TCCSĐT - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu góp phần hình thành nền tảng lý luận của Đảng phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra đối với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Thời gian qua, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho đất nước, việc xây dựng đội ngũ cán bộ của Học viện với gần 2.200 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (trong đó có 12 giáo sư, 177 phó giáo sư, 514 tiến sĩ); có nhiều cải cách, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn hơn; có nhiều công trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn sự nghiệp đổi mới của đất nước, cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Học viện thực hiện tốt việc hướng dẫn, chỉ đạo, quản lý về chuyên môn đối với các trường chính trị của các trường bộ, ngành, địa phương; giúp đào tạo cán bộ cho các nước bạn; mở rộng hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu, trao đổi học thuật.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Học viện còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Chưa phát huy hết tiềm năng, vị thế của Trường Đảng Trung ương; việc thực hiện chức năng định hướng về mặt chuyên môn cho hệ thống các trường chính trị của các địa phương còn có những bất cập; có những nội dung, chương trình đào tạo chưa phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thế giới...

Do vậy, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Học viện cần có tầm nhìn mới trong phát triển, đặt mục tiêu có uy tín trong khu vực và thế giới. Học viện có sứ mệnh quan trọng là góp phần hình thành nền tảng lý luận của Đảng phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới và đào tạo ra những nhà chính trị cho đất nước, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

Học viện cần đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu thông qua việc đổi mới động lực của từng giảng viên, từng đơn vị và hợp tác quốc tế để cập nhật kiến thức, kỹ năng hiện đại. Để đổi mới động lực của giảng viên, cần phải có hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo, nghiên cứu và cải thiện thu nhập, thực hiện bổ nhiệm dựa trên kết quả làm việc, giảng dạy, nghiên cứu. Đồng thời, Học viện cần có kế hoạch xây dựng các Học viện trực thuộc tiêu biểu; mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng đối tác chiến lược với các trường tiên tiến trên thế giới, hoàn thiện chương trình học tập đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên.

Học viện cần tiếp tục thu hút nhân tài; hiện đại hóa cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Học viện và các Học viện trực thuộc cần tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Theo ý kiến của Thủ tướng, Học viện là trường Đảng, môi trường học thuật, là cơ quan phản biện, sáng tạo, cần thực hiện tốt phương châm gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn, có những nghiên cứu khoa học khách quan, những phản biện sáng tạo được đúc rút từ thực tiễn để đóng góp vào kho tàng tư tưởng của Việt Nam.

Với vị trí vừa là cơ quan của Đảng, vừa là một trong 8 cơ quan thuộc Chính phủ, Học viện cần chủ động tăng cường cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học để hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo, đồng thời hỗ trợ vận hành thông suốt, hiệu quả hệ thống trường chính trị của các bộ, ngành, địa phương.

Sắp tới đây, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có cơ chế đặt hàng đối với Học viện về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; trong tư vấn, phản biện chính sách. Học viện cần chủ động nghiên cứu, đánh giá, đề xuất những giải pháp, kế sách góp phần phát triển đất nước. Học viện cần quán triệt phương châm: Mỗi cán bộ giảng viên vừa là nhà khoa học giỏi, giảng viên giỏi đồng thời là nhà tư vấn tốt.

Phân công chuẩn bị phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội


Để chuẩn bị Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến từ ngày 11 đến 13-10-2017), Thủ tướng Chính phủ phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số báo cáo, tờ trình. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Tờ trình của Chính phủ về kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ của Dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018; phối hợp chuẩn bị cho ý kiến dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (nếu có).

Yêu cầu xử lý dứt điểm tồn tại của Công ty Thể dục thể thao Việt Nam

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý dứt điểm các tồn tại về công tác tài chính, quản trị và nhân lực tại Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam. Đồng thời khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam để hoàn thiện hồ sơ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo quy định.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4716/VPCP-V.I ngày 09-5-2017 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 15-11-2017./.