Chia sẻ kinh nghiệm giúp các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long chống chịu với biến đổi khí hậu
TCCSĐT - Ngày 30-8-2016, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp với Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Tham dự hội thảo có hơn 80 đại biểu đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Văn phòng ISET tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ; đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo TS. Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, vùng đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ xác định là một trong sáu vùng đô thị hóa cơ bản của cả nước. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều thay đổi, diện mạo, kiến trúc, cảnh quan của các đô thị đã và đang thay đổi theo hướng hiện đại gắn với bản sắc của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và các đô thị trong vùng nói riêng đang đối diện với nhiều thách thức, bất cập trong quá trình phát triển.
Những thách thức, bất cập đang nổi lên là: Mạng lưới đô thị của vùng đã hình thành nhưng mối liên kết giữa các đô thị chưa chặt chẽ, chưa đồng đều; chất lượng từng đô thị chưa đáp ứng mục tiêu quy hoạch đã đề ra và nhu cầu phát triển thực tế; nhiều dự án công trình hạ tầng đầu mối khung của vùng chưa được đầu tư đồng bộ; ở hầu hết các đô thị, các dự án hạ tầng kỹ thuật như cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải còn thiếu, yếu kém, chưa đồng bộ; tình trạng ngập úng đô thị ngày càng tăng; các đô thị lớn, các trung tâm công nghiệp, nông nghiệp của vùng nằm ở những khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; đội ngũ cán bộ quản lý đô thị nhìn chung còn thiếu và yếu;...
Ngoài ra, theo PGS,TS. Nguyễn Hiếu Trung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, nhiều giải pháp phát triển kinh tế, đô thị thời gian qua cũng đang tạo ra tác dụng ngược, làm giảm khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở cấp vùng, tình trạng ngăn lũ từ thượng nguồn bằng nhiều bờ bao, đê sông, cống đập,… đã thu hẹp dòng chảy, giảm vùng trữ nước, từ đó làm gia tăng dòng chảy trên các sông, gây ra hiện tượng xói lở bờ sông ở nhiều nơi. Ở nhiều đô thị, tình trạng bê tông hóa gia tăng nhanh đã làm giảm khả năng thấm nước, tăng hiện tượng nước chảy tràn, ngập cục bộ khi có triều cường, mưa lớn. PGS,TS. Nguyễn Hiếu Trung chỉ ra 2 viễn cảnh xấu đang cận kề trong mùa khô ở các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long: Một là, suy giảm nguồn nước mặt từ thượng nguồn, xâm nhập mặn ngày càng sâu, làm suy kiệt nguồn cung cấp nước ngọt trong khi dân số đô thị và nhu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ không ngừng gia tăng. Hai là, nhu cầu và chi phí cấp nước ngọt tăng kéo theo tình trạng khai thác nước ngầm cao hơn, làm cho mức độ sụt lún đồng bằng sông Cửu Long ngày càng lớn và tình trạng ngập lụt ở nhiều đô thị cũng ngày càng trầm trọng.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại đô thị thông qua Chương trình Mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (ACCCRN) tại Việt Nam, TS. Trần Văn Giải Phóng, chuyên gia ISET tại Việt Nam, cho rằng song song với các hoạt động xây dựng chiến lược, kế hoạch ứng phó, chống chịu của các cơ quan nhà nước phù hợp với từng địa phương, tăng cường hoạt động truyền thông về biến đổi khí hậu,… điều cốt yếu là phải có sự tham gia, tương tác để thực hiện các chiến lược, kế hoạch ứng phó, chống chịu của các nhóm cộng đồng đa dạng. Một tổ chức đơn lẻ không thể xây dựng được khả năng chống chịu hữu hiệu với biến đổi khí hậu mà cần huy động được sự tham gia của các đối tác từ nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương.
Hội thảo đã đề ra một số giải pháp, khuyến nghị nhằm tăng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu ở các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới:
- Các cơ quan chức năng cần xác định rõ các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các kịch bản thay đổi điều kiện thủy văn, các kịch bản phát triển ở thượng nguồn sông Mê Kông để từ đó xác định các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu dài hạn và khả thi cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Cần có cách tiếp cận mới trong quy hoạch phát triển các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long theo mô hình mạng lưới đô thị nước. Theo đó, không gian toàn vùng có thể phân thành các vùng thành phần như: Vùng phát triển đô thị nước; Vùng phát triển công nghiệp; Vùng sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; Vùng nông nghiệp và bảo tồn thiên nhiên. Chú trọng tạo vùng trữ nước lũ dọc các sông, kênh chính và các vùng bảo tồn (không sản xuất 3 vụ lúa, không bố trí dân cư, tận dụng làm khu sinh thái, nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch…).
- Quy hoạch đô thị cần chủ động “dành chỗ cho nước” và kết hợp chặt chẽ với quy hoạch thủy lợi, tưới tiêu của toàn vùng. Theo đó, phải xác định rõ những vùng chứa nước, thoát nước cho các mùa mưa lũ, triều cường và chủ động trong việc điều tiết, kiểm soát nước. Chú trọng phát triển các đô thị xanh để tăng lượng trữ nước mưa trong hệ thống cây xanh, tạo điều kiện cho nước thấm xuống đất.
- Bảo đảm sự cân bằng địa - kinh tế - sinh thái trong cấu trúc đô thị vùng. Chính phủ và các địa phương cần có tư duy chiến lược trong xây dựng quy hoạch phát triển vùng, phát triển đô thị mang tính tổng thể, có tầm nhìn gắn với sự liên kết vùng, với tác động trong hành lang tiểu vùng sông Mê Kông và các khu vực phụ cận.
- Người dân và các tổ chức, doanh nghiệp phải được cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về biến đổi khí hậu để chủ động đánh giá rủi ro, chuẩn bị cách ứng phó và có khả năng ứng dụng các kiến thức mới, các tiến bộ khoa học - công nghệ để nâng cao khả năng chống chịu./.
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 22 đến ngày 28-8-2016)  (30/08/2016)
Quy hoạch nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương  (30/08/2016)
Quy hoạch nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương  (30/08/2016)
Tổng Bí thư tiếp Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng đất nước  (29/08/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm