TCCSĐT - Dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ một trong những định hướng lớn là phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Các tham luận cũng như những ý kiến của các đại biểu bên lề Đại hội đều cho rằng, cùng với xây dựng nông thôn mới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp và đầu tư khoa học công nghệ vào lĩnh vực này nhằm nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất và đời sống của người dân nông thôn.

Trong tham luận tại Đại hội, sau khi nêu những đóng góp của ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận định trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn, thách thức, nước ta đã cơ bản đạt được mục tiêu duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.

 
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời phỏng vấn bên lề Đại hội.

Để thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Cao Đức Phát kiến nghị tập trung phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo 3 trụ cột là: Thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao và hiệu quả; xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững.

Bộ trưởng đề xuất đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp nông - lâm nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới không chỉ làm tốt các dịch vụ đầu vào cho xã viên mà chủ yếu tập trung tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đồng nhất về chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và kết nối thị trường. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học, công nghệ sinh học, công nghệ viễn thông, viễn thám; khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả của ngành. Chú trọng khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân.

Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cấp cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã (giao thông, điện, nước sạch, trường học các cấp, trạm y tế xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn), nhất là đối với các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn. Phát huy cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý ngành từ Trung ương đến địa phương, phát huy cao sự tham gia của các tổ chức đoàn thể trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tham luận tại Đại hội với chủ đề: "Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh trong khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nêu rõ: Sau 30 năm thực hiện đổi mới và hội nhập thế giới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận. Vị thế, vai trò của người nông dân, giai cấp nông dân được nâng cao, mở rộng và tham gia ngày một nhiều vào công việc của Đảng, Nhà nước, địa phương và cộng đồng.

Đồng chí Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh đầu tư cho “Tam nông” phải duy trì đúng theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực nên tập trung vào các vấn đề then chốt mà người nông dân sản xuất nhỏ đang mong đợi, gồm công nghiệp và phương tiện lưu giữ, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; xây dựng thương hiệu, thông tin thị trường; hạ tầng cơ sở vật chất cho vùng, miền theo quy hoạch sản xuất; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến và liên kết sản xuất, tiêu thụ. Trong tái cơ cấu nông nghiệp, chú trọng rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành, hàng sản xuất theo thế mạnh của vùng miền, địa phương, đặc điểm đất, sinh thái cây trồng vật nuôi gắn với phát triển công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ cho phù hợp.

 
 Đường phố Hà Nội trong những ngày diễn ra Đại hội. Ảnh: Nam Giang

Bên cạnh đó, cần tập trung giải quyết khó khăn, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng tăng cường liên kết, nâng quy mô, phát triển kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm, ngành hàng theo thế mạnh vùng, miền; mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, có lộ trình thích hợp để nông dân tham gia và được hưởng lương hưu; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề, đưa thông tin về cơ sở tới từng địa bàn dân cư; tổng kết lý luận gắn thực tiễn, đề ra các tiêu chí cụ thể xây dựng mẫu hình "người nông dân mới" trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa với các tiêu chí "nhận thức mới, kiến thức mới, ý thức mới, văn hóa mới, quyết tâm mới để có đời sống cao hơn; xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Chia sẻ về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cho rằng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nếu chỉ nhấn mạnh đến vấn đề điện, đường, trường, trạm... thì chưa đủ, mà cần phải bảo đảm vấn đề nâng cao thu nhập cho người nông dân. Chính vì vậy, dự thảo các Văn kiện của Đại hội Đảng lần này đặt ra vấn đề phát triển kinh tế nông thôn gắn liền với xây dựng nông thôn mới, tạo ra một cơ chế mới để làm sao nông nghiệp có một giá trị gia tăng cao. Lúc đó, người dân có thể tiếp cận được với các ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo đảm cuộc sống ngày càng được nâng lên. Theo đại biểu, đó là yếu tố cốt lõi để xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ mới.

Còn theo đánh giá của đại biểu Cao Văn Hóa (Ninh Thuận), 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã giúp huy động sức mạnh của toàn dân. Người dân là chủ thể để xây dựng bộ mặt nông thôn tươi đẹp hơn. Về tái cơ cấu nông nghiệp, đại biểu thấy rằng phải tập trung phát triển những thế mạnh nông nghiệp của từng vùng, hình thành vùng chuyên canh, gắn với phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ chế biến nhằm tạo ra chuỗi giá trị cạnh tranh được với thị trường thế giới. Đó là mục tiêu chúng ta cần đạt được - đại biểu nhận định, có như vậy mới tăng mức sống, thu nhập của người nông dân. Đại biểu cho biết Ninh Thuận cũng triển khai theo hướng những vùng khô hạn thì chuyển sang trồng những cây chịu hạn tốt, đồng thời phát triển đàn gia súc, gia cầm gắn với phát triển đồng cỏ, nâng cao chuỗi giá trị nông sản.

Đại biểu Đỗ Đình Việt (Vĩnh Phúc) cho rằng, trong thời gian tới, để thực hiện đột phá về nông nghiệp, quan trong nhất là phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, đưa khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp theo mô hình công nghệ cao và quy mô lớn để sản xuất ra khối lượng hàng hóa có thể đáp ứng được nhu cầu; đồng thời khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng, để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trong tái cơ cấu nền nông nghiệp, đại biểu Đỗ Đình Việt quan tâm vấn đề làm sao đưa được khoa học công nghệ cao có chất lượng vào sản xuất và kết nối được giữa nhà sản xuất với các doanh nghiệp và nhà khoa học. Đại biểu đánh giá đây là mấu chốt của vấn đề để tái cơ cấu nền nông nghiệp. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt việc tích tụ ruộng đất, để làm nền tảng cho việc tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Dừa (Cao Bằng) cho rằng, người nông dân cần quan tâm năng lực, trình độ và đưa khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Khó khăn lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam là do điều kiện sản xuất, năng lực sản xuất còn ở điều kiện thấp, nền sản xuất nông nghiệp, số lượng, chất lượng chưa đạt được tiêu chuẩn; chưa có sự liên kết thực sự giữa 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân), do đó khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thấp. Đứng trước khó khăn của của ngành nông nghiệp, đại biểu đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đầu tư cho hạ tầng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ; nghiên cứu tìm đầu ra cho các thị trường nông sản; tổ chức liên kết các vùng, đặc biệt là vùng Đông Bắc, Tây Bắc để tạo ra các sản phẩm có thế mạnh để đưa ra thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng bền vững./.