Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 22 đến ngày 28-5-2017)
TCCSĐT - Những gam màu tươi sáng đã bắt đầu xuất hiện trên bức tranh kinh tế tổng thể của nước Nga. Tín hiệu lạc quan này đã xua đi sự ảm đạm bao trùm nền kinh tế Xứ sở Bạch Dương sau một khoảng thời gian dài chịu ảnh hưởng của giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Bức tranh kinh tế Nga khởi sắc
Nền kinh tế Nga có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh: AFP
Trong trả lời phỏng vấn báo “Izvestia” (Tin tức) ngày 23-5, Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga V. Matvienko cho rằng, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow khó có thể được dỡ bỏ trong thời gian tới, song sớm hay muộn chúng sẽ được dỡ bỏ bởi điều này hợp logic cả về chính trị lẫn kinh tế.
Bà V. Matvienko cũng nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt đó không chỉ gây ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Nga mà còn cả kinh tế của các quốc gia áp đặt trừng phạt nhằm vào Moscow. Bà V. Matvienko khẳng định, Nga đã khắc phục được nhiều khó khăn, nền kinh tế nước này bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển.
Trước đó, ngày 22-5, các chuyên gia Liên hợp quốc đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Nga, theo đó tăng trưởng GDP của nước này năm 2017 và năm 2018 đều đạt 1,5%, tăng so với mức dự báo đưa ra trước đó (đạt 1% trong năm 2017 và 1,4% năm 2018). Theo báo cáo của Hội đồng kinh tế xã hội Liên hợp quốc, Nga dù chịu nhiều ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt, nhưng các biện pháp này đã diễn ra trong thời gian dài buộc nền kinh tế Nga phải thích nghi và bắt đầu tăng trưởng trong điều kiện đó. Đặc biệt, nhờ thay đổi cơ cấu sản xuất, nền kinh tế Nga phần nào đã đối phó được với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, và chính sách thay thế các hàng hóa nhập khẩu bằng sản phẩm trong nước đã đem lại hiệu quả.
Trong khi đó, Báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế Nga công bố ngày 17-4, cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Standard and Poor's (S&P) của Mỹ đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Moscow từ mức “ổn định” lên mức “tích cực”. Việc S&P điều chỉnh mức đánh giá nói trên xuất phát từ dự báo triển vọng phát triển của kinh tế Nga giai đoạn 2017 - 2020, theo đó kinh tế nước này sẽ ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 1,7%/năm sau 2 năm rơi vào suy thoái do chịu tác động từ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây liên quan đến những bất đồng trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Sự phục hồi của nền kinh tế Nga vốn không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia quốc tế. Những “quả ngọt” này có được là nhờ nỗ lực quyết liệt tái cơ cấu và đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu dầu thô của giới chức Nga. Các biện pháp nhằm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, mở rộng hợp tác kinh tế với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương… đã phát huy tác dụng, đưa con tàu kinh tế nước Nga từng bước vượt qua giông bão.
Trong Thông điệp liên bang năm 2016, Tổng thống Nga V. Putin đã thẳng thắn nhìn nhận những sóng gió mà nền kinh tế Xứ sở bạch dương phải đối mặt, đồng thời khẳng định, một trong những ưu tiên hàng đầu của Nga là vực dậy nền kinh tế. Ông V. Putin nêu rõ, nền kinh tế Nga chững lại chủ yếu là do thiếu nguồn đầu tư, công nghệ hiện đại và nhân lực chuyên nghiệp; môi trường kinh doanh thiếu sức cạnh tranh. Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo nước Nga vẫn tỏ ra khá lạc quan trước những tín hiệu tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất vũ khí, công nghệ thông tin… của nước này. Bản lĩnh của Tổng thống V. Putin đã bộc lộ rõ thông qua cách ông chèo lái, xoay xở để đưa Nga vượt qua những khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Có thể khẳng định nền kinh tế Nga về cơ bản đã hồi sinh và dịch chuyển đúng hướng. Dù vẫn còn đó những thách thức, song với những nền tảng phát triển mới mà nước Nga đã nỗ lực xây dựng trong thời gian qua, quốc gia này sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài đối với nền kinh tế đang trên đà phục hồi này.
Mỹ - Israel khẳng định quan hệ đồng minh chiến lược
Tổng thống Mỹ D. Trump và Tổng thống Israel R. Rivlin tại cuộc gặp ở Jerusalem. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhằm tăng cường quan hệ đồng minh và khôi phục tiến trình hòa đàm Trung Đông, ngày 22-5, Tổng thống Mỹ D. Trump đã thực hiện chuyến thăm tới Israel.
Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Israel R. Rivlin, Tổng thống D. Trump khẳng định có nhiều lý do để hy vọng rằng, khu vực Trung Đông sẽ đạt được hòa bình và sự ổn định. Ông D. Trump nêu rõ, các nước Trung Đông đang có cơ hội “hiếm hoi” để có thể mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực, đánh bại chủ nghĩa khủng bố và tạo ra tương lai hòa bình và thịnh vượng, song điều đó chỉ có thể đạt được khi các nước bắt tay hợp tác.
Tổng thống D. Trump cũng cho rằng, những gì xảy ra tại Iran đã khiến các quốc gia khác trong khu vực hướng về Israel. Ông khẳng định Tehran không bao giờ được phép sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời lên án nước này hậu thuẫn “những phần tử khủng bố”. Nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi Iran lập tức chấm dứt việc tài trợ, huấn luyện và trang bị cho những phần tử khủng bố và lực lượng dân quân.
Về phần mình, Tổng thống Israel R. Rivlin cũng cho rằng, sự hợp tác giữa Mỹ và Israel có thể sẽ giúp cải thiện tình hình khu vực.
Mỹ và Israel đã phát triển một mối quan hệ “đặc biệt” trong hơn 50 năm qua với việc Washington giữ cam kết bảo đảm an ninh của quốc gia Trung Đông này. Trong suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ của nhà nước Do Thái hiện đại, quan hệ Mỹ - Israel hầu như luôn khăng khít. Mỹ luôn là quốc gia bảo trợ cho Israel cho dù nhà nước Do Thái đã có không ít chính sách và hành động cứng rắn khiến khu vực Trung Đông thêm bất ổn.
Viện trợ quân sự hằng năm của Mỹ dành cho Israel lên tới 3,8 tỷ USD và nhiều năm qua, Mỹ đã hỗ trợ Tel Aviv triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm sắt” nhằm duy trì ưu thế quân sự gần như tuyệt đối của quốc gia này trước các đối thủ tại khu vực Trung Đông. Trong khi đó, Mỹ cũng cần đến Israel để khẳng định tầm ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, dưới chính quyền của cựu Tổng thống B. Obama, quan hệ đồng minh Mỹ - Israel đã có nhiều diễn biến thăng trầm, bởi Washington kịch liệt phản đối việc Israel xây dựng các khu nhà định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem. Đặc biệt, ngày 23-12-2016, chính quyền của cựu Tổng thống B. Obama đã ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu tái định cư. Động thái này đã khiến quan hệ giữa Mỹ và Israel phần nào bị sứt mẻ. Ngoài ra, mối quan hệ Mỹ- Israel cũng bị “phủ bóng đen” do những bất đồng liên quan tới thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Kể từ khi ông D. Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 01 vừa qua, mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa Israel và Mỹ đã được cải thiện và trở nên chặt chẽ. Chuyến thăm Israel của Tổng thống D. Trump lần này là sự khẳng định mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa hai nước.
Nhóm Bộ tứ quốc tế nỗ lực giải quyết vấn đề Libya
Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Abo El-Gheit. Ảnh: Al Jazeera
Nhóm Bộ tứ quốc tế về Libya gồm Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc, Liên đoàn Arab (AL) và Liên minh châu Phi (AU) đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) ngày 23-5, với lời kêu gọi các bên tham chiến ở quốc gia Bắc Phi này tiếp tục đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Tại cuộc họp, các bên đã tập trung thảo luận tình hình mới nhất tại Libya, đặc biệt là những căng thẳng tại thủ đô Tripoli cũng như cuộc tấn công đẫm máu ngày 19-5 mới đây nhằm vào căn cứ không quân Brak Al-Sahty ở miền Nam Libya, làm ít nhất 141 người thiệt mạng. Nhóm Bộ Tứ đã lên án mạnh mẽ cuộc tấn công, đồng thời kêu gọi tất cả các bên không được sử dụng bạo lực và tiến hành bất cứ hành động nào làm suy yếu các nỗ lực hòa bình đang được triển khai để tìm ra một giải pháp có sự đồng thuận của tất cả các bên tham gia cuộc xung đột này.
Nhóm Bộ tứ khuyến khích tất cả các bên Libya tham gia các cuộc đàm phán mang tính xây dựng và coi đây là cốt lõi của các cuộc họp nhóm Bộ tứ. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU F. Mogherini nhấn mạnh tính cấp bách của một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya. Còn Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya M. Kobler thì tái khẳng định quan điểm của ông rằng cần phải quay lại các cuộc đàm phán “chính trị”, nhằm “chấm dứt sự leo thang bạo lực” hiện nay.
Kết thúc cuộc họp, Nhóm Bộ tứ quốc tế đã thông qua lập trường chung ủng hộ các hoạt động chống khủng bố tại Libya, phản đối các hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình chính trị hướng tới các giải pháp theo tinh thần của Thỏa thuận Skhirat (hồi tháng 12-2015).
Có thể thấy, cách đây 6 năm, sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, một chế độ mới thân phương Tây được dựng lên với hy vọng nhanh chóng lập lại trật tự, tái thiết Libya và đưa quốc gia giàu dầu mỏ này trở thành điểm đến lý tưởng đối với các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây. Song trên thực tế, cho tới nay, đất nước Libya vẫn chìm đắm trong tình trạng hỗn loạn mà chưa có dấu hiệu kết thúc. Nếu như cách đây 6 năm, các nhóm vũ trang từng “đoàn kết” để lật đổ chế độ cũ thì nay lại không thể chia sẻ quyền lợi thời kỳ “hậu Gaddafi”. Libya hiện đang tồn tại hai chính phủ đối địch. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công của các phe đối lập nhằm vào nhau vẫn là vấn đề an ninh gây nhức nhối ở Libya, và là rào cản cho những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm ra một giải pháp hòa bình cho quốc gia Bắc Phi này.
NATO định hình lại mối quan hệ đồng minh
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 25-5, nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu 28 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhóm họp tại thủ đô Brussels (Bỉ). Đây được đánh giá là một sự kiện quan trọng nhằm định hình lại mối liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của NATO đã bắt đầu bằng một phút tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố xảy ra tại sân vận động Manchester Arena ở thành phố Manchester (Anh) ngày 22-5 vừa qua. Tại trụ sở mới được khánh thành, lãnh đạo các nước thành viên NATO đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng để đóng góp cho một kế hoạch hành động của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố và chia sẻ công bằng các chi phí quốc phòng giữa các nước thành viên. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thư ký NATO J. Stoltenberg tuyên bố, NATO “sẽ trở thành một thành viên đầy đủ của liên quân quốc tế” chống khủng bố, trong khi trước đó, 28 nước thành viên đã tham gia với tư cách độc lập. Ông J. Stoltenberg cũng lưu ý rằng, quyết định quan trọng này cho phép NATO tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách, bao gồm việc phối hợp đào tạo và tăng cường năng lực chiến đấu của liên quân. Lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO cũng nhất trí sẽ tăng cường hành động để bảo đảm một sự chia sẻ công bằng hơn các chi phí về an ninh quốc phòng giữa các nước trong Liên minh.
Lần đầu tiên tham dự một cuộc họp của NATO, trong phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ D. Trump cho rằng, NATO “đã thúc đẩy hòa bình và sự an toàn trên thế giới”. Tổng thống D. Trump tuyên bố với lãnh đạo các nước đồng minh rằng, Mỹ sẽ tiếp tục đồng hành cùng với NATO và sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu chống khủng bố. Bên cạnh đó, theo Tổng thống D. Trump, NATO cũng cần tập trung giải quyết các thách thức lớn khác như cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu và quan hệ với Nga. Về vấn đề tài chính, Tổng thống Mỹ cho rằng, 23 trong tổng số 28 nước thành viên NATO nên đóng góp công bằng và thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình.
Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức NATO lần này được đánh giá là có tầm quan trọng sống còn đối với liên minh quân sự lâu đời, bền chặt và thành công nhất trên thế giới. Hội nghị có sự tham dự lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ D. Trump - người có ảnh hưởng rất lớn đến sức mạnh và sự đoàn kết trong nội bộ NATO bởi trước đó, trong suốt quá trình vận động tranh cử và ngay cả trong vài tháng đầu nhiệm kỳ, ông D. Trump đã bày tỏ hoài nghi về sự cần thiết của liên minh quân sự này. Các nhà phân tích cho rằng, dù Mỹ đã cam kết sẽ vẫn đứng về phía các đồng minh lâu năm và ủng hộ sự duy trì của NATO, nhưng không thể phủ nhận rằng một số thay đổi về cách nhìn nhận của chính quyền Tổng thống D. Trump đối với các vấn đề hiện nay của thế giới vẫn đang thử thách sự gắn kết trong NATO. Dẫu vậy, những ràng buộc về lợi ích khiến NATO không dễ bị hủy hoại bởi khối liên minh này vẫn cần sự hợp tác nhằm bảo đảm an ninh cũng như củng cố vai trò và ảnh hưởng toàn cầu.
OPEC “giải cứu” giá dầu thế giới
Toàn cảnh phiên họp lần thứ 172 của OPEC tại Vienna (Áo) ngày 25-5. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong cuộc họp tại Vienna (Áo) ngày 25-5, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ thêm 9 tháng nữa trong bối cảnh tổ chức này đang phải đối phó với tình trạng dư thừa dầu thô trên toàn cầu. Mặc dù vậy, giá dầu mỏ trên thị trường vẫn tiếp tục lao dốc trước quyết định này.
Nhằm ứng phó với tình trạng giá dầu thô thế giới giảm mạnh kể từ giữa năm 2014, OPEC và 11 nước ngoài tổ chức này đã ký thỏa thuận vào cuối năm 2016 nhằm cắt giảm sản lượng khai thác tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận được thực hiện bắt đầu từ tháng 01-2017. Cụ thể, các nước thành viên OPEC sẽ cắt giảm khai thác 1,2 triệu thùng/ngày, còn các nước ngoài OPEC, trong đó có Nga, cũng thống nhất cắt giảm 600.000 thùng/ngày. Việc cắt giảm sản lượng dầu khi đó đã giúp đẩy giá dầu lên trên 50 USD/thùng so với mức thấp kỷ lục dưới 30 USD/thùng hồi năm 2016. Đồng thời giúp cải thiện tài khóa cho các nước vốn dựa vào nguồn thu chủ yếu từ xuất khẩu dầu mỏ. Trước đó, việc giá dầu lao dốc vào năm 2014 đã buộc nhiều quốc gia như Nga và Saudi Arabia phải thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng”. Giá dầu giảm cũng gây ra bất ổn tại một số nước sản xuất dầu mỏ là Venezuela và Nigeria. Tuy nhiên, có một thực tế là khi các nước thực hiện cắt giảm sản lượng và giá dầu đã được đẩy lên trong thời gian qua thì nhiều công ty dầu đá phiến của Mỹ - nước không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC - lại được lợi. Điều này khiến tiến độ điều chỉnh cân bằng thị trường đang bị làm chậm lại, còn lượng dự trữ dầu thô toàn cầu hiện vẫn ở mức cao kỷ lục. OPEC hiện đang nỗ lực giảm lượng dầu tồn kho ở các nền kinh tế phát triển về mức trung bình của 5 năm gần đây. Mức tồn kho dầu của các nước hiện đang cao hơn khoảng 300 triệu thùng so với ngưỡng này.
Trong bối cảnh đó, cuộc họp này được xem là cơ hội để các nước thành viên tìm giải pháp cho vấn đề giá dầu và lượng dầu dự trữ. Tại đây, các nước trong và ngoài OPEC đã quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ thêm 9 tháng, cho tới tháng 3-2018. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nga cảnh báo, việc hạ sản lượng có thể thổi bùng làn sóng phát triển dầu đá phiến của Mỹ thêm một lần nữa. Nga cho rằng, thỏa thuận giảm sản lượng tuy có thể tạm thời làm giảm lượng dư cung trên thị trường, song trạng thái này sẽ bị “cơn lũ” dầu đá phiến Mỹ lấp đầy, dẫn đến tình trạng thừa cung trong tương lai.
Ngoài ra, trong thỏa thuận vừa được OPEC gia hạn, Nigeria và Libya, hai nước thành viên OPEC, cũng sẽ vẫn tiếp tục được miễn cắt giảm sản lượng bởi hai nước này đang cố gắng nối lại hoạt động khai thác dầu bị ngưng trệ do nội chiến. Nhưng điều này cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại sẽ làm nguồn cung dầu càng dư thừa hơn./.
Quảng bá văn hóa Việt Nam tại Lễ hội Bazar ở Venezuela  (29/05/2017)
Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan tặng quà các cháu thiếu nhi nhân 01-6  (29/05/2017)
Kê khai tài sản: "Chức vụ càng cao, càng phải làm gương trước"  (29/05/2017)
Công tác giáo dục, quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn trong Quân đội  (29/05/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên