Từ truyền thống tốt đẹp đến tầm cao hợp tác mới với Nga, Hungary
Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Liên bang Nga và Hungary từ ngày 05 đến 11-9-2018.
Chuyến thăm đã làm ấm lại tình cảm hữu nghị truyền thống tốt đẹp và mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng, thiết thực cho cả hai bên, phù hợp với yêu cầu, bối cảnh tình hình mới. Hai bên đều khẳng định chính sách nhất quán, coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga, Việt Nam - Hungary.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ảnh: TTXVN
Với người dân Việt Nam, đó còn là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, là tình cảm thủy chung trước sau như một. Và người Nga cũng luôn coi: “Mọi sự giàu sang chẳng sánh được tình bằng hữu”. Người dân Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu của nhân dân Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay; và sẽ nhớ mãi hình ảnh người dân Budapest xuống đường giương cao biểu ngữ “Không được đụng đến Việt Nam!”, “Chúng tôi luôn bên cạnh Việt Nam!” để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.
Ngày nay, trên con đường phát triển và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, Việt Nam kiên định cùng các đối tác truyền thống chia sẻ các giá trị chung về hòa bình, phát triển và hội nhập quốc tế, cùng nhau nắm bắt cơ hội hợp tác, giải quyết các thách thức đang đặt ra cho mỗi nước và cộng đồng quốc tế, cùng nhau tiến bước bằng sự hợp tác đa dạng, thiết thực và hiệu quả. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã bày tỏ: “Tiếp tục dựa vào tình cảm hữu nghị đã có từ lâu để xây dựng quan hệ Hungary - Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Từ sự gắn kết trong lịch sử, Việt Nam - Liên bang Nga, Việt Nam - Hungary đã tìm ra những động lực cho quan hệ hợp tác phát triển lên một tầm cao mới. Hàng loạt văn kiện đã được ký kết giữa hai bên, tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực.
Bên cạnh những thỏa thuận khung quan trọng cho hợp tác chính trị, an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ..., trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều chương trình, dự án, hợp đồng hợp tác cụ thể đã được ký kết giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Việt Nam - Hungary, mở đường cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, đối tác của hai bên.
Các hợp đồng đó là các văn bản hợp tác giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB), Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC) và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Tập đoàn Sovico Việt Nam và Tập đoàn dầu khí Zarubezneft.
Trong chuyến thăm, Tập đoàn TH True Milk của Việt Nam đã khởi công nhà máy chế biến sữa tại tỉnh Kaluga. Dự án nằm trong tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của TH True Milk với tổng vốn đăng ký 2,7 tỷ USD… Các nhà lãnh đạo cấp cao đã cam kết cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của mỗi nước cùng nhau hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả.
Được xác định là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, Việt Nam - Hungary, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đang được các doanh nghiệp hai bên làm phong phú hơn và đi vào thực chất. Điều đáng mừng là có một xu hướng mới đang hình thành, các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu vươn ra thế giới, đầu tư bằng những dự án chiến lược.
Việt Nam - Liên bang Nga, Việt Nam - Hungary cùng nhau chia sẻ, cùng nhau hợp tác, không chỉ trên phương diện song phương, mà còn đóng góp tích cực vào việc giải quyết những vấn đề đa phương, toàn cầu trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, góp phần vì ổn định, hợp tác, phát triển ở mỗi khu vực và trên thế giới.
Với Hungary, Việt Nam là cánh cửa mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á và châu Á. Ngược lại, Hungary là cánh cửa giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với Liên minh châu Âu. Và chuyến thăm chính thức Hungary lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ mở ra cánh cửa cho cả hai bên.
Diễn ra vào những ngày thu đẹp nhất trong năm, chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này đã thành công tốt đẹp, qua đó củng cố tin cậy chính trị, tăng cường gắn bó chiến lược, nâng cao hiệu quả hợp tác với Liên bang Nga, tạo dấu mốc mới, động lực mới, nâng quan hệ Việt Nam - Hungary lên tầm đối tác toàn diện.
Nhấn mạnh tính thực chất và hiệu quả, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng: “Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo động lực mới đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển sâu rộng”.
Hợp tác đào tạo đi trước một bước để thúc đẩy hợp tác kinh tế
Tham gia Đoàn trong suốt chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá rất cao và có niềm tin về hợp tác giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Liên bang Nga có bước phát triển mới không những rộng về lĩnh vực hợp tác, mà còn có hiệu quả sâu trong nghiên cứu và đào tạo.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, những năm trước kia Liên bang Xô Viết và hiện nay là Liên bang Nga đã đào tạo cho Việt Nam gần 50.000 cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ, trong đó rất nhiều người đã và đang đóng vai trò quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các hoạt động của đời sống xã hội.
Gần đây, Chính phủ Liên bang Nga cấp cho Việt Nam 1.000 suất học bổng/năm, số lượng lớn nhất trong tất cả các nước có quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam. Số học bổng này tập trung vào các lĩnh vực Nga có thế mạnh và Việt Nam đang cần. Trước hết là lĩnh khoa học cơ bản Nga rất có lợi thế, rồi kỹ thuật, công nghệ, văn học, nghệ thuật và một số lĩnh vực xã hội. Trong quá trình hợp tác với các trường đại học của Nga, họ đánh giá rất cao sinh viên Việt Nam học tập chăm chỉ, chất lượng rất tốt. Thực tế khảo sát cho thấy tiềm lực các trường đại học của Liên bang Nga rất mạnh.
Trong chuyến đi này có khoảng 30 trường đại học hàng đầu của Việt Nam sang làm việc với khoảng 33 - 35 trường đại học của Nga, lãnh đạo các trường đại học rất phấn khởi, tin tưởng vào triển vọng hợp tác giữa hai bên. Chuyến đi này tạo cơ hội mới để họ gặp gỡ, trao đổi, khởi động hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học vốn đã có bề dày quan hệ hợp tác tốt đẹp và bây giờ tái khởi động các mối quan hệ đó.
Trong chuyến đi này, hai bên đã ký được 23 văn bản hợp tác ở các lĩnh vực khác nhau, trong đó rất mừng là tập trung vào lĩnh vực khoa học cơ bản để giúp các trường đại học của Việt Nam tiếp tục thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về đổi mới trong khoa học cơ bản mà bạn vốn có thế mạnh. Và một số lĩnh vực mà Việt Nam đang cần như kỹ thuật, xây dựng thành phố thông minh, vật liệu xây dựng mới, hoặc trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, bale là những lĩnh vực mà Nga có truyền thống rất mạnh.
Các trường đại học hai bên cũng có một hội thảo rất thiết thực, trao đổi rất kỹ về những hoạt động mà tới đây sẽ triển khai, trong đó có việc khai thác hiệu quả 1.000 suất học bổng, đây là nguồn lực rất lớn góp phần phát triển nguồn nhân lực, phục vụ nhu cầu đổi mới của Việt Nam.
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Với Hungary, chuyến đi đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực giữa hai nước. Trước kia, Hungary giúp Việt Nam rất nhiều trong lĩnh vực này, đào tạo gần 4.000 công dân Việt Nam trình độ đại học, thạc sỹ và tiến sỹ, trong đó nhiều người giữ trọng trách của Đảng, Nhà nước và trong các hoạt động của đời sống xã hội, trong kinh doanh. Hungary có thế mạnh về y, dược, nông nghiệp rồi hạt nhân. Năm 2014, lần đầu tiên hai bên có Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học.
Trong đợt này, tại Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học lần hai, khoảng 20 trường đại học Việt Nam và các trường đại học của Hungary gặp nhau để rà soát hiệu quả và những vấn đề trong hội thảo lần trước. Quan trọng hơn là hai bên xác định những nhiệm vụ trọng tâm, những thế mạnh mà hai bên sẽ triển khai.
Hungary cũng là nước thứ hai sau Liên bang Nga về cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. Hai năm gần đây, số học bổng tăng rất nhanh, năm 2016 cấp 100 suất học bổng, năm 2017 tăng lên 200 suất. Số học bổng này bạn cũng ưu tiên cho Việt Nam chọn học sinh hoặc giảng viên trong lĩnh vực mà bạn có thế mạnh.
Tổng Bí thư đến dự và phát biểu tại Hội nghị lần này là nguồn động viên rất lớn đối với các nhà khoa học của hai bên, tạo niềm tin mới cho các nhà khoa học, không chỉ hợp tác với nhau về đào tạo, khoa học, mà còn thấy được triển vọng hợp tác mạnh mẽ Việt Nam - Hungary và đi kèm theo là hợp tác kinh tế. Đào tạo nguồn nhân lực phải ưu tiên và đi trước một bước. Đây là một trong những điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế. Trách nhiệm của các trường đại học là phải đi tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu, chuẩn bị đội ngũ nhân lực am hiểu về văn hóa, đất nước, về tiềm lực của hai bên, tiếp theo là những nghiệp vụ về khoa học công nghệ để tham gia sâu vào các chương trình hợp tác kinh tế, khai thác tiềm năng của mỗi nước trong hợp tác giữa hai quốc gia thời gian tới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tin tưởng rằng sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Liên bang Nga và Hungary lần này, lĩnh vực giáo dục - đào tạo sẽ có khởi sắc mới, tiếp nối những thành quả hợp tác về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ giữa Việt Nam với Liên bang Nga và Hungary đã được vun đắp qua nhiều năm và tới đây sẽ phát triển mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả hơn.
