Hoạt động văn hóa, quảng bá, phát triển du lịch tại các địa phương
Khai mạc Festival “Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”
Một tiết mục nghệ thuật trong lễ khai mạc Festival hoa Đà Lạt lần thứ 7.
Tối 23-12, tại Quảng trường Lâm viên, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII- năm 2017 đã chính thức khai mạc với chủ đề “Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới dự và phát biểu.
Tham dự buổi lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; đại diện Đại sứ quán một số nước; cùng khoảng 15.000 du khách và đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng.
Lễ khai mạc Festival “Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” bắt đầu với màn đại hoạt cảnh có chủ đề “Muôn hoa chào đón” hoành tráng, bày tỏ tình cảm của đồng bào các dân tộc Lâm Đồng chào đón các đại biểu, du khách đến với vùng đất lãng mạn này.
Trong bài phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Trưởng ban chỉ đạo Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII cho biết, cứ hai năm một lần, khi Đà Lạt bước vào cuối Đông - thời điểm tiết trời đẹp nhất trong năm, thành phố lại vui mừng chào đón đông đảo bạn bè quốc tế và du khách gần xa về tham quan, du lịch, trải nghiệm và dự khán các hoạt động trong khuôn khổ Festival hoa.
Đây là sự kiện văn hóa-kinh tế, du lịch đầy ý nghĩa, là sự nối tiếp khẳng định, tôn vinh người trồng hoa và quảng bá những giá trị về hoa, về các mặt hàng nông sản nổi tiếng và đặc sắc của địa phương như rau, trà, càphê, tơ lụa...
Lễ hội cũng là dịp để tỉnh Lâm Đồng quảng bá thương hiệu du lịch và thu hút đầu tư, đưa thương hiệu nông sản và du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng tự tin vươn ra thế giới, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Festival hoa Đà Lạt lần thứ VII năm 2017, tỉnh Lâm Đồng vui mừng đón nhận Quyết định công nhận thương hiệu nông sản "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành".
Đây là thành quả của cả quá trình lao động, nghiên cứu và sáng tạo, luôn khát khao hội nhập của người dân địa phương; là cam kết của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng về chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và du lịch; với mong muốn mang lại niềm tin, sự hài lòng của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hoa, nông sản và du lịch của Lâm Đồng hiện nay và trong thời gian tới.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt đã đạt được trong thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Qua 6 lần tổ chức đến nay, Festival Hoa Đà Lạt đã được xã hội ghi nhận là một sự kiện văn hóa, kinh tế, du lịch nổi bật; là lễ hội đặc trưng của thành phố cao nguyên thơ mộng, có tác động thiết thực thúc đẩy sự phát triển ngành nghề sản xuất-kinh doanh và xuất khẩu hoa, nông sản của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nói riêng, cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung. Chúng ta hân hoan chúc mừng thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng hôm nay được chính thức công nhận thương hiệu 'Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành.'
Đây là niềm tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm, là sự cam kết sẽ giữ trọn niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các mặt hàng nông sản và thương hiệu du lịch Đà Lạt, Lâm Đồng trong thời gian tới.
Tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đoàn kết một lòng, khai thác có hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt ngày càng phát triển; để cho 'Thành phố Festival Hoa Việt Nam' ngày càng xinh đẹp hơn và là điểm đến lý tưởng của du khách bốn phương trong và ngoài nước lựa chọn cho các chuyến du lịch, các kỳ nghỉ dưỡng, các hoạt động hội họp và công tác…”
Sau phần nghi thức là Chương trình nghệ thuật đặc sắc, hát-múa cổ động với 5 chương, do gần 500 nghệ sỹ-diễn viên biểu diễn.
Chương 1 với chủ đề về bản sắc dân tộc Lâm Đồng “Tiếng gọi cao nguyên”. Chương 2 với chủ đề về “Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Chương 3 với chủ đề về tơ lụa “Dáng hoa lụa là”. Chương 4 có chủ đề về trà và nông sản “Rạng ngời hương sắc cao nguyên”. Chương 5 với chủ đề về du lịch và môi trường “Giữ mãi sắc hoa”.
Với những chi tiết độc đáo như những chiếc xe ngựa, xe mui trần cổ diễu qua; những thiếu nữ gánh hoa đi trên phố phường; những đôi trai gái trong trang phục cổ điển, sánh vai nhau dưới làn sương mù… màn hoạt cảnh trên sân khấu đã tái hiện lại hình ảnh của một Đà Lạt xưa đầy mơ mộng và lãng mạn.
Khác với các kỳ Festival trước, nội dung trà và tơ lụa được đưa vào các chương trình của Festival Hoa Đà Lạt 2017, nhằm tôn vinh một ngành nghề truyền thống đã bị mai một, nay đang hồi sinh trở lại; tôn vinh những người nông dân, công nhân ươm tơ dệt lụa, góp phần đưa thành phố Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng lấy lại danh hiệu “Thủ đô tơ tằm” của cả nước như đã từng có trước đây.
Khánh Hòa chào đón vị du khách quốc tế thứ 2 triệu trong năm 2017
Ngày 23-12, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Khánh Hòa phối hợp Hãng hàng không Vietjet Air tổ chức lễ đón vị du khách quốc tế thứ 2 triệu đến Khánh Hoà trong năm nay. Đó là ông Kim Sun Won, quốc tịch Hàn Quốc, đi trên chuyến bay mang số hiệu VJ839 của Hãng hàng không Vietjet Air, khởi hành từ Incheon và đến Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh.
Vị du khách này được nhận nhiều phần quà bao gồm 6 tháng bay miễn phí trên các đường bay quốc tế của Vietjet Air, 1 phòng nghỉ 2 đêm dành cho 2 khách tại Vinpearl Nha Trang Resort và được tận hưởng miễn phí một số dịch vụ du lịch khác. Hai du khách khác lần lượt thứ 1.999.999 là bà Lee Jin Heun và thứ 2.000.001 là bà Ha Yin Ju, đều mang quốc tịch Hàn Quốc, cùng đi trên chuyến bay nói trên cũng được tỉnh Khánh Hòa chào đón nồng nhiệt với những phần quà ý nghĩa.
Trong năm nay, ngành du lịch tỉnh Khánh Hoà ước tính đón gần 5,5 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch ước đạt khoảng 17.300 tỷ đồng. Trong đó du khách quốc tế đạt hơn 2 triệu lượt, tăng 69% so với năm ngoái.
Tính đến nay, số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có trên 650 cơ sở với gần 27.000 phòng, trong đó khách sạn từ 3 đến 5 sao là 90 khách sạn với hơn 14.000 phòng. Các cơ sở dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí đa dạng và chất lượng ngày càng được nâng lên, đã đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa đã và đang hướng đến là điểm đến du lịch đầy hấp dẫn, văn minh và thân thiện.
Phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2020 đón 800 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 130 nghìn lượt. Đến năm 2025 đón 950 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 250 nghìn lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón 1,1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 380 nghìn lượt; tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành) năm 2020 đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, đến năm 2025 đạt khoảng 2.800 tỷ đồng và phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trong đó, về phát triển thị trường khách du lịch, với khách du lịch nội địa, tập trung khai thác thị trường khách từ thủ đô Hà Nội, các đô thị trong vùng đồng bằng sông Hồng như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ như: Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên; từng bước mở rộng các thị trường lớn ở miền Trung, miền Nam như: Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh... Chú trọng khách du lịch tham quan di sản địa chất, sinh thái, giáo dục địa chất, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, đô thị và sự kiện, vui chơi giải trí.
Với khách du lịch quốc tế, ưu tiên phát triển thị trường khách có khả năng chi tiêu cao: Tây Âu (Pháp, Đức, Anh…), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), Nhật Bản, Hàn Quốc; mở rộng thị trường đến từ các nước ASEAN (Lào, Bắc Thái Lan, Campuchia), Đài Loan, Trung Quốc và các nước Đông Âu. Chú trọng khách du lịch nghiên cứu, tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá cảnh quan, giá trị Công viên địa chất toàn cầu, sinh thái nông nghiệp đặc thù và thể thao mạo hiểm.
Về phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: Du lịch địa chất; du lịch cộng đồng; du lịch thiên nhiên; đề xuất một số sản phẩm du lịch đặc thù: Một ngày của Pao; Chợ tình Khâu Vai; Một ngày với vua mèo tại khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương; Một ngày làm nương rẫy với người Mông ở Mèo Vạc; Phố đi bộ và lễ hội phố cổ Đồng Văn; Du lịch thể thao mạo hiểm khinh khí cầu, dù lượn; Du lịch khám phá sông Miện.
Hình thành 5 phân khu du lịch chính: 1- Phân khu du lịch công viên văn hóa Thanh niên xung phong (thôn Xéo Sả Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc): Phát triển trên cơ sở lấy tượng đài Thanh niên xung phong làm trung tâm và mở rộng các chức năng thành khu công viên văn hóa, tâm linh; 2- Phân khu du lịch thể thao mạo hiểm Mã Pì Lèng (thuộc hẻm vực Tu Sản): Phát triển du lịch thể thao mạo hiểm; 3- Phân khu du lịch lòng hồ thủy điện Thái An (thuộc xã Thái An, huyện Quản Bạ): Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ, thể thao, vui chơi giải trí mặt nước; 4- Phân khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe Quản Bạ (thuộc xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ): Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và khai thác các tiềm năng về dược liệu; 5- Phân khu du lịch sinh thái Nặm Đăm (thuộc xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ): Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái.
Quy hoạch cũng nêu rõ định hướng phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Cụ thể, về cơ sở lưu trú, ưu tiên phát triển cơ sở lưu trú tại các trung tâm du lịch Đồng Văn (khống chế tầng cao tại khu vực bảo tồn), Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ; Khối nhà nghỉ dưỡng tại thị trấn Tam Sơn, thị trấn Yên Minh, các phân khu: Chăm sóc sức khỏe Quản Bạ, sinh thái Nặm Đăm, lòng hồ thủy điện Thái An; phát triển loại hình cơ sở lưu trú tại nhà dân (Homestay) tại các trung tâm du lịch Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc và các điểm du lịch cộng đồng.
Tập trung phát triển khu vui chơi giải trí đêm cao cấp tại các thị trấn Tam Sơn, Yên Minh; Chợ đêm, phố du lịch đêm tại các thị trấn Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; Công viên chuyên đề, thể dục thể thao tại thị trấn Yên Minh; Khu thể thao gắn với sông nước trên hồ thủy điện Thái An; Khu thể thao mạo hiểm tại Mã Pì Lèng.
Xây dựng các tổ hợp dịch vụ tại các điểm dừng chân; các cơ sở thương mại dịch vụ tại các trung tâm du lịch; các khu dịch vụ bán hàng lưu niệm đạt chuẩn tại các phân khu, điểm du lịch. Phát triển các cơ sở dịch vụ ẩm thực theo mô hình nhà hàng, chợ văn hóa, du lịch phát triển tại khu vực trung tâm đón tiếp.
Quảng Ninh chủ động chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia 2018
Chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia 2018, nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch trọng tâm.
UBND thành phố Hạ Long yêu cầu UBND các phường phối hợp với Công an thành phố, Đội Kiểm tra trật tự đô thị và môi trường kiểm tra, lập biên bản, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm, bán hàng rong, chèo kéo khách; thu giữ toàn bộ phương tiện, hàng hóa, tang vật. Nếu để tình trạng trên xảy ra, lãnh đạo UBND phường và cán bộ phụ trách phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.
Thành phố cũng duy trì lực lượng kiểm tra tại những vị trí, điểm tập kết thường xuyên xảy ra tình trạng tập trung buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, treo biển quảng cáo, mái che, mái vẩy vi phạm trật tự đô thị và gây mất mỹ quan đô thị, các công trình xây dựng trái phép, không phép. Cùng với đó, tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn cho khách du lịch, trong thời gian khách đến và lưu trú trên địa bàn thành phố. Đội Quản lý thị trường số 5 tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các cơ sở kinh doanh du lịch, các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long quản lý, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trên vịnh Hạ Long đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; quản lý, sử dụng và thu vé tham quan; lưu trú trên vịnh Hạ Long. Ban cũng quản lý tốt các điểm dịch vụ trên vịnh đảm bảo thuận lợi, an toàn cho khách tham quan; tiếp nhận thông tin về những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của khách du lịch và nhân dân thông qua đường dây nóng du lịch.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức các hoạt động du lịch - văn hóa phải có sự gắn kết chặt chẽ, thể hiện được nét đặc trưng của sản phẩm du lịch, đặc biệt là tôn vinh được bản sắc văn hóa của từng dân tộc và tính độc đáo của từng lễ hội, sự kiện. Theo đó, tại huyện Hoành Bồ sẽ tổ chức các hoạt động du lịch gồm: Hội làng người Dao Thanh Y Bằng Cả; Hội hoa xuân; giải Dù lượn toàn quốc năm 2018; lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ, xã Lê Lợi; các hoạt động xúc tiến, quảng bá Năm Du lịch quốc gia; tổ chức đón đoàn Famtrip đến xúc tiến điểm đến và quảng bá du lịch, phục vụ Năm Du lịch quốc gia Hạ Long - Quảng Ninh 2018; tổ chức cuộc thi người giới thiệu, clip và ảnh đẹp về du lịch Hoành Bồ;...
Thị xã Đông Triều tổ chức nhiều buổi tuyên truyền lưu động về văn hóa giao tiếp ứng xử du lịch của người Đông Triều tại các thôn đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và khu phố đăng ký xây dựng đô thị văn minh năm 2017. Tại các đêm tuyên truyền, nhân dân các thôn, khu phố đã được giới thiệu về các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn thị xã đã được UBND tỉnh quyết định công nhận; văn hóa giao tiếp ứng xử người Đông Triều với những quy tắc như: ứng xử của người dân và cộng đồng địa phương; những điều cần làm đối với điểm tham quan, điểm du lịch; quy tắc ứng xử của khách du lịch…/.
Hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Đức và Tanzania  (24/12/2017)
Lễ hội hoa anh đào sẽ là dấu ấn kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản  (23/12/2017)
Tổng thống Pháp tuyên bố duy trì cuộc chiến chống cực đoan tại Sahel  (23/12/2017)
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên  (23/12/2017)
Thăm, chúc mừng Giáng sinh 2017 các địa phương  (23/12/2017)
Xây dựng hệ thống luận cứ vững chắc cho chiến lược phát triển quốc gia  (23/12/2017)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay