Trong hai ngày 20 và 21-02-2016, Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Phi 2016 (Africa 2016) tổ chức tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập) đã kết thúc với nhiều thỏa thuận thương mại được đàm phán nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Sự kiện thu hút sự tham gia của khoảng 1.500 đại biểu, trong đó có Tổng thống các nước Sudan, Nigeria, Togo, Gabon, Equatorial Guinea và Thủ tướng Ethiopia, cùng các quan chức hàng đầu khu vực về thương mại, đầu tư và đại diện các doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã kêu gọi các nước châu Phi thúc đẩy các cơ chế hành động chung của khu vực, hướng tới một mô hình hội nhập, trong đó đặc biệt cần thiết đẩy mạnh các dự án lớn trong khu vực trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó có hệ thống kết cấu hạ tầng. Tổng thống El-Sisi nhấn mạnh: “Để đem lại sự phát triển cho châu Phi, chúng ta phải thúc đẩy các cơ chế hành động chung nội vùng và theo đuổi một mô hình hội nhập khu vực. Chúng ta cũng cần tăng cường khả năng cạnh tranh của các thị trường khu vực để nâng cao khả năng thu hút đầu tư và thâm nhập vào các thị trường quốc tế, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức”.

Nhà lãnh đạo Ai Cập cho biết, Cairo đang hướng tới mục tiêu tăng gấp đối trao đổi thương mại với các nước châu Phi so với mức 5 tỷ USD hiện nay, đồng thời nhấn mạnh rằng dự án mở rộng kênh đào Suez được hoàn thành mới đây của Ai Cập đánh dấu “bước đầu tiên” trong dự án khổng lồ nhằm thúc đẩy giao thương giữa châu Phi và các thị trường quốc tế. Ông cũng nêu bật sự cần thiết phải phát triển lĩnh vực tiềm năng con người của khu vực, trong đó chú trọng tới giới trẻ vì tương lai của khu vực phụ thuộc vào thế hệ thanh niên hiện nay.

Cũng tại Diễn đàn, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina cho rằng, để châu Phi phát triển bền vững, các rào cản tại thị trường nội khu vực cần phải được dỡ bỏ. Ông A. Adesina hối thúc các nhà lãnh đạo châu Phi cùng hợp tác để xóa bỏ tất cả các hàng rào thương mại, kinh doanh, cũng như mở ra một thị trường chung thống nhất với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng cho tất cả các quốc gia châu Phi.

Về phần mình, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir nhận định khó khăn và thách thức lớn của châu Phi hiện nay là hệ thống hạ tầng liên kết nội khối nghèo nàn và thực trạng kém phát triển của lĩnh vực nguyên liệu thô. Cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 và sự sa sút hiện nay của giá dầu đã ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế của châu lục. Ông nêu rõ: “Để thúc đẩy tăng trưởng, phải hiện đại hóa lĩnh vực nguyên liệu thô và khuyến khích giao thương nội bộ châu Phi. Châu lục hiện có một thị trường khổng lồ và nếu chúng ta biết tận dụng tốt nhất các lợi thế, thị trường nội khối sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho các nước trong khu vực”

Mặc dù không đưa ra con số chính thức về tổng số thỏa thuận đầu tư đã đạt được, đại diện ban tổ chức Africa 2016 cho biết một số bản ghi nhớ được ký kết trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, y tế và công nghệ thông tin.

Khép lại diễn đàn, Bộ trưởng Đầu tư Ai Cập Ashraf Salman khẳng định, sự cần thiết của các dự án “siêu khủng” tại châu Phi nhằm thu hút thêm vốn đầu tư. Ông A. Salman cho biết, Cairo đã đầu tư 8 tỷ USD vào “lục địa Đen”.

Giới chuyên gia phân tích cho biết, mặc dù kinh tế châu Phi dự kiến tăng trưởng 4,4% trong năm 2016 và 5% trong năm 2017 (so với mức tăng trưởng 3% ước đạt tại các nước đã phát triển), châu Phi chỉ chiếm khoảng 2% tổng giá trị thương mại toàn cầu./.