Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên trực tiếp trả lời chất vấn
Trong buổi làm việc, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời chất vấn của 37 đại biểu tại hội trường liên quan đến nhiều vấn đề nóng, được đồng bào, cử tri cả nước quan tâm từ phát triển kinh tế, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, đến quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, đoàn kết, thống nhất, phấn đấu thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Thủ tướng nêu rõ: Trong những tháng qua, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp thiết, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, cải cách thủ tục hành chính, trật tự, an toàn xã hội,…
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; tăng cường kỷ luật kỷ cương; kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả chi tiêu công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan Nhà nước và trong toàn xã hội; chống lợi ích nhóm, nhất là trong cổ phần hóa, đầu tư công; tăng cường phòng, chống tham nhũng,…
Với những kết quả nêu trên, Thủ tướng khẳng định đã cơ bản đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 như đã báo cáo Quốc hội.
Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch đã đề ra; đồng thời, khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu.
Quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng
Trả lời chất vấn đầu tiên của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) về quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là kiên quyết xử lý những hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân.
Chính phủ quyết liệt loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy. Đây cũng là yêu cầu cấp bách, cần được triển khai mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị. Thủ tướng cho biết đã ban hành Chỉ thị về đạo đức công vụ, tăng cường hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức.
Nhắc lại câu nói của Bác Hồ: Lấy đức làm gốc, Thủ tướng cho rằng, việc xử lý kiên quyết sai phạm của các cá nhân, tổ chức là đảm bảo nền pháp trị quốc gia, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI.
Muốn vậy, cần tiếp tục triển khai tốt các biện pháp như công khai minh bạch và kiểm soát tốt quyền lực; có cơ chế quản lý tốt để hạn chế thấp nhất tình trạng xin cho đối với các vấn đề dễ phát sinh tiêu cực trong các lĩnh vực quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên. Song song với đó là tiếp tục cải cách tiền lương, đi liền với giảm biên chế bộ máy.
Giải đáp thắc mắc của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) và Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) về các biện pháp tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện thể chế sao cho không có kẽ hở để không dám, không thể và không nên tham nhũng.
Song song với đó là tăng cường cải cách hành chính; nghiêm trị các hành vi tham nhũng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc, hành vi tham nhũng.
Một biện pháp nữa cũng phải được chú trọng là phát huy hơn nữa vai trò của đoàn thể và đặc biệt là nhân dân, hệ thống báo chí, Mặt trận Tổ quốc trong phát hiện, đấu tranh với hành vi tham nhũng.
Tại buổi trả lời chất vấn, giải đáp câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) liên quan đến quy trình bổ nhiệm cán bộ, Thủ tướng cho rằng, về cơ bản quy trình cũng có những điểm tốt, song Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ tiếp tục xem xét, bổ sung theo hướng khắc phục sơ hở, minh bạch hơn; đồng thời phải phát hiện cán bộ giỏi, năng lực cao từ cơ sở.
Thêm vào đó là triển khai những giải pháp mang tính đột phá như tuyển dụng có cạnh tranh lành mạnh, bầu có số dư, đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức ngày càng công khai minh bạch.
Giảm dần nợ xấu
Chia sẻ những quan ngại của đại biểu Lê Quân (Hà Nội) về tái cấu trúc nền kinh tế, nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, Thủ tướng cho biết, hiện nợ xấu theo thống kê chưa thực sự đầy đủ.
Đây cũng là bài toán đặt ra cho nền kinh tế mà Chính phủ đang nỗ lực giải quyết, nhất đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo Thủ tướng, trước hết phải có khung thể chế pháp lý tốt hơn, nhất là cho VAMC đi liền với kiểm soát chặt, không để phát sinh nợ xấu mới, đặc biệt là đưa vào chế độ kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước đã mua lại với giá 0 đồng.
“Nợ xấu phải được giải quyết để giảm dần, phải có biện pháp tiền tươi, thóc thật trong xử lý vấn đề này”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Chính phủ đang khẩn trương xây dựng các giải pháp toàn diện và sẽ báo cáo Quốc hội, sao cho “cục máu đông” nợ xấu ngày càng nhỏ đi, giúp cho việc điều hành nền kinh tế an toàn hơn.
Xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập
Đồng quan điểm với những trăn trở của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) về gánh nặng trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng cho biết cả nước hiện có trên 5.000 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó ở trung ương là 600 đơn vị và chỉ có 2,34% số này tự trang trải được kinh phí hoạt động.
Đội ngũ công chức từ cấp huyện trở lên là hơn 500.000 người, nhưng có tới trên 2,2 triệu cán bộ, nhân viên đơn vị sự nghiệp công lập.
Thủ tướng nêu rõ, chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ đơn vị sự nghiệp công lập là nhất quán nhưng đây là vấn đề lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực, phục vụ trực tiếp đời sống người dân, do đó Chính phủ sẽ xây dựng giải pháp trình Trung ương và báo cáo Quốc hội theo hướng tăng cường xã hội hóa với các đơn vị loại này, nhưng xác định những đơn vị nào Nhà nước quản lý và những đơn vị xã hội hóa; kết hợp với triển khai việc giảm biên chế theo những bước đi, lộ trình cụ thể.
Ưu tiên phát triển du lịch
Tán thành với đại biểu Phạm Tất Thắng về tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế du lịch của đất nước nhưng kết quả loại hình kinh tế này còn thấp, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển kinh tế du lịch đã được xác định trong Nghị quyết của Trung ương theo hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (chiếm 7,5% - 10% GDP).
Năm 206, du lịch tăng trưởng 25% với 7,5 triệu khách nhưng vẫn chưa đạt được mức 7,5% GDP.
Theo Thủ tướng, con số này vẫn thấp nhiều so với các nước trong khu vực dù đã là một bước tiến lớn.
Thủ tướng khẳng định, trong số các biện pháp phát triển kinh tế du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn phải bao hàm các yếu tố như xây dựng cộng đồng làm du lịch văn minh; hoàn thiện khung thể chế tốt, ưu tiên phát triển du lịch nhất là về vị trí; chú trọng xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch; triển khai ứng dụng visa điện tử cho khách du lịch và hình thành đội ngũ nhân lực làm du lịch phải đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Không dùng tiền thuế của người dân để xử lý các dự án thua lỗ
Trả lời các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) và Trần Văn Minh (Quảng Ninh) liên quan đến quan điểm của Chính phủ trong việc xử lý các dự án thua lỗ lớn thời gian qua, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ kiên quyết không sử dụng tiền thuế của nhân dân để bù đắp cho hoạt động của các doanh nghiệp này.
Ngoài ra, sẽ tiếp tục giải quyết theo hướng cắt lỗ nếu không sử dụng hiệu quả hoặc bán khoán, thậm chí tiến hành phá sản, không để những doanh nghiệp này trở thành gánh nặng của nền kinh tế; không kéo dài dự án ảnh hưởng niềm tin của nhân dân.
Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ sẽ xem xét nhiều biện pháp phù hợp sao cho bảo đảm tối đa quyền lợi Nhà nước trong tiến trình giải quyết và trong quá trình thanh, kiểm tra sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân.
Cũng liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Thủ tướng cho biết thêm, Trung ương đã cho phép thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước để triển khai trong thời gian tới.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bảo đảm không để thất thoát tài sản nhà nước, nhưng không cổ phần hóa với bất cứ giá nào đi liền với công khai minh bạch trong cổ phần hóa và giám sát, kiểm toán thường xuyên.
Gắn kết hệ thống doanh nghiệp
Thống nhất với cách đặt vấn đề của đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai), cho rằng việc tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế quốc dân có ý nghĩa quan trọng, Thủ tướng cho biết, hiện cả nước có 21.000 dự án FDI.
Muốn bảo đảm tốt việc gắn kết giữa hai hệ thống doanh nghiệp này trước hết cần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam có sức mạnh, nhất là ưu tiêu phát triển công nghiệp phụ trợ.
Đồng thời trong quá trình lựa chọn dự án FDI cần chú trọng yếu tố hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất.
Thủ tướng cũng cho biết vừa qua các địa phương trong cả nước đã và đang xây dựng các trang thông tin điện tử tiếp nhận ý kiến doanh nghiệp.
Thủ tướng đã giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phụ trách công việc này của Chính phủ; đã có 87 yêu cầu gửi đến trang thông tin doanh nghiệp của Chính phủ.
Chính phủ đã xử lý trực tiếp 15 yêu cầu, còn lại chuyển các đơn vị liên quan để xem xét, giải quyết.
Đồng tâm, hiệp lực thực thi nhiệm vụ
Nêu quan điểm trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) về phẩm chất, năng lực và hiệu quả hoạt động của thành viên Chính phủ thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “Mặc dù Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV mới hoạt động được 7 tháng, nhưng tập thể Chính phủ luôn đoàn kết, trên dưới một lòng, đồng tâm hiệp lực thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Quốc hội giao phó.
Bàn tay 5 ngón, có ngón ngắn, ngón dài nhưng đều cùng trên một bàn tay, cùng đồng tâm hiệp lực thực hiện mục tiêu chung. Nhiều đồng chí xuất sắc, các đồng chí mới cần phấn đấu nhiều hơn”.
Chính phủ đã ban hành quy chế hoạt động theo hướng công khai, minh bạch trên tinh thần xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ.
Các thành viên Chính phủ là tư lệnh ngành, lĩnh vực, có vai trò rất quan trọng. Thủ tướng tin tưởng, các thành viên Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.
Tăng trưởng cao để giải quyết việc làm và trả nợ công
Thủ tướng bày tỏ trân trọng và đánh giá cao ý kiến, sự lo lắng của đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) về những biện pháp để hoàn thành mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,5% - 7% đến năm 2020, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn nợ công trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng thừa nhận đây là mục tiêu hết sức khó khăn trong tình hình hiện nay. Song Chính phủ phải xác định yêu cầu cao như vậy mới có thể giải quyết vấn đề việc làm cho người dân.
Thủ tướng cho biết cứ 1% GDP là giải quyết được 300.000 lao động. Đặc biệt, theo Thủ tướng, phải đặt yêu cầu tăng trưởng cao như vậy mới bảo đảm có nguồn lực giải quyết gánh nặng nợ công.
Dù đây là vấn đề khó khăn, là thách thức lớn nhưng trong bối cảnh này, phải phấn đấu, có nhiều biện pháp bám vào các thành tố của GDP, nhất là đối với lĩnh vực đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đi đôi với triển khai đồng bộ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa để hoàn thành mục tiêu, Thủ tướng nói.
Đồng quan điểm với đại biểu Trần Hoàng Ngân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) về xây dựng nền kinh tế tự chủ trong điều kiện hội nhập, bảo vệ sản xuất trong nước, Thủ tướng nêu rõ, trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề độc lập tự chủ của nền kinh tế là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu.
Cần bảo đảm xây dựng một nền kinh tế không phụ thuộc quá nhiều vào biến động của thị trường và nhất là về năng lượng, lương thực.
Muốn vậy, phải tập trung phát triển những thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam, như nông nghiệp hữu cơ, công nghệ thông tin; không ngừng mở rộng thị trường; khuyến khích và hỗ trợ phát triển mạnh các tập đoàn kinh tế tư nhân, tránh để tình trạng thua ngay trên sân nhà khi tham gia hội nhập.
Tán thành quan điểm của đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) về bảo vệ sản phẩm sản xuất trong nước, phát triển kinh tế tư nhân khi tham gia hội nhập, Thủ tướng cho rằng, không thể biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ dễ dàng cho doanh nghiệp nước ngoài; phải có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng nội địa khi ký kết các hiệp định thương mại tự do. Đây là yêu cầu cấp bách trong tiến trình hội nhập.
Phát huy lợi thế kinh tế nông nghiệp
Cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu trong phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về lĩnh vực này, Thủ tướng khẳng định nông nghiệp là một lợi thế so sánh của Việt Nam mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Muốn cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, trước hết cần giải quyết tốt vấn đề thực tế, như chế độ hạn điền, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất mà nông nghiệp công nghệ cao là một hướng ra của Việt Nam đã được triển khai thành công ở nhiều địa phương; đưa doanh nghiệp về nông thôn; phát triển thương mại, dịch vụ đi đôi với giải quyết tốt đầu ra của sản phẩm và triển khai mô hình bảo hiểm sản xuất nông nghiệp.
Chia sẻ lo lắng của đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) về hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành chương trình hành động cụ thể, giao từng bộ, ngành, địa phương và đã dành nguồn kinh phí để bảo đảm thực hiện.
Chính phủ, các địa phương cũng đã vận động và nhận được các nguồn lực của nhiều tổ chức quốc tế để bố trí nguồn lực xử lý vấn đề này; tránh lãng phí, thất thoát.
Về đề xuất của các đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Phùng Việt Hùng (Nam Định) về xây dựng văn hóa từ chức, trong Chính phủ liêm chính, Thủ tướng bày tỏ tiếp thu và cho rằng đề xuất này là phù hợp bởi trên thực tế có những người do sức khỏe, trình độ, điều kiện gia đình có thể vận dụng cơ chế từ chức. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng quy chế và báo cáo Chính phủ./.
Mua và đọc báo, tạp chí của Đảng là để nâng cao nhận thức, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương  (17/11/2016)
Tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề được chất vấn  (17/11/2016)
Tiếp tục các hoạt động của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Cuba  (17/11/2016)
Về quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen xung quanh vấn đề nông dân  (17/11/2016)
Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01-01-2017  (17/11/2016)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên