1- Thế giới liệu có thống nhất hơn trong khủng hoảng

Ảnh RFI: Bản thông cáo chung của G20 nói rõ:"Việc điều tiết (thị trường tài chính) trướctiên thuộc về trách nhiệm các cơ quan điều tiết quốc gia đi hàng đầu trong việc chống lại những bất ổn định của thị trường".

Không còn cách nào khác để so sánh sự tồi tệ, người ta đã lấy cuộc đại suy thoái năm 1929 - 1933 thế kỷ trước, cách nay gần 80 năm, để nói về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đang diễn ra năm 2008.

Nhưng mọi sự so sánh đều khập khễnh, thế giới ngày nay đã có nhiều đổi thay. Nếu trong cuộc đại suy thoái trước đây, dường như các nước hành động một cách riêng lẻ, thì nay, từ Mỹ đến Liên minh châu Âu, Nga, Trung Quốc và rồi nhóm 20 quốc gia - G 20 đều đã lần lượt phải nhóm họp để bàn biện pháp cứu chữa. Quốc tế hóa các nền kinh tế đã nhanh chóng làm lây lan khủng hoảng như một thứ dịch bệnh khủng khiếp đầu thế kỷ XXI.

Các bộ trưởng tài chính và các chủ tịch ngân hàng trung ương từ 20 nền kinh tế chủ chốt của thế giới đã nhóm họp thượng đỉnh ở Sao Pao-lô Bra-din cuối tuần đầu của tháng 11(diễn ra trước cuộc họp của G20 tại Oa-sinh-tơn này 15-11-2008 một tuần). Tại đây, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Rô-bớt Dô-ơ-lích (Robert Zoellick) nói: "Các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng những năm gần đây đã bị giáng thêm bởi cú đánh của khủng hoảng tài chính. Gần như là không quốc gia nào thoát khỏi ảnh hưởng... tất cả các nước đều đang đi vào một vùng nguy hiểm". "Chúng ta cần hiện đại hoá hệ thống đa phương nhằm đem lại tiếng nói cho các quốc gia đang phát triển quan trọng như Bra-din... "Tôi nghĩ trong vòng hai năm nữa, chúng ta sẽ chứng kiến một số thay đổi thực sự trong hệ thống toàn cầu."

Trên tờ “Kinh tế châu Á”, ông Đô-mi-níc Stro-Kan (Dominique Strauss-Kahn), Chủ tịch Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, thế giới vẫn còn có thể tránh được một cuộc “Đại suy thoái” toàn cầu nếu các quốc gia phát triển và đang phát triển cùng nỗ lực giải quyết vấn đề.

Thực tế là như vậy, và một lô-gíc đơn giản là, để không bị rơi vào vòng xoáy của sự suy thoái, thì phải nhanh chóng tìm phương án thoát khói nó, trong số các phương án dù có tồi tệ, phải lựa chọn phương án ít tồi tệ nhất. Bởi thế mà dù điều kiện có ngặt nghèo và dù trước đây thường bị lên án mạnh, thì nguồn vốn vay của IMF vừa qua đã được nhiều quốc gia tính đến, như Ai-len, U-rai-na...

Vậy, liệu từ cuộc khủng hoảng này thế giới có thể có nhiều thay đổi? Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Bra-din, Lu-i I-na-si-ô Lu-la Đa Sin-va (Luiz Inacio Lula da Silva), nói: "Đã đến lúc thiết lập một thoả thuận giữa các chính phủ nhằm xây dựng một cơ cấu tài chính mới cho thế giới". "Đây là một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cần phải có các giải pháp mang tính toàn cầu". "Cuộc khủng hoảng tạo cơ hội cho những thay đổi thực sự".

Các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh tài chính G20 tại Oa-sinh-tơn, diễn ra ngày 15-11-2008 đã ủng hộ một kế hoạch hành động nhanh đối với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhất trí về việc cần phải có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, có các quy định về thị trường tài chính tốt hơn và trao vai trò lớn hơn cho các nước đang nổi lên.

