Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
TCCSĐT - Ngày 30-8-2016, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn khoa học với chủ đề “Tạo môi trường thuận lợi để phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Thực hiện Quyết định số 501/QĐ-TTg, ngày 15-4-2005, của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức, nhằm đề xuất, kiến nghị những chủ trương, chính sách với Đảng, Nhà nước trong việc phát triển đội ngũ trí thức, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học với chủ đề “Tạo môi trường thuận lợi để phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Diễn đàn có sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, như Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ,… cùng nhiều nhà khoa học, trí thức hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đến từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trường đại học, viện nghiên cứu,…
Mở đầu diễn đàn, TS. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giới thiệu khái quát về tình hình của đội ngũ trí thức hiện nay: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm gần đây, đội ngũ trí thức Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh về số lượng. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, năm 2013, số lượng đội ngũ trí thức trong cả nước là 6.550.234 người, trong đó có khoảng 24.667 tiến sĩ và 118.653 thạc sĩ. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có khoảng trên 400.000 trí thức Việt kiều, đang làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học danh tiếng trên thế giới. Vai trò của đội ngũ tinh hoa này đối với quốc gia, dân tộc là vô cùng quan trọng. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “Phi trí bất hưng” là đúc kết của ông cha ta về vai trò đặc biệt quan trọng của trí thức đối với xã hội. Phát triển, đổi mới toàn diện đất nước không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội, mà đó còn là trách nhiệm của đội ngũ trí thức.
Nhiều tham luận tại Diễn đàn đã làm rõ vai trò, vị trí và những đóng góp, cống hiến quan trọng của đội ngũ trí thức đối với đất nước. Trong tham luận gửi tới Diễn đàn, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định: “Đặc biệt, trong nền kinh tế tri thức, Nhà nước chỉ thật sự đóng vai trò kiến tạo phát triển khi dung nạp được trí tuệ của trí thức vào các quyết định lãnh đạo, quản lý, nếu không hệ thống quản lý rơi vào trì trệ, xơ cứng, không có khả năng thích ứng với xu thế vận động rất nhanh chóng của thực tiễn”. Vai trò của trí thức đối với xã hội được thể hiện thông qua những khía cạnh như: xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định, phản biện và hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; góp phần tích cực trong việc đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thúc đẩy việc mở rộng, nâng cao dân trí và phát triển giáo dục, đào tạo; duy trì phát triển những truyền thống văn hóa tốt đẹp của đất nước;…
Trí thức có vai trò quan trọng đối với quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, là đội ngũ quyết định sự thành bại của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong quá trình hội nhập quốc tế với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn nhưng cũng phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức không nhỏ. Vì vậy, vai trò của trí thức đối với đất nước trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập cản trở quá trình phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam. Một số tham luận tại Diễn đàn đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập này, như tình trạng phân bổ mất cân đối của đội ngũ trí thức giữa khu vực nhà nước và tư nhân, giữa các địa giới hành chính, khu vực, vùng miền; thiếu trí thức bậc cao, chất lượng trí thức còn thấp; đội ngũ trí thức chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chưa bắt kịp trình độ chung của khu vực, cũng như trên thế giới.
Một số đại biểu tham dự Diễn đàn cho rằng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức là một việc làm cần được tiến hành khẩn trương, cấp bách; cần có một chiến lược khoa học, hợp lý. Sự thành công của chiến lược này tùy thuộc vào chủ trương, đường lối của Đảng, cũng như những chính sách và việc thực thi chính sách của Nhà nước. Trước yêu cầu và nhiệm vụ nêu trên, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Mặc dù có vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng chủ trương này chưa thực sự tạo ra động lực mạnh mẽ trong việc phát triển đội ngũ trí thức hiện nay. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần quan tâm, tiếp tục củng cố, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đội ngũ trí thức, như môi trường kinh tế, môi trường quốc tế, môi trường pháp lý, môi trường dân chủ,…
Trong phần tiếp theo của Diễn đàn, những vấn đề về tiếp thu kinh nghiệm của nước ngoài và phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam cũng được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận.
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở các đại biểu tham dự Diễn đàn đã trình bày những tâm tư, tình cảm về trách nhiệm của đội ngũ trí thức đối với quốc gia, dân tộc. Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra những quan điểm, ý kiến, lập luận về những chủ trương, chính sách cần có của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy và tận dụng hết kinh nghiệm, khả năng, tri thức của lớp người tinh hoa này trong xã hội./.
Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị các nghề truyền thống  (30/08/2016)
Chia sẻ kinh nghiệm giúp các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long chống chịu với biến đổi khí hậu  (30/08/2016)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 22 đến ngày 28-8-2016)  (30/08/2016)
Quy hoạch nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương  (30/08/2016)
Quy hoạch nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương  (30/08/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm