Chủ tịch nước thăm và làm việc tại Thái Nguyên
Trong hai ngày 06 và 07-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn và công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.
Tại Thái Nguyên, Chủ tịch nước đã đến thăm và tìm hiểu đời sống của bà con xã La Bằng - một xã miền núi phía Tây của huyện Đại Từ. Đây là một trong xã có bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới.
Từ xã xuất phát điểm đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2009, chiếm tới hơn 20%, cơ sở hạ tầng kém phát triển, dân cư ở không tập trung, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Sau 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc trong xã, La Bằng đã từng bước chuyển mình mạnh mẽ từ việc phát huy thế mạnh của địa phương, như trồng chè chất lượng cao theo tiêu chuẩn Vietgap, xây dựng mô hình theo quy mô trang trại, gia trang nuôi cá nước lạnh… đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con, đạt 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 chỉ còn hơn 2%, hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đã từng bước hoàn thiện. Năm 2014, La Bằng đã đạt 19 tiêu chí trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trực tiếp khảo sát tại một số mô hình sản xuất chè sạch và nuôi cá tầm của bà con, Chủ tịch nước đánh giá cao sự đoàn kết đồng lòng và cách làm sáng tạo của chính quyền và bà con nhân dân xã La Bằng và nhấn mạnh những thành quả đạt được là rất đáng ghi nhận, nhưng điều quan trọng đây không phải là điểm kết thúc mà mới chỉ là khởi đầu của một giai đoạn mới.
Chủ tịch nước cho rằng, thời gian tới cần phải phát huy thế mạnh của địa phương nhất là cây chè La Bằng bắt đầu có thương hiệu trên thị trường, đồng thời phát triển kinh tế vườn, gắn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tìm thêm ngành nghề mới để nâng cao chất lượng sống cho bà con nhân dân.
Cùng với tìm hiểu về đời sống của bà con, Chủ tịch nước đã đến kiểm tra tại 2 doanh nghiệp đang hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là Nhà máy điện tử Samsung Thái Nguyên và Công ty chế biến khoáng sản Núi Pháo. Trong đó, Nhà máy điện tử Samsung Việt Nam là 1 trong 9 nhà máy đặt tại 6 quốc gia, có quy mô sản xuất lớn nhất, với vốn đầu tư 7,5 tỷ USD và có quy mô lớn nhất về nhân lực, với 57.000 lao động hiện có, dự kiến tăng lên khoảng 100.000 lao động trong giai đoạn tới.
Chủ tịch nước hoan nghênh Công ty Samsung chọn Việt Nam là điểm đầu tư chiến lược, con số xuất khẩu năm 2014 đạt 26 tỷ USD, dự kiến năm 2015 đạt 35 tỷ USD là đáng ghi nhận. Chủ tịch nước cho rằng, Chính phủ Việt Nam và địa phương đã và sẽ luôn hỗ trợ để Samsung phát triển, nhưng về phía Samsung cũng cần phải đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, nâng cao tỷ suất lợi nhuận, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp.
Kiểm tra Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo do Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo liên doanh với Tập đoàn Công nghệ cao hàng đầu thế giới H.C Starck của Liên bang Đức, Chủ tịch nước hoan nghênh Công ty đã triển khai nhanh chóng và có hiệu quả dự án đặc biệt này sau khi tái cấu trúc mua lại từ nhà đầu tư nước ngoài năm 2010.
Chủ tịch nước nhấn mạnh với trữ lượng Vonfram được đánh giá đứng thứ 2 thế giới và thứ nhất về Florit, việc đưa ra dự án vào khai thác là cột mốc quan trọng vì đây là mỏ Vonfram đầu tiên trên thế giới trong 15 năm qua đi vào hoạt động.
Với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD, Công ty chế biến khoáng sản Núi Pháo đã cho ra những sản phẩm Vonfram chế biến đầu tiên. Chủ tịch nước lưu ý, Núi Pháo cần khẩn trương áp dụng công nghệ mới, đưa mức tinh luyện lên cấp độ cao hơn, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, giảm thiểu lãng phí tài nguyên, đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm nguồn nước, hoàn thổ ngay sau khai thác.
Chủ tịch nước đề nghị chính quyền địa phương và Công ty cần quan tâm đến công tác an sinh xã hội, nhất là bà con tái định cư, nhường đất cho dự án có cuộc sống tốt hơn trước.
Sau khi khảo sát ở cơ sở, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch nước ghi nhận Thái Nguyên có bước phát triển nhanh so với bối cảnh chung của cả nước, thể hiện qua các chỉ tiêu Đại hội đề ra đều đạt và vượt, đặc biệt là công nghiệp điện tử có bước phát triển vượt bậc và có thể coi đây là bài học kinh nghiệm để suy nghĩ đến các ngành, nghề khác, cũng như cả nước nhìn vào. Hạ tầng giao thông và nông nghiệp cũng là những lĩnh vực vượt trội của Thái Nguyên.
Riêng trong nông nghiệp, Chủ tịch nước cho rằng, điều đáng mừng công nghiệp chế biến đã đi vào nhiều ngành nghề nông nghiệp và đặc biệt là sự tiến bộ về nhận thức trong cạnh tranh của lực lượng sản xuất. Chủ tịch nước cũng đánh giá tốc độ giảm nghèo thể hiện xu hướng tích cực. Thái Nguyên là nơi tập trung của 20 trường cao đẳng, đại học và là địa điểm đào tạo nguồn nhân lực trong vùng.
Chủ tịch nước cho rằng nếu hạ tầng được đầu tư tốt, hoàn chỉnh hơn nữa sẽ còn giúp cho Thái Nguyên phát triển nhanh hơn. Trên nền tảng sẵn có, dư địa cho phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ của Thái Nguyên còn lớn, Chủ tịch nước đề nghị Thái Nguyên nỗ lực hơn nữa trong việc mời gọi đầu tư và hình thành các doanh nghiệp tại chỗ hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, với kết quả của nhiều năm qua, Thái Nguyên đang đứng trước ngưỡng cửa của việc hình thành một trung tâm công nghiệp ở trình độ cao hơn. Tuy nhiên, để bước qua được ngưỡng cửa đó, đòi hỏi sự quyết tâm cao, tư duy đúng và hành động nhanh của đội ngũ lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.
Chủ tịch nước lưu ý, hiện nay đã có dấu hiệu cho thấy nguồn vốn của tư nhân, đầu tư nước ngoài đang hướng vào lĩnh vực nông nghiệp, đây là cơ hội mà Thái Nguyên cần sớm nắm bắt. Về nguồn nhân lực, Chủ tịch nước cho rằng, thời gian tới, Thái Nguyên cần chú ý đến đào tạo đội ngũ thợ lành nghề, đủ khả năng đáp ứng quá trình phát triển công nghiệp những năm tới.
Trên cơ sở thành công vừa qua, Thái Nguyên tiếp tục suy nghĩ, tìm kiếm hợp tác với các đối tác nước ngoài, tạo ra đột phá trong các lĩnh vực khác, trong đó có nông nghiệp. Chủ tịch nước nhấn mạnh, triển vọng khá rõ ràng, nhất định Thái Nguyên sẽ đạt được nhiều thành tựu trong tương lai./.
Tổng Bí thư dự lễ bàn giao chiếc Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên  (07/07/2015)
Đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố tiếp xúc cử tri  (07/07/2015)
Hà Nội nỗ lực giữ vị thế là điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới  (07/07/2015)
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ hai mươi  (07/07/2015)
Hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới”  (07/07/2015)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên