TCCSĐT - Quan hệ giữa hai cường quốc Nga và Mỹ có ảnh hưởng lớn đến việc duy trì trật tự, an ninh trên thế giới. Mối quan hệ này xấu đi nghiêm trọng dưới thời cựu Tổng thống B. Obama và tiếp tục xấu đi trong những tháng cấm quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump với những cáo buộc, trừng phạt lẫn nhau. Đây là lý do để giới quan sát và chính trị gia trên thế giới kỳ vọng những tín hiệu tích cực từ cuộc hội đàm chính thức lần đầu tiên giữa nguyên thủ hai cường quốc này.

Quan hệ Nga-Mỹ ở mức thấp nhất kể từ sau “Chiến tranh lạnh”

Quan hệ Nga-Mỹ đã xấu đi nghiêm trọng, rơi vào trạng thái “lao dốc không phanh”, thậm chí có lúc tưởng như bên bờ vực đối đầu. Sau hàng loạt những cáo buộc “Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016” hay “Nga tấn công mạng nhằm vào Mỹ”, việc chính quyền Mỹ trung tuần tháng 6 vừa qua tiếp tục gia hạn trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, là “giọt nước tràn ly” khiến Moskva cũng gia hạn đến 31-12-2018 lệnh cấm nhập khẩu vào Nga một số loại nông sản, nguyên liệu và thực phẩm từ Mỹ. Tại điểm nóng Syria, mâu thuẫn giữa hai nước ngày càng gay gắt sau một loạt vụ liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu bắn hạ máy bay của quân đội Syria, và Nga có một loạt phản ứng “cứng rắn” như cắt đường dây nóng giảm xung đột và dừng cơ chế ngăn chặn va chạm trên không với Mỹ. Những động thái trên làm gia tăng nguy cơ xảy ra rủi ro xung đột giữa hai lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới tại Syria. Thậm chí, ngay trước thềm cuộc gặp, Tổng thống Mỹ được cho là có “động thái khiêu khích” nhằm vào Nga khi chỉ trích những hành động quân sự của Moskva ở Ukraine và Syria, đồng thời ca ngợi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “giữ vai trò chủ đạo bảo vệ châu Âu”, dù Nga nhiều lần cho rằng những động thái gia tăng sức mạnh quân sự của NATO sát biên giới Nga thực chất là nhằm đe dọa Moskva. Bên cạnh đó, những yếu tố bất ngờ như vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên cũng “phủ bóng đen” lên quan hệ Nga - Mỹ trước thềm cuộc gặp. Chưa kể những bất đồng lâu nay, như việc Nga phản đối Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.

Trên thực tế, những kỳ vọng về việc quan hệ giữa Moskva và Washington sẽ ấm lên khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ đã nhanh chóng tan biến. Sau nửa năm kể từ ngày ông Trump chính thức nhậm chức, mối quan hệ giữa Moskva và Washington, đã ở "mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc". Ý định của ông Trump khôi phục đối thoại, tăng cường quan hệ với Nga ngay lập tức bị ngăn chặn bởi cơ chế “kiểm soát và cân bằng” trong hệ thống chính trị của Mỹ. Ông cũng không thể đi ngược lại cương lĩnh của đảng Cộng hòa, vốn ủng hộ tiếp tục trừng phạt Nga. Nhiều cuộc điều tra về "mối quan hệ" giữa các cộng sự thân cận của ông Trump với Nga, cũng như cáo buộc Moskva gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khiến cho quan hệ Nga-Mỹ gặp nhiều sóng gió. Trong bối cảnh đó, cho dù ông Trump muốn cải thiện quan hệ với Nga cũng khó đạt kết quả như mong muốn.

Hai bên bày tỏ thiện chí cải thiện quan hệ

Ngày 07-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc hội đàm trực tiếp chính thức lần đầu tiên. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Hamburg (Hăm-buốc), Đức. Cả hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đều bày tỏ vui mừng gặp nhau bên lề hội nghị, đồng thời hy vọng cuộc gặp sẽ mang lại kết quả.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ông mong đợi cuộc gặp mặt với các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới.

Trên mạng Twitter, Tổng thống Mỹ chia sẻ ông trông đợi cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Nga Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20, nơi chắc chắn có "nhiều vấn đề cần thảo luận". Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng cuộc gặp "là dịp tốt để trao đổi" quan điểm về bản chất mối quan hệ giữa hai nước.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã gặp nhau ngoài hành lang hội nghị G20 và đã trao nhau những cái bắt tay "đầy thân ái". Theo kế hoạch, những nội dung được ưu tiên đề cập là vấn đề Syria, cuộc khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, các vấn đề về sự ổn định chiến lược và mối quan hệ song phương Nga - Mỹ.

Hội đàm về một loạt vấn đề quan trọng

Phát biểu sau cuộc gặp kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, Tổng thống Putin cho biết: "Chúng tôi đã có một cuộc hội đàm rất dài". Ông cho biết, ông đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Donald Trump về một loạt vấn đề quan trọng, như Ukraine, Syria, chủ nghĩa khủng bố và an ninh mạng...

Trong khi đó, tờ "Focus Online" của Đức cho biết, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn ở Syria có hiệu lực từ trưa 09-7 (giờ Damascus). Một quan chức Mỹ cũng xác nhận rằng Mỹ, Nga và các nước trong khu vực đã đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Tây Nam Syria. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ cung cấp thêm chi tết về thỏa thuận này tại Hamburg.

Thông báo với báo giới về cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo trên, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết, Tổng thống Donald Trump đã mở đầu cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bằng tuyên bố nêu quan ngại của người dân Mỹ về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Phát biểu sau cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Đức, ông Tillerson cho biết hai nhà lãnh đạo "đã có cuộc trao đổi thẳng thắng và dài hơi" về chủ đề này và Tổng thống Putin phủ nhận sự can thiệp của Nga, như ông đã từng phủ nhận trước đây. Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga đã thể hiện quan điểm khác biệt về cách thức đối phó với chương trình vũ khí của Triều Tiên, song khẳng định Washington sẽ tiếp tục hối thúc Moskva nỗ lực hơn để kiềm chế các hoạt động của Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: "Phía Nga nhìn nhận việc này hơi khác so với chúng tôi, vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận này và yêu cầu họ nỗ lực hơn. Sự thật là Nga có hoạt động kinh tế với Triều Tiên".

Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết, Tổng thống Trump đã "chấp nhận" tuyên bố đảm bảo của Tổng thống Putin rằng Moskva không can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Ông Lavrov, người cũng có mặt trong cuộc hội đàm kéo dài hơn 2 tiếng giữa hai tổng thống, nêu rõ, Tổng thống Trump nói rằng ông đã nghe những tuyên bố rõ ràng từ Tổng thống Putin rằng các cáo buộc can thiệp bầu cử là không đúng sự thật, nhà chức trách Nga không can thiệp, và Tổng thống Trump đã chấp nhận những tuyên bố này. Ngoài ra, Ngoại trưởng Lavrov cũng cho biết thêm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và một đại diện Mỹ sẽ thăm Nga để tham vấn về vấn đề này.

Tín hiệu tích cực trong quan hệ Nga-Mỹ

Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, thay vì khoảng 30 phút theo kế hoạch ban đầu, đã là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ thời gian qua đặc biệt căng thẳng.

Những tuyên bố của giới chức Nga - Mỹ sau cuộc gặp quan trọng vốn được chờ đợi từ lâu và thu hút sự chú ý của dư luận thế giới đều thể hiện sự hài lòng về kết quả đạt được. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đánh giá cuộc gặp rất "hiệu quả" với việc tổng thống hai nước bày tỏ mong muốn tìm kiếm những thỏa thuận cùng có lợi, chứ không đưa ra những kịch bản mang tính chất đối đầu.

Trong cuộc gặp đầu tiên, hai lãnh đạo Nga - Mỹ đã trao đổi thẳng thắn về thực trạng quan hệ song phương, cũng như nhiều hồ sơ quốc tế “nóng” mà hai bên còn bất đồng như tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Syria, Ukraine, an ninh mạng,... Việc lãnh đạo Nga và Mỹ tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề, trong đó có việc thiết lập đường dây liên lạc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và nhất trí một lệnh ngừng bắn tại các khu vực Tây - Nam Syria, là kết quả nổi bật, nhất là sau những diễn biến căng thẳng trong quan hệ hai nước và trên trường quốc tế. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Tại nước Mỹ, bất cứ đề tài nào liên quan đến Nga luôn nhận được nhiều sự quan tâm. Trên thực tế, Tổng thống Trump rất muốn quan hệ Nga - Mỹ được cải thiện”. Phía Mỹ cho rằng hai bên có khả năng hợp tác giải quyết cuộc xung đột tại Syria và Ukraine, cuộc chiến chống khủng bố quốc tế và tiêu diệt lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Những điều được thể hiện trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ cũng phần nào cho thấy bất chấp những bất đồng chưa thể giải quyết, hai bên vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại. Tổng thống Putin tuyên bố: "Lãnh đạo Nga - Mỹ đã nhiều lần thảo luận hàng loạt chủ đề quan trọng, tuy nhiên, để giải quyết được những vấn đề hóc búa nhất cần phải có các cuộc gặp riêng”. Trong khi đó, Tổng thống Trump bày tỏ "vinh dự được tiến hành hội đàm" với người đồng cấp Nga, đồng thời nhấn mạnh nhiều sự kiện tích cực đang chờ đón hai nước ở phía trước. Rõ ràng, cả hai bên đang phát đi những tín hiệu muốn đối thoại, không để những căng thẳng và bất đồng đẩy quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục leo thang.

Các chuyên gia đánh giá cao thỏa thuận ngừng bắn tại Syria

Một trong những kết quả từ cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ là thỏa thuận ngừng bắn ở miền Nam Syria. Thỏa thuận ngững bắn có thể giúp mở rộng quan hệ hợp tác chống khủng bố giữa Nga và Mỹ, đã nhận được đánh giá tích cực của dư luận quốc tế.

Giáo sư danh dự chuyên về luật quốc tế của Đại học Ohio, Mỹ, ông John Quigley nhận định thỏa thuận trên có thể sẽ là một bước đệm cho tiến trình chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài suốt 6 năm qua tại Syria. Theo ông Quigley, bước đi tiếp theo của Mỹ và Nga có thể là những dàn xếp đối với khu vực xung quanh thành phố Raqqa, nơi quân đội Syria đang nỗ lực chiến đấu nhằm tiêu diệt thành trì của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng. Ông cho rằng các nghị sĩ Mỹ nên cho phép chính quyền Damascus tái lập chủ quyền tại Raqqa sau khi khu vực này được giải phóng khỏi tay IS.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Christopher Davidson thuộc Đại học Durham (Anh) cảnh báo rằng nhiều nhân tố có thế lực trong chính quyền và lực lượng vũ trang Mỹ có thể cản trở nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc giảm căng thẳng với Nga tại Syria và tìm kiếm sự nhượng bộ từ chính quyền Moskva. Theo ông Davidson, chính quyền Damascus cùng Iran và Nga lâu nay đều có lý do để nghi ngờ các chính sách cũng như động cơ tham gia vào cuộc xung đột Syria của Mỹ. Chính vì vậy, các nước này có thể phản đối mọi nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường quân số cũng như một số sự hiện diện khác tại Syria, dưới danh nghĩa một sáng kiến hòa bình.

Trước đó, giới chức ngoại giao Nga, Mỹ thông báo Mỹ, Nga và Jordan đã đạt thỏa thuận ngừng bắn và thỏa thuận giảm leo thang căng thẳng tại Tây Nam Syria, một trong những mặt trận khốc liệt của cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua ở quốc gia Trung Đông này. Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 09-7. Theo Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, khu vực ngừng bắn có ảnh hưởng đến an ninh của Jordan và là một trong những khu vực hết sức phức tạp của mặt trận Syria.

Xét trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ hiện nay, rõ ràng, kết quả cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ nhận được sự đánh giá tích cực từ nhiều phía. Ít nhất cuộc hội đàm hiếm hoi tại Hamburg giữa lãnh đạo Nga - Mỹ cho thấy hai bên sẵn sàng tạm gác những bất đồng và tiến hành đối thoại nhằm tìm tiếng nói chung. Kết quả cuộc gặp này có thể tạo tiền đề khôi phục đối thoại giữa hai cường quốc nắm giữ tới hơn 90% số lượng vũ khí hạt nhân thế giới, đồng thời duy trì hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi ích. Đây thực sự là một tín hiệu tốt, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang xuất hiện nhiều thách thức, đe dọa an ninh cả truyền thống và phi truyền thống mà để giải quyết chúng đòi hỏi phải có sự phối hợp nỗ lực giữa các cường quốc hàng đầu thế giới như Nga và Mỹ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, bởi bất đồng trong quan hệ Nga - Mỹ vốn tích tụ chồng chất trong nhiều năm qua và để khai thông bế tắc cần phải nỗ lực vượt qua chặng đường đầy chông gai phía trước./.