Tiếp tục Phiên họp thứ 27, ngày 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.

* Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Chính phủ được giao chủ trì chuẩn bị 75 dự án luật, pháp lệnh dự kiến phải được ban hành, sửa đổi, bổ sung để triển khai thi hành Hiến pháp.

Sau gần năm năm thực hiện, Chính phủ đã trình ban hành được 54 luật, pháp lệnh (đạt 72%), đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2018 và 2019 là bốn dự án (chiếm hơn 5%); còn lại 17 dự án (chiếm gần 23%) chưa đưa vào Chương trình, trong đó so với thời hạn dự kiến có hai dự án quá hạn bốn năm, hai dự án quá hạn ba năm, chín dự án quá hạn hai năm.

Đáng chú ý, số văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực còn nợ chưa ban hành là 12/152 văn bản. Trong đó, 3/12 văn bản quy định chi tiết của hai luật, pháp lệnh có hiệu lực từ năm 2017 trở về trước; 9/12 văn bản quy định chi tiết của chín luật có hiệu lực trong năm 2018. Ngay trong số các văn bản quy định chi tiết đã được ban hành thì số văn bản được ban hành để có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật mới chỉ đạt 90/138 văn bản (chiếm trên 65%).

“Đây là vấn đề Chính phủ cần chỉ đạo các bộ rút kinh nghiệm, có giải pháp để khắc phục”, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Ngoài ra, trách nhiệm của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trước việc kết quả ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được như mong muốn. Những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện còn kéo dài trong nhiều năm qua.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao vai trò của Bộ Tư pháp trên phương diện là “người gác cửa” pháp luật cho Chính phủ, tuy nhiên nhiều ý kiến vẫn tỏ ra lo ngại về tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật; chất lượng của một số văn bản ban hành thời gian qua...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, trong năm năm qua, kể từ sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật cơ bản được ban hành kịp thời. Chính phủ cũng quan tâm hơn tới công tác xây dựng pháp luật, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề lấy ý kiến và đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Thị Nga, vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật khá quan trọng nhưng chưa được ban hành; chất lượng một số dự án Luật chưa bảo đảm cả về chuẩn bị, nội dung, thời gian khi trình...; đánh giá tác động của nhiều dự án Luật còn hình thức.

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, một bất cập lớn hiện nay là hệ thống pháp luật thiếu ổn định, thay đổi liên tục. “Tâm lý phổ biến là cứ thấy vướng thì đòi sửa luật ngay, trong khi vướng mắc nhiều khi lại không nằm ở luật”, đồng chí Lê Thị Nga nói và nhấn mạnh việc hệ thống pháp luật không ổn định sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng băn khoăn về tính thống nhất và ổn định của hệ thống pháp luật. Dẫn chứng dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 12-9 có nhiều chính sách mới đòi hỏi những khoản chi tiêu liên quan đến ngân sách trong điều kiện ngân sách đang khó khăn hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Luật về cơ chế có liên quan đến một ngành, nhưng thực tế lại tác động đến nhiều lĩnh vực khác.

Phân tích nguyên nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tính phối hợp chưa cao nên mỗi bộ, ngành đề xuất dự án Luật đều đưa ra vấn đề có lợi cho quản lý, điều hành chỉ đạo của bộ, ngành đó, nhưng thiếu cái nhìn tổng thể chung; thậm chí có dự án Luật đưa ra nhưng ngay trong Chính phủ chưa thống nhất.

“Có thể nói hệ thống pháp luật của Việt Nam khá đầy đủ, toàn diện. Cái chính là tổ chức thực hiện chưa tốt nên có nội dung sửa có khi chỉ do thực hiện chứ không phải luật không hợp lý”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.

Dẫn thông tin trên báo chí cho thấy qua kiểm tra văn bản, tỷ lệ không hợp pháp, thậm chí không hợp Hiến đã kéo dài nhiều năm, mỗi năm có tới hàng ngàn văn bản và vẫn chưa giảm, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề: “Các văn bản sai ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội như thế nào? Xử lý văn bản sai đã đành, nhưng vừa qua việc đánh giá tác hại và xử lý trách nhiệm người ban hành sai vẫn chưa quyết liệt”. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải đề nghị phải xử lý nghiêm minh, nêu rõ địa chỉ làm sai.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học đánh giá, thời gian qua có bước chuyển biến tích cực trong xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Chính phủ đã quan tâm và có những cuộc họp về nội dung xây dựng thể chế; rà soát, phát hiện, chấn chỉnh các văn bản được ban hành nhưng có vi phạm.

Tuy vậy, theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, Báo cáo của Chính phủ cho thấy một trong những tồn tại là việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều Nghị quyết, trong đó yêu cầu xem xét trách nhiệm người đứng đầu, nhưng lâu nay ta làm được chưa? Nhiều dự án Luật chuẩn bị chưa tốt, thậm chí là “dồn” cho cơ quan thẩm tra thì xem xét trách nhiệm Bộ trưởng liên quan thế nào?”, đồng chí Nguyễn Thái Học nói.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng đặt vấn đề về công tác triển khai, thi hành, tuyên truyền pháp luật ở một số nơi chưa được thực hiện nghiêm. “Báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp vừa rồi liên quan đến thực hiện Luật Tố tụng hành chính cho thấy chủ tịch ủy ban nhân dân và cấp phó được ủy quyền không gương mẫu trong chấp hành pháp luật”, đại biểu dẫn chứng.

Luật Tố tụng hành chính quy định người đứng đầu chính quyền và cấp phó có trách nhiệm tham gia đối thoại, đến tòa tham gia tố tụng nhưng lãnh đạo nhiều địa phương không chấp hành, thậm chí bản án hành chính có hiệu lực cũng không chịu thi hành.

“Luật ban hành dù đúng hay sai, phù hợp hay không thì công dân phải thi hành, nếu không sẽ bị xử lý, còn cán bộ nhà nước không thực hiện thì có đảm bảo tính công bằng hay không? Người đứng đầu chính quyền không gương mẫu, tôn trọng pháp luật thì đòi hỏi người dân thượng tôn pháp luật thế nào?”, đồng chí Nguyễn Thái Học nêu câu hỏi và đề nghị phải có biện pháp chấn chỉnh vấn đề này.

** Chiều cùng ngày, tiếp tục Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.

Trình bày tờ trình về dự án Luật, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, qua hơn 8 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010, công tác thi hành án hình sự đã được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội. Bên cạnh kết quả đạt được, Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới và nhiều bộ luật, luật có nội dung liên quan đến thi hành án hình sự nên các quy định của Luật Thi hành án hình sự hiện hành không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan.

So với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự thảo Luật mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành bản án, quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; về quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Về thời gian xem xét, thông qua dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án luật tại 3 kỳ họp. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2018), Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự án Luật. Sau đó, Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019), xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019).

Cân nhắc bổ sung quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Dự thảo Luật có bổ sung quy định về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam và phối hợp giữa trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân (Điều 16 và khoản 5 Điều 29).

Dự thảo Luật quy định: "Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Đồng thời, tại khoản 5 Điều 29 bổ sung quy định: Trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân với sự đồng ý của phạm nhân. Chế độ lao động của phạm nhân trong trường hợp này còn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật lao động có liên quan.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, nhiều ý kiến Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định nói trên vì cho rằng: việc huy động doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề tham gia tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân là cần thiết. Tuy nhiên cần bảo đảm mục đích chính của công tác tổ chức lao động cho phạm nhân là nhằm giáo dục cải tạo phạm nhân, đồng thời phải bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình quản lý giam giữ và tổ chức lao động. Hoạt động lao động của phạm nhân phải được tổ chức trong trại giam hoặc tại khu sản xuất, điểm lao động thuộc khu vực quản lý của trại giam và phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cán bộ trại giam. Do đó, dự thảo Luật cho phép trại giam được tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam; trại tạm giam, nhà tạm giữ được phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân là không phù hợp với mục đích, yêu cầu của công tác thi hành án phạt tù. Quy định này sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự; tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phạm nhân trốn trại rất cao, không bảo đảm an ninh, an toàn trong việc quản lý phạm nhân.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 171 và Điều 172 Luật Thi hành án hình sự hiện hành, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền quyết định để lại một tỷ lệ nhất định phạm nhân chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam nhà tạm giữ với mục đích là sử dụng số phạm nhân thuộc loại tội ít nghiêm trọng phục vụ việc tạm giam, tạm giữ để không phải sử dụng ngân sách nhà nước thuê lao động bên ngoài. Vì vậy, dự thảo Luật quy định trại tạm giam, nhà tạm giữ được phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân là không đúng với mục đích nêu trên.

Một số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo Luật và cho rằng, thực tế nhiều năm qua, hiệu quả lao động của các phạm nhân tại các trại giam còn nhiều hạn chế. Kết quả lao động của phạm nhân chưa bảo đảm tạo lập các quỹ theo quy định nhất là “Quỹ tái hòa nhập cộng đồng”, làm giảm ý nghĩa trong giáo dục cải tạo người bị kết án tù. Do đó, quy định như dự thảo Luật sẽ tạo ra cơ chế cho các cơ sở giam giữ được tổ chức cho phạm nhân tham gia lao động tại các doanh nghiệp ngoài trại giam trên cơ sở có sự đồng ý của phạm nhân.

Do đó, một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá đầy đủ về tác động, làm rõ những tiêu chí, điều kiện cụ thể, tính khả thi để trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, nhất là tổ chức cho phạm nhân ra khỏi trại giam đưa đi lao động... Ngoài ra, việc bổ sung quy định về chế độ lao động của phạm nhân trong trường hợp này ngoài việc còn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật lao động có liên quan (khoản 5 Điều 29) là không phù hợp, phải được quy định rõ trong Luật vì nhiều chế độ đối với người lao động thông thường được quy định trong Bộ luật Lao động không thể áp dụng với phạm nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh băn khoăn về hình thức ký kết lao động trong trường hợp này, vì theo Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động cho doanh nghiệp, tổ chức phải đảm bảo quy định về hợp đồng lao động, về đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Từ đó, đại biểu đề nghị vấn đề này cần làm rõ thêm trong quy định của dự thảo Luật.

Bổ sung quy định về thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại

Dự thảo Luật bổ sung các quy định về thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đối với pháp nhân thương mại trong Luật Thi hành án hình sự để bảo đảm tính thống nhất của Luật Thi hành án hình sự với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Dự thảo Luật quy định theo hướng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu chủ trì thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Đồng thời, về trách nhiệm thi hành án hình sự, dự thảo Luật quy định theo hướng có sự kết hợp giữa cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký kinh doanh, cấp phép, chấp thuận cho pháp nhân thương mại hoạt động.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, quy định về thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại là vấn đề rất mới, rất khó, tuy nhiên lại rất cần thiết để cụ thể hóa quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự mới. Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các quy định liên quan đến vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại là vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ. Vì vậy, việc xây dựng mô hình tổ chức cơ quan thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại cần được cân nhắc thận trọng trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành, theo đó phải phân định rõ vai trò của cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp; tham khảo cách quy định thi hành hình phạt đối với cá nhân (như thi hành hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định) và thi hành các biện pháp xử lý hành chính có tính chất tương đồng (như đình chỉ hoạt động có thời hạn...); tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm tính khả thi.

Đồng thời, Ủy ban Tư pháp đề nghị ban soạn thảo cân nhắc kỹ các vấn đề, về bản chất, thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại là hoạt động tư pháp, do đó, phải tuân thủ đây đủ các yêu cầu của hoạt động tư pháp về thẩm quyền áp dụng, trình tự, thủ tục và các biện pháp cưỡng chế thi hành án; chịu sự kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thủ tục tư pháp; chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước nếu gây ra thiệt hại.../.