Mối đe dọa khủng bố: Nguy cơ luôn hiện hữu

BTV (tổng hợp)
21:39, ngày 12-09-2016

TCCSĐT - Mười lăm năm trôi qua kể từ vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nước Mỹ “ngày 11-9-2001”, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người, thế giới vẫn đang từng ngày đối mặt với nguy cơ khủng bố chưa thể có lời giải hiệu quả.

Cảnh báo hàng nghìn tay súng IS quay trở về EU

Ngày 11-9, các cơ quan an ninh Đức cho biết hàng nghìn tay súng Hồi giáo sinh ra ở châu Âu có thể đang trên đường trở về nhà sau khi cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq thu được kết quả khả quan.

Theo giới chức Đức, IS đã và đang thất thế ở Trung Đông. 1/3 trong số khoảng 6.000 tay súng người nước ngoài đang chiến đấu trong hàng ngũ của IS có thể sẽ quay trở về quê nhà ngay lập tức. Sự trở về của các phần tử thánh chiến gây ra mối đe dọa về an ninh. Phần lớn trong số này bị cực đoan hóa mạnh mẽ, được huấn luyện quân sự và rất thiện chiến.

Trước đó, hôm 10-9, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Thomas de Maizière cho biết, số lượng đối tượng Hồi giáo nguy hiểm ở nước này đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Theo Bộ trưởng De Maizière, tại Đức hiện có ít nhất 520 đối tượng có thể thực hiện tấn công khủng bố trong nước. Bên cạnh đó, còn có 360 đối tượng liên quan khác có liên quan với những kẻ tấn công tiềm tàng nói trên. Nhiều người Đức lo ngại các đối tượng thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể đã trà trộn vào dòng người di cư lên tới 1 triệu người hồi năm ngoái để vào nước Đức.

Đức đang phải đối mặt với hai nguy cơ thực sự hiện hữu từ các nhóm chiến binh nước ngoài cũng như các đối tượng kiểu “sói đơn độc” cuồng tín. Ông cho rằng, các nhóm này được bí mật đưa vào châu Âu để tiến hành các hành động khủng bố tương tự loạt vụ tấn công gây nhiều thương vong vừa qua ở Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ), trong khi hành động của các đối tượng này càng khó phát hiện hơn nữa. Bộ trưởng Nội vụ Đức cũng cho biết giới chức an ninh nước này đã tiến hành nhiều vụ điều tra và bắt giữ hơn trong năm nay, đồng thời khẳng định Đức đang nỗ lực hết sức để theo dõi chặt chẽ các đối tượng khủng bố tiềm tàng. Đức cũng đã chuẩn bị cho kịch bản triển khai quân đội liên bang trên đường phố, theo đó lực lượng quân đội và cảnh sát sẽ cùng phối hợp ứng phó với các vụ tấn công xảy ra đồng thời tại nhiều bang trên cả nước.

Nước Pháp vẫn đối mặt với nguy cơ bị tấn công

Thủ tướng Pháp Manuel Valls ngày 11-9 cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố mới nhằm vào nước này.

Trả lời phỏng vấn Kênh phát thanh Europe 1 và Kênh truyền hình Itele, ông M. Valls cho biết trong tuần này đã có ít nhất 2 vụ tấn công bị chặn đứng và không loại trừ khả năng sẽ có những vụ tấn công mới. Ông cho biết có khoảng 15.000 đối tượng đang nằm trong diện theo dõi của cảnh sát và các cơ quan tình báo Pháp. Những đối tượng này đang có xu hướng trở nên quá khích và cực đoan hóa.

Tuần trước, thủ đô Paris của Pháp bị đặt trong tình trạng báo động cao khi giới chức nước này tuyên bố đã triệt phá “một ổ khủng bố” âm mưu tấn công một nhà ga xe lửa ở Paris, dưới sự chỉ đạo của IS.

Mới đây, trong cuộc phỏng vấn của tờ “Thời báo Chủ nhật” (JDD), cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy cho rằng, nước Pháp cần thực thi các biện pháp cứng rắn đối với các phần tử cực đoan bằng cách lập các tòa án và các cơ sở giam giữ đặc biệt để tăng cường an ninh. Tuy nhiên, Thủ tướng Valls cho rằng, những đề xuất của cựu Tổng thống N. Sarkozy không phải là phương cách đúng đắn để đối phó với các mối đe dọa khủng bố.

Mối đe dọa mới của nước Mỹ

Kể từ sau các vụ tấn công ngày 11-9-2001, Chính phủ Mỹ đã chi tới 3,6 nghìn tỷ USD cho an ninh nội địa, tuy nhiên hiện tại người Mỹ cảm thấy kém an toàn hơn so với thời điểm trước khi xảy ra thảm kịch khủng bố.

Theo báo cáo do Viện các Vấn đề Công cộng và Quốc tế của Trường đại học Brown ở bang Rhode Island, Mỹ, cho biết trong hai năm qua, khoản chi tiêu với lý do là để bảo đảm an ninh cho nước Mỹ đã tăng mạnh, đặc biệt là tăng thêm tới 300 tỷ USD chỉ trong riêng trong năm 2015. Nếu tính cả dự kiến chi tiêu cho năm 2017, tổng chi phí cho cuộc chiến chống khủng bố sẽ lên tới con số khổng lồ 4,79 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, bất chấp những khoản chi hàng nghìn tỷ USD này, người dân Mỹ vẫn không cảm thấy an toàn hơn một chút nào. Cuộc khảo sát gần đây do Hội đồng các Vấn đề Thế giới của thành phố Chicago phát hiện thấy khoảng 42% người Mỹ cảm thấy kém an toàn hơn so với trước thời điểm 11-9 - mức tăng đáng giật mình so với tỷ lệ 27% của cuộc khảo sát tương tự hồi năm 2014.

Trên thực tế, nước Mỹ đang được bảo vệ tốt hơn trước các kiểu tấn công như vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Tuy nhiên, mối đe dọa mới của Washington lại là những kẻ tấn công dưới hình thức “con sói đơn độc”.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News của Mỹ, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson cho biết, những kẻ tấn công dưới hình thức “con sói đơn độc” thường là những kẻ quá khích. Các tổ chức khủng bố đã có khả năng thâm nhập vào nước Mỹ thông qua Internet, tuyển dụng và truyền bá tư tưởng cực đoan. Cùng quan điểm với ông Johnson, Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) John Brennan cho biết, mối đe dọa khủng bố đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2001, nhất là mối đe dọa từ IS, vốn được cho là đang ở giai đoạn thoái trào.

Cùng ngày, Quốc vụ khanh an ninh Argentina Eugenio Burzaco thừa nhận Buenos Aires đang lo ngại về khả năng có sự hiện diện của các thành viên IS ở nước này bởi đã phát hiện một số công dân Nam Mỹ được tổ chức trên huấn luyện.

Trả lời phỏng vấn tờ “Primera Edición”, ông E. Burzaco cho biết Chính phủ Argentina thực sự lo ngại về các phần tử khủng bố bởi Buenos Aires nhận được thông tin có thành viên IS từng tham chiến tại Syria hay ở phía Bắc Iraq, và đã có người trở về Argentina hay các nước láng giềng như Uruguay. Ông này cũng tiết lộ Argentina đã áp dụng các biện pháp ngăn ngừa khả năng những “phần tử đang ngủ” tham gia vào các vụ khủng bố như đã xảy ra ở châu Âu hay ở Mỹ. Argentina đang phối hợp với chính phủ các nước láng giềng ở vùng ngã ba biên giới, khu vực giáp với Paraguay và Brazil, để trao đổi thông tin liên quan tới các phần tử khủng bố.

Hôm 07-9 vừa qua, tại sân bay quốc tế Argentina, cảnh sát nước này đã bắt giữ một công dân Liban bị truy nã tại Mỹ với cáo buộc có quan hệ với khủng bố. Hồi đầu năm nay, cựu Giám đốc Tình báo (SI) của Argentina Miguel Ángel Toma khẳng định, có 23 công dân nước này từng gia nhập IS. Các công dân này đang tham gia vào các cuộc chiến tại Syria.

Maroc cảnh báo an ninh ở mức cao nhất trong dịp lễ Eid al-Adha

Ngày 10-9, Maroc đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất đối với nguy cơ khủng bố trong dịp lễ Eid al-Adha.

Eid al-Adha hay còn có tên gọi là Lễ Hiến tế, đánh dấu việc kết thúc cao điểm lễ hành hương Hajj, khi những người hành hương rời khỏi đồi Arafat đến thánh địa Mecca tại Saudi Arabia. Eid al-Adha sẽ bắt đầu vào ngày 13-9 tại Maroc.

Nhật báo “Al Ahdath Al Maghribia” của Maroc dẫn nguồn tin an ninh cho biết việc nước này nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất là do các mối đe dọa không ngừng gia tăng từ IS. Bên cạnh đó, số nhóm khủng bố bị triệt phá cũng tăng lên trong những tháng vừa qua cho thấy số lượng phần tử ủng hộ IS tại nước này cũng ngày càng tăng.

Kể từ năm 2002 đến nay, Maroc đã triệt phá 160 mạng lưới khủng bố có liên hệ với các nhóm khủng bố tại các vùng xung đột như Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria và khu vực Sahel. Chỉ riêng trong giai đoạn 2012-2015, Maroc đã đập tan 119 kế hoạch tấn công khủng bố, triệt phá 132 mạng lưới và bắt giữ 2.720 phần tử khủng bố. Tháng 3-2015, Maroc thành lập BCIJ nhằm bảo đảm an ninh cho công dân. Kể từ khi đi vào hoạt động, cơ quan này đã triệt phá 23 mạng lưới có âm mưu xâm phạm lợi ích quốc gia và quốc tế hay quyên góp tài chính, tuyển mộ tay súng cho các nhóm khủng bố, đặc biệt là cho IS đang hoạt động tại Syria và Iraq. Hồi tháng 6 vừa qua, lực lượng an ninh Maroc cũng đã triệt phá 29 nhóm khủng bố lên kế hoạch các cuộc tấn công nhằm vào quốc gia Bắc Phi này trong vòng một năm qua./.