TCCSĐT - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 31-8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và là Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2010.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực: giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2009, đưa giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2010 tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 12,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trên 17%. Cùng với ngành công nghiệp, ngành dịch vụ, du lịch, nông nghiệp cũng có sự phát triển ổn định.

Báo cáo chi tiết tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2010 cho thấy: giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8-2010 ước tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2009. Tình chung 8 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn so với kế hoạch năm (12%); trong đó: khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 12,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,7%. Trong khi đó, một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp lại giảm so với cùng kỳ, như: dầu thô khai thác, giảm 14,6%, do giới hạn kỹ thuật của các mỏ; than sạch, giảm 0,2%, do chủ trương không khuyến khích xuất khẩu than, có thể chấp nhận giảm sản lượng để giành cho sản xuất điện ở trong nước;..

Sản xuất nông nghiệp cũng phát triển ổn định. Tính đến ngày 15-8, cả nước đã gieo cấy được 1.417 nghìn ha lúa mùa, bằng 96,8% cùng kỳ năm trước; trong đó các tỉnh miền Nam đã thu hoạch được 1.193 nghìn ha lúa hè thu, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được xấp xỉ 1.103 nghìn ha, bằng 98,7% so với cùng kỳ năm trước. Tại các tỉnh Bắc Trung bộ, lúa hè thu phần lớn ở giai đoạn đòng giả, một số diện tích gieo cấy sớm đã chuyển sang giai đoạn trỗ bông, ngậm sữa. Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh vẫn xảy ra ở khắp các địa phương trên cả diện tích lúa và rau màu nhưng mức độ ảnh hưởng không lớn. Một số bệnh chủ yếu vẫn là bệnh rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá, bọ trĩ. Dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng cũng đã được khống chế. Tính đến ngày 23-8, cả nước không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng.

Trong lĩnh vực bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8-2010, doanh thu ước đạt 131.000 tỉ đồng, tăng 0,06% so với tháng 7, đưa tổng mức lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ xã hội 8 tháng đầu năm ước đạt 1.009,2 tỉ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2009. Kim ngạch xuất – nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 44,5 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2009 và gấp hơn 3 lần so với chỉ tiêu kế hoạch về tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đã được Quốc hội thông qua. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 52,7 tỉ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng nhập siêu tiếp tục giảm, ước nhập siêu tháng 8-2010 là 0,9 tỉ USD, bằng 15% kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu 8 tháng đầu năm ước khoảng 8,15 tỉ USD, bằng 18,3% kim ngạch xuất khẩu.

Tổng thu ngân sách nhà nước, tính đến nửa đầu tháng 8 ước đạt 313.500 tỉ đồng, bằng 67,9% dự toán năm; trong đó, thu nội địa đạt gần 195.500 tỉ đồng, bằng 66,4% dự toán năm, thu từ dầu thô đạt 38.600 tỉ đồng, bằng 52% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 76.000 tỉ đồng, bằng 79,6% dự toán.

Đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm:
 
Những khía cạnh tích cực:  Thực hiện có kết quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/4/2010 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Thu ngân sách đạt khá; đầu tư phát triển được đẩy mạnh, huy động và giải ngân vốn đầu tư phát triển tiếp tục có một số chuyển biến tích cực; xuất khẩu tiếp tục được cải thiện và đạt tốc độ tăng trưởng cao; nhập siêu tiếp tục có xu hướng giảm; giá cả thị trường cơ bản được bình ổn, lạm phát được kiềm chế. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao hơn so với kế hoạch cả năm; ngành dịch vụ tiếp tục phát triển khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và du lịch đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước; mặc dù chịu ảnh hưởng của hạn hán và bão lũ song nhờ sự nỗ lực phối hợp giữa các ngành và địa phương nên nông nghiệp vẫn phát triển khá ổn định, dịch bệnh được kiểm soát và đẩy lùi. An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo; đời sống người dân ngày càng được cải thiện, sức khỏe nhân dân được chăm sóc và quan tâm tốt hơn; các lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm và có sự phát triển tốt; an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo và giữ vững.

Những khó khăn, thách thức: giá cả trên thị trường thế giới có xu hướng tăng, gây áp lực đến mặt bằng giá cả trong nước, đặc biệt là các tháng cuối năm; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn gặp một số khó khăn trong huy động vốn do lãi suất cho vay của các ngân hàng còn ở mức khá cao; thiên tai, bão lũ và dịch bệnh vẫn có nguy cơ xảy ra và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân./.