Các nguyên thủ G20 tại hội nghị thượng đỉnh tại  Oa-sinh-tơn (Mỹ)  - Ảnh: AP

Hội nghị thượng đỉnh tài chính có sự góp mặt của các nước công nghiệp hàng đầu như Mỹ, Nhật, Đức và các nước đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Ác-hen-ti-na, Bra-din và nhiều quốc gia khác, đại diện cho 85% nền kinh tế thế giới.

Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép tuyên bố, cơ cấu tài chính toàn cầu được thiết lập từ cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ II (ý nói đến Hội nghị Brét-tơn Út) hiện đã lỗi thời. Nhà lãnh đạo Nga cho biết: "Cần thiết phải xây dựng kiến trúc tài chính quốc tế, đảm bảo là nó hoạt động công bằng, hữu hiệu và hợp pháp".

Một câu hỏi đặt ra là, đã thay đổi thì liệu có thể không chỉ dừng lại ở hệ thống tài chính toàn cầu hay còn hơn thế nữa?

2- Khủng hoảng là câu chuyện mới hay chỉ là “bình mới rượu cũ”?

Cách nay vừa đúng 10 năm, trong cuộc khủng hoảng tài chính khởi đầu từ châu Á, Thái Lan, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phát đi lời cảnh tỉnh rằng, một quốc gia không thể tiêu dùng hơn những gì mình có thể làm ra được. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong thời điểm đó, Thái Lan được đánh giá là sử dụng quá nhiều nguồn vốn vay ngắn hạn để đầu tư cho dài hạn.

Trong cuộc khủng hoảng lần này, đã bắt đầu không phải từ Thái Lan hay Hàn Quốc, mà là từ Mỹ, lại khởi nguồn từ chính tín dụng dưới chuẩn trong lĩnh vực bất động sản của hàng loạt các ngân hàng lớn nhỏ, trong đó có những ngân hàng tuổi đời đã gần 2 thế kỷ. Câu chuyện lại cũng không mấy khác trước ở chỗ, tín dụng dưới chuẩn (subprime) là loại tín dụng thế chấp rủi ro cao đã được các ngân hàng lạm dụng quá mức để các hộ gia đình mua bất động sản với năng lực trả nợ của họ không cao; giá trị món vay lại tùy thuộc vào thời giá của ngôi nhà định mua. Bước tiếp theo của sự mạo hiểm đó là quá trình chuyển giao nợ từ tay người này sang tay người khác thông qua quá trình trái phiếu hóa (titrisation) các khoản nợ này cho các nhà đầu tư. Thêm vào đó là các hoạt động tín dụng tiêu dùng rất phát triển tại Mỹ cho phép người dân có thể tiêu dùng vượt lên trước những nguồn thu nhập đang hứa hẹn trong tương lai. Và bởi vậy, khi “đám đông” đang hăng say cho vay - vay - tiêu dùng - nợ - trả nợ... mà tất cả đều cảm thấy có lợi, thì một lúc nào đó, một mắt xích nhỏ nào đó bị trục trặc, chẳng hạn, một cá nhân bị thất nghiệp, thì nhà kinh doanh không thu được tiền từ tín dụng thương mại, nhà ngân hàng không có tiền để chi trả - mất khả năng thanh toán. Và rồi nữa, tất cả các cuộc khủng hoảng đều do bong bóng tư bản giả phình to quá mức, đến khi “cơn lốc” đã đến thì toàn bộ nền kinh tế đều rơi vào trạng thái thiếu tiền, buộc chính phủ phải bơm hết lần tiền này đến lần tiền khác cho tới khi nền kinh tế thoát ra khỏi vòng xoáy đó.

Thực ra quá trình làm cho tư bản giả phình nhiều gấp hàng chục lần tư bản thật là một hoạt động không mới(1), thậm chí nó còn có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế. Câu nói nổi tiếng của C.Mác khi nói về xã hội tín dụng dưới chủ nghĩa tư bản là ví việc phát hành cổ phiếu, tín phiếu và trái phiếu để kích thích tăng giá trị của tư bản giả như một quá trình trong xã hội tư bản vừa kích thích phát triển mạnh vừa là một thứ lừa dối lẫn nhau, mà ông đã coi nó như là “Vừa là kẻ lừa đảo, vừa là nhà tiên tri”.

Giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, nhiều cuộc khủng hoảng chu kỳ đã được can thiệp một cách hiệu quả. Nhiều người đã tưởng rằng, học thuyết kinh tế tiêu biểu của chủ nghĩa tư bản mà ông tổ của nó là A. Xmith đã lùi vào quá khứ với “bản tay vô hình” để nhường chỗ cho “bàn tay hữu hình” mà người sáng lập ra học thuyết mới này là Keynes từ nửa đầu thể kỷ XX.

Các nhà kinh tế nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có lúc nhận định rằng, điều tiết trong chủ nghĩa tư bản đã lên tới đỉnh cao, đến mức khủng hoảng chu kỳ đã không còn khả năng tàn phá như trước đây, thời kỳ thị trường tư do của nửa sau thế kỷ XIX. Họ cũng vẫn đúng vì chủ nghĩa tư bản của gần 3 thập niên gần đây đã tách biệt khá xa với thời kỳ điều tiết trước đó do sự lên ngôi của chủ nghĩa tự do mới.

3- Chủ nghĩa tư bản cũng ngộ nhận và giáo điều

Nếu năm 1981, Rô-nan Ri-gân đã đưa ra công thức: “Nhà nước không phải là giải pháp, mà là vấn đề” để đặt chủ nghĩa tự do mới lên ngôi vị thống soái các chính sách kinh tế Mỹ, thì chưa đầy 3 thập niên sau, Chủ tịch Ủy ban tài chính Quốc hội Mỹ, ông Bác-ni Phơ-ranh (Barney Frank) của thuộc Đảng Dân chủ đã nhận định: “Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng thế giới vì quá thiếu điều tiết”.

Trước đây, người ta đã nhận ra một sự giáo điều rằng, chủ nghĩa xã hội là quốc hữu hóa, là cái gì đó không dung hợp với thị trường và sở hữu tư nhân, thì nay bản thân chủ nghĩa xã hội hiện đại đã cải tổ và đổi mới một cách cơ bản để thoát khỏi những giáo điều đó. Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (áp dụng ở Trung Quốc), kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (áp dụng tại Việt Nam) đã đem lại những diện mạo mới, những thành tựu về đầu tư, tăng trưởng và phát triển rất tích cực. Trong đó không thể không nói tới những đổi mới căn bản về tư duy kinh tế mới, không chỉ phát triển thị trường, sử dụng sự điều tiết hiệu quả của thị trường kết hớp với sự can thiệp đúng mức của nhà nước để hạn chế những khuyết tật của thị trường, mà còn sử dụng quan hệ đa sở hữu trên nền của kinh tế nhiều thành phần cùng tồn tại lâu dài, cùng hợp tác và đan xen nhau, kể cả tư bản ngoại quốc trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Thế nhưng, nay cũng ít có ai bác được một điều rằng, chính chủ nghĩa tư bản đã giáo điều trong cái mớ lý luận “cạm bẫy” của họ, đó là chủ nghĩa tự do mới phục hồi cách nay khoảng 3 thập niên với những người tiên phong khuếch trương nó là Tổng thống Mỹ R.Ri-gân (R. Reagan) và Thủ tướng Anh M.Thát-chơ. Học thuyết này cho rằng, kinh tế thị trường là tư nhân hóa và tự do hóa kinh tế, đồng thời tăng cường tính độc lập của ngân hàng trung ương - được giao nhiệm vụ duy nhất là theo dõi lạm phát. Sức ép của trào lưu đó đã lấn sang Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ép tổ chức lớn nhất hành tinh này cũng phải uốn mình theo nó để đưa ra các chuẩn mực về kinh tế thị trường và kinh tế phi thị trường để bảo vệ mình trước những cuộc “tấn công” thương mại với hàng hóa giá rẻ đến từ lĩnh vực nông nghiệp của các nước thuộc thế giới thứ ba, nhất là qua các vụ kiện về chống bán phá giá, như cá da trơn, bật lửa ga, giày mũ da, may mặc... Điều trớ trêu là, họ lại áp giá của một quốc gia thứ ba (được coi là kinh tế thị trường) để đánh giá việc có bán phá giá hay không đối với nước bị kiện.

Trong những cái gọi là “chuẩn mực thị trường” đó có một ngầm ý chính trị mà nay đã dễ nhận ra. Đó chính là chủ nghĩa tư bản đã đồng nhất mình với tư nhân hóa và thị trường tự do hóa. Sau sự đổ vỡ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, thì sự ngạo mạn đó lại càng được đẩy lên đỉnh điểm. Cách này hay cách khác, họ đã rao giảng và tìm mọi cách, nếu có cơ hội, là áp đặt việc thúc đẩy quá trình tư nhân hóa và tự do hóa, giảm thiểu tối đa sự can thiệp của chính phủ vào các quá trình kinh tế.

Một thực tế không chối cãi là nếu sự can thiệp của chính phủ quá mức cũng sẽ rơi vào cái “bẫy” của duy ý chí và lãng phí, phản phát triển. “Độc quyền dẫn đến thối nát”. Thế nhưng vấn đề là ở chỗ, phải vận dụng thế nào để cả hai bàn tay: “vô hình” và “hữu hình” đều có thể phát huy được mặt mạnh, hạn chế được những khiếm khuyết - khuyết tật của nhau trong điều tiết nền kinh tế.

Thực tế từ cuộc khủng hoảng này, chính các nước công nghiệp phát triển đã phải sử dụng tối đa “bàn tay hữu hình” của chính phủ, quốc hữu hóa, mua lại cổ phiếu của các ngân hàng bên bờ vực phá sản do mất khả năng thanh khoản. Chỉ trong vòng một tuần, chính phủ Mỹ đã phải bất ngờ quốc hữu hóa hai hãng cung ứng tín dụng thế chấp khổng lồ là Fannie Mae và Freddie Mac với số tiền lên đến 200 tỉ USD. Rồi ngay sau đó không lâu lại quốc hữu hóa hàng bảo hiểm AIG... Đến mức Tổng thống Nga đã nói một cách hài hước rằng, nước Mỹ đã đưa chủ nghĩa xã hội đến phố Uôn (Wall St.). Còn Tổng thống Vê-nê-du-ê-la, Hu-gô Cha-vết, trong bài trả lời phỏng vấn của Thời báo McClatchay, đã hài hước thực sự khi nói: “Xin chào đồng chí Bu-sơ! Đồng chí đang thẳng tiến vào con đường xã hội chủ nghĩa” (!)

Từ cuộc khủng hoảng lần này, chính nhà kinh tế học nổi tiếng từng đạt giải Nô-ben năm 2001, Joseph E. Stiglitz đã phát biểu rằng, “Thế giới dường như đang tỏ ra không còn mặn mà với chủ nghĩa tự do mới, một chiếc túi chứa đầy những ý tưởng dựa trên nền tảng cơ bản là thị trường luôn luôn tự điều tiết, phân bổ hiệu quả các nguồn lực và phục vụ lợi ích chung”.

Cũng theo ông Stiglitz, sau một phần tư thế kỷ thử nghiệm ở các nước đang phát triển, đã xuất hiện nhiều trường hợp thất bại: không chỉ các nước áp dụng chính sách tự do mới thất bại trong cuộc chạy đua thúc đẩy tăng trưởng, mà ngay cả khi đã đạt được tăng trưởng thì lợi ích từ kết quả này lại được phân chia một cách không công bằng, chủ yếu tập trung vào những người giàu.

Nhưng những luận điểm về kinh tế thị trường chỉ được các tác giả của nó từ phương Tây viện dẫn ra một cách có chọn lọc và phần nhiều mang màu sắc chính trị. Chẳng hạn, chính ông Ri-gơn (Ronald Reagan), khi luôn cổ vũ cho tự do hóa thị trường, thì lại tìm mọi cách áp đặt hạn chế thương mại, trong đó điển hình nhất là quyết định nổi tiếng nhất thời ông nắm quyền là hạn chế nhập khẩu ô-tô từ Nhật Bản vào thị trường Mỹ; trợ cấp nông nghiệp thì luôn được duy trì đến ngày nay, liên tục làm cho vòng đàm phán Đô-ha rơi vào ngõ cụt. Các nước nghèo thường lại chủ yếu phát triển nông nghiệp, trong lúc sản phẩm của họ không thể cạnh tranh nổi tại thị trường các nước công nghiệp phát triển do tại đó có những khoản trợ cấp (phi thị trường) khổng lồ.

Cũng chính ông Stiglitz đã nhận xét rất xác đáng rằng, trong một thế giới thừa thãi, vẫn có hàng triệu người ở các nước đang phát triển không được hưởng khẩu phần dinh dưỡng tối thiếu. Đang tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa lợi ích xã hội và lợi ích của cá nhân. Nếu hai lợi ích này không hài hòa, kinh tế thị trường không thể phát triển. Và rằng, “Tư tưởng tự do mới là một học thuyết chính trị phục vụ cho lợi ích của cá nhân, nó không dựa trên nền tảng của một học thuyết kinh tế. Nó cũng không dựa trên một kinh nghiệm lịch sử nào. Đây là bài học duy nhất cần rút ra từ mối đe dọa đang đè nặng lên nền kinh tế thế giới.” Và đây chính là sự cáo chung của chủ nghĩa tự do mới.

4- Đâu là bản chất của cuộc khủng hoảng?

“Tư nhân hóa lợi nhuận và xã hội hóa thua lỗ”, - đó là cách ví von trên tờ Le Monde, ngày 19-9-2008, về quá trình giải quyết khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra.

Khi mọi việc kinh doanh đang hứa hẹn nhiều lợi nhuận thì không ai có thể cản nó được. Như một cỗ xe đang lao dốc theo đà tham lam và hám lợi đó, không ai có thể cản lại được cho đến khi khủng hoảng nổ ra. Câu chuyện đó không có gì là lạ đối với thị trường tự do. C.Mác đã khái quát là nếu tỷ suất lợi nhuận lên 300% thì tự treo cổ mình lên nhà tư bản cũng sẵn sàng làm.

Khi các ngân hàng chạy theo lợi nhuận một cách quá tham lam, cộng với thể chế tài chính cho phép, hàng loạt các khoản nợ đã chồng lên nợ và đã được biến thành cổ phiếu thông quá quá trình trái phiếu hóa. Thực tế, người tiêu dùng Mỹ đã vay khá nhiều để tiêu dùng, sinh viên trả tiền ăn học... nhưng do kinh tế đi xuống, họ khó có khả năng trả được nợ... do đó chính sách giãn nợ và hỗ trợ thị trường này cũng rất cần thiết, thậm chí là vấn đề cấp bách(2).

Bởi suy cho cùng, muốn giải quyết khủng hoảng tài chính Mỹ thì cần tìm căn nguyên của khủng hoảng. Đó là các định chế tài chính, các tập đoàn đầu tư tài chính đã nắm quá nhiều tài sản là các chứng khoán hóa bất động sản, các hợp đồng phái sinh... trong khi đa phần đều là các tài sản kém tính thanh khoản. Nếu “món nợ” đó không bán được thì điều gì sẽ xảy ra với họ? Trước khi kế hoạch cả gói 700 tỉ USD được công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cả giới phân tích cũng dự báo cần phải có hơn 1.000 tỉ USD để cứu hệ thống tài chính Mỹ, mà “tâm bão” chính là các khoản nợ xấu. Có đánh giá cho rằng, dù có huy động được ngay 700 tỉ USD, thì đó cũng như “muối bỏ biển” trong đống nợ xấu khổng lồ trên thực tế.

Từ khi cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ nổ ra, các nhà phân tích đã đưa ra nhiều nguyên nhân để giải thích, trong đó một số nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là:

- Sự thay thế Đạo luật bức tường lửa Glass-Steagall bởi Đạo luật Glamm-Leach-Bliley, cho phép các ngân hàng thương mại được tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mạo hiểm như nghiệp vụ chứng khoán hóa và bán các khoản vay bất động sản khiến nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản dưới chuẩn, nhằm thu về những khoản lợi lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn nắm giữ một lượng khá lớn các khoản chứng khoán phái sinh này, một phần do không bán được, một phần do mua của ngân hàng khác nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư. Các ngân hàng cho vay bất động sản thua lỗ khi thị trường bất động sản bị vỡ bong bóng và nhiều khoản cho vay không thu hồi được, cộng với các khoản chứng khoán bất động sản bị giảm giá không phanh.

- Chính sách nới lỏng tiền tệ và chính sách "nhà cho người có thu nhập thấp" của Chính phủ Mỹ với lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tín dụng bất động sản đã có sự tăng trưởng mạnh, trong đó có một phần lớn là tín dụng dưới chuẩn.

- Thị trường bất động sản bị giảm giá. Giá bất động sản Mỹ tăng cao, vượt qua cả 5 nước có khủng hoảng lớn nhất tính vào năm 2006, gây ra các khoản nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng, trong đó phần lớn là bất động sản dưới chuẩn.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, đòn bẩy tài chính, hay thực chất là sự khuếch đại tư bản giả, mới là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ lần này. Đòn bẩy tài chính là quá trình công ty sử dụng vốn vay để tài trợ cho tăng trưởng tài sản, được tính bằng tỷ lệ tổng tài sản trên vốn chủ sở hữu. Và đây chẳng qua cũng chỉ là khâu, mắt xích yếu nhất của hệ thống tư bản mà thôi, sự ‘bục” ra đó mới chỉ là biểu hiện ban đầu, sự lan tỏa của nó mới là thực chất của cuộc khủng hoảng chu kỳ.

Đòn bẩy tài chính quá cao là nguyên nhân chính cho sự ra đi của Bear Stearns, Freddie Mac và Fannie Mae, Lehman Brothers và Merrill Lynch. Sự sụp đổ của các định chế tài chính này là ngòi nổ của cuộc khủng hoảng, dẫn đến sự khủng hoảng niềm tin của thị trường, dẫn đến làn sóng rút tiền ồ ạt, dẫn đến sự hạ thấp tín nhiệm và sự ra đi của AIG, gây ra khủng hoảng thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng liên quan đến cho vay bất động sản như Wamu và Wachovia.

Hiện cuộc khủng hoảng đã lún sâu và lan rộng ra khắp châu Âu, Mỹ La-tinh và một phần ở châu Á, chủ yếu là Nhật Bản. Châu Âu và Nhật Bản chịu nhiều thiệt hại nhất liên quan đến cho vay dưới chuẩn ở Mỹ. Ngân hàng trung ương Trung Quốc được đánh giá là hiện nay giữ khoảng 300 tỉ USD giấy nợ từ hai ngân hàng Fannie Mae và Freddie Mac. Nhật Bản và Đức (nền kinh tế lớn nhất châu Á và Âu đã chính thức thông báo rơi vào suy thoái) là hai nước nắm giữ chứng khoán bất động sản của Mỹ nhiều nhất, vì trước đó thị trường bất động sản hai nước này ở trong tình trạng đóng băng, các tổ chức tài chính trong nước buộc phải vươn ra thị trường quốc tế để tìm kiếm lợi nhuận, trong khi chứng khoán bất động sản Mỹ thì vừa dễ mua lại vừa hấp dẫn vì cho lãi suất cao.

