Một số hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn WEF ASEAN 2018
TCCSĐT - Ngày 11-9, trong khuôn khổ Diễn đàn WEF - ASEAN 2018 đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như Diễn đàn Tăng trưởng châu Á 2018, Diễn đàn Doanh nghiệp khởi nghiệp tranh thủ cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ra mắt cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” phiên bản tiếng Việt.
Đổi mới, sáng tạo để chuyển đổi ngành nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững hơn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc tại Diễn đàn. Ảnh: TTXVN
Sáng 11-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Tăng trưởng châu Á 2018. Tham gia Hội nghị có lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp của các quốc gia trong khu vực ASEAN, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn toàn cầu và các công ty có đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Diễn đàn tăng trưởng châu Á có chủ đề “Đổi mới để tạo ra thay đổi: Khám phá và truyền cảm hứng” với 18 phiên kỹ thuật. Diễn đàn thảo luận nhiều chủ đề quan trọng như tài chính nông nghiệp, đổi mới kỹ thuật số trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp với cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ chính xác trong nông nghiệp, nông nghiệp phát thải thấp, chuyển giao công nghệ tới người nông dân trong chuỗi giá trị, chuyển đổi lao động nông nghiệp…
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của phần lớn các quốc gia ASEAN, sản xuất nông, lâm, thủy sản trong khu vực không chỉ bảo đảm an ninh lương thực nội khối với dân số 650 triệu người mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Nhấn mạnh chủ đề của Diễn đàn tăng trưởng châu Á là “Đổi mới để tạo ra thay đổi: Khám phá và truyền cảm hứng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, muốn hội nhập sâu rộng hơn, ngành nông nghiệp cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia sâu rộng hơn của khu vực tư nhân, sử dụng các công nghệ hiện đại của cách mạng công nghệ 4.0 để chuyển đổi ngành nông nghiệp, trở nên hiện đại, hiệu quả, bao trùm và bền vững hơn.
Theo Phó Thủ tướng, hợp tác trong nông nghiệp cũng là một trong những nội dung quan trọng nhất của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhằm gia tăng sức mạnh và năng lực thâm nhập thị trường của sản phẩm nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp, tăng cường sự tham gia và hưởng lợi của hộ nông dân.
Trong đó, các biện pháp thực hiện bao gồm đẩy mạnh hợp tác chiến lược trong nông nghiệp trong ASEAN thông qua hợp tác song phương, đa phương và khu vực; thiết lập các liên kết tiềm năng trong nông nghiệp ASEAN và thúc đẩy đầu tư trực tiếp và quan hệ đối tác chiến lược trong hợp tác nông nghiệp ASEAN giữa nhà sản xuất, khách hàng và doanh nghiệp thương mại.
Sáng kiến Tăng trưởng châu Á là sự kết nối và tạo dựng đối tác nhiều bên để hỗ trợ các nước trong khu vực ASEAN thực hiện mục tiêu đề ra trong Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp của Diễn đàn kinh tế thế giới là nâng cao sản lượng nông nghiệp lên 20%, giảm lượng phát thải carbon 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 20% sau mỗi thập niên cho đến năm 2030. Mục tiêu này được thực hiện thông qua việc gắn kết sự tham gia của các bên liên quan là Chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân, đặc biệt là thông qua mô hình đối tác công - tư (PPP).
“Việt Nam coi PPP là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư vào chế biến sâu. Chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư theo hình thức PPP đã được Chính phủ thể chế hóa bằng các chính sách”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Trong Kế hoạch hành động triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho phát triển kinh tế bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn thịnh vượng. Khoa học công nghệ và đầu tư theo mô hình PPP sẽ là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong giai đoạn phát triển hiện nay, bên cạnh vai trò kiến tạo của Chính phủ, vai trò chủ thể của nông dân, cần phải có sự đồng hành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị, đóng vai trò tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, doanh nghiệp có điều kiện, tiềm lực để ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nông sản, trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để xây dựng một ngành nông nghiệp hiện đại, có năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về xã hội và môi trường trong toàn chuỗi giá trị nông nghiệp.
Phó Thủ tướng tin tưởng các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nhân tham dự Diễn đàn sẽ cùng nhau chia sẻ cách thức đổi mới trong sản xuất, đầu tư và kinh doanh nông nghiệp, ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh để phát huy lợi thế của nông nghiệp trong vùng, cải thiện đời sống của người nông dân và góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Diễn đàn mở với chủ đề Doanh nghiệp khởi nghiệp tranh thủ cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Diễn đàn mở với chủ đề “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Ảnh: TTXVN
Sáng 11-9, Diễn đàn mở với chủ đề “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các thanh niên, sinh viên đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn mở, Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, Chủ tịch điều hành WEF nhấn mạnh, tiếp nối cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đã mở ra kỷ nguyên về công nghệ số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra sự khác biệt khi nâng tầm công nghệ một cách toàn diện hơn, bao gồm nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, y học chính xác… Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất, liên lạc, tiêu dùng, truyền thông…, không chỉ đơn thuần ảnh hưởng tới tất cả hoạt động mà còn tác động tới bản thân mỗi con người, dẫn đến sự kết hợp hòa trộn giữa thế giới vật chất, thế giới số và thế giới sinh học. Một trong những sự khác biệt căn bản của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là tốc độ và nội hàm; từ đó làm thay đổi mạnh mẽ các mô hình kinh doanh, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới, các nền kinh tế và các xã hội. Trong tương lai, các quốc gia thành công là các quốc gia có thể nắm bắt cơ hội, ưu thế mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại.
Để sẵn sàng cho sự thích ứng này, ông Klaus Schwab cho rằng, điều kiện tiên quyết là cần ý thức được đúng mức tầm quan trọng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường sự hiểu biết về những điều đang diễn ra xung quanh; đồng thời huy động mọi nguồn lực để chuẩn bị tốt nhất cho việc nắm bắt các cơ hội. Bên cạnh đó, các quốc gia cần xây dựng những chính sách cần thiết, khuyến khích tinh thần của cộng đồng doanh nhân trong xã hội; cởi mở trước những sự thay đổi. Trước những e ngại về vấn đề nhiều việc làm sẽ mất đi khi cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển, ông Klaus Schwab khẳng định, nhiều cơ hội việc làm mới sẽ xuất hiện, quan trọng là mỗi cá nhân cần chuẩn bị sẵn sàng bằng cách trang bị những kỹ năng cần thiết. Thế hệ trẻ chính là những người sẽ thích ứng và ứng dụng công nghệ mới nhanh nhất. Đây là nền tảng cần thiết khi xây dựng hệ sinh thái về tinh thần doanh nhân. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc nền kinh tế của mỗi quốc gia bởi đây chính là động lực của công nghệ mới.
Ông Klaus Schwab cho biết, Diễn đàn Kinh tế thế giới đang hợp tác trong nhiều dự án mới để đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết cho những doanh nghiệp khởi nghiệp có môi trường trao đổi sáng tạo và tương tác với nhau hiệu quả hơn. Được cấu thành từ nhiều thành tố quan trọng, song ông Klaus Schwab cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được phát triển dựa trên việc lấy con người làm trung tâm. Người sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới kêu gọi thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ trên thế giới nói chung tiếp tục nỗ lực để nắm bắt những cơ hội lớn mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại; bởi thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không đồng nghĩa với việc con người sẽ trở thành nô lệ của robot và trí tuệ nhân tạo mà cần trở thành nhân tố làm chủ công nghệ mới hiện đại, từ đó xây dựng nền tảng công nghệ phục vụ cộng đồng, xã hội.
Phát biểu tại Diễn đàn mở, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, cả thế giới đang trong xu hướng tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế dựa trên sự phát triển và những thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các công nghệ trọng tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã và đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội. Đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới. Ở đó cũng tạo ra cơ hội cho giới trẻ ASEAN phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo để biến thách thức thành thời cơ, chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là đối tượng trung tâm của nền kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; đồng thời, cũng chủ động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh, bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển trong nước và quốc tế; đã thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh mong muốn, được tăng cường trao đổi, đối thoại và nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, hợp tác từ các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp của WEF, đặc biệt là cá nhân Giáo sư Klaus Schwab, về các giải pháp, chương trình hành động thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong ASEAN, tăng cường năng lực liên kết giữa các nước ASEAN về đổi mới sáng tạo để phát huy tốt nhất những thời cơ, ứng phó hiệu quả với những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tầm nhìn đến năm 2035; kịch bản Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động của mình, Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng với WEF và các nước ASEAN, sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp, các nguồn lực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước với mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong toàn ASEAN và trên toàn thế giới.
Tại Diễn đàn mở, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các thanh niên, sinh viên đã tập trung trao đổi và thảo luận những ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác toàn cầu để đưa khu vực Đông Nam Á thực sự trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ động kiến tạo, làm chủ và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần xây dựng nền kinh tế, xã hội các quốc gia ASEAN ngày càng trở nên thông minh, hiệu quả hơn.
Phiên thảo luận đặc biệt này là sự hợp tác giữa WEF và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhằm tạo nên một diễn đàn mở cho giới trẻ, sinh viên, doanh nhân, chuyên gia trẻ và công chúng một cơ hội để thảo luận về tương lai của chính mình, trong một giai đoạn phát triển chưa từng có của công nghệ trong khu vực ASEAN. Sự kiện cũng nhằm thúc đẩy, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và chia sẻ khởi nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 với mong muốn xây dựng một ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người.
Ra mắt cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” phiên bản tiếng Việt
Giới thiệu sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” phiên bản tiếng Việt. Ảnh: TTXVN
Cùng ngày, Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban tổ chức WEF ASEAN 2018 Bùi Thanh Sơn đã tham dự họp báo ra mắt cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” phiên bản tiếng Việt.
Bày tỏ vui mừng được quay trở lại Việt Nam lần này, Giáo sư Klaus Schwab, tác giả cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” cho biết, việc xuất bản cuốn sách với phiên bản tiếng Việt đúng vào dịp Hội nghị WEF ASEAN 2018 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0), giúp hiểu rõ hơn về cuộc cách mạng này; đồng thời đảm bảo các nền kinh tế đưa ra những chính sách, giúp doanh nhân nắm bắt cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại; đồng thời không coi đây là một mối đe dọa mà là một cơ hội của không chỉ Việt Nam mà toàn bộ khu vực, trở thành một khu vực có tính cạnh tranh cao nhất trong tương lai. Cuốn sách hiện đã được dịch sang 29 ngôn ngữ, xuất bản tại nhiều quốc gia với số lượng phát hành trên 1 triệu cuốn.
Dành tặng cuốn sách này cho người dân Việt Nam, Giáo sư Klaus Schwab hy vọng đây sẽ là chất xúc tác, động lực, biến Việt Nam trở thành một nhân tố mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Chia sẻ về nội dung cuốn sách và Cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, không thể xem nhẹ các tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các mô hình kinh doanh, các nền kinh tế xã hội ở các khu vực trên thế giới. Nêu điểm khác biệt của Cách mạng công nghiệp 4.0 với các cuộc cách mạng công nghiệp trước, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 không đơn thuần chỉ nắm giữ một công nghệ mà bao gồm nhiều công nghệ khác nhau như: Robot, trí tuệ nhân tạo, xe hơi tự lái, y học hiện đại... Bên cạnh đó, sự khác biệt của Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự toàn diện và tốc độ. Giáo sư Klaus Schwab chia sẻ, khi ông mới viết cuốn sách này, công nghệ Blockchain còn rất non trẻ, trí tuệ nhân tạo mới ở giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên hiện nay tất cả những công nghệ này đã được ứng dụng trong thực tế. Do đó, quốc gia nào bỏ lỡ "chuyến tàu" Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thất bại.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, người trực tiếp chỉ đạo công tác dịch thuật sang ngôn ngữ Việt của cuốn sách này bày tỏ cảm ơn Giáo sư Klaus Schwab và WEF đã hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nắm bắt các cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời cảm ơn WEF đã cho phép Việt Nam dịch, xuất bản cuốn sách "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” phiên bản tiếng Việt. Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi ngành công nghiệp mạnh mẽ, tác động tới mọi khía cạnh cuộc sống và mọi quốc gia. Trong cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Giáo sư Klaus Schwab đã mô tả cách công nghệ thay đổi cuộc sống, phương thức làm việc và tương tác, cho thấy cuộc cách mạng này khác trong quá khứ về quy mô, tốc độ. Cuốn sách đã nêu tổng quan về những đại xu thế trước mắt, phân tích những thay đổi đổi để đảm bảo những lợi ích từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cuốn sách là nguồn tham khảo giúp Việt Nam chuẩn bị tốt nhất cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đánh giá về sự chuẩn bị của Việt Nam cho WEF ASEAN 2018, Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh, sự hợp tác tuyệt vời và hiệu quả giữa WEF và Việt Nam cho sự kiện với hơn 1.000 khách mời tham dự, là hội nghị lớn nhất của WEF từng có ở các nước ASEAN, qua đó cho thấy rõ tiềm năng của Việt Nam. Giáo sư Klaus Schwab nhận thức được sức mạnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra cơ hội thành công, tinh thần doanh nhân và hệ sinh thái doanh nhân. Trong Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề sẽ bị mất đi, vì vậy, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, không nên bi quan mà cần lạc quan bởi các công việc mới sẽ được tạo ra. Các Chính phủ cần hoạch định ra chính sách để chủ động trước những thách thức, chuẩn bị cho một thời gian chuyển đổi, thay đổi, trả lời cho câu hỏi làm thế nào để sản xuất, tiêu dùng và giải trí.
Cũng theo Giáo sư Klaus Schwab Cách mạng công nghiệp 4.0 là một quá trình lâu dài, không thể thấy kết quả ngay trong ngắn hạn và gắn liền với nhu cầu giáo dục để đảm bảo con người, đặc biệt là giới trẻ thích ứng nhanh với công nghệ./.
Các hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hungary  (11/09/2018)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân chủ trì lễ đón Tổng thống Cộng hòa Indonesia và Phu nhân  (11/09/2018)
Mở rộng chi trả thuốc kháng HIV từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế  (11/09/2018)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dừng dự án Luật Hành chính công  (11/09/2018)
Tuyên bố chung Việt Nam - Hungary về lập quan hệ đối tác toàn diện  (11/09/2018)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Tổng thống Hungary Janos Ader  (11/09/2018)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay