TCCSĐT- Sáng 23-2-2010, tại Tòa soạn Báo Nhân Dân đã diễn ra cuộc Giao ban báo chí đầu Xuân Canh Dần. Phát biểu ý kiến tại buổi Giao ban, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng báo chí trên lĩnh vực tư tưởng, công tác thông tin, tuyên truyền.

1. Giao ban báo chí đầu Xuân Canh Dần

Sáng 23-2-2010, tại Tòa soạn Báo Nhân Dân đã diễn ra cuộc Giao ban báo chí đầu Xuân Canh Dần. Phát biểu ý kiến tại buổi Giao ban, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng báo chí trên lĩnh vực tư tưởng, công tác thông tin, tuyên truyền. Chính phủ đánh giá cao và biểu dương sự đóng góp thiết thực của báo chí trong việc tạo không khí đón Tết Canh Dần vui tươi, phấn khởi, an toàn và tiết kiệm. Nhìn lại cả năm 2009 và xa hơn - năm 2008, đất nước và nền kinh tế nước ta đứng trước những thách thức, khó khăn rất lớn. Mặc dù còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, nhưng về tổng thể, chúng ta đã đạt được mục tiêu đề ra: giữ ổn định các cân đối vĩ mô, ngăn chặn đà suy giảm của kinh tế, giữ được tốc độ tăng trưởng dương, kiềm chế tốc độ lạm phát, giữ vững huyết mạch của nền kinh tế là hệ thống ngân hàng... Bên cạnh những nỗ lực đó, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo giảm, an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước... Thủ tướng nhấn mạnh, những thành quả tốt đẹp đó đạt được trên cơ sở chúng ta đã tạo được sự đồng thuận trong Chính phủ, trong xã hội, và báo chí đã có những đóng góp quan trọng tạo nên bầu không khí đồng thuận đó.

2. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm Ấn Độ

Chiều 23-2, Ðoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã tới Thủ đô Niu Ðê-li, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Ấn Ðộ theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Mê-ra Ku-ma. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến chào xã giao Tổng thống Pratha Patin; hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Mêra Kuma; gặp Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Hamit Anxari và Chủ tịch Yasoan Xinha cùng các thành viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ấn Độ; đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm Mahátma Ganđi; thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam; dự và phát biểu trong phiên Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ; trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Express Ấn Độ...

3. Lễ kỷ niệm 20 năm Công ước quốc tế Quyền trẻ em

Ngày 23-2, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức UNICEF Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Công ước quốc tế Quyền trẻ em và Hội nghị “Công ước Quyền trẻ em - từ tầm nhìn đến hành động”. Công ước Quyền trẻ em là một văn kiện về quyền con người mang đậm tính nhân văn được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20-11-1989, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quyền trẻ em, vào ngày 20-1-1990. Sau hai mươi năm phê chuẩn và thực hiện Công ước, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc: nâng cao nhận thức về quyền trẻ em; làm hài hoà giữa Công ước và luật pháp quốc gia; đẩy mạnh quản lý nhà nước về trẻ em; tăng cường chuẩn nhất. nguồn lực đầu tư cho trẻ em; và đặc biệt là ngày càng quan tâm đến vai trò của chính trẻ em và người chưa thành niên. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, đầu tư cho trẻ em để thực hiện các quyền sống còn, bảo vệ, phát triển và tham gia của trẻ em chính là đầu tư cho tương lai”.

4. Hội nghị lần thứ 10 Tổ chức Hợp tác nông dân Châu Á

Sáng 24-2, tại Hà Nội, Tổ chức Hợp tác nông dân Châu Á phối hợp vối Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 10 với chủ đề: “Các vấn đề hiện tại và tương lai mà Tổ chức thương mại thế giới, nông dân Châu Á phải đối mặt như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng”. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các chương trình hợp tác giúp nông dân vượt qua khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng. Đồng thời, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp; soạn thảo tuyên bố chung về các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, biến đổi khí hậu và những tác động chính của tổ chức Thương mại Thế giới đối với nông nghiệp, nông dân Châu Á.

5. Chủ tịch nước dự khai mạc Tuần văn hóa thể thao và du lịch Thái Bình 2010

Sáng 27-2, tại khu di tích đền thờ các vua Trần ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức khai mạc Tuần văn hóa du lịch và thể thao năm 2010 với chủ đề “Âm vang hào khí Đông A”. Dự lễ khai mạc có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện nhiều bộ, ngành của Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Thái Bình là tỉnh có tiềm năng về nhiều mặt, có văn hóa đa dạng, phong phú đậm đà bản sắc truyền thống. Mảnh đất Thái Đường - Ngự Thiên phủ lộ Long Hưng, nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà là nơi lưu giữ tôn miếu nhà Trần, đất phát tích - sáng nghiệp của nhà Trần, vương triều có nhiều công tích lớn lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước vào thế kỷ 13 - 14, đã lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông mà hào khí Đông A còn vang mãi muôn đời. Chủ tịch nước cũng tin tưởng rằng với hào khí Đông A trong thời đại ngày nay, nhất định Thái Bình sẽ trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như lời nhắn nhủ của Bác Hồ khi Người về thăm Thái Bình... Tuần lễ văn hóa thể thao và du lịch Thái Bình năm 2010 sẽ diễn ra đến hết ngày 28-2.

6. Kỷ niệm 55 năm Ngày Thày thuốc Việt Nam

Kỷ niệm 55 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2010), tại các địa phương trong cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động vinh danh các thế hệ giáo sư, bác sĩ, thày thuốc, cán bộ, công nhân viên ngành y tế Việt Nam, những người đã cống hiến trí tuệ, sức lực và xương máu cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong 65 năm xây dựng và phát triển; 55 năm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thầy thuốc phải như người mẹ hiền”, ngành Y tế đã vượt qua khó khăn, không ngừng phấn đấu và từng bước trưởng thành trong công tác chăm sóc sức khỏe, tạo cho người dân ngày càng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, các cán bộ, nhân viên y tế có mặt trên khắp các chiến trường, những nẻo đường của Tổ quốc để chăm sóc, cứu chữa bộ đội, chăm lo sức khỏe nhân dân. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, ngành Y tế trưởng thành nhanh chóng. Những tấm gương thầy thuốc tận tụy trị bệnh cứu người, các công trình nghiên cứu đột phá trong một số lĩnh vực là niềm tự hào của cả đất nước. Ngành y tế đã đóng góp quan trọng đưa đất nước phát triển như ngày hôm nay.

7. Lễ hội Phát lương và Khai ấn Ðền Trần

Ðêm 27-2, tại Ðền Trần Thương, xã Nhân Ðạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã diễn ra Lễ hội Phát lương Ðức Thánh Trần. Lễ hội lần đầu được tổ chức long trọng với quy mô lớn, hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và 710 năm ngày mất của Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã tham dự buổi lễ. Cũng trong đêm 27, rạng sáng 28-2, hàng chục nghìn du khách đã về dự Lễ Khai ấn Ðền Trần truyền thống hằng năm tại Khu di tích Ðền Trần (phường Lộc Vương, TP Nam Ðịnh).

8. Chương trình giao lưu nghệ thuật "Về miền Quan họ"

Ngày 28-2, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, Chương trình giao lưu nghệ thuật "Về miền Quan họ" đã được tổ chức nhân dịp Dân ca Quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, đại diện các bộ, ban ngành Trung ương, khách quốc tế, các tổ chức ngoại giao và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và đông đảo nhân dân địa phương đã tham dự. Việc dân ca quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân Kinh Bắc mà còn của cả đất nước.

9. Khai mạc Chương trình “Du lịch về cội nguồn” 2010

Tối 27-2, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã diễn ra lễ khai mạc chương trình “Du lịch về cội nguồn” của 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ. Tham dự lễ khai mạc có Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cùng lãnh đạo các tỉnh trong khu vực Tây Bắc và đông đảo khách du lịch trong nước, nước ngoài, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai. Năm 2009, đã có trên 1,3 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch tại 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ. Tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 1.200 tỉ đồng. Chương trình du lịch về cội nguồn đã thu hút đông đảo khách du lịch từ khắp mọi miền Tổ quốc, tìm hiểu về cuội nguồn cũng như khám phá văn hoá các dân tộc Tây Bắc./.