TCCSĐT - Từ ngày 24-12-2017, các cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tạm dừng các cuộc họp và hoạt động chưa cần thiết; khẩn trương triển khai các phương án chủ động phòng, chống cơn bão số 16 - bão Tembim. Đồng thời, các địa phương đã tổ chức, huy động nhiều lực lượng đến những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn bão, giúp người dân chủ động ứng phó để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.
Cà Mau: Chuẩn bị di dời 87.964 người dân

Sáng 24-12, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai các giải pháp ứng phó cơn bão Tembin. Toàn tỉnh có phương án chuẩn bị di dời 87.964 người dân khỏi các vùng nguy hiểm. Đến trưa 24-12, có 8.114 căn nhà đã được chằng chống; bộ đội biên phòng tỉnh đã liên lạc được với 862 tàu và 7.183 người đang hoạt động trên biển để thông báo bão và vận động đưa tàu đến nơi trú ẩn. Tỉnh thống nhất cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào sáng thứ hai (25-12).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương, các ngành quyết liệt thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đến từng hộ dân về đường đi và dự báo về cơn bão. Các xã, các huyện ngoài hệ thống trạm truyền thanh còn làm thêm các xe thông tin lưu động từ loa của xã kêu gọi bà con cách chủ động ứng phó; đồng thời tỉa dọn các cây xanh có tán lớn có nguy cơ ngã đổ. Các bệnh viện, trạm y tế xã đã kiểm tra lại cơ sở vật chất để sẵn sáng cấp cứu người bị nạn. Các nhà máy, xí nghiệp kiểm tra hệ thống điện, nhà xưởng, đảm bảo an toàn; sau khi chừa lại một bộ phận bảo vệ nhà xưởng để ứng cứu kịp thời khi có bão vào đã cho công nhân nghỉ làm việc từ sáng 25-12 đến hết ngày 26-12. Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành điện lực đã tiến hành kiểm tra các thiết bị dự phòng để có thể chủ động cấp điện dự phòng cho những nơi trọng yếu; lực lượng công an, quân sự, biên phòng đã tăng cường lực lượng trực đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau bão.

Bến Tre: Khẩn trương kêu gọi tàu đánh cá vào bờ


Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, trong ngày 24-12, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các địa phương vùng ven biển đã khẩn trương tiến hành các phương án sơ tán, di dời dân ở những nơi nguy hiểm vào khu vực an toàn tại các trạm y tế, chùa, trường học, trụ sở ủy ban nhân dân các xã. Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, lực lượng chức năng sẽ quyết liệt di dân, nếu cần sẽ cưỡng chế di dời. Toàn tỉnh dự kiến sẽ di dời khoảng 20.000 người, trong đó ưu tiên người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật… Công tác di dời dân dự kiến sẽ hoàn thành trước 12 giờ trưa ngày 25-12. Đồng thời, các địa phương ven biển khẩn trương kêu gọi tàu đánh cá vào bờ, cử lực lượng giúp người dân chằng chống lại nhà cửa… trước khi cơn bão đổ bộ vào đất liền.

Đến chiều cùng ngày, toàn tỉnh có 2.680 phương tiện tàu, thuyền đã tìm được nơi neo đậu tại các bến, bãi của tỉnh và khu vực các đảo. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 480 phương tiện và gần 1.950 người hoạt động trên biển đang trên đường vào bờ để tránh trú bão. Tại khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Bình Đại (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại) hàng trăm phương tiện đánh bắt thủy sản đã vào bờ và neo đậu an toàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Đại Lê Văn Răng cho biết, huyện đã thông báo cho học sinh nghỉ học trong 02 ngày 25 và 26-12; riêng trong ngày 24-12 đã triển khai phương án ứng phó bão số 16 xuống tới các xã, ấp, các ngành. Phương án ứng phó thiên tai của tỉnh được chỉ đạo đến các địa phương là thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong công tác phòng tránh, ứng phó bão.

Kiên Giang: Chủ động ứng phó để giảm tối đa thiệt hại


Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết: Kiên Giang là một trong 3 tỉnh mà Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung ương lưu ý có vùng nuôi trồng thủy sản ven biển lớn bên cạnh Vũng Tàu và Cà Mau. Vì thế, việc triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão để giảm tối đa thiệt hại là hết sức cần thiết. Tỉnh có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão, nhất là trong trường hợp bão đổ bộ hướng vào Cà Mau. Vì thế, tỉnh đã yêu cầu các huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải khẩn trương ứng phó với bão; thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và các khu vực An Biên, An Minh, U Minh Thượng hết sức thận trọng, không được chủ quan, cần phân công người trực 24/24 giờ và báo cáo nhanh tình hình về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Tỉnh đã có kế hoạch sẵn sàng cho học sinh, công nhân các nhà máy, các khu công nghiệp nghỉ, tiến hành sơ tán, di dời khoảng 300.000 hộ dân tránh bão trong tình huống xấu nhất.

Sáng 24-12, Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã ra lệnh cấm tất cả tàu thuyền ra khơi và cho học sinh nghỉ học từ ngày 25-12 đến khi hết bão. Cùng ngày, huyện đã cử 3 đoàn công tác đến các xã, thị trấn giám sát, hỗ trợ người dân ứng phó với bão; kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền, gia cố bè cá, chằng chống nhà cửa. Các đoàn công tác cũng đã đi thống kê số người dân sống ven biển và lên phương án di dời đến nơi an toàn. Tổng số tàu đánh cá trên vùng biển Phú Quốc khoảng 2.600 tàu. Đến chiều ngày 24-12, mặc dù hầu hết các tàu cá đã vào nơi trú ẩn an toàn, nhưng địa phương vẫn tiếp tục thông báo khẩn cho các tàu còn lại vào bờ, tránh bão.

Sóc Trăng: Đưa dân vào trường học, chùa, nhà thờ để tránh bão


Các địa phương ven biển, ven sông lớn của tỉnh đã khẩn trương xây dựng các phương án ứng phó với bão. Tại thị xã ven biển Vĩnh Châu, các lực lượng chức năng tiến hành gia cố một số tuyến đê biển xung yếu; triển khai phương án di dời người dân ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng vào các điểm chùa, trường học để trú, tránh bão. Huyện Trần Đề có 4.942 người dân ở các đơn vị hành chính gần cửa biển là thị trấn Trần Đề, các xã: Trung Bình, Đại Ân 2 và Lịch Hội Thượng được giúp đỡ di dời vào trụ sở ủy ban nhân dân xã, trường học, Đồn Biên phòng Bãi Giá trước khi bão đổ bộ vào. Huyện đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện đưa bà con đến nơi tránh bão cũng như các phương tiện ứng phó với bão. Chiều ngày 24-12, tất cả các phương tiện đánh bắt gần bờ của huyện đã vào nơi tránh bão an toàn, riêng tàu đánh bắt xa bờ chỉ còn khoảng 100 tàu đang trên đường vào nơi trú bão.

Tại huyện Cù Lao Dung, Ủy ban nhân dân huyện đã có kế hoạch di dời hơn 6.470 người trong vùng nguy hiểm đến 28 điểm kiên cố trú bão. Phần lớn các địa phương tận dụng các điểm trường học, chùa, nhà thờ để làm nơi trú bão cho người dân. 137 tàu thuyền đánh cá nhỏ của huyện, chủ yếu đánh bắt gần bờ, đã được kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn.

Bạc Liêu: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ huy ứng phó với bão


Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, nếu bão số 16 ảnh hưởng hoặc đổ bộ trực tiếp vào đất liền của tỉnh thì tổng số hộ dân cần phải di dời là 85.831 hộ với hơn 365.000 người. Tỉnh đã chủ động bố trí hơn 24.000 phương tiện phục vụ sơ tán dân đến 31.000 trụ sở, cơ quan, nhà kiên cố để tránh bão. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch sơ tán dân, khi có lệnh sơ tán sẽ triển khai ngay. Trong khi sơ tán sẽ ưu tiên sơ tán người dân sống ở khu vực ven biển và nhất là ở khu vực rừng phòng hộ. Dự kiến tỉnh sẽ hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân trước 12 giờ ngày 25-12 và sẽ tiến hành cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán. Sở Giáo dục và Đạo tạo tỉnh thông báo đến các trường học cho học sinh nghỉ học từ ngày 25-12 đến khi hết bão.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chỉ đạo: Các địa phương cần chủ động triển khai nhanh phương án ứng phó với bão. Trong công tác sơ tán, di dời dân, cần chú ý di dời người già và trẻ em trước; công tác di dời dân phải nhẹ nhàng tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân; bảo đảm an toàn vệ sinh và an toàn thực phẩm cho người dân tại các điểm trú tránh bão. Các ngành, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ huy ứng phó với bão.

