Đưa Nghị quyết Đại hội X của Đảng vào cuộc sống

Phạm Gia Khiêm: Việt Nam đóng góp tích cực vào các hoạt động của Liên hợp quốc vì mục tiêu hòa bình và phát triển

Trong hơn 60 năm qua, sự ra đời và hoạt động của Liên hợp quốc có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và tổ chức này đã đạt được nhiều thành tựu trên con đường thực hiện các mục tiêu đề ra. Dù đang đứng trước yêu cầu cải tổ để ứng phó tốt hơn với tình hình mới, Liên hợp quốc vẫn được các quốc gia thành viên nhìn nhận là tổ chức toàn cầu đa diện, có uy tín và quy mô rộng lớn nhất, là diễn đàn quan trọng và trung tâm điều phối hợp tác chung nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu mà không một quốc gia riêng rẽ nào có thể giải quyết được.

Huỳnh Đảm: Nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy là nơi nào, cấp nào, cấp ủy đảng hoặc đồng chí bí thư quan tâm lãnh đạo thì ở đó hoạt động giám sát có kết quả, hiệu quả thực sự, nhất là trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Nguyễn Thị Bình: Suy nghĩ về chiến lược con người trong giai đoạn mới

Phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ xã hội, hay nói cách khác, mục tiêu của chúng ta không chỉ về kinh tế, mà còn về mặt xã hội, tức là phải xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, để hướng tới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phát triển về xã hội ở đây, không chỉ là chăm lo đời sống vật chất mà còn phải chăm lo đến vấn đề văn hóa, dân trí và đạo đức xã hội của con người. Trong lĩnh vực này, trong những năm qua chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ.

Nguyễn Quốc Cường: Hội Nông dân Việt Nam với vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân hiện nay

Quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng và những đòi hỏi của nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam thường xuyên chăm lo, tập trung đầu tư trước tiên cho việc nâng cao, cải thiện đời sống nông dân, coi đó là cơ sở nền tảng góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam theo hướng hiện đại, để nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự xứng đáng là cơ sở và lực lượng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.

Nguyễn Thị Thanh Hòa: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với đội ngũ nữ doanh nhân thời hội nhập

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với nhiều cơ hội và thách thức mới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định: không ngừng khuyến khích, cổ vũ phụ nữ tích cực làm giàu, khởi sự, phát triển doanh nghiệp; từng bước xây dựng và hình thành được đội ngũ nữ doanh nhân làm việc, hoạt động có tính chuyên nghiệp cao, nhạy bén, sáng tạo. Để đạt được mục tiêu hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động của đội ngũ nữ doanh nhân, đòi hỏi nữ doanh nhân phải hội tụ đủ đức và tài, có khả năng giao tiếp bằng tiếng nước ngoài và sử dụng thành thạo vi tính phục vụ công việc.

Nguyễn Văn Giàu: Đổi mới phương thức quản lý hoạt động của hệ thống ngân hàng trước áp lực của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu

Toàn cầu hóa kinh tế và tự do hóa tài chính đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Do đó, mỗi diễn biến tích cực hay tiêu cực của các trung tâm tài chính, các nền kinh tế và các mặt hàng chiến lược đều có tác động ngay đến nền kinh tế ở mỗi nước với mức độ ảnh hưởng khác nhau tùy theo trình độ phát triển, nội lực nền kinh tế và điều hành chính sách vĩ mô nền kinh tế đó. Trong tình hình lạm phát cao và suy thoái kinh tế hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Nghiên cứu - Trao đổi

Đỗ Quốc Sam: Đổi mới cách xây dựng chiến lược

Hiện nay là thời điểm thích hợp để triển khai nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2011 - 2020. Vấn đề đầu tiên cần xem xét là xây dựng chiến lược (bao gồm cả nghiên cứu, chuẩn bị, hình thành và thực hiện) như thế nào cho thực sự có hiệu quả cao. Tình hình trong và ngoài nước những năm qua đã có nhiều thay đổi, bài học xây dựng và thực hiện hai kỳ chiến lược trong nước (1991 - 2000 và 2001 - 2010) và kinh nghiệm nghiên cứu chiến lược ở nước ngoài có thể cho chúng ta nhiều gợi ý.
 
Phạm Minh Chính - Vương Quân Hoàng - Trần Chí Dũng: Những thời kỳ biến động của nền kinh tế Việt Nam: Bản chất của vấn đề và giải pháp cho tương lai

Kinh tế toàn cầu đang ở trong giai đoạn có nhiều biến động mạnh mẽ và Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động, ảnh hưởng từ những biến động đó. Nhìn nhận, đánh giá về các thời kỳ biến động của nền kinh tế nước ta trong quá khứ, so sánh với hiện tại, tìm ra bản chất của vấn đề để có những giải pháp thiết thực, đúng đắn cho tương lai, là một việc cần thiết. Có thể nói, những biến động kinh tế quy mô và tại thời điểm này còn đặt ra yêu cầu thay đổi phương thức điều hành từ kiểm soát sang nghiên cứu - thông tin - thu hút lực lượng thị trường.

Vũ Văn Phúc: Vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế

Chính trị là biểu hịên tập trung của kinh tế. Nếu không có một lập trường chính trị đúng thì một giai cấp nhất định sẽ không giữ vững được sự thống trị của mình và không thể hoàn thành được nhiệm vụ trong xây dựng kinh tế. Ngược lại, chính trị là kinh tế được cô đọng lại; kinh tế có mạnh mới bảo đảm cho nền chính trị ổn định. Quyền lực chính trị có thể tác động tới kinh tế theo ba cách thức: thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế; thúc đẩy mặt này, kìm hãm mặt khác; kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Trương Công Hùng: Xây dựng và hoàn thiện các thể chế kinh tế và pháp luật vì sự phát triển bền vững

Kể từ sau các cuộc khủng hoảng về tài chính và tiền tệ của một số nước khu vực Đông - NamÁ (năm 1997), Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Mỹ La-tinh vào những năm đầu thế kỷ XXI, các nhà nghiên cứu bắt đầu nói nhiều đến cơ cấu kinh tế - vấn đề thực chất của khủng hoảng. Nhiều ý kiến nhất trí đi đến kết luận là, nguyên nhân của khủng hoảng chính là sự bất ổn của cơ cấu kinh tế. Các chương trình điều chỉnh cơ cấu hướng đến sự phát triển bền vững hơn được đề ra, mặc dù chậm và phải chịu đổ vỡ của nhiều ngành kinh tế, tài chính.

Lê Xuân Đình: Hướng tới nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Các tài liệu nghiên cứu gần đây đã đề cập nhiều đến nội dung, bước đi và yêu cầu thời đại của quá trình công nghiệp hóa đất nước. Riêng vấn đề phát triển nền kinh tế thị trường, thì hiện đại hóa, hay nói cách khác hướng tới nền kinh tế thị trường hiện đại là như thế nào, và cần khai thác những đặc điểm tương đồng gì giữa việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với việc hiện đại hóa thị trường Việt Nam, vẫn còn ít được đề cập.

Doãn Công Khánh: Thị trường nông thôn - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra

Nông thôn Việt Nam là địa bàn chiến lược, có ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khu vực này rộng lớn có diện tích đất nông nghiệp 24.583,8 ha (bằng 74,2% diện tích cả nước), với hơn 113.730 trang trại, chiếm 72,88% dân số quốc gia (khoảng 60 triệu người), bao gồm 9.098 xã, hơn 50.000 thôn, xóm, ấp, bản, 9,3 triệu hộ và 27 triệu lao động. Thị trường nông thôn có vị trí trung tâm và là thị trường chiến lược trong hệ thống thị trường nội địa thống nhất ở một số quốc gia mà đa phần người tiêu dùng là nông dân.

