Diễn đàn giảm nghèo - hành động của Việt Nam

Tin: Lan Hương Ảnh: molisa.gov.vn
17:05, ngày 15-10-2015

TCCSĐT - Ngày 15-10-2015, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, Ủy ban Dân tộc và Đại sứ quán Ai-len phối hợp tổ chức Diễn đàn giảm nghèo với tiêu đề: Không bỏ lại ai phía sau và hành động của Việt Nam. Diễn đàn được tổ chức để kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo và Ngày Vì người nghèo của Việt Nam (ngày 17-10).

Trong hai thập niên qua, Việt Nam đã giảm tỷ lệ nghèo từ 58,1% (năm 1993) xuống còn 5,97% vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức để bảo đảm tính bền vững của kết quả đã đạt được, đồng thời tiếp tục giảm nghèo ở những vùng miền, nơi mà tình trạng nghèo đói vẫn còn tồn tại dai dẳng.

Một bộ phận dân cư có thu nhập và đời sống ở sát ngưỡng nghèo và chỉ cần gặp cú sốc, bất kể là do thiên tai, kinh tế hay bệnh tật, đều có thể khiến họ quay trở lại nghèo đói. Các nhóm dân tộc thiểu số có tốc độ giảm nghèo chậm hơn. Tỷ lệ nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 3,5 lần so với tỷ lệ trung bình của cả nước. Trong khi đó, do kết quả của quá trình đô thị hóa nhanh, các dạng nghèo đô thị mới đã xuất hiện trong các nhóm dân di cư và lao động trong khu vực phi chính thức.

Tại Diễn đàn, hai quyết định quan trọng đối với giảm nghèo bền vững của Thủ tướng đã được giới thiệu. Đó là Quyết định phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 và Quyết định phê duyệt đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”.

Theo cách tiếp cận đa chiều, hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ chuẩn nghèo chính sách trở xuống; hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách nhưng thấp hơn chuẩn mức sống tối thiểu và thiếu hụt từ 1/3 tổng số điểm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Còn hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách nhưng thấp hơn chuẩn mức sống tối thiểu và thiếu hụt dưới 1/3 tổng số điểm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Khái niệm hộ nghèo được chia thành 3 nhóm: Nhóm 1 là hộ nghèo cùng cực, vừa thiếu hụt thu nhập vừa thiếu hụt đa chiều. Đây là nhóm được ưu tiên nhất trong các hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội. Giải pháp là ưu tiên các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và thành viên để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao mức thu nhập. Nhóm 2 là những hộ nghèo về thu nhập nhưng không thiếu hụt đa chiều. Giải pháp là hỗ trợ trực tiếp, tập trung tạo các điều kiện sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ về sản xuất, tham gia thị trường trong nước hoặc xuất khẩu lao động. Nhóm 3 là nhóm hộ không nghèo về thu nhập nhưng thiếu hụt đa chiều. Giải pháp là hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và thành viên để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đối với hộ cận nghèo, giải pháp là tác động hỗ trợ có điều kiện một số chính sách về y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi như nhóm hộ nghèo về thu nhập, nhưng mức độ ưu tiên thấp hơn (như về lãi suất, định mức hỗ trợ ngân sách).

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Việt Nam là một quốc gia ở châu Á tiên phong áp dụng và thực hiện phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều. Đề án “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020” nhằm mục đích nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin, đồng thời phân loại đối tượng hộ nghèo để có các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Bộ trưởng khẳng định: “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân cả trước, trong và sau trong quá trình thực hiện”.

Thứ trưởng Sơn Phước Hoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, nhấn mạnh: “Quyết định được ban hành đã thể chế hóa các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tạo cơ chế theo dõi, đánh giá và tăng hiệu quả phối hợp tốt hơn các nguồn lực thực hiện các chương trình và chiến lược quốc gia hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số”. Thứ trưởng cho biết, Ủy ban dân tộc sẽ khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch tổng thể thực hiện Quyết định, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương nhanh chóng thực hiện thể chế hóa các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số vào trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của quốc gia và từng bộ, ngành, địa phương.

Tiến sỹ P. Mê-ta (Pratibha Mehta), Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, hoan nghênh hai quyết định quan trọng của Chính phủ Việt Nam trong việc ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số và hướng tới hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

Bà C. Mo-ran (Cait Moran), Đại sứ Cộng hòa A-len, phát biểu: “Giảm nghèo trong các cộng đồng dân tộc thiểu số luôn là ưu tiên và trọng tâm của chương trình đối tác Ai-len với Chính phủ Việt Nam, từ khi Ai-len bắt đầu chương trình hợp tác song phương đầu tiên năm 2007”. Bà cũng chia sẻ về công việc của Nhóm công tác giảm nghèo dân tộc thiểu số do Ai-len và Liên hợp quốc đồng chủ trì, đặc biệt trong việc đối thoại với Chính phủ về các vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số./.

Chủ đề của Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo năm nay là “Xây dựng tương lai bền vững: chung tay chấm dứt đói nghèo và phân biệt đối xử”. Chủ đề nhấn mạnh đến việc nâng cao vai trò chủ động của người dân và tính đáp ứng, phù hợp của chính sách.