Tiền Giang: tăng cường lực lượng xuống địa phương chống bão

Sáng 24-12, Đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, Công an tỉnh đã tăng cường thêm lực lượng xuống hỗ trợ cho huyện Gò Công Tây phòng chống bão. Trước đó, ngày 23-12, Công an tỉnh đã tăng cường gần 200 cán bộ, chiến sĩ xuống các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công, hỗ trợ người dân chằng néo nhà cửa, đắp bao cát trên nóc nhà,… để ứng phó với bão. Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 sẽ sơ tán dân tại chỗ trên 77.500 người, sơ tán dân đi huyện khác gần 40.000 người, việc di dân phải đảm bảo an toàn. Ngày 24-12, tại các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công đã hoàn thành việc rà soát, thống kê, kêu gọi tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản vào bờ hoặc tìm nơi tránh bão an toàn.

Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp: Không chủ quan với bão

Tuy là những tỉnh, thành phố nằm sâu đất liền, ít chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của bão, nhưng trước những dự báo về diễn biến bất thường của cơn bão số 16, trong ngày 24-12, lãnh đạo các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp và thành phố đã tổ chức họp khẩn cấp, lên phương án chủ động phòng, chống bão.

Theo Đài khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ, dự báo từ chiều 25 -12 đến sáng 26-12, bão sẽ đổ bộ vào Cần Thơ với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 11. Tại cuộc họp khẩn với các ngành, các địa phương bàn giải pháp ứng phó với cơn bão số 16, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đào Anh Dũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố dừng ngay các hội họp, tập trung triển khai nhanh nhất các phương án ứng phó với bão; thường xuyên, liên tục thông báo, hướng dẫn người dân các phương án và cách phòng, chống bão để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra… Ngành điện lực phải có phương án dự phòng, bảo đảm không cắt điện khi bão đổ bộ vào và chỉ đạo các địa phương có kịch bản di dân đến nơi an toàn khi bão đổ bộ. Trong trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 khi đổ bộ vào thành phố Cần Thơ thì thành phố sẽ tiến hành sơ tán trên 137.000 người dân ở những khu vực xung yếu tại 9/9 quận, huyện đến địa điểm trú bão an toàn.

Tại tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lữ Văn Hùng chỉ đạo các ngành, địa phương quán triệt tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt phòng chống bão số 16 đến từng người dân. Theo dự báo, rạng sáng 26-12, bão sẽ vào đất liền và có khả năng đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang; toàn bộ tỉnh sẽ bị ảnh hưởng, rủi ro thiên tai cấp độ 4. Nếu gió bão giật cấp 9-10 sẽ làm đổ ngã cây cối, nhà cửa, cột điện rất nặng nề. Vì thế, phương án đặt ra là tỉnh sẽ di dời người dân ra khỏi vùng tâm bão đối với các đối tượng dễ bị tổn thương như hộ có nhà cửa không chắc chắn, vùng sạt lở, sống ở vùng sâu, trong nội đồng, số còn lại sẽ di dời tại chỗ, tập trung những điểm trú ẩn kiên cố. Các địa phương đang rà soát lại những địa điểm trú ẩn an toàn để di dời người dân vùng tâm bão vào hoặc vào hầm trú ẩn mà các cấp Hội Nông dân và Hội Chữ thập đỏ đã chuẩn bị. Tỉnh đã cửa nhiều đoàn cán bộ xuống hỗ trợ các địa phương tính toán phương án ứng phó, vận động nhân dân chằng cột nhà cửa cho chắc chắn. Mọi cuộc họp đều được đình lại để tập trung cho ứng phó, phòng chống bão.

Tại cuộc họp khẩn cấp vào sáng 24-12, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã yêu cầu các ngành, các địa phương không được chủ quan, phải tập trung cho công tác phòng chống bão, trong đó trọng tâm là bảo vệ tính mạng người dân. Các bến đò, phương tiện vận chuyển ngoài sông được chỉ đạo tạm ngưng hoạt động từ 18 giờ ngày 25-12./.