TCCSĐT - Ngày 07-7-2015, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới” trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 55 năm thành lập ngành du lịch Việt Nam (09-7-1960 - 09-7-2015).

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cùng đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực vực du lịch, kinh tế, hiệp hội du lịch một số tỉnh, thành phố và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Hoàng Tuấn Anh nêu rõ: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ ra 5 quan điểm chủ đạo, trong đó quan điểm phát triển du lịch chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, bảo đảm tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, bền vững, có thương hiệu và sức cạnh tranh được xem là then chốt nhất cho sự chuyển mình của du lịch Việt Nam. Thực tế qua 4 năm triển khai Chiến lược, quan điểm này đang được cụ thể hóa từng bước rõ rệt từ nhận thức đến hành động trong tất cả các khâu, các lĩnh vực hoạt động của ngành du lịch. Tuy nhiên, kết quả hoạt động du lịch vẫn chưa xứng với tiềm năng, nhiều bất cập còn tồn tại đã ảnh hướng tới sự phát triển bền vững và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Xu thế hội nhập, toàn cầu hóa và cạnh tranh hiện nay vừa tạo cơ hội vừa đặt ra không ít thách thức đòi hỏi ngành du lịch nước ta phải thực sự đổi mới để thích ứng trong thời kỳ mới.

Nhằm triển khai toàn diện và có hiệu quả, tạo sự chuyển biến thực sự trong thực tế, Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích bàn về các nội dung, biện pháp và bước đi then chốt, thiết thực để giải quyết từng nội dung cụ thể được đặt ra trong Nghị quyết số 92/NQ-CP, ngày 08-12-2014, của Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Trọng tâm của Hội thảo là bàn luận 3 chủ đề chính, cấu trúc theo các phiên thảo luận chuyên đề: Thứ nhất là, nhận thức về phát triển du lịch; thứ hai là, cơ chế, chính sách phát triển du lịch; thứ ba là, chất lượng, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh của du lịch.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định: Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn chú trọng phát triển du lịch, coi đây là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn. Sau 30 năm đổi mới, ngành du lịch nước ta đã đạt được những kết quả to lớn. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 30 lần, khách du lịch nội địa tăng gấp 35 lần so với năm 1990. Doanh thu từ du lịch năm 2000 là 17,4 nghìn tỷ đồng, năm 2013 là 200 nghìn tỷ đồng và năm 2014 là 230 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013). Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn, doanh thu từ du lịch của nước ta cũng thấp hơn nhiều lần so với Thái Lan, Malaysia, Singapore… Vì vậy, cần phải xác định đúng vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của nước ta trong phát triển du lịch, những thành tựu, hạn chế cũng như nguyên nhân để có thể đưa ra những chủ trương, chính sách phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Cũng tại Hội thảo, đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch, chú trọng yếu tố môi trường, cải cách thủ tục hành chính, quảng bá du lịch ngay từ trong các trường học, vận động toàn xã hội hiến kế, đóng góp sáng kiến các mô hình phát triển du lịch để đưa ngành “công nghiệp không khói” này của nước ta ngày càng phát triển tương xứng với tiềm năng.

Hội thảo đã nghe nhiều tham luận của các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch, kinh tế, đại diện các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch về các vấn đề, như: hiện trạng, xu hướng, giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; nhận thức về du lịch trong mối quan hệ tương hỗ với ngoại giao; một số chính sách mới ban hành về phát triển du lịch; những rào cản trong phát triển doanh nghiệp kinh doanh du lịch vừa và nhỏ ở Việt Nam; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao để thu hút khách du lịch; tạo dựng thương hiệu du lịch; chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch.../.