TCCSĐT - Ngày 04-11-2016, Hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris, Pháp vào năm ngoái hay còn gọi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực.

Các nhà báo tiếp tục phải đương đầu với nhiều hiểm họa

 

 Ảnh minh họa. Ảnh: Al Jazeera America

Ngày 02-11-2016, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công bố báo cáo “Sự an toàn của các nhà báo và mối đe dọa không bị trừng phạt”, theo đó trung bình cứ 4,5 ngày thì có một nhà báo bị sát hại trên thế giới. Trong vòng 10 năm (2006 - 2015) đã có 827 nhà báo bị giết hại trong khi đang tác nghiệp và khu vực được xem là “tử địa” với nhà báo là các nước Arab, bao gồm cả Syria, Iraq, Yemen và Libya. Tiếp đến là khu vực Mỹ Latinh. Phần lớn số nhà báo tử nạn, chiếm đến 59% trong 2 năm 2014 - 2015, là ở các khu vực đang có xung đột. Trong 2 năm qua, 78 trong số 213 nhà báo bị sát hại, chiếm 36,5%, là ở các nước Arab. Một điểm đáng báo động nữa là số trường hợp nhà báo bị sát hại tại Tây Âu và Bắc Mỹ tăng đáng kể, từ không có ai trong năm 2014 lên 11 người vào năm ngoái. Năm 2015 ghi nhận con số kỷ lục các nhà báo hoạt động trực tuyến bị sát hại với 21 trường hợp so với 2 trường hợp hồi năm 2014. Gần 50% trong số đó là những người viết blog tại Syria. Báo cáo cũng cho biết số nhà báo nam bị sát hại nhiều gấp hơn 10 lần số nhà báo nữ với con số tương đương là 195/18 trong giai đoạn 2014 - 2015. Bên cạnh đó, các nhà báo còn phải đối mặt với những nguy cơ bạo lực khác như bị bắt cóc, giam giữ, tra tấn, hăm dọa, quấy rối, cướp phá phương tiện làm việc,...

Trong một diễn biến khác cùng ngày, người đứng đầu Ủy ban vì sự an toàn của các nhà báo Afganistan (AJSC), Najib Sharifi cho biết, ít nhất đã có 11 nhà báo bị sát hại tại Afganistan trong năm nay. Đây là con số kỷ lục khiến năm 2016 được coi là năm “chết chóc” nhất đối với các nhà báo ở quốc gia Nam Á này. Ủy ban này đang yêu cầu Chính phủ Afganistan chấm dứt tình trạng không trừng phạt trong các vụ giết hại nhà báo.

Năm 2015: Số tu nghiệp sinh nước ngoài bỏ trốn tại Nhật Bản cao kỷ lục

 

Ảnh minh họa. Ảnh: laodongxuatkhaunhatban.vn

Theo báo cáo của Cục Nhập cư thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, số tu nghiệp sinh nước ngoài bỏ trốn tại Nhật Bản trong năm 2015 ở mức cao kỷ lục, với 5.803 người. Trong số đó, Trung Quốc có số tu nghiệp sinh bỏ trốn cao nhất, với 3.116 người. Việt Nam đứng thứ hai, với 1.705 người. Tiếp đó là Myanmar (336 người), Indonesia (250 người) và Nepal (102 người). Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết, cùng với việc chương trình tu nghiệp sinh được mở rộng, số tu nghiệp sinh bỏ trốn đã tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây, từ 1.534 người trong năm 2011, lên 2.005 người trong năm 2012 và 3.566 người trong năm 2013. Năm 2014, số tu nghiệp sinh bỏ trốn là 4.847 người, trong đó số tu nghiệp sinh Trung Quốc bỏ trốn lần đầu tiên lên tới 3.000 người. Bộ Tư pháp Nhật Bản đang tiến hành những biện pháp để giải quyết thực trạng trên.

Hiện Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục mở rộng chương trình tu nghiệp sinh trong bối cảnh dân số Nhật Bản đang già hóa và giảm mạnh. Tuần trước, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua 2 dự luật liên quan đến lao động nước ngoài nhằm giải quyết tình trạng bóc lột, lạm dụng tu nghiệp sinh và mở rộng phạm vi chương trình tu nghiệp sinh sang lĩnh vực tuyển người chăm sóc tại nhà. Trên thực tế, các tu nghiệp sinh nước ngoài thường làm việc trong các ngành mà lao động Nhật Bản thường không muốn làm, hầu hết là các công việc liên quan đến yêu cầu sức khỏe như xây dựng, kim loại hay chế biến thực phẩm. Thống kê cho thấy đã có 192.000 người nước ngoài đến Nhật Bản theo chương trình tu nghiệp sinh trong năm 2015. Báo Sankei Shimbun dẫn lời các nhà thầu Trung Quốc giấu tên tại Nhật Bản cho biết, những tu nghiệp sinh Trung Quốc bỏ trốn được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch phục vụ khách Trung Quốc đại lục tuyển dụng, thường làm việc cho các tour du lịch trái phép hoặc nhân viên tại các nhà nghỉ được thuê để phục vụ du khách ngắn hạn.

Hút thuốc lá mỗi ngày gây ra 150 đột biến trong tế bào phổi

 

Hút 1 bao thuốc lá mỗi ngày trong vòng 1 năm có thể gây ra 150 đột biến. Ảnh: KhoaHoc.tv

Theo công trình khoa học mới nhất của các nhà khoa học đến từ Viện Wellcome Trust Sanger của Anh và Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Mỹ, đăng tải trên tạp chí “Science” số ra ngày 03-11-2016, hút 1 bao thuốc lá mỗi ngày trong vòng 1 năm có thể gây ra 150 đột biến, để lại hậu quả khôn lường cho tế bào phổi của người có thói quen không lành mạnh này. Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích và so sánh hơn 5.000 khối u của cả những người hút thuốc và chưa bao giờ hút thuốc. Sau đó, họ phát hiện một số dấu hiệu của phân tử đột biến trong ADN của người hút thuốc và tính ra số lượng đột biến ở các khối u khác nhau.

Đối với các tế bào phổi, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng hút thuốc lá trung bình 1 bao mỗi ngày trong 1 năm sẽ gây ra 150 đột biến ở trong mỗi tế bào của cơ quan làm nhiệm vụ hô hấp này. Nguy hiểm hơn là mỗi biến đổi này đồng nghĩa với việc người hút thuốc có nguy cơ cao bị ung thư do gien bị hủy hoại. Trong khi đó, các bộ phận khác của cơ thể cũng chịu hậu quả. Theo đó, thói quen trên còn khiến người hút thuốc phải hứng chịu mỗi năm trung bình 97 đột biến trong mỗi tế bào thanh quản, 39 đột biến trong bạch hầu, 23 đột biến cho miệng, 18 đột biến bàng quang và 6 đột biến trong mỗi tế bào gan. Phát hiện mới cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa số điếu thuốc được tiêu thụ trong đời người với số lượng ADN đột biến của các khối u ung thư. Tỷ lệ đột biến cao nhất thường rơi vào các trường hợp bị ung thư phổi, bao gồm bàng quang, gan và cổ họng. Điều này cũng giải thích tại sao hút thuốc lá gây còn ra nhiều loại ung thư khác ngoài ung thư phổi. Theo các nhà nghiên cứu, mỗi điếu thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học khác nhau, 70 loại trong số này được biết đến là chất gây ung thư.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực

 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hối thúc các quốc gia tiếp tục duy trì đà hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn, an toàn hơn. Ảnh: TTXVN

Ngày 04-11-2016, Hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris, Pháp vào năm ngoái hay còn gọi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực. Với văn kiện này, khoảng 200 quốc gia sẽ bắt đầu thực hiện các kế hoạch quốc gia nhằm cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo cam kết đã đề ra. Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa nhấn mạnh ngày 04-11 đánh dấu mốc quan trọng để các quốc gia cùng với thiện chí và thái độ nghiêm túc hướng tới hoàn thành các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đối khí hậu.

Tại cuộc họp báo nhân dịp Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hối thúc các quốc gia tiếp tục duy trì đà hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn, an toàn hơn. Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự phát triển bền vững, thế giới đã có những kế hoạch cần thiết để giảm lượng khí thải và ngăn chặn sự biến đổi khí hậu. Theo ông, hiện là lúc cần củng cố quyết tâm của toàn thế giới, làm những gì mà khoa học yêu cầu và nắm lấy cơ hội để xây dựng một thế giới an toàn hơn và bền vững hơn cho tất cả mọi người. Ông Ban Ki-moon nhắc lại rằng thế hệ hiện nay đã thực sự cảm nhận những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và ý thức được sự cần thiết phải ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất. Do đó, trong 1 thập niên qua, trên toàn thế giới đã hình thành “liên minh toàn cầu rộng lớn” để cùng hành động để bảo vệ khí hậu. Liên minh này bao gồm các quan chức chính phủ, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các giám đốc kinh doanh và các nhà hoạt động xã hội dân sự và tất cả đều công nhận rằng tương lai của con người và hành tinh đang bị đe dọa.

Các nước Trung - Đông Âu và Trung Quốc ký nhiều thỏa thuận hợp tác

 

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị. Ảnh: Tân Hoa xã

Ngày 05-11-2016, tại Hội nghị cấp cao thường niên giữa lãnh đạo Trung Quốc và các nước khu vực Trung - Đông Âu (mô hình 16+1), diễn ra tại Riga, Latvia, một loạt văn kiện hợp tác đã được ký kết. Một trong những văn kiện này là “Các nguyên tắc cơ bản Riga”, bao gồm các hoạt động hợp tác cụ thể trong năm 2017. Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị bày tỏ ủng hộ kế hoạch hợp tác các cảng biển Adriatic, Baltic và Biển Đen, trong đó xác định những cơ chế phối hợp hành động của các cảng với Trung Quốc và phát triển các hành lang vận tải liên kết.

Phát biểu tại cuộc họp báo về kết quả Hội nghị, Thủ tướng Latvia Maris Kuchinskis cho biết, chủ đề Hội nghị năm nay là “Hòa hợp, Đổi mới, Phát triển chung” và lãnh đạo các nước đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo ông, các nước cần tiếp tục thúc đẩy mô hình “16+1” hội nhập và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, đồng thời tạo hiệp lực giữa những sáng kiến của EU, như “Kế hoạch Juncker”, “Mạng lưới xuyên châu Âu”, và các sáng kiến kết nối kinh tế của Trung Quốc,... Ngoài ra, ông M. Kucinskis cũng nhấn mạnh tới những tiềm năng lớn về hợp tác tài chính, thương mại điện tử,... với Trung Quốc. Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng tiềm năng to lớn của Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu chưa được khai thác tối đa để phát triển kinh tế. Do đó, cần nghiên cứu chương trình hành động thương mại toàn diện và không để bất cứ quốc gia nào đứng ngoài những kế hoạch hợp tác phát triển này./.