Quy hoạch nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương
TCCSĐT - Văn kiện Đại hội XII của Đảng coi trọng việc thực hiện công tác quy hoạch nguồn lực đối với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và trên cả nước. Bởi lẽ, sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội nói riêng.
Yêu cầu đối với công tác quy hoạch nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương
Thực tế cho thấy, công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy hoạch các nguồn lực đã được coi trọng, nhưng chất lượng còn thấp, chưa thể hiện rõ hiệu quả khai thác các nguồn lực của cả nước và của mỗi địa phương. Thực trạng này vẫn còn tồn tại trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất đai ở một số địa phương.
Thời gian qua, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm, đồng bộ công tác lập quy hoạch sử dụng đất, thực hiện, kiểm tra xử lý vi phạm; các chính sách liên quan đến nông nghiệp, thu hồi đất và đền bù giải phóng mặt bằng tuy được sửa đổi, bổ sung nhưng còn chậm và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng quyền lợi chính đáng của người dân. Thậm chí, có nơi, chính quyền địa phương nắm không chắc quy định trong chính sách, pháp luật đất đai nên hiểu sai, vận dụng tùy tiện, tự ý đặt thêm những quy định không phù hợp, trái với chính sách, pháp luật, gây thiệt thòi cho người dân. Một số cơ quan, doanh nghiệp móc ngoặc với cán bộ tiêu cực để được giao đất, sau đó tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng để kiếm lời hoặc lợi dụng chủ trương công nghiệp hóa làm dự án, ép dân giao đất để thuê đất dài hạn. Không chỉ có vậy, công tác đào tạo nghề, chuyển đổi và bố trí việc làm cho người dân bị thu hồi đất chưa được chú trọng, làm gia tăng tỷ lệ người thất nghiệp. Việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa được chú trọng, do vậy, người dân chưa nắm được quy định của pháp luật và lợi ích lâu dài của các dự án đầu tư.
Vẫn còn tình trạng quy hoạch “treo”, nhân dân tại nhiều khu vực quy hoạch rất bức xúc về tình trạng đã quy hoạch nhưng trong thời gian dài không triển khai thực hiện, trong khi người sử dụng đất thuộc khu quy hoạch không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình, thậm chí còn bị chính quyền ở một số nơi không cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất,… Việc phân bổ sử dụng đất, phân khu chức năng trong các đô thị mới còn nhiều bất cập, nhiều nơi mật độ xây dựng quá dày, không chú ý dành quỹ đất cho phát triển các công trình công cộng và bảo vệ môi trường.
Vẫn còn tình trạng sử dụng nhiều đất chuyên trồng lúa, đất có khả năng thâm canh nông nghiệp cao, đất đang có khu dân cư tại những vị trí có hạ tầng kỹ thuật tốt để xây dựng các khu công nghiệp. Trong lúc, nông dân tại một số địa phương đang thiếu đất hoặc không có đất để sản xuất thì một diện tích không nhỏ đất nông nghiệp bị thu hồi.
Khu công nghiệp được quy hoạch phát triển với mục tiêu tập trung thu hút vốn đầu tư tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, nhưng chất lượng quy hoạch khu công nghiệp còn thấp, tổ chức thực hiện quy hoạch chưa triệt để. Việc xây dựng quy hoạch phát triển khu công nghiệp trong thời gian qua chưa thực sự gắn với quy hoạch ngành,… Chính vì vậy, cho đến nay vẫn chưa hình thành khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp chuyên ngành. Việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp bị lãng phí, thậm chí không sử dụng trong nhiều năm liền. Tỷ lệ lấp đầy tại một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới đạt mức thấp.
Một số định hướng tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội
Từ những hạn chế nêu trên, việc tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương có thể được thực hiện theo các hướng sau:
Một là, quy hoạch của các địa phương phù hợp với các quy hoạch tổng thể ngành, vùng, sản phẩm của Trung ương, thể hiện tầm nhìn chiến lược tổng thể.
Quy hoạch phải bảo đảm cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện công tác kế hoạch hóa và thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quy hoạch phải được luận chứng đầy đủ, vừa có tính mềm dẻo, linh hoạt, vừa có tính bắt buộc, có tầm nhìn dài hạn, được công khai hóa. Đổi mới phương pháp xây dựng quy hoạch nguồn lực theo hướng phát huy được lợi thế của địa phương, là định hướng huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác mọi tiềm năng đẩy nhanh tốc độ phát triển của khu vực công nghiệp và dịch vụ. Trong quy hoạch nguồn lực, đặc biệt chú trọng đến quy hoạch sử dụng đất đai.
Quy hoạch nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt, hay quy hoạch phát triển một số sản phẩm quan trọng phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông; quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; quy hoạch phát triển hệ thống các khu công nghiệp và đô thị gắn với các khu công nghiệp; quy hoạch hệ thống các trung tâm đào tạo chất lượng cao, các trung tâm dạy nghề; các trung tâm y tế chuyên sâu, các khu công nghiệp chuyên nghiên cứu cải tiến công nghệ cho các xí nghiệp công nghiệp hiện có; quy hoạch phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch lịch sử văn hóa và du lịch sinh thái.
Hai là, công tác quy hoạch nguồn lực phải phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Cần dành nguồn lực cho phát triển các sản phẩm chủ lực hướng vào nhu cầu của thị trường với khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế. Xây dựng quy hoạch nguồn lực cần có sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế; tránh tình trạng thông qua quy hoạch để thực hiện độc quyền. Mở cửa cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong các quy hoạch ngành, sản phẩm là cách tháo gỡ tốt cho nền kinh tế có thêm cơ hội để phát triển.
Để nâng cao chất lượng, căn cứ khoa học của quy hoạch nguồn lực, đối với những dự án quan trọng phải được tổ chức nghiên cứu chu đáo và có kế hoạch. Quy hoạch phải được triển khai đầy đủ từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch cụ thể và phải được tiến hành lập cũng như điều chỉnh kịp thời. Quy hoạch ngành, lĩnh vực xây dựng theo hướng mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế, vì thế, chỉ nên mang tính định hướng cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế xây dựng phương án kinh doanh, chứ không hạn chế hay loại trừ đầu tư của các thành phần kinh tế. Tất cả các khâu của công tác quy hoạch từ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, công bố quy hoạch, thực hiện quy hoạch đều phải kiểm tra, giám sát theo các quy định của pháp luật hiện hành. Các cơ quan nhà nước trong phạm vi, nhiệm vụ của mình có chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra về công tác quy hoạch. Muốn vậy phải thực hiện công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch và tăng cường công tác kiểm tra, thu hút rộng rãi ý kiến đóng góp, tranh thủ sự giám sát thực hiện của cộng đồng.
Ba là, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chủ động xây dựng mới hoặc mở rộng các khu, cụm công nghiệp trong trường hợp đã lấp đầy trên 60% diện tích đất công nghiệp hiện có. Tổ chức thực hiện công bố công khai quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020 sau khi đã được phê duyệt cùng với lộ trình dự kiến thực hiện theo thời gian để nhân dân nắm được và sớm có kế hoạch giao đất, chuyển đổi nghề nghiệp, tránh những phức tạp không đáng có trong thu hồi đất.
Các khu công nghiệp mới phải được hình thành trên những địa bàn có điều kiện thuận lợi hoặc có khả năng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất phải được triển khai đồng bộ và kết hợp chặt chẽ với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội phục vụ công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, phải có quỹ đất dự trữ để phát triển và có điều kiện liên kết thành cụm các khu công nghiệp, có khả năng thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Về nguyên tắc, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ phải gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn để áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp. Định hướng phát triển cho các đô thị lớn là xây dựng các khu công nghiệp với quy mô lớn, hạ tầng hoàn chỉnh để thu hút được các dự án đầu tư lớn có trình độ công nghệ hiện đại. Mục tiêu phát triển các khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới là nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp tập trung đã được thành lập và đang tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng; tiếp tục kêu gọi vốn từ các nguồn khác nhau với những hình thức đa dạng để xây dựng hạ tầng trong các khu công nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã được thành lập; xem xét thành lập mới và mở rộng một cách có chọn lọc các khu công nghiệp tập trung tạo đà phát triển theo hướng gia tăng hàm lượng kỹ thuật - công nghệ trong sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh khu vực và quốc tế, chuyển dần từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, lựa chọn những ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa kết cấu hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp để bảo đảm cho các hoạt động kinh tế phát triển lâu dài. Kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cần phải được phát triển đồng bộ với kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp. Nguồn vốn dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào phải dựa chủ yếu vào vốn ngân sách và các nguồn vốn ODA.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất theo hướng tiết kiệm, hiệu quả.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, trước yêu cầu về công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, việc khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai ngày càng có vai trò quan trọng. Để thực hiện có hiệu quả việc huy động nguồn lực đất đai cho yêu cầu phát triển bền vững của mỗi địa phương, công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 phải được tăng cường chỉ đạo chặt chẽ trên phạm vi toàn tỉnh và từng cấp địa phương. Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 - 2020 phải quán triệt quan điểm tiết kiệm và hiệu quả; mặc dù cần chuyển đổi mục đích sử dụng của một số diện tích đất nông nghiệp sang phục vụ cho xây dựng các khu, cụm công nghiệp, nhưng cần có chính sách hạn chế việc sử dụng diện tích đất trồng lúa nước đã hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cho việc xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị; dành quỹ đất phù hợp cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, công trình văn hóa, thể thao; khuyến khích và hỗ trợ việc đưa diện tích đất trống, đất ngập nước, đất hoang hóa vào sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy hoạch sử dụng đất, gắn với công tác giáo dục pháp luật về đất đai; tiếp tục đổi mới chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư để bảo đảm tiến độ thu hồi đất phục vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế; có chính sách bảo vệ lợi ích chính đáng, ổn định đời sống, việc làm của người bị thu hồi đất.
Năm là, quy hoạch nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương thể hiện mục tiêu phát triển của vùng, miền và của cả nước, bao gồm các khâu:
- Phân tích đánh giá các yếu tố và điều kiện phát triển, xác định những lợi thế so sánh của mỗi địa phương. Như: phân tích giá trị của vị trí địa lý và mối quan hệ với các địa phương khác, đặc biệt là các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; xác định ảnh hưởng của chiến lược phát triển của cả nước, kể cả của vùng, miền, đối với địa phương; phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và khả năng sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 với tầm nhìn đến năm 2030; phân tích, dự báo phát triển dân số và phân bố dân cư gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các giá trị văn hóa, đặc biệt xu hướng vận động của những giá trị văn hóa truyền thống; phân tích, đánh giá hệ thống kết cấu hạ tầng, hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và điểm xuất phát của nền kinh tế;...
- Luận chứng mục tiêu, phương hướng phát triển về kinh tế, xã hội, môi trường và phương hướng phát triển chủ yếu các ngành, lĩnh vực (nhất là các ngành, lĩnh vực chủ lực) và phát triển theo lãnh thổ.
- Đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách triển khai thực hiện quy hoạch, như: luận chứng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lựa chọn cơ cấu đầu tư; luận chứng phương hướng phát triển các ngành - sản phẩm, lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực; phương hướng và chính sách phát triển khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; phương hướng và chính sách bảo vệ môi trường; giải pháp huy động vốn, mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế để thực hiện quy hoạch;....
- Tổ chức không gian kinh tế - xã hội theo lãnh thổ: luận chứng không gian phát triển hệ thống đô thị, khu công nghiệp và mạng lưới điểm dân cư; luận chứng không gian phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; luận chứng quy hoạch sử dụng đất.
- Chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn quy hoạch (giai đoạn 2016 - 2020) và tầm nhìn đến năm 2030./.
Tổng Bí thư tiếp Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng đất nước  (29/08/2016)
Hội nghị chuyên đề về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy trong Đảng bộ Cục Hàng không Việt Nam”  (29/08/2016)
Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất  (29/08/2016)
Chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ về kinh tế, xã hội  (29/08/2016)
Hợp tác xã phát triển chưa tương thích với tiềm năng do tư duy kiểu cũ  (29/08/2016)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm