TCCSĐT - Ngày 10-11-2016, trong bước đi báo hiệu cho một giai đoạn chuyển giao quyền lực êm thấm tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã có cuộc gặp và hội đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống đắc cử của nước này Donald Trump tại Nhà Trắng.

Hội nghị COP22 hối thúc hỗ trợ tài chính cho những quốc gia dễ bị tổn thương

 

COP22 dự kiến tập trung vào các hành động nhằm triển khai những ưu tiên trong Hiệp định khí hậu Paris. Ảnh: team-media.fr

Ngày 07-11-2016, phát biểu tại phiên khai mạc của Hội nghị thứ 22 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) tại thành phố Marrakech của Maroc, Chủ tịch COP22, Ngoại trưởng Maroc Salaheddine Mezouar đã hối thúc tất cả các bên tham gia cần cam kết đối với những sáng kiến và hành động khí hậu cụ thể để hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là châu Phi, các quốc gia chậm phát triển và các quốc đảo đang phát triển. Ông M. Mezouar cũng tái khẳng định tầm quan trọng của thúc đẩy sự chuyển giao, sáng kiến, tài chính và xây dựng năng lực để tạo ra nền kinh tế carbon thấp. Về phần mình, Tổng Thư ký của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa nhấn mạnh việc chuyển đổi thành một nền kinh tế và xã hội bền vững với khí phát thải thấp nên là mục tiêu toàn cầu duy nhất. Theo quan chức của Liên hợp quốc này, một nhiệm vụ then chốt nữa là điều phối các nguồn lực tài chính cho phép các nước phát triển phủ xanh nền kinh tế và xây dựng năng lực bền vững. Bà cho rằng các quốc gia nên có những đóng góp cương quyết, táo bạo và kết hợp vào các chính sách quốc gia và kế hoạch đầu tư.

COP22 diễn ra từ ngày 07-11 đến ngày 18-11 với sự tham dự của 43 nguyên thủ quốc gia và 32 người đứng đầu chính phủ các nước trên thế giới. Ngoài các phái đoàn chính thức còn có 3.300 tổ chức. Hội nghị lần này dự kiến tập trung vào các hành động nhằm triển khai những ưu tiên trong Hiệp định khí hậu Paris trong đó có chuyển giao công nghệ, tính minh bạch và xây dựng năng lực.

Liên hợp quốc công nhận Venezuela là quốc gia bảo vệ nhân quyền

 

Ông J. Valero nhấn mạnh, mô hình về nhân quyền của Venezuela đưa ra tại phiên họp của Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ được đại đa số các quốc gia hoan nghênh. Ảnh: alchetron.com

Ngày 08-11-2016, phát biểu với hãng thông tấn nhà nước Venezuela khi thông báo về kết quả bản báo cáo về tình hình nhân quyền tại Venezuela với Liên hợp quốc, đại diện thường trực của Venezuela tại Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc Jorge Valero khẳng định các nước thuộc Liên hợp quốc đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Venezuela trong việc thúc đẩy đấu tranh cho bình đẳng, tự quyết và chủ quyền của các dân tộc dưới sự “bảo hộ và tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc”. Ông J. Valero nhấn mạnh, mô hình về nhân quyền được đoàn đại biểu Venezuela đưa ra tại phiên họp của Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ được đại đa số các quốc gia hoan nghênh. Đại sứ Venezuela tại Liên hợp quốc cho hay bất chấp việc giá dầu đi xuống gây ra vấn đề giảm thu nhập cũng như bất ổn kinh tế là hệ lụy của các yếu tố bên trong và bên ngoài, chính phủ nước này vẫn kiên định trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền con người của mọi công dân Venezuela.

Venezuela là một trong những nước đầu tiên đáp ứng tám mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc với đầu tư nhà nước cho lĩnh vực xã hội lên tới hơn 71,4%, đạt chỉ số Gini là 0,390 (quốc gia có hệ số Gini càng gần 0 thì nền kinh tế càng bình đẳng giữa người giàu và người nghèo), tiếp tục là quốc gia Mỹ Latinh với chỉ số bất bình đẳng thấp nhất.

Bùng phát dịch cúm gia cầm H5N8 tại một số nước châu Âu

 

H5N8 là chủng virus có khả năng lây nhiễm cao ở gia cầm, nhưng chưa bao giờ ghi nhận trường hợp lây nhiễm sang người. Ảnh: TTXVN

Ngày 10-11-2016, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) cho biết, một số nước châu Âu, trong đó có Đức, Áo, Croatia và Thụy Sĩ đã có báo cáo chính thức về bùng phát dịch cúm gia cầm, gây quan ngại rằng các loài chim và gia cầm hoang dã bị lây nhiễm chủng virus đặc biệt nguy hiểm này. Trong một báo cáo, Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết chủng virus H5N8 đã được phát hiện ở những loài chim hoang dã tại Hungary, Ba Lan, Đức, Croatia, Hà Lan và Đan Mạch. Áo và Thụy Sĩ ngày 10-11 đã áp dụng các biện pháp phòng tránh nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan sang gia cầm nuôi sau khi phát hiện vịt trời ở khu vực hồ Constance bị nhiễm virus H5N8. Chính phủ Hà Lan từ đầu tuần này cũng đã tiến hành các biện pháp tương tự khi yêu cầu các chủ trang trại nhốt các đàn gia cầm lại sau khi phát hiện virus cúm gia cầm xuất hiện tại nước này.

H5N8 là chủng virus có khả năng lây nhiễm cao ở gia cầm, nhưng chưa bao giờ ghi nhận trường hợp lây nhiễm sang người. Chủng virus này được phát hiện tại một số nước Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2014 và lây lan sang gia cầm nuôi. Trước đó, Pháp, nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất EU, từng áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và cấm chế biến thịt vịt và ngỗng trong một thời gian ở 17 vùng của nước này để ngăn chặn dịch cúm gia cầm bùng phát.

Mỹ khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực

 

Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama gặp gỡ tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters/TTXVN

Ngày 10-11-2016, trong bước đi báo hiệu cho một giai đoạn chuyển giao quyền lực êm thấm tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã có cuộc gặp và hội đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống đắc cử của nước này Donald Trump tại Nhà Trắng. Cuộc gặp quan trọng này được đánh giá là sự khởi đầu cho một chương mới trong lịch sử nước Mỹ. Phát biểu với báo giới sau hội đàm, Tổng thống B. Obama nói rằng hai người đã có một cuộc trao đổi hữu ích và tuyệt vời về hàng loạt vấn đề đối nội và đối ngoại của nước Mỹ. Tổng thống B. Obama tuyên bố, việc tạo điều kiện chuyển giao quyền lực thuận lợi cho người kế nhiệm là ưu tiên số một của ông từ nay cho tới khi rời nhiệm sở, đồng thời cam kết sẽ “làm tất cả những gì có thể” để người kế nhiệm thành công sau lễ nhậm chức vào ngày 20-01-2017 tới. Về phần mình, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết, ông và Tổng thống B. Obama đã “thảo luận nghiêm túc về nhiều vấn đề, một số thuận lợi và một số khó khăn”. Ông D. Trump cũng bày tỏ mong muốn tiến hành thêm nhiều cuộc gặp với Tổng thống B. Obama để chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực.

Vài ngày sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhiều lãnh đạo châu Âu cũng nhấn mạnh sẽ hợp tác chặt chẽ với nước này. Ngày 11-11, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết ông sẽ “làm rõ quan điểm” với vị chủ nhân Nhà Trắng tương lai trong một cuộc điện đàm “thẳng thắn” diễn ra cùng ngày. Trong khi đó, hãng tin ANSA cho biết, trong cuộc điện đàm với ông D. Trump tối 10-11, Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã tái khẳng định tầm quan trọng mang tính chiến lược của liên minh giữa Mỹ và Italy, đồng thời bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Mỹ để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào năm 2017. Cũng trong tối 10-11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ, trong đó thảo luận về việc hợp tác cũng như mối quan hệ lâu bền giữa hai nước./.