Nỗi đau và công lý

20:25, ngày 04-03-2009

Các sinh viên Pháp thảo luận biện pháp giúp đỡ
các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Gần 50 bức ảnh đen trắng và mầu của ba nhà nhiếp ảnh Alexis Duclos, Philippe Eranian và Olivier Papegnies mô tả những nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được triển lãm trong khuôn viên Đại học Jussieu ở thủ đô Paris từ ngày 23 đến 27-2 đã thu hút đông đảo công chúng Pháp tìm hiểu một sự thật khủng khiếp của chiến tranh.

Từ những góc nhìn bên ngoài

Bối cảnh trưng bày những bức ảnh về ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam ở khuôn viên Đại học Jussieu chỉ cách Nhà thờ Đức Bà giữa trung tâm thủ đô Paris không đầy một cây số. Trong căn phòng rộng sơn mầu đỏ thắm, những bức ảnh không chỉ nổi bật bởi góc chụp mà chính là chủ đề đặc biệt. Bởi đối với nhiều người Pháp đến dự triển lãm, đây là lần đầu tiên họ được tận mắt chứng kiến những hậu quả tàn khốc của chiến tranh.

Dù là ảnh đen trắng hay mầu, những bức ảnh đều đề cập một chủ đề xuyên suốt: nỗi đau do chất độc da cam/dioxin gây ra. Điều đáng nói hơn, những nỗi đau ấy do những nhiếp ảnh gia nước ngoài ghi lại. Có một sự đồng cảm kỳ lạ giữa những người cầm máy ảnh sống cách xa hàng chục nghìn cây số với những nạn nhân Việt Nam đang ngày đêm chống chọi với nỗi đau, di chứng của chất độc hóa học gây ra.

Với công chúng Pháp, tên tuổi của nhà nhiếp ảnh Alexis Duclos đã trở nên quen thuộc với những tác phẩm báo chí xuất sắc đoạt giải. Từng là phóng viên ảnh hãng thông tấn AP của Mỹ (1981-1985) và làm việc cho hãng Gamma từ 1985 đến 2004, Alexis Duclos được trao tặng hàng chục giải thưởng báo chí quốc tế uy tín thông qua những phóng sự về các vùng đất trên khắp thế giới nơi anh đặt chân tới.

Phóng sự của Alexis Duclos về ảnh hưởng của chất độc da cam ở Việt Nam ra đời trong năm 2005 với tựa đề: "Việt Nam 30 năm sau chiến tranh, chất độc da cam vẫn tiếp tục gây độc” làm cả thế giới phẫn nộ trước những tội ác tày trời do quân đội Mỹ gây ra ở Việt Nam.

Những hình ảnh về các nạn nhân chất độc da cam ở thung lũng A Lưới, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh, ở đồng bằng sông Cửu Long là bằng chứng sống không thể chối cãi về chiến dịch Ranch Hand do quân đội Mỹ thực hiện suốt từ năm 1961 đến 1971 ở Việt Nam mà Alexis Duclos gọi là một Thảm họa Tchernobyl hóa học”.

Chia sẻ sự đồng cảm nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, một đồng hương người Pháp khác của Alexis Duclos là Philippe Eranian khắc họa những khoảnh khắc thường nhật của các nạn nhân với cái nhìn nhân ái.

Là phóng viên ảnh lừng danh của Pháp thường cộng tác với những tạp chí hàng đầu châu Âu như Le Figaro (Pháp), Stern (Đức), thông qua ống kính nhiếp ảnh, Philippe Eranian với cái nhìn tinh tế, đã khám phá một diện mạo tinh thần khác của các nạn nhân chất độc da cam đang khát khao một cuộc sống như bao người bình thường khác, đó là có chân, có tay và tự đi đứng mà không cần sự giúp đỡ của người khác. Nhưng những ước mơ tưởng chừng như đơn giản nhất ấy lại vĩnh viễn không bao giờ trở thành hiện thực bởi chất độc da cam quái ác. Những bức ảnh thật xúc động cứ ám ảnh người xem.

Quang cảnh Triển lãm ảnh nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Việt Nam tại thủ đô Paris

Sinh năm 1970 tại Bỉ, hơn Philippe Eranian một tuổi, Olivier Papegnies lại có cách tiếp cận về ảnh hưởng của dioxin ở Việt Nam thật độc đáo. Ngoài những bức ảnh về các nạn nhân Việt Nam, Olivier dành một phần đáng kể chụp những cựu chiến binh Mỹ, những người từng tham gia một cuộc chiến phi nghĩa mà nay họ lại trở thành nạn nhân của chất độc da cam do chính tay họ từng rải xuống đất nước Việt Nam. Một trong những nạn nhân đó là Pete Rennick, hiện đang sống tại bang Illinois, cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở chiến trường Playcu năm 1968 khi mới 19 tuổi.

Trong hai năm ở Việt Nam, Pete Rennick đã tham gia nhiều cuộc rải chất diệt cỏ hòng phá hoại các khu rừng ở Tây Nguyên. Trở về Mỹ năm 1970, Pete Rennick bị chính những người đồng hương của mình khinh bỉ vì được gọi là “kẻ giết trẻ em”. Buồn chán và thất vọng cùng cực, Pete Rennick mắc bệnh Hội chứng sau chiến tranh và nghiện rượu, ma túy.

Được hội cựu chiến binh Mỹ hỗ trợ tích cực và nhất là gặp được người con gái sau này trở thành bạn đời, Pete Rennick dần bỏ rượu, ma túy. Hiện nay, Pete Rennick trải qua những năm tháng cuối đời vừa phải chống chọi với căn bệnh stress và ám ảnh về những tội lỗi mắc phải trong cuộc chiến ở Việt Nam.

Để có triển lãm này, Hội ủng hộ tập thể nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại Pháp đã liên hệ với các tác giả và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành.

Anh Võ Đình Kim, Chủ tịch Hội ủng hộ tập thể nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết: “Tôi rất mừng vì tất cả các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng ở Pháp và thế giới từng có những phóng sự ảnh gây xúc động công chúng đều sẵn sàng ủng hộ hoạt động của hội thông qua việc tặng ảnh. Đây là cơ hội tốt giúp công chúng Pháp có điều kiện chứng kiến những hậu quả của một cuộc chiến tranh mà các nạn nhân Việt Nam đang ngày đêm phải gánh chịu”.

Anh Võ Đình Kim nói: “Các nhiếp ảnh gia còn cung cấp nhiều ảnh khác, nhưng trong khuôn khổ đợt triển lãm lần này chúng tôi chưa trưng bày được. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các hội sinh viên và thanh niên Pháp tổ chức một loạt triển lãm ảnh và thảo luận về ảnh hưởng của chất độc da cam tại Việt Nam trên toàn nước Pháp”. 

“Chúng em sẽ sát cánh cùng Việt Nam đòi công lý”

Trong suốt những ngày diễn ra triển lãm, những cái nhìn chăm chú, những vẻ mặt đượm buồn, suy tư là hình ảnh phổ biến của tất cả những người tham dự.

Dobigny, thành viên Ban tổ chức các hoạt động ngoại khóa của Đại học Jussieu nhận xét: “Ban đầu, chúng tôi cũng rất tò mò khi nhận được đề nghị của Hội ủng hộ tập thể nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam muốn tổ chức một triển lãm ảnh tại trường. Khi xem những bức ảnh và dự buổi thảo luận về ảnh hưởng của chất độc da cam tại Việt Nam, chúng tôi thật sự bị sốc bởi mức độ đau đớn tột cùng của các nạn nhân. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động ủng hộ Việt Nam để đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân”.

Khuôn mặt đỏ bừng vì xúc động, Sophie, nữ sinh năm thứ hai khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Sceaux nói giọng sôi sục: “Em đọc trên mạng biết Triển lãm ảnh về chất độc da cam Việt Nam tổ chức từ ngày 23 đến 27-2 tại đại học Jussieu và đến xem ngay từ những ngày đầu. Thông qua mạng internet, em rủ các bạn cùng lớp và trong trường tới xem. Càng xem, em càng ghê tởm sự tàn bạo mà quân lính Mỹ gây ra ở Việt Nam. Em đã bàn các bạn ở khoa Hóa tìm cách thức giúp Việt Nam thông qua những biện pháp như làm sạch môi trường và đất, nước ở những khu vực còn bị ảnh hưởng nặng nề của dioxin. Trong thời gian tới, chúng em sẽ tới Việt Nam”.

Đánh giá về triển lãm, Messaouda, thành viên của Hội ủng hộ tập thể nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khẳng định: “Em tham gia hội được hơn hai năm rồi. Các thành viên trong ban lãnh đạo của hội hầu hết ở tuổi thanh niên nên hoạt động rất tích cực. Được tin Tòa án Tối cao Hoa Kỳ khu vực New York bác đơn của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện 37 công ty hóa chất Hoa Kỳ sản xuất chất diệt cỏ để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, chúng em rất phẫn nộ. Chúng em sẽ sát cánh cùng các hội đoàn ở Pháp và quốc tế ủng hộ các nạn nhân đến cùng đòi công lý”./.