TCCSĐT - Ngày 07-11-2016, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam (09-11) và tổng kết Cuộc thi viết “Gương sáng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng” trên báo chí.

Tham dự Chương trình có đồng chí Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, các tác giả, nhóm tác giả đạt giải của Cuộc thi viết “Gương sáng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng” trên báo chí và đại diện nhiều cơ quan báo chí.

Phát biểu chào mừng, đồng chí Nguyễn Minh Hồng khẳng định, việc xây dựng pháp luật, công tác kiểm tra, theo dõi, tổ chức thi hành pháp luật và nhiều công tác pháp chế khác đã trở thành nội dung chủ yếu trong hoạt động của Chính phủ nói chung, của từng bộ, ngành, địa phương và Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng, nhằm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao; thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và hội nhập quốc tế. Tìm hiểu pháp luật, sử dụng đúng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật đã trở thành nhu cầu tất yếu, thiết thân và bắt buộc trong đời sống xã hội cũng như đối với mỗi người. Đồng chí nhấn mạnh: Cuộc thi viết “Gương sáng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng” trên báo chí là hình thức thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, góp phần biểu dương, tôn vinh những gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; lên án, phê phán các hành vi tham nhũng; tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, xây dựng sự đồng thuận xã hội trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Để Ngày pháp luật Việt Nam năm nay và các năm tiếp theo thực sự thiết thực, hiệu quả, đồng thời phát huy hiệu ứng tích cực của Cuộc thi viết lần này, đồng chí Nguyễn Minh Hồng đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngành thông tin và truyền thông tập trung vào một số định hướng như: 1- Tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm cụ thể hóa đúng nội dung, tinh thần của Hiến pháp; quán triệt và triển khai tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) và các luật, bộ luật mới. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; 2- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến sâu sắc trong xã hội về ý thức chấp hành pháp luật. Trước hết, đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu tuân thủ, chấp hành pháp luật; tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu và nắm vững pháp luật để hướng dẫn, tư vấn, giải thích và chấp hành pháp luật; tuân thủ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ; thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy; 3- Tập trung đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và hội nhập quốc tế.

Cuộc thi viết “Gương sáng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng” trên báo chí chính thức phát động từ ngày 18-12-2015. Sau hơn 10 tháng phát động, Ban Tổ chức Cuộc thi nhận được 69 tác phẩm dự thi (66 tác phẩm hợp lệ) của 23 đơn vị/cơ quan báo chí, với 51 tác giả. Hầu hết các tác phẩm nói đúng chủ đề, nội dung cuộc thi; tên các tác phẩm nổi bật, phản ánh, bao quát được nội dung. Nhiều tác phẩm có tác dụng tuyên truyền, giáo dục cao, có nội dung đặc sắc, có tính thời sự, phản ánh tốt vấn đề, có chất lượng về ngôn ngữ, hình ảnh đẹp, sinh động, phong phú, có sử dụng nghiệp vụ báo chí đa phương tiện,… Tuy nhiên, số lượng tác phẩm dự thi vẫn chưa nhiều; một số tác phẩm có thời gian đăng tải trên báo chí không phù hợp với thời gian yêu cầu của thể lệ Cuộc thi; còn có tác phẩm viết chung chung, không có “người thật, việc thật”, không nêu rõ được “tấm gương” về phòng, chống tham nhũng, các vụ việc tham nhũng, viết chưa thực sự cuốn hút, chưa gây được ấn tượng, chưa có sức ảnh hưởng với người đọc…

Trải qua vòng chấm thi sơ khảo (tháng 7-2016) và vòng chấm thi chung khảo (tháng 9-2016), với tinh thần làm việc tích cực, thẳng thắn, công bằng, Ban Tổ chức và Ban Giám khảo đã lựa chọn được 24 tác phẩm đoạt giải (trên cơ cấu giải thưởng là 26 giải), bao gồm : 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 15 giải Khuyến khích và 3 giải phụ (giải cho tác giả trẻ tuổi nhất, giải cho cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự nhất, giải cho nghiệp vụ báo chí đa phương tiện). Giải Nhất của Cuộc thi được trao cho tác giả Đào Văn Bảy với tác phẩm “Những người hùng chống tiêu cực, tham nhũng”, đăng trên Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh./.