Ngày 15-11, tại Oa-sinh-tơn (Mỹ) đã diễn ra Hội nghị cấp cao “Nhóm 20 quốc gia công nghiệp” với chủ đề “Các thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu” nhằm bàn cách khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Liên bang Nga Đ.Mét-vê-đép đã đưa ra đề nghị cần thiết phải xây dựng lại tất cả các quy chế trong hệ thống tài chính. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tuyên bố rằng: “Các cơ cấu của hệ thống tài chính hiện nay đều bất cập và cần thiết phải đổi mới. Cần phải xây dựng lại tất cả các quy chế của hệ thống tài chính”. Cơ cấu mới, theo Tổng thống Đ.Mét-vê-đép, phải cởi mở, minh bạch và đồng đều, có hiệu quả và hợp pháp. Sự cân bằng phải được kiểm soát, đồng đều về trách nhiệm, tính minh bạch để bảo đảm sự phối hợp của các chiến lược kinh tế”.

Tại cuộc gặp mặt song phương với Thủ tướng Đức A. Méc-ken, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép cũng đã tuyên bố: “Chúng ta tới Oa-sinh-tơn” nhằm giải quyết một vấn đề rất phức tạp đang diễn ra và liên quan đến mọi quốc gia. Tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ đạt được kết quả”.

Hơn 20 nhà lãnh đạo các quốc gia và chính phủ các nước phát triển và có tốc độ phát triển mạnh đã tiến hành phiên họp kín với một nhiệm vụ là thoả thuận được một chính sách chung trước cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay.

Các nhà lãnh đạo đã đưa ra những đề nghị để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đều thống nhất, vấn đề toàn cầu sẽ không thể giải quyết được từ một trung tâm. Hiện nay đã đến lúc phải giải quyết tập thể. Nga và EU đều thống nhất rằng, phải kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các quy chế của hệ thống tài chính.

Cho đến nay, hệ thống kinh tế thế giới dựa chủ yếu vào thoả thuận “Breton - Wood” được thông qua từ năm 1944, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) được thành lập với vai trò chính thuộc về Mỹ và các nước “châu Âu cũ”. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này cho thấy hệ thống này kém hiệu quả trong thế giới hiện đại và nó cần được thay đổi./.