Các biện pháp giải cứu thị trường tài chính trên toàn cầu
Cuộc khủng hoảng tài chính xem ra đã phần nào bớt “nóng”. Các thông tin về tình trạng bán lại, phá sản, bị thôn tính, bị quốc hữu hóa, sáp nhập và thua lỗ,… của các ngân hàng, định chế tài chính tại Mỹ, châu Âu và một số nước khác tạm thời lắng dịu, nhưng người ta chưa biết chính xác những tác động của cuộc khủng hoảng này lớn tới mức nào.
Để giải cứu thị trường tài chính, ngăn chặn nguy cơ tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính này, chính phủ các nước trên thế giới đều sử dụng tổng hợp, đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau.
Thứ nhất, sửa đổi các quy định hiện hành nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại các ngân hàng, ngăn chặn nguy cơ rút tiền gửi hàng loạt của người dân tại các tổ chức trung gian tài chính.
Một số chính phủ quyết định nâng mức bảo hiểm tiền gửi của người dân và cam kết bảo đảm an toàn, chi trả đầy đủ tiền gửi tiết kiệm của họ tại các ngân hàng và tổ chức tài chính. Chính phủ Ô-xtrây-li-a cam kết bảo đảm an toàn các khoản tiền gửi tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong vòng 3 năm; đồng thời tuyên bố không giới hạn bảo hiểm tiền gửi và không giới hạn về thời hạn bảo hiểm tiền gửi.
Chính phủ Mỹ nâng mức bảo hiểm tiền gửi tối đa từ 100.000 USD lên 250.000 USD. Chính phủ Niu Di-lân cũng có hành động tương tự. Đặc khu hành chính Hồng Kông cũng dỡ bỏ mức giới hạn bảo hiểm tiền gửi hiện nay tương đương 100.000 USD. Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố không giới hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong vòng 2 năm...
Thứ hai, sử dụng nguồn lực tài chính mạnh mẽ để hỗ trợ thanh khoản, cứu trợ trực tiếp cho các ngân hàng và tổ chức tài chính.
Chính phủ các nước trên thế giới đều sử dụng các nguồn lực tài chính trị giá hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ USD để bơm vào hệ thống ngân hàng, công ty tài chính và thị trường tài chính thông qua các nghiệp vụ cho vay nhằm bảo đảm vấn đề thanh khoản có tính chất khẩn cấp và tức thời; đồng thời tiến hành quốc hữu hóa, mua lại các khoản nợ xấu, mua cổ phần chi phối và nắm quyền điều hành,...
Cục Dự trữ liên bang Mỹ ( FED) tăng khoản vay kỳ hạn 28 ngày và 84 ngày lên 150 tỉ USD cho mỗi kỳ hạn, có hiệu lực từ ngày 6-10-2008. Như vậy, với số tiền 300 tỉ USD mới bơm thêm vào thị trường tài chính, nâng tổng số tiền định kỳ rót theo chương trình cho vay khẩn cấp mang tên “Chương trình đấu giá cho vay kỳ hạn” (TAF) của Chính phủ Mỹ sẽ tăng lên 600 tỉ USD. Trong tháng 11-2008, số tiền các ngân hàng Mỹ được vay theo hai kỳ hạn nói trên tiếp tục được duy trì ở mức 150 tỉ USD cho mỗi kỳ hạn. Do đó tổng số tiền cho vay theo chương trình TAF đến cuối năm 2008 có khả năng lên tới 900 tỉ USD.
Chính phủ Anh tung ra 50 tỉ bảng Anh, tương đương khoảng 87 tỉ USD để cứu 8 ngân hàng của nước này có nguy cơ bị phá sản. Đây là một phần trong cả gói cứu trợ gồm ba phần với tổng trị giá lên đến xấp xỉ 550 tỉ bảng Anh, tương đương trên 870 tỉ USD để bơm vào hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính Anh theo các kênh khác nhau cũng được công bố trong ngày 8-10-2008.
Chính phủ Nga sử dụng khoản tài chính 950 tỉ rúp, tương đương khoảng 36,4 tỉ USD để cho các ngân hàng vay với thời hạn 5 năm; đồng thời, dùng một khoản ngân quỹ khác trị giá 50 tỉ USD để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng và công ty tài chính của Nga. Với dự trữ ngoại tệ khổng lồ, trị giá tới 563 tỉ USD và nguồn dự trữ dầu mỏ, khí đốt dồi dào, Nga được đánh giá là một trong số các nền kinh tế có thể trụ vững trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nước Nga cũng dự kiến cho Ai-xơ-len vay 5,4 tỉ USD để cứu vãn thị trường tài chính của nước này.
Chính phủ Đức đã thông qua một gói cứu trợ lên tới 480 tỉ ơ-rô, tương đương 653 tỉ USD, trong đó có 108 tỉ USD được dự kiến bơm trực tiếp vào hệ thống ngân hàng và 545 tỉ USD là tiền bảo đảm cho các khoản vay. Chính phủ Pháp đưa ra khoản trợ giúp lần lượt là 320 tỉ ơ-rô và 40 tỉ ơ-rô; Chính phủ Áo: 85 tỉ ơ-rô và 15 tỉ ơ-rô; Chính phủ Tây Ban Nha: 100 tỉ ơ-rô và 50 tỉ ơ-rô. Chính phủ Hà Lan đưa ra khoản bảo đảm cho các khoản vay là 200 tỉ ơ-rô, tương tự chính phủ Bồ Đào Nha: 20 tỉ ơ-rô; I-ta-li-a: 40 tỉ ơ-rô. Tính tổng cộng, chính phủ các quốc gia thuộc khu vực đồng ơ-rô và Chính phủ Anh đưa ra khoản trợ giúp lên tới 2.300 tỉ USD.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thụy Điển cũng đưa ra kế hoạch cứu trợ trị giá 1.500 tỉ Krona, tương đương 200 tỉ USD, nhằm nâng cao tính thanh khoản cho các ngân hàng và tổ chức tài chính trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Năm Ngân hàng Trung ương của các nền kinh tế hàng đầu thế giới trong đó có FED, ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu)... phát đi thông điệp “phá băng” thị trường tín dụng và tăng cường bơm vốn cho các ngân hàng. Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tuyên bố sẵn sàng cung ứng một lượng vốn không giới hạn cho các tổ chức tài chính.
Mười lăm quốc gia trong khu vực đồng ơ-rô cùng cam kết các khoản cho vay trên thị trường liên ngân hàng từ nay đến cuối năm 2009, thông qua việc bảo lãnh các khoản nợ của các ngân hàng tại nước mình phát hành với thời hạn tối đa lên tới 5 năm. Chính phủ cam kết sẽ cứu trợ các ngân hàng bằng giải pháp mua cổ phiếu ưu đãi.
Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản đã bơm ra 20,7 tỉ USD vào hệ thống ngân hàng nước này để bảo đảm tính thanh khoản của thị trường tài chính và tiếp theo đưa ra kế hoạch 110 tỉ USD để cứu vãn hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính. Chính phủ ấn Độ cũng bơm 12 tỉ USD và Chính phủ Ô-xtrây-li-a bơm khoảng trên 10 tỉ USD vào các ngân hàng đang có vấn đề về thanh khoản.
Chính phủ Hàn Quốc cũng dành 100 tỉ USD để cứu trợ các ngân hàng và thị trường tài chính. Ngày 20-10-2008, chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan đã tiến hành quốc hữu hóa một tập đoàn ngân hàng đứng vào các ngân hàng lớn nhất của nước này.
Một quỹ cứu trợ trị giá 350 tỉ USD cũng đã được đề xuất đối với châu á, nhằm bảo vệ hệ thống tài chính thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tương đương khoảng 10% dự trữ ngoại tệ của các quốc gia trong khu vực châu á. Số tiền này do các nước trong khối ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cùng đóng góp.
Tại Trung Quốc, ngày 6-11-2008, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) cũng đã nhận được 19 tỉ USD tiền mặt cứu trợ của Chính phủ. Theo đó, thỏa thuận cứu vãn này được ABC ký kết với Tập đoàn đầu tư quốc gia Trung Quốc (CIC). Tập đoàn này sẽ sở hữu 50% vốn của ABC và Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ sở hữu 50% phần còn lại. ABC chuẩn bị cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2009.
Thứ ba, cắt giảm lãi suất cơ bản.
Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 9 đến tháng 11-2008, ngân hàng trung ương các nước đồng loạt thực hiện nhiều đợt cắt giảm lãi suất cơ bản, nhằm tăng khả năng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng và tổ chức tài chính thông qua các nghiệp vụ cho vay với lãi suất thấp và hạ thấp mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế. Thậm chí, có ngân hàng trung ương đã thực hiện tới 3 lần cắt giảm lãi suất chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 tháng; hoặc cắt giảm với mức lãi suất gấp 3 - 4 lần mức bình thường.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất chủ đạo đồng USD từ mức 2% xuống 1,5%/năm và ngày 30-10-2008, FED tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản USD xuống còn 1%/năm, lần thứ 8 kể từ tháng 9-2007 và mức thấp nhất kể từ năm 2004. Ngân hàng Trung ương Ca-na-đa giảm từ 3% xuống 2,5%/năm.
Tại châu Âu, BOE cắt giảm lãi suất từ 5%/năm xuống 4,5%/năm và ngày 7-11-2008 tiếp tục giảm xuống còn 3%/năm. Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm lãi suất đồng ơ-rô từ 4,25%/năm xuống còn 3,75%/năm và từ ngày 7-11-2008 tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống còn 3,25%/năm; Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ: từ 2,75% xuống 2,25% và từ ngày 7-11-2008 còn 2%/năm; Thụy Điển từ 5% xuống 4,25%/năm; Na Uy giảm 0,5% mức lãi suất cơ bản xuống còn 4,75%/năm.
Tại châu Á, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) cắt giảm lãi suất tới 3 lần trần lãi suất cho vay chỉ trong 6 tuần, ngày 14-9-2008, giảm từ 7,51% xuống 7,24%/năm, cuối tháng 10-2008 từ 7,24% xuống 6,93% và đầu tháng 11-2008 còn 6,66%/năm; Đặc khu hành chính Hồng Kông giảm lãi suất từ 3,5% xuống 2,5%/năm; Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cắt giảm 0,2%/năm lãi suất cơ bản xuống còn 0,3%/năm. Ngày 7-11-2008 Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cắt giảm tiếp 0,25% mức lãi suất, xuống còn 4%/năm. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, BOK đã cắt giảm lãi suất tới 3 lần.
Ngân hàng Trung ương Ô-xtrây-li-a giảm lãi suất từ 7%/năm xuống 6%/năm và ngày 4-11-2008 giảm tiếp 0,75% xuống còn 5,25%/năm.
Nhìn chung, số đông ngân hàng trung ương các nước có mức cắt giảm lãi suất mạnh nhất trong hàng chục năm qua nhằm hy vọng tác động tích cực vào thị trường tài chính. Riêng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã được cắt giảm 1%, từ 17,5% xuống còn 16,5%, thực hiện từ ngày 25-9-2008. Đồng thời Ngân hàng Trung ương Trung Quốc còn tính tới việc tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để nới lỏng tín dụng của các ngân hàng thương mại đối với nền kinh tế. Cơ quan tiền tệ Hồng Kông và ngân hàng thương mại vùng lãnh thổ Đài Loan cũng có hành động tương tự, thực hiện cắt giảm lãi suất cơ bản của mình.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, Nga, Bra-xin, ác-hen-ti-na,... cũng thực hiện cắt giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các tỷ lệ khác nhau.
Thứ tư, thực hiện các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp.
Chính phủ Nhật Bản thông qua kế hoạch cứu trợ trị giá 275 tỉ USD để cung cấp tín dụng hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước này gặp khó khăn bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giảm lệ phí giao thông trả tại các trạm soát vé trên đường cao tốc, cấp tiền trợ cấp cho các hộ dân nghèo. Đây là khoản hỗ trợ lớn nhất trong hàng chục năm qua tại Nhật Bản.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ký một hợp đồng hoán đổi tiền tệ với FED trị giá 30 tỉ USD. Theo đó, BOK gửi đồng uôn vào FED, đổi lại BOK được sử dụng USD để cứu trợ hệ thống ngân hàng trong nước. Chính phủ cũng thông qua khoản bảo lãnh vay nợ nước ngoài cho các ngân hàng và doanh nghiệp trong nước trị giá 100 tỉ USD trong thời hạn 3 năm kể từ ngày vay. Chính phủ Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch kích thích phát triển kinh tế trị giá 11 tỉ USD nhằm tăng số lượng dự án công, tạo cơ hội tham gia đấu thầu và triển khai dự án cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời kích thích chi tiêu của người dân.
Mới đây Chính phủ Trung Quốc đã thông qua gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá khoảng 586 tỉ USD để thúc đẩy kinh tế phát triển cũng như kích thích tiêu dùng trong nước. Khoản vốn này sẽ được giải ngân trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 để tài trợ cho 10 lĩnh vực chính, trong đó có xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển mạng lưới giao thông vận tải, tăng chi phí phúc lợi xã hội,... Bên cạnh đó, gói kích thích kinh tế này cũng được sử dụng cho các chương trình về cải cách thuế giá trị gia tăng, nới lỏng tín dụng và tài chính. Chính phủ Trung Quốc cũng hy vọng, thông qua gói kích thích kinh tế này sẽ góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là khu vực phía Tây còn kém phát triển, tạo thêm nhiều việc làm mới, khuyến khích xuất khẩu,...
Thứ năm, thúc đẩy cơ cấu lại các ngân hàng và hệ thống tài chính trong nước. Chính phủ các nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính, ngân hàng khác mua lại hay sáp nhập những ngân hàng bị đổ vỡ. Các ngân hàng thương mại và định chế tài chính thắt chặt các hoạt động cho vay. Các quy định về giám sát tài chính cũng đang được chính phủ, bộ tài chính và ngân hàng thương mại các nước xem xét lại, chỉnh sửa, tăng cường các biện pháp giám sát có hiệu quả hệ thống tài chính...
Thứ sáu, các ngân hàng cơ cấu lại quản trị điều hành, đặc biệt là hệ thống giám sát bảo đảm an toàn; cơ cấu lại các khoản cho vay, đầu tư, đồng thời cắt giảm nhân viên, tiết kiệm chi phí, chấn chỉnh lại các quy định nội bộ. Tập đoàn ngân hàng HSBC của Anh cuối tháng 9-2008 đã tuyên bố cắt giảm 1.100 nhân viên, nhằm làm giảm nguy cơ thua lỗ. Tại Mỹ, từ đầu năm đến hết tháng 9-2008 có khoảng hơn 150.000 người bị mất việc làm trong ngành tài chính - ngân hàng. Một số ngân hàng và định chế tài chính còn thực hiện bán lại một số bộ phận, lĩnh vực kinh doanh kém hiệu quả, tập trung các lĩnh vực có khả năng sinh lời và cơ cấu lại năng lực tài chính.
Thứ bảy, phối hợp hành động chung giữa các chính phủ các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong các biện pháp được phối hợp đồng thời, quan trọng nhất vẫn là biện pháp về mặt tài chính. Bên cạnh các khoản cho vay trị giá hàng tỉ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đối với U-crai-na, Hung-ga-ri, Ai-xơ-len,... ngày 7-11-2008, lãnh đạo khối EU cũng quyết định tăng gấp đôi mức trần viện trợ khẩn cấp cho các nước thành viên chịu tác động nặng nề của cơn bão tài chính từ 15 tỉ USD lên mức 32 tỉ USD; trong đó riêng Hung-ga-ri đã được cứu trợ 8,3 tỉ USD vào đầu tháng 11-2008.
Cùng với các biện pháp trên là việc chính phủ các quốc gia đẩy mạnh việc giải thích với những tuyên bố, cam kết được đưa ra để tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, trấn an tâm lý người gửi tiền.
Tham khảo các biện pháp nói trên, trong thời gian gần đây tại Việt Nam, các biện pháp điều hành linh hoạt và nới lỏng có giới hạn chính sách tiền tệ đã và đang được thực hiện, như: cắt giảm lãi suất cơ bản, giảm lãi suất cho vay tái chiết khấu và tái cấp vốn, giảm lãi suất cho vay thiếu hụt trong thanh toán bù trừ, tăng lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất tín phiếu bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước và cho phép các ngân hàng thương mại được thanh toán trước hạn tín phiếu này, nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá của các ngân hàng thương mại đối với khách hàng, tăng cường vốn cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn, hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa,... Đồng thời, cơ quan quản lý cũng theo dõi chặt chẽ việc cho vay vốn đầu tư vào bất động sản, cũng như tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại.
Các ngân hàng thương mại cũng tăng cường và siết chặt cho vay bất động sản nhưng vẫn xem xét cho vay dự án bất động sản có tính khả thi; tăng cường tiết kiệm chi phí, khả năng bảo đảm tính thanh khoản, trong đó có việc mua lại trên 10.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ của một số nhà đầu tư nước ngoài bán ra. Với khối lượng trái phiếu này, khi có nhu cầu cấp bách về thanh khoản có thể sử dụng giao dịch trên thị trường mở với Ngân hàng Nhà nước. Một số ngân hàng cũng cơ cấu lại tiền gửi ngoại tệ ở nước ngoài./.
Để cùng đồng bào Mông tìm lại thương hiệu cho chè Shan tuyết Suối Giàng  (17/12/2008)
Để cùng đồng bào Mông tìm lại thương hiệu cho chè Shan tuyết Suối Giàng  (17/12/2008)
Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử Việt Nam 2008  (17/12/2008)
Khủng hoảng tài chính toàn cầu: Những bước đi cứu trợ  (17/12/2008)
Huy động sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn suy giảm kinh tế  (17/12/2008)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên