Việt Nam có quan hệ ngoại giao với trên 170 nước và vùng lãnh thổ, quan hệ thương mại với 224/255 thị trường và vùng lãnh thổ; đã ký 86 hiệp định song phương, 46 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; 40 hiệp định chống đánh thuế hai lần với các nước và vùng lãnh thổ...

Quan hệ kinh tế của Việt Nam với tất cả các đối tác lớn và tiềm năng được mở rộng, đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, tham gia TPP, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ có nhiều tác động lớn hơn, đặc biệt đối với các mặt hàng chủ lực.

Tiến sỹ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng tham gia TPP sẽ là cơ hội cho các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam tiếp cận thị trường lớn trong nội khối TPP với thuế suất ưu đãi cũng như cơ hội hợp tác trong tiếp cận công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hiện đại.

Việt Nam là nước có khu vực sản xuất nông nghiệp khá lớn, nên có nhu cầu cao trong việc yêu cầu đối tác mở cửa thị trường cho mặt hàng nông sản. Vấn đề khó khăn chính là các nước TPP đều có xu hướng đàm phán hạn chế, giữ bảo hộ đối với nông dân nội địa, không mở cửa, bằng cách sử dụng hàng rào kỹ thuật thương mại và biện pháp vệ sinh dịch tễ.

Hàng rào kỹ thuật thương mại và biện pháp vệ sinh dịch tễ được các nước sử dụng rất hiệu quả trong ngăn cản khả năng tiếp cận thị trường các nước của nông sản Việt Nam dù thuế quan được cắt bỏ.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao, khi gia nhập TPP, Việt Nam phải loại bỏ 100% dòng thuế nhập khẩu đối với tất cả các sản phẩm kể cả nông nghiệp, trong khi rào cản kỹ thuật chưa có hoặc không cao. Việc giảm thuế chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cạnh tranh.

Với nhóm hàng nông sản, nguy cơ này đặc biệt nguy hiểm. Đơn cử, với mặt hàng đường, Việt Nam đánh thuế đường nhập khẩu là 5% đối với đường nhập vào từ các nước ASEAN, nhưng đánh thuế đến 40% đối với đường từ các nước khác và tham gia TPP, đường từ các quốc gia TPP sẽ tràn vào thị trường Việt Nam.

Với ngành thủy hải sản, Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 40% thủy sản Việt Nam xuất sang các nước TPP năm 2013; trong đó, Mỹ chiếm hơn 20%, Nhật Bản trên 17%. Nhật Bản là thị trường chính của các nhà xuất khẩu cá ngừ Việt Nam. Nhưng hiện thuế nhập khẩu đối với cá ngừ của Việt Nam xuất sang Nhật Bản chỉ ở mức từ 6,4-7,2%.

Đối với sản phẩm chăn nuôi, khả năng cạnh tranh ngành này của Việt Nam so với các nước TPP tương đối thấp. Năng lực sản xuất và công nghệ còn hạn chế trong khi thường xuyên đối với với các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Chăn nuôi của Việt Nam hiện vẫn đang là ngành tạo nhiều công ăn việc làm cho nông dân nhưng thu nhập thấp, không ổn định và là đối tượng dễ bị tổn thương.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam kỳ vọng TPP sẽ mang về cho Việt Nam kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 30 tỷ USD vào năm 2020 và cán mức 55 tỷ USD năm 2030.

Trong tổng số 1,3 tỷ USD thuế nhập khẩu mà các nước thành viên TPP đang phải nộp cho Mỹ mỗi năm, khoảng 1 tỷ USD là hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trong 1 tỷ USD này, khoảng 80-90% do các nhà xuất khẩu hàng may mặc và giày dép chi trả.

Hiện thuế quan đối với mặt hàng may của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ là trên 7% và thuế quan của ngành giày dép là 12%. Thực tế này có thể thấy được mối lợi to lớn của ngành hàng này của Việt Nam trong việc giảm thuế quan xuống 0%.

Khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP, lợi thế trước hết là xóa bỏ mức thuế nhập khẩu từ 3,5-57,4% hiện nay xuống còn 0% cho mặt hàng da giày của Việt Nam vào thị trường TPP.

Với trên 500 doanh nghiệp tạo việc làm cho 600.000 lao động, ngành da giày đã mang lại công việc cho một số lượng lớn lao động phổ thông. Dự kiến khi TPP có hiệu lực, sẽ tạo 1 triệu việc làm mới cho ngành công nghiệp giày Việt Nam.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng khi ngành da giày Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu với lợi thế về nguồn nhân lực “vàng” sẽ tạo điều kiện thực hiện tốt các khâu sử dụng nhiều lao động. Đồng thời, không có hiện tượng gian lận thương mại và bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu lớn.

Quan hệ hưởng lợi từ TPP trong việc hình thành chuỗi cung ứng mới mà các bên khai thác triệt để lợi ích lẫn nhau là rất lớn, thậm chí còn nâng cao quan hệ tiếp nhận đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài khối TPP.

Tham gia TPP, Việt Nam được cho là hưởng lợi nhiều khi gia tăng thương mại với Mỹ, Nhật Bản - là những thị trường lớn nhất TPP. Đặc biệt, gia nhập TPP, thuế quan giảm giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu quần áo, giày dép, nông hải sản. Tuy nhiên, sau kinh nghiệm thực tiễn từ gia nhập WTO, nhiều cơ hội tiềm năng nhưng cũng nhiều rủi ro.

Vì vậy, tham gia TPP cần có cách làm mới, giải pháp then chốt để Việt Nam tham gia TPP khai thác được mặt hàng chủ lực, lợi thế./.