Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2009 và triển vọng 2010
TCCS - Mặc dù có sự giảm sút cả về vốn đăng ký và vốn giải ngân so với cùng kỳ năm trước, nhưng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam trong bối cảnh khó khăn của năm nay vẫn đạt kết quả khá cao so với các năm trước đó. Riêng thu ngân sách nhà nước từ khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2009 ước đạt 2,47 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng 23% so với cùng kỳ 2008.
Vượt qua khó khăn, thu hút FDI đạt được thành tích đáng khích lệ
Năm 2009 là một năm đầy thách thức đối với thu hút FDI vào Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam vừa vượt qua những khó khăn của năm 2008 như lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh... lại phải đối mặt với cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến cho dòng FDI toàn cầu tiếp tục suy giảm đáng kể. FDI đầu tư ra tại 47 quốc gia (chiếm 60% tổng dòng FDI ra toàn cầu, trong đó có các nhà đầu tư lớn như Nhật Bản, Đức, Pháp và Hoa Kỳ) đã giảm 57% trong năm 2009. Dòng FDI vào 57 nền kinh tế (chiếm 60% tổng FDI toàn cầu, trong đó các quốc gia tiếp nhận lớn nhất như Trung Quốc, Bra-xin và Nga) cũng sụt giảm tới 54% trong năm 2009. Giá trị các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&As) qua biên giới cũng sụt giảm tới 77% trong năm 2009. Khả năng và ý định đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia (TNCs) một nguồn FDI lớn đã bị ảnh hưởng đáng kể do tác động của suy thoái kinh tế dẫn tới các chính sách thắt chặt tín dụng tại nước đầu tư, giảm kỳ vọng thị trường, giảm giá trị tài sản do thị trường chứng khoán đi xuống và giảm lợi nhuận của các tập đoàn. Thêm vào đó, các TNCs còn phải đối mặt với những thay đổi khó lường trong chính sách của các nền kinh tế để ứng phó với khủng hoảng.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu cũng như của nền kinh tế trong nước, ĐTNN vào Việt Nam trong năm 2009 cũng suy giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2008. Các số liệu sơ bộ tính đến 15-12-2009 cho thấy, Việt Nam thu hút được 839 dự án FDI với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 21,48 tỉ USD, chỉ bằng 53,9% về số dự án mới và 30% vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ 2008. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt 10 tỉ USD, bằng 87% so với cùng kỳ năm 2008. Xuất khẩu của khu vực ĐTNN, kể cả dầu khí, năm 2009 ước đạt 29,9 tỉ USD, bằng 86,6% so với năm 2008 và chiếm 52,7% tổng xuất khẩu cả nước. Nếu không tính dầu thô, khu vực ĐTNN xuất khẩu 23,6 tỉ USD, chiếm 41,7% tổng xuất khẩu và bằng 98% so với năm 2008. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN năm 2009 ước đạt 24,8 tỉ USD, bằng 89,2% so với năm 2008 và chiếm 36,1% tổng nhập khẩu cả nước. Như vậy, khu vực FDI xuất siêu 5,03 tỉ USD trong khi mức thâm hụt thương mại của các khu vực kinh tế dự kiến lên tới 12 tỉ USD năm 2009.
Mặc dù có sự giảm sút cả về vốn đăng ký và vốn giải ngân so với cùng kỳ năm trước nhưng vốn ĐTNN vào Việt Nam trong bối cảnh khó khăn của năm nay vẫn đạt kết quả khá cao so với các năm trước đó. Riêng thu ngân sách nhà nước từ khu vực FDI năm 2009 ước đạt 2,47 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng 23% so với cùng kỳ 2008.
Nhìn lại 1 năm qua, có thể nhận xét vài điều về thu hút FDI 2009:
Vốn đăng ký mới giảm mạnh trong khi vốn tăng thêm vẫn đạt mức khá cao
Nhìn vào cơ cấu vốn đăng ký, một điều dễ nhận thấy là vốn đăng ký giảm mạnh chủ yếu do vốn đăng ký mới sụt giảm. Với 839 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2009, số dự án mới chỉ bằng 53,9% so với 2008 và vốn đăng ký mới ước đạt 16,34 tỉ USD, chỉ bằng 24,6% so với năm 2008. Điều này là hệ quả của suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư trở nên dè dặt hơn trong các quyết định đầu tư mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Nếu như năm 2008, năm thu hút FDI đạt mức kỷ lục 71,7 tỉ USD, số dự án có quy mô vốn đăng ký trên 1 tỉ USD là 11 dự án, mức vốn đăng ký bình quân một dự án khoảng 65 triệu USD thì năm 2009, số lượng dự án quy mô trên 1 tỉ USD đã giảm 50%, chỉ còn 5 dự án, quy mô bình quân 1 dự án cũng chỉ bằng 1/3 của năm 2008, khoảng 25 triệu USD/dự án. Điều này dường như phản ánh sự thận trọng hơn của các nhà đầu tư khi quyết định đăng ký đầu tư.
Tuy nhiên, vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đang hoạt động lại sụt giảm rất ít. Có 215 dự án đã được điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 5,14 tỉ USD, bằng 98,3% so với năm 2008 (mức cao nhất kể từ khi ban hành văn bản pháp quy đầu tiên về đầu tư nước ngoài). Điều tra cảm nhận về môi trường kinh doanh năm 2009 do Ban Thư ký Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tiến hành cuối tháng 9-2009 đã cho thấy, các doanh nghiệp nhìn nhận môi trường kinh doanh năm 2009 tốt hơn nhiều so với năm 2008, thậm chí còn tốt hơn cả năm 2007.
Đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ gia tăng nhưng đầu tư vào sản xuất vẫn chiếm vị trí chủ đạo
Nhìn vào đồ thị dưới đây có thể thấy FDI 2009 tập trung vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống với 41% vốn cấp mới và tăng thêm, kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 35% vốn đăng ký. Sự gia tăng vốn đăng ký vào hai lĩnh vực này khiến cho tỷ trọng vốn đăng ký còn hiệu lực trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đến cuối năm 2009 đã tăng lên 23% so với 20% của cuối năm 2008 và lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống lên 8% so với 6% cuối 2008. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực cuối 2008 đã giảm xuống còn 50% cuối năm 2009. Tuy vậy, đến thời điểm này, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất mà đứng đầu là công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn thu hút nhiều vốn nước ngoài hơn lĩnh vực dịch vụ, mặc dù FDI vào lĩnh vực dịch vụ đang gia tăng nhanh chóng.
Năm 2010: thuận lợi và khó khăn đối với việc thu hút ĐTNN vào Việt Nam
Những thuận lợi cơ bản là:
Nền kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ thoát khỏi khủng hoảng, tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn của thế giới sẽ tốt hơn trong năm 2010. Điều tra triển vọng đầu tư thế giới (WIPS) 2009 - 2011 của UNCTAD cho thấy Việt Nam vẫn đang được các TNCs đánh giá như một trong 15 nền kinh tế là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư.
Kết quả điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2009 cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp có cái nhìn lạc quan về môi trường kinh doanh năm 2010 và các năm tiếp theo với niềm tin nền kinh tế sẽ sớm phục hồi.
Tình hình chính trị ổn định, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực trong năm 2009 của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta sẽ tiếp tục củng cố lòng tin và làm gia tăng mối quan tâm của các nhà ĐTNN đối với nước ta trong năm 2010 và thời gian tới.
Môi trường pháp lý và thể chế kinh tế thị trường của nước ta tiếp tục được hoàn thiện hơn và phù hợp với khu vực và thế giới. Các văn bản pháp lý cơ bản hướng dẫn thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đang được tiến hành rà soát và sẽ được sửa đổi như Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Nghị định số 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó các bộ, ngành và địa phương cũng đang tích cực triển khai các giải pháp để tiếp tục thu hút và nâng cao hiệu quả của ĐTNN theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 7-4-2009 của Chính phủ. Những sửa đổi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng như tiếp tục góp phần đáng kể cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam để thu hút ĐTNN.
Hoạt động xúc tiến đầu tư của cả nước được đúc kết, rút kinh nghiệm trong thời gian qua đã trở nên chuyên nghiệp, hiệu quả hơn cộng với sự hỗ trợ về kinh phí của Chính phủ, chất lượng và hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư trong năm 2010 và các năm tới sẽ tiếp tục được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản nêu trên, sang năm 2010 Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến việc thu hút ĐTNN, cụ thể là:
Nền kinh tế thế giới tuy đã có dấu hiệu vượt qua khủng hoảng nhưng sự phục hồi diễn ra chậm, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, vẫn còn có nhiều khó khăn, trở ngại đối với các nhà đầu tư lớn, các TNCs trong việc triển khai các dự án đầu tư ra nước ngoài.
Hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam mặc dù đã được đầu tư nhiều trong một vài năm trở lại đây nhưng vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư và doanh nghiệp đặc biệt là hệ thống cấp điện, nước, đường giao thông, cảng biển, hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp. Các doanh nghiệp đều đánh giá kết cấu hạ tầng yếu kém của Việt Nam là cản trở lớn nhất đối với thu hút đầu tư nói chung và FDI nói riêng.
Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, đặc biệt là công nhân kỹ thuật và kỹ sư ngày càng rõ rệt, không chỉ ở các khu kinh tế mới hình thành mà còn ở cả những trung tâm công nghiệp như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Mặt hạn chế này đã tồn tại từ các giai đoạn trước nhưng trong thời gian gần đây càng trở nên bức xúc hơn trong điều kiện nhiều dự án ĐTNN, đặc biệt là các dự án lớn đi vào triển khai thực hiện.
Công tác giải phóng mặt bằng là mặt hạn chế chậm được khắc phục của môi trường đầu tư của ta. Trên thực tế, công tác quy hoạch sử dụng đất đã được các địa phương quan tâm nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ với quy hoạch ngành, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI nói riêng. Nhiều địa phương đang lâm vào trình trạng khó khăn trong việc bố trí đủ đất cho các dự án quy mô lớn như đã cam kết trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Căn cứ các yếu tố thuận lợi và khó khăn đã phân tích nêu trên và chủ trương của Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% năm 2010, có thể kỳ vọng kết quả thu hút ĐTNN vào Việt Nam trong năm 2010 sẽ tích cực hơn so với năm 2009.
Về thu hút vốn đầu tư vào (bao gồm cả tăng vốn mở rộng sản xuất) dự kiến đạt khoảng 22 - 25 tỉ USD, tăng 10% so với ước thu hút 2009 với trọng tâm là thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh.
Vốn thực hiện năm 2010 dự kiến sẽ tăng hơn năm 2009 do dòng vốn đăng ký của các năm trước đều ở mức cao và trong điều kiện nền kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi. Dự kiến vốn thực hiện năm 2010 đạt khoảng 11 tỉ USD, tăng 10% so với ước thực hiện năm 2009.
Đầu tư nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam năm 2010 và các năm tiếp theo./.
Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc  (01/03/2010)
Cả nước trồng được 14.000 ha rừng tập trung  (01/03/2010)
Hai tháng đầu năm, giải ngân FDI đạt 1,1 tỉ USD  (01/03/2010)
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 3,5%  (01/03/2010)
Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 25%  (01/03/2010)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên