Nền kinh tế Nga trước “sóng gió” của giá dầu thế giới

Tuấn Phương (tổng hợp)
11:27, ngày 24-01-2016

TCCSĐT - Với nhiều khó khăn trong năm 2015, nền kinh tế Nga ngay từ tháng đầu năm 2016 lại chứng kiến sự mất giá liên tiếp của đồng ruble trước biến động của giá dầu thế giới, khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế trở nên khó khăn.

 

Bảng niêm yết tỷ giá đồng ruble tại Moscow ngày 30-12-2015. Ảnh: TTXVN

Năm 2015: Nền kinh tế Nga còn nhiều khó khăn

Đối mặt với bức tranh kinh tế được dự báo ngay từ đầu năm 2015 không mấy sáng sủa, Tổng thống Nga V. Putin đã kêu gọi cải thiện cơ cấu kinh tế, nâng cao công tác quản lý và thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, tháng 01-2015, Thủ tướng Nga D. Medvedev đã ký “gói chống khủng hoảng” có hiệu lực 1 năm trị giá 2,3 nghìn tỷ ruble (30 tỷ USD) để bình ổn nền kinh tế trong nước.

Ngoài ra, bên cạnh việc đa dạng hóa cơ cấu nền kinh tế, từng bước thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, năm 2015, Chính phủ Nga tiếp tục đẩy mạnh “chính sách hướng Đông”, tích cực hợp tác với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi hiện chiếm tới 1/4 tỷ trọng kinh tế thế giới, triển khai và mở rộng các dự án hợp tác kinh tế giữa các nước Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và ASEAN, cũng như đề xuất thiết lập đối tác kinh tế thương mại giữa ba tổ chức này...

Tuy nhiên, vào giữa năm 2015, các chỉ số tăng trưởng kinh tế Nga thể hiện sự suy giảm mạnh. Tháng 8-2015, Cơ quan thống kê nhà nước Nga (Rosstat) công bố số liệu thống kê chính thức cho thấy tình trạng suy giảm kinh tế Nga đã trở nên tồi tệ trong quý II-2015 khi GDP giảm tới 4,6% so với cùng kỳ năm 2014, do chịu tác động từ tình trạng giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Số liệu thống kê từ Rosstat đã ghi nhận tốc độ sụt giảm tăng trưởng kinh tế Nga rất nhanh so với mức giảm 2,2% GDP trong quý đầu tiên của năm 2015, và mức giảm này còn tồi tệ hơn so với dự đoán trước đó của chính phủ là chỉ ở mức 4,4%. Theo Tạp chí Bloomberg, đây được xem là mức suy giảm GDP mạnh nhất của Nga kể từ năm 2009. Nhiều quan chức Nga cũng đưa ra nhận định khủng hoảng kinh tế trong nước đã rơi xuống “điểm thấp nhất”.

Như vậy, năm 2015 ghi nhận một năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế Nga khi nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc giá dầu thế giới - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga - giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên qua và các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với nước này gần hai năm qua. Những áp lực ở trong và ngoài nước khiến bức tranh kinh tế của Nga năm 2015 trở nên u ám. Do năng lượng lâu nay vẫn được coi là “trái tim” của nền kinh tế Nga nên khi giá dầu toàn cầu tuột dốc, từ 100USD/thùng hồi đầu năm 2014 xuống còn khoảng 35USD/thùng thời điểm cuối năm 2015, nền kinh tế Nga vốn quá phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu dầu đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Hệ quả tác động từ giá dầu giảm mạnh đã khiến GDP của Nga được cho là giảm 5% trong năm, doanh thu của chính phủ giảm 3 nghìn tỷ ruble (tương đương 42,8 tỷ USD). Không chỉ có vậy, đồng nội tệ của Nga mất giá tới 72,2% so với đồng USD tính từ tháng 3-2014 đến tháng 12-2015. Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow càng khiến cho tình hình thêm trầm trọng. Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế, Nga bị thiệt hại khoảng 25 tỷ euro trong năm 2015 do các biện pháp trừng phạt của EU.

Tại Diễn đàn quốc tế Gaidar thường niên lần thứ 7 với chủ đề “Nga và thế giới: Hướng tới tương lai” tổ chức ngày 13-01-2016, bên cạnh đánh giá cho rằng, biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đã làm xói mòn uy tín của các định chế quốc tế, kể cả Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), và các điều kiện kinh tế hiện bị chính sách và chiến lược địa - chính trị thao túng, Thủ tướng Nga D. Medvedev đã thẳng thắn thừa nhận những thách thức đối với kinh tế Nga hiện nay là nghiêm trọng nhất trong một thập niên qua. Và điều quan trọng nhất là thu nhập của người dân bị sụt giảm. Nhiều người đã trở nên nghèo hơn, tầng lớp trung lưu chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Đó chính là hậu quả tệ hại nhất của cú sốc kinh tế trong năm 2015. Tuy nhiên, theo Thủ tướng D. Medvedev, nền kinh tế Nga có thể kiểm soát được. Nga đã có thể giảm thiểu tác động từ các cú sốc bên ngoài ở mức độ nào đó, trong đó phần nào nhờ kế hoạch chống khủng hoảng. Kinh tế Nga đã cho thấy sự vững chắc trong cơ chế thị trường, ngay cả khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt.

“Trấn an” nền kinh tế

Sau năm 2015 đầy biến động, nước Nga bước vào năm 2016 bằng những tin xấu dồn dập về giá dầu thô và đồng ruble bị suy yếu. Giá dầu mỏ thế giới đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua (xấp xỉ 28USD/thùng) trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với Iran, quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, được dỡ bỏ, cộng thêm những quan ngại về sự tăng trưởng chậm của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đã tác động mạnh vào nền kinh tế Nga.

Khó khăn chồng chất khi Nga chứng kiến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán quốc gia và đồng nội tệ. Ngay giữa tháng 01-2016, thị trường chứng khoán Moscow có lúc đã giảm tới hơn 6%, kéo theo “những rủi ro nghiêm trọng” đối với ngân sách nước này do nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga đang chịu tác động mạnh từ việc giá dầu mỏ lao dốc. Không chỉ có vậy, ngày 20-01, đồng nội tệ của Nga lại tiếp tục mất giá khi tiến gần về mức thấp nhất trong lịch sử cách đây hơn một năm với 79,56 ruble/USD. Trước đó, tháng 12-2014, đồng nội tệ của Nga chạm mốc 80 ruble/USD. Trong khi đó, tỷ giá đồng euro so với đồng ruble cũng rơi xuống mức 87,67 ruble/euro, vượt qua mức 87 ruble/euro lần đầu tiên từ ngày 16-12-2014. Hồi tháng 12-2014, đồng ruble của Nga có lúc rơi xuống mức thấp chưa từng thấy với hơn 80 ruble/USD và 100 ruble/euro.

Tuy nhiên, trước những tín hiệu không mấy tích cực từ tác động của giá dầu thế giới cùng sự mất giá của đồng ruble từ suốt năm 2015 và được dự báo sẽ tiếp tục sang năm 2016, Tổng thống Nga V. Putin vẫn tỏ ra tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Nga. Trong Thông điệp Liên bang hồi đầu tháng 01-2016, Tổng thống V. Putin đã nêu ra một số “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế Nga: Nhìn chung, kinh tế Nga đã vượt đáy khủng hoảng khi hoạt động sản xuất công nghiệp và tỷ giá hối đoái của đồng ruble đã ổn định, lạm phát đã giảm, xuất khẩu vẫn vượt nhập khẩu 126,3 tỷ USD cho dù kim ngạch chung giảm, đặc biệt tình trạng thất thoát vốn đã bị hạn chế đáng kể so với năm 2014. Tổng thống V. Putin cũng bày tỏ sự tin tưởng vào nền kinh tế khi dẫn chứng sự ổn định dần dần của thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp, đồng thời cho biết các nhà đầu tư dường như đã sẵn sàng quay trở lại nước Nga. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố “xứ sở Bạch dương” đã chuẩn bị và sẵn sàng đối mặt với bất kỳ kịch bản kinh tế nào, bởi đây không phải năm đầu tiên nước Nga phải đương đầu với khủng hoảng.

Để đưa ra các định hướng, Tổng thống V. Putin cho rằng, giá dầu nguyên liệu thô sẽ ở mức thấp trong một thời gian dài và giải pháp là không nên bỏ qua những cơ hội mới, như hình thành khối thương mại mới, cũng như chú trọng tới những công nghệ mới. Ông khẳng định Nga cần đi đầu về kinh tế, công nghệ và các lĩnh vực khác. Ngân sách liên bang năm 2016 sẽ không thâm hụt quá 3% GDP ngay cả khi nguồn thu giảm xuống dưới mức mong đợi. Theo Tổng thống V. Putin, các doanh nghiệp Nga cần không chỉ bảo đảm hàng hóa chất lượng ở trong nước mà phải tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài. Mười năm trước đây Nga là nước nhập khẩu nông sản, nhưng hiện tại Nga đã trở thành nước xuất khẩu nông sản với kim ngạch đạt 20 tỷ USD trong năm 2015. Mục tiêu đến năm 2020, Nga hoàn toàn bảo đảm tự túc về lương thực, thực phẩm.

Khẳng định khả năng vượt qua khó khăn về kinh tế quốc gia, Thủ tướng Nga D. Medvedev nhấn mạnh đến các chỉ số lương hưu và hỗ trợ hệ thống tài chính năm 2015, trong đó có việc hệ thống ngân hàng vẫn đang hoạt động bình thường, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động được giữ nguyên trong khi tăng trưởng của ngành nông nghiệp ước đạt từ 2,5% - 3%. Tuyên bố kế hoạch chống khủng hoảng đã được khởi động và đã đưa nền kinh tế Nga vượt qua giai đoạn khó khăn nhất mặc dù có phần giảm sút, Thủ tướng D. Medvedev kỳ vọng năm 2016 sẽ là một năm tăng trưởng của Nga. Về tình hình dầu mỏ, theo Thủ tướng D. Medvedev, Moscow đã chuẩn bị những phương án dự phòng trong bối cảnh giá của nguồn cung nhiêu liệu này liên tục sụt giảm.

Tin tưởng nền kinh tế Nga phần nào đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng cho dù những khó khăn vẫn chưa hết, Bộ trưởng Tài chính Nga A. Siluanov nhận định triển vọng kinh tế của Nga sáng sủa hơn khi Chính phủ Nga đã áp dụng một chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn trong năm vừa qua. Năm 2016 sẽ là thời điểm mà nước Nga tự tin thoát khỏi suy thoái, khôi phục tăng trưởng kinh tế. Còn theo các chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, sự phục hồi giá dầu toàn cầu có thể thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga; việc chuyển đổi sang một mô hình kinh tế lành mạnh hơn có thể tạo ra một sự khác biệt thực sự trong dài hạn.

Do vậy, trước thực trạng biến động tiêu cực từ hai yếu tố giá cả của dầu mỏ và tỷ giá đồng ruble, một mặt, Chính phủ Nga cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách nhằm tránh lặp lại cuộc khủng hoảng năm 1998; không để thâm hụt ngân sách vượt quá mức 3% khi giá dầu thế giới giảm mạnh vừa qua đã khiến ngân sách Nga thâm hụt nặng; tập trung hỗ trợ các ngành có tiềm năng phát triển, trước hết là các ngành có thể thay thế hàng nhập khẩu và các ngành có ảnh hưởng tốt tới nền kinh tế. Mặt khác, để “trấn an” nền kinh tế, giới chức trách Nga khẳng định, tình trạng đồng ruble liên tiếp mất giá và đã xuống tới mức thấp kỷ lục so với đồng USD “không phải là sụp đổ”. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga E. Nabiullina cho biết, Nga có mọi công cụ cần thiết để ngăn chặn nguy cơ đe dọa ổn định tài chính của đất nước. Ngân hàng Trung ương Nga luôn “theo dõi sát” các diễn biến trên thị trường và có đầy đủ mọi công cụ để đón đầu và ngăn chặn các nguy cơ đe dọa sự ổn định tài chính. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nga sẽ cho phép nước này vượt qua các thách thức hiện nay. Ngoài ra, theo Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga, khả năng đứng vững trong tình hình không thuận lợi hiện nay và giữ được ổn định kinh tế vĩ mô chính là bài sát hạch đối với hai cơ quan tài chính trung ương trên, chứng tỏ khả năng đưa ra những quyết định không dễ dàng song đúng đắn, giúp duy trì được niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chính sách của nhà nước.

Ngày 22-01, giá dầu mỏ thế giới đã tăng lên, vượt qua ngưỡng 30 USD/ thùng sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ tiếp tục các biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro. Đồng ruble của Nga cũng phản ứng tức thời khi tăng nhẹ so với ngày hôm trước. Trong phiên giao dịch ngày 22-01, đồng ruble của Nga đã tăng mạnh trở lại nhờ giá dầu tăng sau khi giảm xuống mức kỷ lục là 86 ruble/USD một ngày trước đó. Hiện 79,81 ruble đã đổi được 1 USD, trong khi tỷ giá với đồng euro cũng từ 89,99 ruble xuống còn 86,47 ruble/euro. Đây có lẽ tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Nga như kỳ vọng của các nhà lãnh đạo Nga về một sự tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2016./.