Nguyễn Thế Huệ: Chất lượng dân số cao tuổi ở Việt Nam hiện nay

Tính đến cuối năm 2007, nước ta có trên 8 triệu người cao tuổi, chiếm 9,6% dân số, gần đến ngưỡng của già hóa dân số, bởi theo quy định của thế giới, một nước có 10% người cao tuổi trong tổng số dân được coi là nước già hóa dân số. Do vậy, cần sớm có chủ trương, chính sách phù hợp nhằm chăm sóc tốt và phát huy hơn nữa vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Bởi già hóa dân số của Việt Nam chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Phạm Ngọc Quang: Doanh nhân là một bộ phận đặc thù của trí thức

Doanh nhân xứng đáng được xem là một bộ phận đặc thù của trí thức: trí thức - doanh nhân Trong thời kỳ hội nhập ngày nay, vị trí, vai trò của doanh nhân ngày càng được khẳng định và coi trọng do có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước,Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, quả đúng khi có ý kiến cho rằng: "thương trường là chiến trường". Ở "chiến trường" này, nếu các doanh nhân hạn chế về tri thức, thì không chỉ bản thân họ dần trở nên lạc hậu, hoạt động kinh doanh mất dần sức cạnh tranh, mà suy rộng ra còn kéo theo nền kinh tế của đất nước họ bị tụt hậu.

Thực tiễn - Kinh nghiệm

Nguyễn Văn Thuận: Hải Phòng vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện phát triển bền vững

Thời gian qua, Hải Phòng đã có những bước phát triển mạnh mẽ và khá toàn diện về kinh tế - xã hội. Để có được kết quả này Thành ủy, ủy ban nhân dân và đông đảo nhân dân lao động thành phố đã đoàn kết nhất trí vượt mọi khó khăn, phát huy sức sáng tạo, tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng, đẩy mạnh việc tăng trưởng kinh tế kết hợp với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. Phát huy những thành quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng quyết tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp mới để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Vũ Hoàng Hà: Bình Định thực hiện cải cách hành chính, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội

Bình Định, một trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm ở vị trí trung tâm các tuyến giao lưu liên vùng và quốc tế; là cửa ngõ hướng ra biển Đông của các nước trong tiểu khu vực sông Mê Kông mở rộng, rất thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế đó, một trong những giải pháp chủ yếu mà tỉnh đề ra và tổ chức thực hiện tốt trong những năm qua là đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư sản xuất - kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân.

Nguyễn Thái Bình: Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh

Trà Vinh là tỉnh vùng sâu, ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Quán triệt Chỉ thị số 68-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) về Công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, trong đó đặc biệt chú trọng công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc Khmer.
 
Nguyễn Văn Hiến: Quân chủng Hải quân với trọng trách bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong điều kiện mới

Biển và đại dương chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị thế giới và được coi là "Không gian sinh tồn" của nhân loại trong tương lai. Không những thế, biển, đảo, thềm lục địa - một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Chủ động bảo vệ và giữ vững chủ quyền trên các vùng biển, đảo gắn với tăng cường hợp tác quốc tế, giải quyết tốt tranh chấp trên biển thông qua thương lượng, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, chủ động hội nhập là nhiệm vụ vẻ vang của Quân chủng Hải quân.

Hồ Trọng Hoài: 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW khóa IX về công tác tôn giáo

Ngày 12-3-2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã ra Nghị quyết số 25-NQ/TW Về công tác tôn giáo. Đây là nghị quyết quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất bởi, lần đầu tiên, có nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về tôn giáo và Nghị quyết số 25-NQ/TW đã thể hiện khá đầy đủ nhận thức mới của Đảng kể từ ngày đổi mới về lĩnh vực rất phức tạp và nhạy cảm này. Nghị quyết khẳng định: "Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền được sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”

Má Thị Hà: Tăng cường khối đại đoàn kết các tôn giáo là tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc

Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hay không có tín ngưỡng, tôn giáo đều là công dân Việt Nam, có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo đã cùng đồng bào cả nước viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Ngày nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng bào các tôn giáo đã đoàn kết cùng đồng bào cả nước hợp thành khối đại đoàn kết vững chắc thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đoàn kết xây dựng đất nước để nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Hoàng Minh Đạo: Tiếp tục triển khai nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15-11-2004, của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong hoạt động bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được những mục tiêu, nội dung của Nghị quyết, điều này đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư phải tự giác thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Nguyễn Sinh - Doãn Huề: Phát triển kinh tế vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế

Tây Bắc (gồm các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) là cửa ngõ phía Tây của Tổ quốc, có biên giới với Lào, Trung Quốc, có nhiều tiềm năng to lớn, nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy điện và du lịch sinh thái. Sau hơn 20 năm đổi mới và hội nhập, kinh tế vùng Tây Bắc đã có bước chuyển tích cực trên một số mặt, song cho đến nay Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất nước ta. Vì vậy, nghiên cứu tìm giải pháp phù hợp đưa vùng này tiến kịp các vùng khác là yêu cầu bức thiết.

Thế giới: Vấn đề - Sự kiện

Lê Danh Vĩnh: Đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nga trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật

Là thị trường đầy tiềm năng với số dân gần 146 triệu người, có mức sống ngày càng cao, nhu cầu tiêu dùng và sức mua ngày càng lớn, Liên bang Nga, một mặt, có thể cần một khối lượng rất lớn những mặt hàng của Việt Nam như thủy, hải sản, rau quả chế biến, nông sản, thủ công mỹ nghệ, hàng may mặc, giày dép; mặt khác, cũng có thể đáp ứng nhu cầu của ta về sản phẩm dầu mỏ, hóa chất, phân bón, sắt thép, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải... Hiện quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước trong thời gian gần đây đã có những cải thiện đáng kể.

Nguyễn Huy Quý: Chặng đường ba mươi năm cải cách mở cửa, hiện đại hóa của Trung Quốc

Ba mươi năm qua, thực sự là một bước nhảy vọt trong lịch sử lâu dài của Trung Quốc. Công cuộc cải cách và hiện đại hóa đất nước đã thu được những thành tựu rất to lớn trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại - những kỳ tích đáng tự hào và được thế giới khâm phục. Trong bối cảnh phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới lâm vào thoái trào sau biến động ở Liên Xô và Đông Âu, thành công bước đầu của công cuộc cải cách và hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc có một ý nghĩa lịch sử sâu xa.

Nguyễn Viết Thảo: Trật tự thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa

Khác với các trật tự trước kia không phân chia quyền lực giữa các đồng minh, trật tự Xô - Mỹ là sự cạnh tranh quyền lực giữa các đối thủ đối kháng nhau. Mặt khác, trật tự ấy kết thúc một cách khác thường: không do chiến tranh, không có hiệp định ký kết, mà do một cực là Liên Xô tự tan rã. Những đặc điểm vừa nêu của trật tự thế giới Xô - Mỹ tạo thành yếu tố đầu tiên tác động đến quá trình hình thành trật tự thế giới mới. Đã xuất hiện nhiều khoảng trống quyền lực trong cục diện địa - chiến lược toàn cầu và hàng loạt biến động an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa... trên quy mô thế giới.

Hòa Văn: Đảng Cộng sản Ốt-xtrây-li-a

Gần 90 năm hoạt động và đấu tranh, những người cộng sản Ô-xtrây-li-a đang nỗ lực phấn đấu, cố gắng tăng cường vai trò, uy tín, ảnh hưởng của mình trong các tầng lớp nhân dân lao động. Đối với những người cộng sản Ô-xtrây-li-a, đây thực sự là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh, khi tình hình trong và ngoài nước biến động phức tạp khó lường, khi tương quan lực lượng trên thế giới đang nghiêng về phía kẻ thù của cách mạng. Với nỗ lực không ngừng đổi mới, Ô-xtrây-li-a sẽ từng bước thực hiện thành công những nhiệm vụ trước mắt cũng như sẽ đạt tới mục tiêu chiến lược của Đảng.