Sự phát triển vượt bậc của các tỉnh thành phía Nam sau 40 năm
Trong dòng chảy lịch sử đó, sau 40 năm tái thiết đất nước, các tỉnh thành phía Nam đã có sự phát triển vượt bậc, diện mạo nhiều đổi thay cùng với sự đổi mới của đất nước.
Chuyển mình mạnh mẽ cùng đất nước
Nhìn lại chặng đường 40 năm, phải thấy rằng bức tranh kinh tế của đất nước và đặc biệt là bức tranh kinh tế của các tỉnh thành miền Nam đã có biến đổi rất lớn, thành tựu đáng tự hào. Số lượng các doanh ngiệp của các thành phần kinh tế đang hoạt động trên cả nước cũng như ở phía Nam tăng lên rất nhiều lần, hạ tầng thiết yếu được xây dựng cho thấy cơ chế chính sách đã tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế.
Mặc dù quy mô nền kinh tế còn nhỏ song Việt Nam đã dành nguồn lực lớn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Hệ thống giao thông ở phía Nam trước chủ yếu phục vụ chiến tranh nhưng nay chuyển sang phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phát triển hài hòa các phương thức vận tải, giữa hàng không, đường bộ, đường thủy và hàng hải, tận dụng được các lợi thế của đất nước. Đặc biệt, thông qua việc thực hiện quy hoạch điện quốc gia, phát triển các nhà máy điện cũng như lưới truyền tải điện và đặc biệt là đường dây 500kV Bắc Nam, Việt Nam giải quyết được bài toán năng lượng cho khu vực phía Nam.
“Một bước đột phá trong bức tranh kinh tế các tỉnh phía Nam, đó là từ chỗ chỉ có ngành công nghiệp cơ khí sửa chữa nhỏ, chủ yếu phục vụ cho quốc phòng, nay sau 40 năm đã hình thành được một loạt các tỉnh thành công nghiệp,” ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hồ hởi chia sẻ.
Thành phố Hồ Chí Minh hay Sài Gòn hoa lệ trước kia chủ yếu sống bằng nguồn ngoại viện, kinh tế trong trạng thái què quặt, chủ yếu phục vụ nhu cầu chiến tranh. Nhưng nay Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước, là hạt nhân của khu kinh tế trọng điểm phía Nam và là đầu tàu kinh tế của cả nước. Trung bình hàng năm, Thành phố đóng góp khoảng 1/5 GDP của cả nước và 1/3 tổng thu sách nhà nước.
Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai đến nay là những tỉnh công nghiệp. Long An cũng đang dần dần tiến lên thành một tỉnh công nghiệp. Bà Rịa-Vũng Tàu trước là một tỉnh rất nghèo nhưng nay đã hình thành một khu công nghiệp dầu khí và cụm công nghiệp dịch vụ hàng hải lớn nhất cả nước và đang hướng tới trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực.
Một ví dụ điển hình nữa của công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa, gắn với các vấn đề an sinh xã hội là Bình Dương. Bình Dương trước giải phóng miền Nam không phải là một tỉnh có vai trò lớn về công nghiệp nhưng nay đã trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại có tốc độ đổi thay lớn lao và là một điểm sáng trên bản đồ kinh tế Việt Nam với những thành tựu về đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.
Các tỉnh cực Nam Trung Bộ chuyển hướng mạnh mẽ, phát triển thương mại dịch vụ, Nha Trang là một điển hình về phát triển dịch vụ du lịch, Phan Thiết cũng vậy. Các tỉnh miền Tây Nam Bộ với thế mạnh về nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn có đóng góp lớn lao vào thành tựu xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, 8 tỷ USD thủy hải sản xuất khẩu của cả nước. Gạo Việt Nam, tôm, cá basa đã ghi dấu ấn trên bản đồ xuất khẩu thế giới.
Cùng với sự chuyển mình phát triển về kinh tế, nhằm tạo lực đẩy mạnh mẽ cho khu vực kinh tế phía Nam cũng như cả nước, Chính phủ đã quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc cả miền Đông lẫn miền Tây Nam Bộ như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Trong đó, với vai trò trung tâm kết nối phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng vai trò chủ lực cho toàn vùng Nam Bộ trong quá trình chuyển đổi và phát triển cơ chế kinh tế thị trường dù mức độ lan tỏa chưa như tiềm năng vốn có.
Theo Tổng cục Thống kê, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm khoảng 17% dân số, hơn 8% diện tích, sản xuất chiếm hơn 42% GDP, gần 40% kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp gần 60% ngân sách quốc gia. Đây là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất, là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính hàng đầu và là động lực phát triển năng động của cả nước và có tầm cỡ khu vực.
Được đánh giá là vùng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, nhưng theo tiến sỹ Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương), hệ thống kết cấu hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tuy có phát triển nhưng chưa theo kịp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang phải đối mặt với ùn tắc giao thông, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường… Khó khăn chồng chất cho Thành phố Hồ Chí Minh trong giải bài toán chống ngập đô thị là một ví dụ điển hình. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khu vực này vẫn còn thiếu những cơ chế đặc thù phù hợp cho phát triển kinh tế vùng, thiếu thể chế điều phối và liên kết của vùng hiệu quả.
Định hướng phát triển dài hơi
Theo Quyết định 252/QĐ-TTg ngày 13-02-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, đây là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dẫn đầu phát triển một số ngành sản xuất và dịch vụ tiên tiến, nhất là các ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất phần mềm, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, viễn thông, du lịch…
Quy hoạch tổng thể Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 cũng đặt ra một số mục tiêu phát triển như đến năm 2020 các ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ chiếm 95-96% tổng GDP, trong đó tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt khoảng 44%. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 3.900-4.000 USD; đến năm 2020 đạt trên 5.000 USD; tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người lên 3.700 USD vào năm 2015 và 5.400 USD vào năm 2020.
Đến năm 2030, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục là vùng kinh tế phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và điển hình về phát triển bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức. Đây là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á; là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm quốc tế…
Để thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể này, trong thời gian tới, các tỉnh, thành trong Vùng nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cần khắc phục những tồn tại, hạn chế đồng thời phải có những giải pháp mạnh mẽ.
Theo ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, các giải pháp đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế; tăng cường đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng; tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có lợi thế… Đặc biệt, cần đẩy mạnh sự phối hợp gắn kết giữa các địa phương trong và ngoài vùng trong quá trình xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong công tác bảo vệ môi trường.
Nhấn mạnh đến tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước” và phương châm “đi trước, về đích trước” mà Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra, giáo sư-tiến sỹ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Thành phố cần nỗ lực phấn đấu để tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, bền vững hơn. Theo giáo sư-tiến sỹ Vương Đình Huệ, trong giai đoạn tới, có hai vấn đề chính đặt ra cho Thành phố Hồ Chí Minh, đó là về lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp, nền tảng kinh tế còn thiếu tính cạnh tranh, đang đối diện với thách thức trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới; về lĩnh vực quản lý đô thị, thách thức lớn nhất là sự bất cập giữa trình độ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế và yêu cầu cải thiện dân sinh. Thành phố Hồ Chí Minh nên coi đây là những vấn đề quan tâm hàng đầu.
Trong mối quan hệ tương hỗ, Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò là hạt nhân, là “trục” có khả năng xoay chuyển, định hướng và dẫn dắt sự phát triển của toàn Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ sự phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tạo ra sự phát triển lan tỏa khắp khu vực Nam Bộ, tạo đà và cảm hứng phát triển cho cả nước./.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khảo sát một số làng nghề  (18/04/2015)
WB viện trợ thêm 650 triệu USD hỗ trợ các nước “ổ dịch” Ebola  (18/04/2015)
Thủ tướng Na Uy kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam  (18/04/2015)
Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước và giới luật sư  (18/04/2015)
Hơn 40 nước tham gia Diễn đàn toàn cầu chống tội phạm mạng  (18/04/2015)
G20 lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới  (18/04/2015)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên