu Âu và vùng Gibraltar cũng như Tây Ban Nha về quan hệ tương lai của chúng ta".

Cuối cùng, ngày 24-11, Tây Ban Nha đã đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu về vấn đề lãnh thổ Gibraltar. Động thái này đã mở đường cho hội nghị thượng đỉnh EU được tổ chức ngày 25-11 nhằm mục đích thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit cùng Thủ tướng Anh Theresa May.

Các cuộc đàm phán đã được tiến hành xuyên đêm với phía Tây Ban Nha và Anh. Trong cuộc điện đàm vừa diễn ra, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã đạt được thỏa thuận về Gibraltar.

Chủ tịch EC đề nghị 27 lãnh đạo EU thông qua thỏa thuận Brexit

 
 Chủ tịch EC đề nghị 27 lãnh đạo EU thông qua thỏa thuận Brexit.


Trong thư gửi các nhà lãnh đạo trước thềm Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu ngày 25-11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã đề nghị lãnh đạo 27 nước EU chấp thuận kết quả của những cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi EU.

Trong thư, Chủ tịch Donald Tusk nói rằng khi bắt đầu đàm phán cách đây gần hai năm, EU đã thống nhất phương hướng đàm phán của 27 nước còn lại của Khối với các mục tiêu: giảm thiểu sự bấp bênh và xáo trộn do Brexit gây ra cho công dân, doanh nghiệp và quốc gia thành viên EU; giải quyết quy chế của công dân EU sống, làm việc và học tập tại Anh với những đảm bảo đối ứng; đảm bảo rằng Anh tôn trọng mọi cam kết và trách nhiệm tài chính; tránh một biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland; ngăn chặn khoảng trống pháp lý đối với các công ty EU. Các nhà đàm phán của EU cuối cùng đã đạt được những mục tiêu trên. Thỏa thuận về Brexit đảm bảo đầy đủ quyền lợi của công dân EU, tiến trình hòa bình tại Bắc Ireland không bị ảnh hưởng, Anh sẽ tiếp tục thanh toán cho ngân sách EU trong giai đoạn chuyển tiếp và đảm bảo chắc chắn về mặt pháp lý. Do đó, các nhà đàm phán của EU đã thành công trong việc giảm thiểu rủi ro, tổn thất do Brexit.

Ông Tusk nhắc lại Tuyên bố chính trị đưa ra đường hướng liên quan đến các mối quan hệ tương lai với nước Anh. EU dự định xây dựng mối quan hệ tốt nhất có thể với nước Anh hậu Brexit, với tư cách như những bạn bè và đối tác. Các bên sẽ có khoảng hai năm để thiết lập và thống nhất một khuôn khổ cụ thể cho sự hợp tác trong tương lai. Nếu cần thêm thời gian để thảo luận về mối quan hệ này, dù hai bên đã nỗ lực hết sức, thì giai đoạn chuyển tiếp có thể được kéo dài thêm hai năm nữa.

Chủ tịch EC khẳng định, trong những cuộc đàm phán giữa EU và Anh, không ai muốn đánh bại ai. Cả Anh và 27 nước EU còn lại đều bày tỏ mong muốn tìm kiếm một thỏa thuận tốt và công bằng. Ông Tusk bày tỏ tin tưởng cuối cùng các bên đã tìm thấy một thỏa hiệp tốt nhất có thể. Với tất cả những điều trên, Chủ tịch Donald Tusk đề nghị 27 nước EU sẽ chấp thuận kết quả của các cuộc đàm phán Brexit tại Hội nghị thượng đỉnh. Ông cũng nhấn mạnh một điều cho thời điểm quan trọng này, đó là EU27 đã vượt qua được bài kiểm tra về sự đoàn kết./.