Phát huy vai trò của các thị trường truyền thống là một hướng đi quan trọng
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận định, mặc dù đã được cải thiện, kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng nhanh trong 1 - 2 năm trở lại đây, nhưng với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm và tổng vốn đầu tư hai chiều mới ở mức 3 - 4 tỷ USD, chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, rõ ràng quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt - Nga còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tầm vóc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia, và chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới.
Đồng chí Vũ Tiến Lộc phân tích, có nhiều lý do, trong đó lý do khách quan như đường sá xa xôi, các tuyến vận tải quốc tế cả đường bộ và đường biển đều không thuận, nên chi phí vận tải cao, khả năng cạnh tranh của hàng hóa của hai bên trên thị trường của nhau còn thấp. Nhưng cũng có những lý do chủ quan, đó là cơ chế thanh toán chưa thuận lợi, chậm được tháo gỡ; hàng rào kỹ thuật của phía Nga, nhất là đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm của ta còn cao; công tác xúc tiến thương mại đầu tư và hợp tác giữa hai cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế.
Để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai bên cần tập trung hóa giải những điểm nghẽn này và bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam với Liên minh Thương mại Á - Âu và WTO.
Theo đồng chí Vũ Tiến Lộc, với những diễn biến mới nhất của tình hình kinh tế thế giới, khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và xung đột thương mại có xu hướng gia tăng… Cả Liên bang Nga và Việt Nam đều đứng trước yêu cầu phải đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng. Trở lại và phát huy vai trò của các thị trường truyền thống, có tiềm năng, nhất là các thị trường chúng ta có các mối quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, là một hướng đi quan trọng.
Với nỗ lực của hai nhà nước và hai cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể đưa quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt - Nga sớm trở thành trụ cột bền vững của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trong chuyến đi lần này, cùng với các ban, bộ, ngành có liên quan, VCCI và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đã có những thỏa thuận hợp tác mới hướng tới quan hệ đối tác chiến lược giữa hai cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã ký thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Nga, Diễn đàn kinh tế nước Nga và tổ chức Xúc tiến xuất khẩu Russia Expo để thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, đầu tư và tăng cường hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp Việt - Nga.
Theo kế hoạch đã được thống nhất, năm 2019, các tổ chức đối tác Nga sẽ phối hợp với VCCI tổ chức hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp Việt - Nga và triển lãm hàng xuất nhập khẩu Việt - Nga tại Hà Nội để góp phần thiết thực vào các hoạt động kỷ niệm 1/4 thế kỷ ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt - Nga.
VCCI và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã ký kết và khởi động các chương trình, dự án hợp tác mới trong các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, hàng không, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm, cung ứng tín dụng cho phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác thanh toán xuất nhập khẩu bằng các đồng tiền nội tệ, hợp tác trao đổi công nghệ, xúc tiến thương mại đầu tư… Đó là những lĩnh vực hợp tác trọng yếu và có nhiều tiềm năng.
Điều quan trọng là không chỉ có doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam mà doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đầu tư vào Nga với những dự án mang tính chiến lược. Các thương hiệu hàng đầu của Việt Nam đã vươn ra thế giới, thông qua hoạt động đầu tư để mở rộng thị trường…
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Nga đã là những nhà đầu tư tiên phong, góp phần dẫn dắt làn sóng đầu tư lần thứ nhất vào Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, cơ khí chế tạo… trong nhiều thập kỷ qua. Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng họ sẽ lại tiếp tục là những nhà đầu tư chiến lược vào Việt Nam trong thời gian tới, trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam - Nga, các doanh nghiệp lớn giữ vai trò quan trọng, VCCI và Hội đồng doanh nghiệp Việt - Nga sẽ sát cánh với các doanh nghiệp lớn của hai bên để họ thực sự đóng vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương và cùng nắm tay nhau vươn ra thị trường thế giới…/.
Bế mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018  (13/09/2018)
Hoạt động trong ngày của Thủ tướng Chính phủ  (13/09/2018)
Bảo đảm tính ổn định và thống nhất của hệ thống pháp luật  (13/09/2018)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith  (13/09/2018)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay