TCCSĐT - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 31-8, liên quan đến các vấn đề về Dự án đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng nói: Chính phủ chưa có kế hoạch và chủ trương đầu tư, chưa có bất cứ hành động nào để triển khai dự án. Chính phủ chủ trương tiếp tục nghiên cứu dự án để làm rõ những vấn đề liên quan đến quy mô, công nghệ, nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động môi trường, xã hội... mà báo cáo khả thi trình Quốc hội vừa qua chưa nêu hết.

Hiện nay Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh mới đang ở bước nghiên cứu để lập dự án và không sử dụng vốn nhà nước mà sử dụng nguồn vốn ODA (vốn ODA không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản để lập Dự án đầu tư, không có bất cứ sự ràng buộc nào hay thỏa thuận nào về việc nghiên cứu với đầu tư dự án, việc chọn nhà đầu tư, công nghệ là chưa xác định. “Việc nghiên cứu này nếu đưa ra kết quả khả thi và hiệu quả sẽ là những cơ sở cần thiết để xem xét tiến hành thủ tục xin chủ trương đầu tư sau này. Không có thỏa thuận ràng buộc kết quả nghiên cứu này với chủ trương đầu tư dự án”.

Việc khởi động dự án là cần thiết, nhất là việc sớm triển khai dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Nội Bài để phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông của Thủ đô và nâng cấp mở rộng sân bay Nội Bài. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: về lâu dài, cần phải có tuyến đường sắt Bắc - Nam thứ hai, còn công nghệ nào, cao tốc hay tốc độ cao, thời điểm đầu tư... còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể. Thời cơ và điều kiện kinh tế để thực hiện được dự án có thể mất 20 năm, 30 năm mới thực hiện xong, tuy nhiên vẫn phải có chủ trương nhất quán. “Quốc hội không phủ nhận hoàn toàn phương án vận tải này mà yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện hơn. Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cũng đã nói rõ tinh thần này trong văn bản”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc nói rõ thêm về dự án.

Đồng thời trong thông báo số: 5143 /VPCP-KTN cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải trên cơ sở những ý kiến góp ý của Quốc hội, tổng hợp đưa vào nội dung nghiên cứu, đánh giá. Các bộ: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm việc với JICA để đàm phán, thống nhất nội dung, tiến độ, và cách thức tiến hành lập các Dự án đầu tư xây dựng công trình nêu trên theo đúng quy định./.