Đại biểu Quốc hội nghe Chính phủ trình dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) và thảo luận dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)
TCCSĐT - Sáng 29-5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ trình dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật tố cáo (sửa đổi) |
Tờ trình dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) nêu rõ, Luật Tố cáo hiện hành có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2012 đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo, giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện cho thấy, Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đó là nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết trong nhiều trường hợp còn gặp vướng mắc như khi người bị tố cáo đã chuyển công tác, bị mất chức, cho thôi việc, bị thôi việc, về hưu nhưng bị tố cáo lúc đương nhiệm hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật tại thời điểm họ giữ chức vụ thấp nhưng hiện tại giữ chức vụ cao hơn; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo mà nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức; tố cáo cơ quan, tổ chức.
Luật hiện hành chưa quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước... Những hạn chế, bất cập này dẫn đến tình trạng làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, trật tự, kỷ cương pháp luật vì vậy cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo nhằm khắc phục tình trạng trên.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về giải quyết tố cáo, cải cách nền hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nội dung và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo...
Dự thảo Luật bao gồm 9 chương với 64 điều. Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) tiếp tục kế thừa quy định của Luật hiện hành về phạm vi điều chỉnh, trong đó quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hai nhóm hành vi vi phạm pháp luật: tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo; khen thưởng và xử lý hành vi vi phạm.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo cần lưu ý việc sửa đổi, bổ sung các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo cần đặt trong bối cảnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân thực hiện quyền tố cáo; làm rõ sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết tố cáo.
Một số nội dung mới được bổ sung như về điều kiện, cơ chế bảo vệ người tố cáo cần có sự đánh giá tác động cụ thể và sâu sắc hơn nữa, xác định rõ cơ quan chủ trì trong việc bảo vệ người tố cáo, cơ sở vật chất các điều kiện bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam và bảo đảm tính khả thi.
Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của Luật này và một số luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật (như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Cán bộ, công chức…).
* Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Cảnh phát biểu
Nội dung này đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý tài sản Nhà nước và đề nghị đổi tên thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đồng thời, đề nghị cần quy định rõ việc xây dựng luật phải đảm bảo phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thất thoát tài sản của nhân dân.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được đổi tên thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành.
Nội dung này đã được thể hiện bằng tên gọi và các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và bổ sung khoản 3 Điều 134 quy định: “Tài sản nhà nước được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là tài sản công quy định tại Luật này” đồng thời, để bảo đảm việc sửa đổi Luật lần này nhằm phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát tài sản của nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 7 về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công phải bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.
Để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo sự phù hợp và tính thống nhất, bổ sung thêm một điều quy định về áp dụng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các luật có liên quan và điều ước quốc tế, theo đó quy định rõ việc quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.
Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Luật này và luật khác thì áp dụng theo quy định của Luật này; chuyển nội dung áp dụng pháp luật và điều ước quốc tế tại Điều 67 (Dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2) quy định về quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài vào nội dung tại Điều này. Nội dung tiếp thu được thể hiện tại Điều 5 của dự thảo Luật.
Nhiều ý kiến về phân loại tài sản công
Cho ý kiến về phân loại tài sản công (Điều 4), một số ý kiến đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu; vùng trời, vùng biển; giá trị lịch sử, văn hóa; tài sản vô hình, thương hiệu,... vào nội dung phân loại tài sản công tại Điều 4.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chính lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến các đại biểu đề nghị quy định biển số xe đẹp là tài sản công, đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung "kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật" vào Khoản 6 Điều 4 của dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nêu quan điểm "không chỉ biển số xe đẹp là tài sản công mà tất cả các biển số xe đều là tài sản công, không phân biệt đẹp hay không đẹp. Việc giải thích đẹp hay không đẹp sẽ để sau này dựa vào nhu cầu của xã hội mà các văn bản dưới luật sẽ quy định".
Đại biểu phân tích vì là tài sản công, nên biển số xe được xem là đẹp phải là biển số xe được số đông đồng ý khi chúng ta thực hiện việc khảo sát; từng nhóm số đẹp sẽ được phân ra để đấu giá hoặc định giá tùy thuộc vào hiệu quả đem lại cho ngân sách và tính khả thi trong thực hiện. Các số được cấp theo yêu cầu của chủ phương tiện không thuộc nhóm số đẹp sẽ được quy định chung một mức giá cụ thể, ví dụ 20 triệu cho một số theo yêu cầu, đối với các số còn lại bấm ngẫu nhiên sẽ thực hiện như hiện nay là không thu tiền.
Dẫn Khoản 22, Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ quy định cấm mua, bán biển số xe trong khi dự thảo luật này không quy định rõ biển số xe được mua, bán. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xác nhận rõ hơn, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo đã đồng ý biển số xe được phép đấu giá, định giá bán cho chủ phương tiện và đã quy định như trong dự thảo Luật, khi Quốc hội thông qua nội dung này sẽ bãi bỏ việc cấm mua, bán biển số xe tại Khoản 22, Điều 28 của Luật Giao thông đường bộ, có nghĩa là biển số xe là tài sản công, đủ căn cứ để sau này các văn bản dưới luật quy định việc triển khai đấu giá biển số xe, trừ biển số xe công.
Với trách nhiệm là một trong những đại biểu đề xuất, đồng ý tại Hội trường về đấu giá, định giá biển số xe, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho biết cũng đã tham khảo, trao đổi, quan sát các biển số xe thuộc nhiều đối tượng để tổng hợp thực tiễn, bên cạnh đó cũng có cảm nhận chủ quan của đại biểu và liệt kê cụ thể trong mỗi series số, ví dụ từ 30A 000.01 đến 30A 999.99 có 99.999 số sẽ có 12.186 số đẹp, dự đoán có khoảng 61.500 chủ phương tiện yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt đối với cá nhân họ.
"Tổng số tiền thu được cho mỗi series 99.999 số là khoảng 1.639 tỷ đồng. Với số lượng xe ôtô bán ra năm 2016 là hơn 300.000 xe, trừ đi số lượng xe công, nếu thực hiện đấu giá, định giá, trong năm 2016 chúng ta đã có thể thu được gần 5.000 tỷ đồng. Nếu triển khai tương tự cho xe 2 bánh cũng thu số tiền không kém" - đại biểu nêu con số.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị khi Quốc hội thông qua dự thảo Luật có nội dung "kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật" trong khoản 6 Điều 4, các cơ quan liên quan sớm triển khai thực hiện việc đấu giá biển số để đáp ứng nhu cầu của xã hội và tăng ngân sách cho các địa phương.
Tranh luận lại quan điểm này đại biểu Bùi Việt Phương (Ninh Bình) đặt vấn đề: con số hàng nghìn tỷ nêu trên là nếu thu tiền với toàn bộ biển số, trong khi ở đây chỉ đề cập đến biển số đẹp và số này người cần không phải là nhiều, thường có xe giá trị lớn. Người dân muốn biển số đẹp nhưng được thì quý mà không cũng không sao. Nói số liệu mấy nghìn tỷ như vậy mà người dân nghe thấy sẽ nghĩ bỏ lọt số tiền này là thiếu sót - đại biểu nêu.
"Liên quan đến quy định của Hiến pháp, liên quan tới quyền tài sản, nếu đây là số đẹp, là tài sản, khi nhà nước tổ chức đấu giá và tôi đấu giá được, đây sẽ là tài sản của tôi... Tôi có quyền đem bán nó đi, khi đó, quản lý nhà nước về biển số này thế nào" - đại biểu Bùi Việt Phương nêu vấn đề và đề nghị cân nhắc điều này vì tâm lý cần số đẹp là có, nhưng số đó là ít.
Cũng tranh luận nội dung này tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt câu hỏi số đẹp, Nhà nước bán như thế, các số không đẹp người dân có quyền bỏ tiền để từ chối hay không? Ngoài ra, đại biểu đề cập ngoài biển số xe đẹp còn có các loại số khác ví dụ như số định danh công dân, công dân cũng có nhu cầu có số đẹp. Theo đại biểu, cần cân nhắc điều này và quy định nguyên tắc sử dụng kho số này...
Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định về phạm vi tài sản công và phân loại tài sản công để bảo đảm tránh sự xung đột pháp luật và các luật chuyên ngành khác, nhất là Luật Doanh nghiệp.
Điều 3, Khoản 1 dự thảo Luật quy định: "Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức; tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác".
Điều 4: Phân loại tài sản công, Khoản 4 quy định: Tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Theo đại biểu Lê Anh Tuấn, quy định này có phần mẫu thuân với Điều 36 của Luật Doanh nghiệp, theo đó tài sản góp vốn vào doanh nghiệp kể cả tài sản có nguồn gốc ngân sách đều phải làm thủ tục chuyển quyền sử hữu cho doanh nghiệp, về mặt pháp lý là tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần là rõ tài sản công phục vụ sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp có bao gồm tài sản góp vốn vào doanh nghiệp hay không, nếu có sẽ xử lý mâu thuẫn với Điều 36 Luật Doanh nghiệp như thế nào?./.
Quy định cụ thể các chính sách thúc đẩy phát triển du lịch  (29/05/2017)
Đoàn đại biểu Đảng Dân tiến Nhật Bản thăm và làm việc tại Việt Nam  (29/05/2017)
Thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ  (29/05/2017)
Bảo mật thông tin kho dữ liệu 24 triệu hộ dân tham gia bảo hiểm y tế  (29/05/2017)
Quảng bá văn hóa Việt Nam tại Lễ hội Bazar ở Venezuela  (29/05/2017)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm