TCCSĐT - Ngày 06-7-2015, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình quản lý tổng hợp ven biển (ICMP), Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Đại sứ quán Hà Lan, Tổ chức Australian Aid,… tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về “Quy chế thí điểm điều phối liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020”.

Tham dự hội thảo còn có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đại diện nhiều viện, trường, cơ quan nghiên cứu khoa học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện “Quy chế thí điểm điều phối liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020” nhằm khai thác, phát huy đúng mức những tiềm năng, lợi thế của toàn vùng và của từng địa phương; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng nhanh, bền vững; đồng thời nâng cao thu nhập của cư dân trong xu thế hội nhập quốc tế và tác động của biến đổi khí hậu. Trọng tâm của việc xây dựng quy chế này hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững gắn với sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị và phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ trên toàn vùng.

Theo Dự thảo “Quy chế thí điểm điều phối liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020”, phạm vi điều chỉnh và đối tượng tham gia điều phối liên kết là 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình tham gia thực hiện các chương trình, đề án, dự án, công trình của vùng và có tính chất vùng. Quá trình liên kết đề cao nguyên tắc các địa phương tham gia theo cơ chế thống nhất, bình đẳng, công khai, minh bạch, cùng có lợi; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch khác có liên quan; ưu tiên thực hiện các chương trình, đề án, dự án công trình quy mô vùng và có tính chất vùng.

Hai lĩnh vực thí điểm điều phối liên kết được xác định là: Phát triển nông nghiệp bền vững và Hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nâng cao sức chống chịu của cư dân do tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể, trong phát triển nông nghiệp bền vững sẽ tập trung liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, chú trọng vào các mặt hàng chủ lực của vùng là lúa gạo, trái cây, tôm, cá; liên kết phát triển thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cho nông dân tham gia vào quá trình tạo ra chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập. Trong hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nâng cao sức chống chịu của cư dân do tác động của biến đổi khí hậu sẽ tập trung thực hiện các chương trình, dự án xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi, hệ thống bảo vệ bờ biển. Các hoạt động điều phối liên kết tập trung vào 4 nội dung là: xây dựng quy hoạch - kế hoạch, đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách, thiết lập hệ thống thông tin vùng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong phối hợp xây dựng quy chế, triển khai điều phối liên kết, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ; trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong việc góp ý xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng; xây dựng quy hoạch ngành, lĩnh vực, các kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm của địa phương để phù hợp với các lĩnh vực lựa chọn thí điểm liên kết; đề xuất các chương trình, đề án, dự án, công trình cấp vùng và mang tính chất vùng cần ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, các đại biểu cũng chú trọng đến việc làm rõ vai trò, nhiệm vụ của cơ quan có chức năng kết nối - điều phối cấp vùng trong quá trình thực hiện Quy chế; phương thức chia sẻ lợi ích giữa các địa phương khi thực hiện các dự án vùng và mang tính chất vùng; thiết lập hệ thống thông tin chung cho toàn vùng; quy trình hướng dẫn điều phối liên kết ngành, liên kết trong lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương; vai trò tham gia liên kết của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức tư nhân trong vùng …

Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, sau hội thảo này, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, tiếp tục tham khảo ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các đối tác phát triển, hoàn thiện “Quy chế thí điểm điều phối liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020” để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2015./.