5 - Chủ nghĩa tư bản cũng phải cải tổ một cách căn bản

Người Mỹ tiêu dùng nhiều nhất thế giới. Đã có phân tích cho rằng, nếu cả thế giới đều tiêu dùng như Mỹ thì cần một lượng tài nguyên gấp 5-7 lần trái đất hiện có.

Cựu Tổng thống Liên xô Mi-khai-in Gooc-ba-chốp, tên tuổi của ông gắn liền với công cuộc cải tổ gây nhiều tranh cãi của thế kỷ XX, cho rằng, chỉ có thể nhờ vào một cuộc cải tổ mới may ra mới có thể chiến thắng được khủng hoảng thế giới hiện nay. Theo ông, nước Mỹ và vị tân Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cần phải có những thay đổi thực sự đường lối của mình để lập lại thế cân bằng trên hành tinh vốn nó đã bị chính quyền Bu-sơ làm hỏng.

Vị cựu chủ tịch của tập đoàn dầu khí nổi tiếng của Nga HK IUKOS Mi-khai-in Khô-đô-cốp-xki cũng cho rằng, toàn thế giới bây giờ đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc cải tổ mới. Nhưng giờ đây cuộc cải tổ đó sẽ quay ngược lại về phía “tân chủ nghĩa xã hội” (chủ nghĩa xã hội mới), tiến lên trước và quay sang tả, trong bài báo mới đây với tiêu đề: “Ngoặt sang tả - 3 cải tổ toàn cầu”. Ông cho rằng, chiến thắng của Ba-rắc Ô-ba-ma tại cuộc bàu cử Tổng thống tại Mỹ - là sự cáo chung của một kỷ nguyên, mà người khởi xướng ra nó chính là R.Ri-gân và M.Thát-chơ ba mươi thập niên về trước. Còn bây giờ sự phát triển của thế giới hiện đại đang thực hiện bước ngoặt sang tả. Cựu chủ tịch tập đoàn dầu khí IUKOS khẳng định rằng, kỷ nguyên của tân chủ nghĩa xã hội (neosocialism) đã bắt đầu bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu(3).

Tại một cuộc hội thảo quốc tế về đề tài nền chính trị toàn cầu tại I-ta-li-a, chính Gooc-ba-chốp ông là người tổ chức, đã tiết lộ rằng, trong những năm tiến hành cải tổ Liên Xô, ông ta đã nói với người Mỹ rằng, “Bây giờ đã đến lượt các ngài” (ý nói đến lượt Mỹ phải tiến hành cải tổ), nhưng người Mỹ lúc đó đang trong trạng thái “say sưa với chiến thắng” nên không đếm xỉa đến những vấn đề đang đặt ra trong xã hội Mỹ. Đó là những nhu cầu phải xây dựng một mô hình xã hội mới, mà trong đó cả chính trị, kinh tế và đạo đức, xã hội đều vận hành đồng điệu với nhau./.
 

(1) Theo nhiều tài liệu, ở các ngân hàng thương mại, tỷ lệ này thường bị khống chế ở mức 12 lần, nhưng ở các ngân hàng đầu tư, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều và thường trên 20 lần. Từ năm 1975, các ngân hàng đầu tư không được phép có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao hơn 15 lần. Tuy nhiên, từ năm 2004, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã bãi bỏ quy định này đối với 5 "đại gia" phố Wall (Goldman Sachs, Merrill Lynch, Lehman Brothers, Bear Stearns và Morgan Stanley). Theo một số tính toán, tính đến đầu năm 2008, cả 5 ngân hàng này đều có tỷ lệ đòn bẩy tài chính rất cao, xấp xỉ hoặc hơn 30 lần. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi 2 "đại gia" bất động sản Freddie Mac và Fannie Mae với đòn bẩy tài chính hơn 60 lần là những nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng.
(2) Đồng hồ đo nợ chính phủ của Mỹ đã chạy hết các ô số vào đầu tháng 10 năm 2008 khoảng trên 10.000 tỉ USD
(3) NEWSru.com, ngày 07 tháng 11 năm 2008